Thứ ba, 23/04/2024 13:22 (GMT+7)

Một số bản đồ cổ tiêu biểu thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ sáu, 03/02/2023 09:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm và công bố nhiều bản đồ cổ đáng tin cậy của Việt Nam cũng như của các nhà truyền giáo, hàng hải phương Tây thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh điều tra hình thế sông núi thuộc địa phương để vẽ thành bản đồ, hai lần nhà vua giao cho bộ Hộ quy định những chi tiết do các quan địa phương tiến dâng để lập thành địa đồ toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt.

Bộ Hồng Đức bản đồ được hoàn thành vào cuối năm 1469, được bổ sung nhiều lần về sau, gồm bản đồ cả nước và các địa phương, trong đó có các vùng biển, đảo, đã ghi lại khá toàn diện hình ảnh của quốc gia Đại Việt ở cuối thế kỷ XV.

Tiếp đó, khoảng năm 1686, Đỗ Bá Công Đạo (người Nghệ An) biên soạn bộ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư có đoạn mô tả về quần đảo Hoàng Sa (Bãi cát Vàng) được cho là dựa trên cơ sở trích từ tập Hồng Đức bản đồ. Trong hai bộ bản đồ này đều có vẽ một bãi cát dài nằm ở ngoài biển kéo từ cửa Đại Chiêm qua cửa Sa Kỳ đến Sa Huỳnh có ghi rõ là Bãi cát Vàng.

tm-img-alt
Cuối thế kỷ XVI, ở phương Tây xuất hiện hàng loạt bản đồ hàng hải khu vực Biển Đông, tiêu biểu nhất là bản đồ của anh em nhà Langren (Hà Lan) vẽ năm 1595 thể hiện mối quan hệ hiện hữu giữa đảo Hoàng Sa ở Biển Đông và bờ biển Hoàng Sa ở vùng Quảng Ngãi. Ảnh TL

Đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX), việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do một cơ quan quản lý hành chính cấp Nhà nước là bộ Công phụ trách, thực hiện. Tháng 3 năm Bính Tý (1816), vua Gia Long lệnh cho thủy quân phối hợp với đội Hoàng Sa đi ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình. Đến thời Minh Mạng (1820-1840), việc phái thủy quân ra Hoàng Sa đo thủy trình và vẽ bản đồ được xúc tiến đều đặn hàng năm.

Ví như năm 1834, vua Minh Mạng cử đội trưởng giám thành Trương Phúc Sĩ cùng 20 thủy binh ra Hoàng Sa vẽ bản đồ. Tiếp đó, năm 1837, thủy quân triều Nguyễn đi Hoàng Sa đã vẽ thành bản đồ 12 hòn đảo. Năm 1838, thủy quân triều Minh Mạng đã vẽ được một bản đồ chung tổng thể về Hoàng Sa. Đặc biệt, năm 1834, triều đình Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng đã hoàn thiện và công bố chính thức bản đồ quốc gia gọi là Đại Nam nhất thống toàn đồ. Bản đồ này đã thể hiện chi tiết bờ biển và hải đảo của Việt Nam, trong đó ghi rõ chủ quyền của Việt Nam bao gồm cả vùng quần đảo giữa Biển Đông.

tm-img-alt
Bản đồ Asia noviter delineata do Willem Janszoom Blaeu vẽ năm 1630 phân biệt khá rõ các quần đảo nằm ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo và quần đảo bắt đầu đặt tên chứ không gọi tên chung là Pracel nữa. Ảnh TL

Từ thế kỷ XVI, các nhà hàng hải phương Tây đã có nhiều ghi chép và bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông, được gọi là “Pracel”, “Paracel”, hoặc “Paracels”, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong Bản đồ Thế giới của Mercator xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan) năm 1606 gọi vùng quần đảo giữa Biển Đông là Baixos de Chapar (Bãi đá ngầm Champa) hay Pulo Capaa (Đảo của Champa).

Trong Bản đồ do Bartholomeu Lasso vẽ năm 1590 và 1592 -1594, in trong cuốn sách Les Portugains sur les côtes du Vietnam et du Cămpa của P.Y.Manguin in tại Paris (Pháp) năm 1972, hay tấm Bản đồ nổi tiếng do Van Langren vẽ năm 1598 được in trong cuốn Iconographie Historique de l’Indochine của P.Boudet và A.Masson, tại Paris năm 1931 thể hiện đoạn bờ biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam) đến cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là “Costa da Pracel” (Bờ biển Hoàng Sa). Như thế tức là đã từ rất lâu, các nhà hàng hải phương Tây đã coi các quần đảo giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong thuộc lãnh thổ Việt Nam lúc đó.

Trong số các bản đồ của giáo sĩ và thương nhân phương Tây liên quan đến vùng quần đảo giữa Biển Đông, nổi tiếng bậc nhất có thể kể đến An Nam Đại quốc họa đồ của Giám mục Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838, được cho là một tài liệu phản ánh những hiểu biết sâu sắc và chính xác của người phương Tây từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt mà tác giả gọi là An Nam Đại Quốc. Tấm bản đồ này khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam.

Mặt khác, nhiều bản đồ của Trung Quốc và các nước phương Tây cũng thể hiện cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ giới hạn đến cực Nam của đảo Hải Nam.

Bạn đang đọc bài viết Một số bản đồ cổ tiêu biểu thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trường hợp nào không được phép tách thửa đất mới nhất
Theo quy định của pháp luật VN, không phải bất kì trường hợp nào cũng được phép tách thửa đất ra những mảnh đất nhỏ. Nên khi muốn tách thửa đất, người dân cần biết một số trường hợp PL quy định về việc hạn chế hoặc không được thực hiện hoạt động tách thửa
Quy định về Giấy phép tài nguyên nước
Giấy phép tài nguyên nước bao gồm: Giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước biển.
Quy định về thăm dò nước dưới đất
Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
UBND xã được quyền từ chối hòa giải tranh chấp đất đai không?
Việc hòa giải tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 202 quy định “1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.”

Tin mới