Thứ năm, 25/04/2024 04:32 (GMT+7)

Một chặng đường chống dịch với nhiều cung bậc cảm xúc

MTĐT -  Thứ ba, 12/10/2021 16:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngành Y tế TP.HCM gửi những lời tri ân sâu sắc nhất đến tất cả các đồng nghiệp đến từ khắp mọi miền đất nước, đã cùng với nhân viên Ngành Y tế Thành phố vượt khó, dấn thân hết mình tất cả vì sức khoẻ của người dân.

Đại dịch COVID-19 do biến chủng Delta bùng phát trên địa bàn Thành phố bắt đầu từ những ngày cuối tháng 4/2021, tính đến nay (07/10/2021) đã có 403.997 ca mắc, hiện còn 20.905 trường hợp đang cách ly điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và tầng 3 (2.386 ca, trong đó 673 trường hợp đang thở máy xâm lấn), 22.257 trường hợp đang cách ly điều trị tại nhà.

Ở thời điểm đầu tháng 5/2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng (dựa vào tỉ suất mắc mới trong 7 ngày) của các quận, huyện trên toàn thành phố cho thấy tất cả đều ở cấp độ 1 (dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần).

Tuy nhiên, chỉ sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20 đến dưới 50 ca mắc/100.000 dân/tuần); số ca mắc trong tuần tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần, tử vong tăng từ 7 ca/tuần lên 20 ca/tuần. Giai đoạn này, thành phố đã thành lập 02 bệnh viện dã chiến (900 giường) và chuyển công năng của 9 bệnh viện trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 (4.238 giường).

Dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, đến ngày 7/7/2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 đến dưới 150/100.000/tuần), đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất với số ca tăng cao tại hầu hết các quận huyện trong thành phố, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000 ca/ngày (khu vực phong tỏa chiếm đa số).

Dịch bệnh lây lan rất nhanh, cho đến ngày 16/7/2021, tình trạng dịch của Thành phố tiếp tục chuyển sang cấp độ 4 (>150/100.000/tuần), số ca nhập viện tăng nhanh từ 3.317 ca/tuần  lên đến 11.069 ca/tuần, số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày. Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị trên địa bàn Thành phố đều bị quá tải, mặc dù thành phố đã liên tục thành lập thêm 10 bệnh viện dã chiến với quy mô 24.027 giường và chuyển công năng thêm 5 bệnh viện lên 14 bệnh viện chuyển đổi (4.238 giường).

Đáp ứng diễn tiến của tình hình dịch bệnh, số bệnh viện dã chiến liên tục được thành lập, tính đến 17/8/2021 Thành phố đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến (với tổng quy mô lên 39.398 giường) và chuyển công năng 54 bệnh viện (với 15.261 giường), nhưng tình hình tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, lên đến 2.105 ca/tuần vào tuần lễ từ 18/8- 24/8.

Trong vòng 1 tháng sau đó, Thành phố tiếp tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện (từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường oxy), tổng cộng Thành phố đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường).

Có thể nói, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, cả Thành phố đã trải qua những ngày hết sức khó khăn do đỉnh điểm của dịch bệnh kéo dài suốt hơn 2 tháng.

Cho đến khoảng giữa tháng 9 cho đến nay, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban chỉ đạo quốc gia và Ban chỉ đạo Thành phố, bằng nhiều giải pháp can thiệp quyết liệt, những tín hiệu lạc quan bắt đầu xuất hiện cho thấy Thành phố đã bắt đầu kiểm soát được đại dịch Delta, số tử vong giảm dần, số trường hợp mắc mới giảm dần, số trường hợp xuất viện đã rút ngắn khoảng cách và cao hơn với trường hợp nhập viện. Đó là kết quả cộng hưởng từ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố. Các cấp chính quyền, các sở ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thiện nguyện và mọi tầng lớp nhân dân đều đồng lòng, đồng sức quyết tâm chống dịch.

Riêng đối với ngành y tế, bên cạnh việc huy động tổng lực nhân viên y tế từ tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên địa bàn, Ngành Y tế Thành phố đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời và quý báu nguồn nhân lực y tế đến từ 132 đơn vị gồm các bệnh viện Bộ ngành, Trung ương, các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường Đại học, Cao đẳng trung ương, tỉnh, thành phố và Học Viện Quân y, các lực lượng chiến sĩ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các lực lượng khác cùng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, chăm lo an sinh xã hội cho người dân trên đại bàn thành phố. Tính đến ngày 30/9/2021, tổng số lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố là lên đến 187.275 người. Trong đó, Lực lượng do các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành tham gia hỗ trợ là 28.989 người, trong đó có 2.335 bác sĩ; 5011 điều dưỡng; giáo viên, sinh viên các trường y khoa là 4.760 người; 6.103 chiến sĩ quân y; 175 cán bộ chiến sĩ y tế đến từ lực lượng y tế thuộc Bộ Công an.

tm-img-alt

Cụ thể như sau:

- 8.900 nhân viên y tế tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, Bệnh viện và các Trung tâm Hồi sức COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Cụ thể như có mặt hôm nay có đại diện các đoàn công tác Sở Y tế tỉnh Gia Lai; Hà Giang; Hà Nam; Hòa Bình; Ninh Thuận; Nghệ An; Phú Thọ; Quảng Bình; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Thái Nguyên; Yên Bái; Hưng Yên; Bến Tre; Bệnh viện Bưu điện Hà Nội; Bệnh viện C Đà Nẵng; Bệnh viện Châm cứu Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện Phong Da Liễu Trung ương Quy Hoà; Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương; Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn tỉnh Nghệ An; Bệnh viện Thể thao Việt Nam và các Bệnh viện, Sở Y tế một số tỉnh thành khác (các bạn đã tham dự Hội nghị sáng thứ 4 (6/10) vừa qua tại Hội trường UBND thành phố Thủ Đức).

- Ngoài ra, còn có hơn 16.637 chiến sĩ, quân y được tăng cường từ Bộ Quôc phòng tham gia các Trạm Y tế lưu động (chăm sóc F0 tại nhà), lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; tham gia phối hợp với Công an Thành phố, Sở Y tế triển khai 236 chốt kiểm soát liên ngành và 452 tổ tuần tra kiểm soát trên địa bàn Thành phố; tham gia tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, vừa làm nhiệm vụ kiểm tra. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại 06 cơ sở của Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y Miền Đông, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5A, 5C, 5D và 5G.

Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, từ Cục Quân Y – Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Ngành Y tế Thành phố đã triển khai hiệu quả đồng thời “2 mũi giáp công” trong cuộc chiến chống COVID, đó là:

(1) Mũi giáp công thứ nhất: Xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng, tạo sự liên kết thông suôt với nhau bao gồm: các bệnh viện hồi sức tích cực ở tầng 3, các bệnh viện dã chiến ở tầng 2, các đơn vị thu dung tại tầng 1. Bộ Y tế đã huy động toàn bộ nhân lực tinh nhuệ nhất của các bệnh viện trung ương đầu ngành như: Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Đại học Y được TPHCM cùng với các bệnh viện tuyến cuối của Bộ Quốc phòng như bệnh viện Quân Y 175, 103 và các bệnh viện thuộc Bộ Công an cùng với Thành phố gấp rút xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực để tăng cường công tác điều trị hồi sức cho các trường hợp nặng, nguy kịch, nhằm giảm tỷ lệ tử vong. Bộ Y Tế đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 có trách nhiệm liên kết với bệnh viện ở tầng dưới tạo nên hệ thống bệnh viện “chị em”, thường xuyên hội chẩn các ca bệnh nặng, tổ chức đào tạo, tập huấn và trực tiếp đến chi viện kịp thời nhằm phát hiện trường hợp nặng ở tuyến dưới đưa lên tuyến trên, góp phần giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19.

(2) Mũi giáp công thứ hai: dưới sự chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố, Ngành y tế thành phố đã tập trung nguồn lực thích hợp cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng. Sở Y tế xây dựng các hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho người F0, liên tục cập nhật theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế và tình hình thực tế, theo đó, tổ chức xét nghiệm nhanh phát hiện F0 kết hợp với phát túi thuốc điều trị tại nhà, kết hợp với tổ chức tư vấn và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà từ xa (telehealth), triển khai khám chữa bệnh, cấp cứu tại nhà.

Mô hình chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà cho người F0 đã phát huy hiệu quả rõ nét; nhờ đó đã giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Hưởng ứng mũi giáp công này, Hội Y học TP, tổ chức Thầy thuốc đồng hành, trường ĐHYD TPHCM đã chủ động triển khai nhiều mô hình tư vấn từ xa qua các tổng đài 1022, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà qua các tổ y tế lưu động của các trường Y khoa, các tổ chức thiện nguyện cung cấp túi thuốc A-B và cung cấp bình oxy tại nhà cho người dân.

Ngành Y tế Thành phố xin được gửi những tình cảm tốt đẹp nhất cùng lời tri ân sâu sắc đến tất cả các đồng nghiệp đến từ khắp mọi miền của đất nước, đã cùng với nhân viên Ngành Y tế Thành phố vượt khó, dấn thân hết mình tất cả vì sức khoẻ của người dân Thành phố. Trong thời gian các bạn lưu lại và tham gia công tác khám, chữa bệnh cho người dân Thành phố, chắc chắc rằng Ngành Y tế Thành phố vẫn còn những thiếu sót trong công tác tiếp đón, điều kiện làm việc, chăm lo bữa ăn, nơi nghỉ. Nhân viên Ngành Y tế Thành phố sẽ nhớ mãi những hình ảnh thân thương khi được cùng làm việc chung với các bạn đồng nghiệp trên cả nước vì sức khoẻ của người dân thành phố, và sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Thành phố giao phó quaChỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM. Cụ thể là:

- Tập trung nguồn lực cho công tác tiêm vaccine, đa dạng hóa nguồn vaccine, huy động mọi nguồn lực đáp ứng tỷ lệ tiêm vaccine theo tiêu chí của Bộ Y tế, hướng đến bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Kiến nghị BYT cho TP thí điểm triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khi có nguồn vaccine phù hợp.

Về xét nghiệm, TP HCM thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động bóc tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

- Về chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng, TP HCM ban hành quy trình phát hiện và xử lý khi có F0 trong cộng đồng và trong quy khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động. Có kế hoạch vận hành hiệu quả mô hình Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn; Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà.

Trong công tác điều trị, tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể; nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh.

Nghiên cứu thành lập “Khoa COVID” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa. Xây dựng hệ thống cảnh báo và xác định ngưỡng năng lực điều trị COVID-19; có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.

Củng cố và phục hồi hệ thống y tế, tái cơ cấu lại hệ thống thu dung điều trị, huy động mọi nguồn lực đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân./.

PV(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Một chặng đường chống dịch với nhiều cung bậc cảm xúc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành