Thứ sáu, 19/04/2024 11:24 (GMT+7)

Một ngày theo chân công nhân vớt rác

MTĐT -  Thứ tư, 08/07/2020 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hình ảnh, việc làm, tiếng nói của người trong cuộc sẽ là lời kêu gọi sinh động, gần gũi nhất để mọi người nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh, không xả rác bừa bãi ra môi trường, kênh rạch.

Đoạn rạch rộng hơn một sải tay người lớn (chảy qua đường Phan Anh, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) có chức năng tiêu thoát nước cho khu vực nội thành TP bị biến thành nơi tập kết đủ loại rác. Xà bần, chai nhựa, túi ni-lông, thùng xốp, vải vụn, chăn, nệm và cả xác gia cầm… nằm ngổn ngang khiến dòng chảy không thể lưu thông, nước chuyển màu đen kịt.

Nín thở làm việc

Rác ken đặc đến mức tưởng như có thể đi bộ trên rạch. Rác kết thành mảng cao đến ngang ngực, ghì chặt anh Hữu (công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP) dưới dòng nước đen. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc khiến chúng tôi không thở nổi. Anh Hân, tổ trưởng, vội khuyên chúng tôi đứng xa hơn vì khí độc có thể làm viêm đường hô hấp. "Riêng anh em công nhân thì buộc phải quen với mùi độc hại này" - anh Hân bộc bạch.

Đứng dưới con rạch, anh Hữu ra sức gom đầy các gàu rác cho công nhân trên bờ kéo lên. Bị nước từ lỗ thủng dưới đáy gầu túa ra, dội thẳng xuống người, anh Hữu nhăn mặt chịu đựng. "Anh ổn chứ" - chúng tôi ái ngại. Anh lắc tay ra hiệu không sao rồi tiếp tục công việc như thường ngày.

Đứng cách anh Hữu 300 m, anh Hậu, anh Tiển hì hục dùng những thanh gỗ dài kéo rác bị mắc kẹt hai bên bờ về điểm trục vớt. Họ làm không ngơi tay. Có tất cả 7 công nhân đã tham gia vớt rác tại địa điểm này suốt 2 ngày nhưng lượng rác vẫn còn rất lớn.

Khi chiếc xe tải chở bùn, rác đã đầy 4 tấn rời đi đến điểm trung chuyển, các anh lên bờ giải lao chờ xe quay trở lại. Anh Hữu rít vội hơi thuốc lá, kể với chúng tôi: "Người dân ở đây đều ký hợp đồng thu gom rác định kỳ nhưng nhiều loại rác vì để đến 2-3 ngày sẽ bốc mùi hôi nên họ vứt luôn xuống rạch cho… tiện. Dù không còn xa lạ với mùi xú uế nhưng nhiều lúc chịu không nổi, chúng tôi phải nín thở làm việc". Chỉ tay về phía con rạch, anh nói thêm: "Bên kia là ống nước thải của nhà dân, anh em công nhân làm việc bên dưới nhưng họ cứ thế xả trực tiếp xuống. Nhiều điểm đang thi công, nước chuyển hẳn sang màu tím do hóa chất từ các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện dẫn ra".

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM ngụp lặn dưới con rạch ken đặc rácẢnh: Huế Xuân.

Nước mắt trộn bùn hôi

Ngâm mình trong nước ô nhiễm lâu ngày là nguyên nhân khiến sức khỏe các anh giảm sút nhanh chóng. Những người đàn ông lực lưỡng nhưng lại đang mang ít nhất một chứng bệnh trong người: viêm da, lở loét, thấp khớp, thậm chí phổi ứ nước, hen suyễn…

Thế nhưng, tận sâu trong những đôi mắt đỏ hoe (do khí độc từ con rạch) của các anh vẫn ánh lên tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với công việc. "TP HCM vào mùa mưa rồi, phải làm việc cật lực hơn để nước mưa có đường thoát, không thì ngập lụt khắp nơi" - anh Hữu nói.

Trên thực tế, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn rất kém là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm mức độ ngập nước của TP. Đi cùng công nhân vớt rác mới thấy rõ tình trạng xả rác bừa bãi, vô tội vạ ra kênh rạch, hệ thống thoát nước. Từ rác sinh hoạt, cây cối, thậm chí bàn ghế hư hỏng cũng được mang ra kênh vứt bỏ. Tại một số vị trí gần nhà hàng, khách sạn, quán ăn còn có tình trạng dầu mỡ xả thẳng xuống hệ thống thoát nước…

Tâm sự với chúng tôi, anh Hân kể trong một lần đang nạo vét bùn, rác dưới kênh thì bỗng từ trên bờ một bịch đầy nội tạng gà, vịt phân hủy ném xuống trước mặt các anh, vỡ tung tóe. "Thủ phạm" là một cặp nam, nữ. Hai công nhân đứng trên bờ kêu họ lại nhắc nhở liền bị chửi bới, dọa đánh. Nghề nào cũng quý, miễn là lao động chân chính. Điều này các anh đều ý thức rõ nhưng không ít lần họ phải chạnh lòng đến rơi nước mắt khi bị đối xử thiếu tôn trọng.

"Nghĩ lại thấy tủi thân lắm. Chúng tôi lao động vất vả, oằn mình khơi thông kênh rạch, cống rãnh cũng là để phục vụ mọi người, vậy mà có lúc lại nhận về sự xem thường như thế" - anh Tiển chua chát.

Câu chuyện của chúng tôi dừng lại khi chiếc xe tải quay trở về điểm vớt rác. Trời trưa nắng gay gắt, con rạch bốc mùi hôi thối dữ dội hơn nhưng các anh với gàu, xẻng… vẫn vào vị trí để tiếp tục công việc của mình.

Chia tay họ, chúng tôi vẫn nhớ như in hình anh Hữu giơ tay quệt ngang gò má, mồ hôi nhễ nhại quện với lấm tấm bùn đen chảy thành dòng lem luốc trên mặt nhưng lại nói về nghề đầy tự hào: "Nghề của chúng tôi giúp TP mình luôn sạch, đẹp".

Xót xa vô cùng

Tại hội nghị chuyên đề "Thực hiện cuộc vận động không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP HCM sạch và giảm ngập nước - Tiếng nói của những người trong cuộc" do Đảng ủy khối doanh nghiệp TP HCM, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM (Citenco) phối hợp tổ chức hồi tháng 6-2020, anh Ngô Chí Hùng (công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP) đã bật khóc khi kể về chuyện nghề của mình tại hội nghị.

"Chúng tôi đang dầm mình trong lòng cống, bỗng dưng hứng phải làn nước sôi từ công trình hay nhà máy đổ thẳng ra làm bỏng rát, phỏng tay chân. Cũng có những lúc đang hốt bùn, phải chạy vội lên bờ vì phân hầm cầu dội xuống cống... Cảm thấy xót xa vô cùng".

Theo Người lao động

Bạn đang đọc bài viết Một ngày theo chân công nhân vớt rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?