Thứ năm, 23/03/2023 18:17 (GMT+7)

Một mình gánh cả gia đình

MTĐT -  Thứ ba, 19/10/2021 16:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những nữ công nhân vệ sinh môi trường gầy gò, chẳng nề hà nặng nhọc, thời tiết mưa rét, chỉ cần ngày hôm nay có được việc làm. Dù vất vả, khổ cực ra sao, họ vẫn cố gồng mình vì là trụ cột chính trong gia đình...

Chiếc xe chở đầy “thế giới”

Sáng 18.10, Hà Nội mưa nặng hạt, rét mướt. Giữa dòng người hối hả, bà Nguyễn Thị Khuy (sinh năm 1974) vẫn miệt mài với công việc. Khoác chiếc áo mưa mỏng tang bên ngoài thân hình gầy gò, bà Khuy chăm chú quét nốt phần rác trong ngày.

Gắn bó với nghề CN vệ sinh môi trường nhiều năm, hằng ngày bà Khuy thức dậy từ 3 rưỡi sáng để từ nhà ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội lên trung tâm thành phố làm việc. Bà Khuy có 2 người con, con gái đầu chưa có việc nên chỉ ở nhà; con trai út đang học lớp 10. Chồng bà sức khoẻ yếu nên không thể cáng đáng chuyện kinh tế gia đình. Với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng, để có tiền cho cả gia đình chi tiêu, bà Khuy phải làm thêm các công việc vặt khác.

Ngày nào cũng vậy, vừa dọn rác, bà Khuy vừa nhặt ve chai mang về bán. Chỉ vào túi phế liệu buộc bên hông xe, bà Khuy nói: “Cả ngày hôm nay lục 4 thùng rác mới được chừng ấy ve chai”. Theo bà Khuy, chỗ va chai này bán đi cũng được 20.000-30.000 đồng, bù tiền xăng xe.

Xong xuôi công việc, bà Khuy đến các quán ăn để xin cơm thừa, canh cặn về cho đàn lợn ở nhà. Đợt trước, thấy lợn được giá, bà mua 6 con về nuôi, mong lúc bán đi có thêm chút tiền. Nay giá lợn giảm mạnh, nuôi không đủ tiền cám, bán đi lại lỗ nên khi đi làm, bà Khuy mang theo xô nhựa xin thức ăn thừa... Cũng vì sự “tham lam” đó, ai cũng bảo chiếc xe của bà Khuy “đựng cả thế giới”. “Vất vả lắm. Làm 3-4 việc 1 lúc nhưng gia đình có đủ ăn đâu”, bà Khuy buồn bã nói.

Hỏi về ngày 20.10, bà Khuy nhanh nhảu: “Biết chứ, ngày của phụ nữ mà. Mấy chục năm làm vợ, làm mẹ, tôi chưa bao giờ nhận được bó hoa hay món quà nào. Tủi thân lắm chứ nhưng tiền đâu mà tặng quà” - bà Khuy nói như khóc.

“Mẹ làm sạch cho đời cơ mà”

Hằng ngày, trên chiếc xe cà tàng, chị Doãn Thị Cam (sinh năm 1982) trú tại huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội đi hơn 10km để làm công việc của một CN vệ sinh môi trường. Bắt đầu công việc lúc 14 giờ, chị Cam thoăn thoắt kéo chiếc xe ngập rác về nơi tập kết. Kết hôn khi còn trẻ, phát hiện chồng vướng vào tệ nạn xã hội, chị quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân, một mình nuôi nấng con. Bao nhiêu vất vả, khó khăn được đền đáp khi con trai đỗ vào Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội). Nhưng với đồng lương chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, chị Cam từng nghĩ: “Hay là thôi, không cho con học đại học nữa”. Chị Cam nói, chị ít được học hành, bố mẹ nghèo nên xin đi làm công nhân sớm. Chị không muốn con trai rơi vào cảnh giống mình nên đã dẹp ngay ý nghĩ, mà suy nghĩ dù có phải vay mượn khắp nơi cũng cố cho con được học hành đến nơi đến chốn.

Mỗi tháng chị Cam phải trả tiền thuê nhà, tiền điện nước… khoảng 1,5 triệu đồng. Số tiền ít ỏi còn lại, chị phải tằn tiện lắm mới có thể trang trải cuộc sống. Lúc chưa bùng phát dịch, chị xin đi làm quét dọn vệ sinh theo giờ để bữa cơm của hai mẹ con thêm miếng thịt...

Giữa khu chợ dân sinh thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, hoa tươi được bày bán ngập tràn. Trước cửa hàng hoa, người người mua bán hoa chuẩn bị kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20.10, còn chị Cam chỉ mong làm sao dọn nhanh hết rác để về với con.

May mắn nhất đối với người phụ nữ này là có một cậu con trai hiểu chuyện. Chị Cam kể, hồi còn nhỏ, con trai chị luôn giấu bạn bè về nghề nghiệp của mẹ. Khi ấy, một đứa trẻ chưa hiểu chuyện chỉ biết trách mẹ “tại sao làm nghề ấy?”. Sau này, khi con hiểu biết và nhận thức hơn, chị Cam một lần nữa hỏi con trai: “Thế mẹ làm nghề này con có xấu hổ không?”.

Hạnh phúc nhất là khi chị nhận được câu trả lời: “Có gì mà xấu hổ hả mẹ. Mẹ làm sạch cho đời cơ mà”. Không chỉ vậy, ngày sinh nhật năm ngoái, chị Cam nhận được chiếc bánh sinh nhật mà con trai chị tự tay làm tặng. Cậu ngại với mẹ nên chỉ dành những lời chúc qua tin nhắn. Nhưng đối với chị Cam, như vậy đã đủ khiến chị vượt qua tất thảy khó khăn của cuộc đời...

Bạn đang đọc bài viết Một mình gánh cả gia đình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo LĐO

Cùng chuyên mục

Tấm gương sáng của ngành vệ sinh môi trường Thủ đô
Sau hơn 20 năm gắn bó với “tiếng chổi tre”, chị Nguyễn Bích Ngọc đã trở thành ví dụ điển hình cho lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người nấu bếp, người quét rác, cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”.
Hơn 20 năm đón giao thừa ngoài đường phố
Những cận tết, khi người người, nhà nhà dành phần lớn thời gian mua sắm vật dụng, sửa soạn nhà cửa đón tết thì các công nhân vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Vinh,  Nghệ An  vẫn miệt mài thu gom, quét dọn rác trên các tuyến đường, phố.
Thầm lặng với nghề
Gần 25 năm gắn bó với nghề, đều đặn mỗi ngày, từ khi trời còn chưa sáng cho đến lúc đêm khuya, chị Nguyễn Thị Hà, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa cứ lặng lẽ, âm thầm với cây chổi quét rác làm sạch phố phường...
"Cây chổi vàng" tận tâm với nghề
Hơn 17 năm gắn bó với công việc vệ sinh môi trường, chị Đặng Hồng Thêm, công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị thành phố Sơn La vinh dự được trao giải thưởng “Cây Chổi Vàng”.

Tin mới

Lào Cai: Có 96% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh
Những năm qua, việc khai thác và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch năm sau đều cao hơn năm trước; tính đến hết năm 2022 số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%.