Thứ tư, 24/04/2024 12:03 (GMT+7)

Một đêm quét rác trong mưa

Bảo My -  Thứ tư, 27/10/2021 14:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mưa rả rích không ngừng. Âm thanh xào xạc của tiếng chổi tre vẫn đều đặn kiên trì len lỏi trong tiếng mưa rơi.

Buôn Ma Thuột về đêm gió hun hút thổi, hắt những giọt mưa nặng hạt bỏng rát vào mặt người đi đường.

12 giờ khuya. Khi những con phố đang chìm sâu trong giấc ngủ thì họ mới bắt đầu công việc thầm lặng của mình. Từ các con hẻm xuất hiện những chiếc áo phản quang lấp lánh, khuôn mặt bịt kín khẩu trang với chiếc nón đội sụp dần hiện ra dưới ánh đèn cao áp. Mặt đường quạnh vắng nằm chờ nghe tiếng chổi tre xào xạc. Những lao công lại lặng lẽ làm bạn với đêm...

Một cơn giông đang đến. Mặc kệ! Những đôi tay thoăn thoắt quét, hốt rác cho vào xe đẩy của các công nhân vệ sinh Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk không chút lỡ nhịp.

Dù mưa gió hay tạnh ráo công việc của họ vẫn luôn tiếp diễn.

tm-img-alt

Một chị công nhân vừa nói vừa không ngừng quét rác trên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai “Làm nghề này có mỏi tay cũng không được nghỉ. Rác còn trên đường phải quét cho sạch. Đúng 3 giờ ruỡi sáng xe thu gom đến lấy. Có hôm rác quá nhiều, phải làm đến hơn 6 giờ mới xong. Phần rác chưa kịp bỏ lên xe chúng tôi phải tự bỏ vào thùng rác. Gặp trời mưa, quét rác chậm, cả đội làm áp lực lắm, chân tay mỏi rã rời”.

Nhớ lại ngày mới vào nghề, cô tâm sự: “Tôi gắn bó nghề này cũng ngót 17 năm rồi. Lúc mới làm, lưng đau cứng, tay tê nhức, về nhà là nằm luôn không dậy nổi. Giờ quen rồi, biết cách cầm và buộc chổi đúng cách nên quét khá thoải mái. Sáng về vẫn làm được việc khác”. Nói xong chị bật cười hồn hậu. Tiếng cười giòn tan hòa cùng tiếng quét rác xào xạc của người công nhân ấy như xua tan không gian lạnh lẽo, u buồn về đêm.

Dạo qua tuyến phố Phan Chu Trinh, tôi bắt gặp dáng người nhỏ nhắn, gầy gò của một anh lao công khác đang cầm chổi to quét hối hả. Những động tác quét, hốt rác, đẩy xe cứ liến thoắng, không phút nghỉ tay. “Trời sắp mưa rồi, phải quét nhanh, lát mưa to rác nổi lềnh bềnh, rồi lại chảy xuống miệng cống khó quét lắm”. Miệng nói vậy nhưng anh vẫn đưa chổi chậm lại, xởi lởi tiếp chuyện với tôi. Anh tâm sự: “Nghề này có cái lạ, hễ cứ đến lễ, tết là ai cũng “sợ”. Bởi những ngày này đã không được nghỉ mà càng phải làm việc cật lực hơn, mệt gấp đôi ngày thường vì lượng rác thải những ngày này nhiều vô kể”...

Câu chuyện của chúng tôi đang nửa chừng thì cơn mưa ào đến. Từ trong túi xách cột lủng lẳng ở xe đẩy rác, anh lôi ra một chiếc áo mưa tiện lợi nhăn nhúm. Chiếc chổi tre lại trở về với nhịp làm việc hối hả. Nhìn dáng người lao công lầm lũi trong đêm, bị những hạt nước mưa theo gió thi nhau quất vào mặt, lòng tôi chợt se lại. Nào lá cây, giấy, bao ni lông… cuộn vào nhau theo dòng nước bên lề đường. Tay cầm chổi của anh cứ quét liên hồi, nhưng có vẻ nặng nề và chậm chạp hơn. Bất thình lình có chiếc xe máy vụt qua, hắt nguyên thứ nước đục ngầu lên người lao công ấy...

Mưa rả rích không ngừng. Âm thanh xào xạc của tiếng chổi tre vẫn đều đặn kiên trì len lỏi trong tiếng mưa rơi. Công việc của những công nhân quét rác ấy cứ thế, từ đêm tới sáng, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ. Vòng quay làm việc ấy cứ dài vô tận, lắm nhọc nhằn...

tm-img-alt

Ở góc đường Kim Đồng, dẫu mưa rơi rả rích vẫn có 2 người lao công hăng say làm việc với niềm hạnh phúc giản dị. Cô Nguyễn Thị Huế (52 tuổi) kể lại: “3 năm trước, tôi đang quét rác trên đường Đinh Tiên Hoàng thì vô cớ bị một thanh niên dùng gậy đánh đến ngất xỉu. May có chị đồng nghiệp cứu kịp. Từ sau tai nạn, tôi không còn phải đi làm cô độc giữa đêm khuya nữa mà có thêm bạn đồng hành”. Đôi mắt cô Huế lấp lánh hạnh phúc, miệng tủm tỉm cười nhìn qua chồng. Trên má phải của cô vẫn còn vết lõm do cú đánh năm nào, nhưng nay được lấp đầy bằng tình thương chân thành của người bạn đời. “Bà ấy đi làm một mình tôi không yên tâm. Ban ngày tôi chạy xe ôm ở bệnh viện tỉnh, ban đêm tranh thủ giúp vợ. 2 người cùng làm 2 người an toàn, công việc cũng hoàn thành sớm hơn” - chú Nguyễn Như Hào (57 tuổi) chồng cô Huế chia sẻ.

Nghề quét rác dẫu vất vả, cơ cực nhưng đây cũng là một nghề giúp họ nuôi dưỡng ước mơ. Như tâm sự của chị Lê Thị Hoài Vân, dù công việc vất vả nhưng thu nhập ổn định. Công việc chủ yếu vào ban đêm nên ban ngày chị có nhiều thời gian để làm việc khác kiếm thêm thu nhập. “Dù mỗi ngày chỉ ngủ được 2-3 tiếng nhưng tôi không mệt, vì công việc giúp tôi có tiền nuôi con ăn học. Tôi chỉ mong 2 đứa con sau này đỗ đại học tìm được công việc tốt hơn ba mẹ nó” – chị Vân lạc quan nói.

Cũng như những người công nhân làm nghề bình thường khác, trong mắt những công nhân quét rác mà tôi đã gặp, một khi gắn bó với nghề, ai cũng ấp ủ một niềm vui, một ước mơ bình dị. Những con người ấy, dù công việc lắm nhọc nhằn nhưng không ngại khó khăn để những tuyến đường luôn sạch đẹp.

5 giờ sáng, ánh đèn đường đã tắt. Cơn mưa thôi rả rích. Những cánh cửa nhà sau một đêm yên giấc dần hé mở. Nhịp sống ngày mới lại bắt đầu. Đâu đó trên góc phố, chiếc xe rác vẫn kẽo kẹt, tiếng chổi tre vang lên lao xao lòng người. Những công nhân vệ sinh vẫn miệt mài làm đẹp cho thành phố.           

Bạn đang đọc bài viết Một đêm quét rác trong mưa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.