Thứ tư, 11/12/2024 16:40 (GMT+7)

Mùa đông, mùa kết nối và tri ân

Trần Trọng Giá -  Thứ năm, 21/12/2023 12:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thì ra mùa đông Hà Nội khác biệt với những vùng miền khác bởi chính từ vẻ đẹp của Hà Nội, từng hàng cây góc phố, các di tích lịch sử văn hóa và các công dân Thủ đô đã góp phần làm nên một Hà Nội linh thiêng hào hoa thể hiện qua bốn mùa trong một năm.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Mỗi khi đông về, hình như nỗi nhớ trong tôi cũng ùa theo. Hình như chỉ có mùa đông con người ta mới thật nhiều suy tưởng. Lắng lại từng đêm, nghe rõ tiếng lá rơi xào xạc, nghe rõ tiếng rao đêm qua con phố nhỏ. Người bán hàng rong vẫn thường qua đây đã làm tôi quen mặt. Tôi thương tiếng rao của người phụ nữ có cái giọng đặc trưng của vùng quê xứ Thanh. “Ai bánh mỳ, bánh khúc nóng đây…” , lời rao ấy mỗi lúc một hao gầy trên con phố vắng. Những người bán hàng rong hầu hết là những người tỉnh lẻ hoặc ở ngoại thành Hà Nội. Đằng sau những đôi quang gánh là những phận đời, là cuộc sống mưu sinh, nỗi lo toan vất vả, là công việc lương thiện, gửi gắm chất chứa cả ước mơ của biết bao gia đình. Sau gánh hàng rong những đứa trẻ lớn lên mới cảm nhận hết thế nào là vinh quang và cay đắng trên đôi vai gầy của mẹ. Nhưng chính những tiếng rao đêm ấy lại là nét văn hóa khiến cho ta mỗi khi đi xa lại nhớ về Hà Nội.

Tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi. Làng Phú Nhiêu ở Ninh Bình không có tiếng rao thân thương ấy, mà chỉ thấy gió bấc tràn về và tiếng ho húng hắng của mẹ mỗi khi trời trở gió. Cả một đời, mẹ gần gũi thân quen làm bạn với đồng quê, quanh năm tảo tần, lam lũ nuôi chúng tôi khôn lớn. Giờ mẹ tôi đã khuất núi, về với nước Chúa nhưng vẫn còn đó những cơn gió của mùa đông thổi vào lòng tôi se buốt. Mỗi khi về giỗ mẹ, lại nhớ tấm lưng còng gánh cong cuộc đời của mẹ.

Mẹ về nước Chúa lâu rồi
Cha vừa khuất núi giữa đời bỏ con
Mẹ ơi! Năm tháng mỏi mòn
Nay đền ơn mẹ có còn nghĩa chi!
Hôm nay ngày giỗ con về
Gánh cong đời mẹ chợ quê, bế bồng.

Hà Nội đêm trở gió, vẳng nghe lời ca từ đâu đó vọng lại: Chiều đông sương giăng phố vắng/ Hàng cây lặng câm tháp cổ mặc trầm/ Ta còn chờ ai nhạt phai sắc nắng/Heo may tan nhoà bao giấc mơ xưa… Thì ra mùa đông Hà Nội khác biệt với những vùng miền khác bởi chính từ vẻ đẹp của Hà Nội, từng hàng cây góc phố, các di tích lịch sử văn hóa và các công dân Thủ đô đã góp phần làm nên một Hà Nội linh thiêng hào hoa thể hiện qua bốn mùa trong một năm. Nói đến mùa đông là nói đến lạnh giá. Thậm chí có những ngày rét cắt da cắt thịt. Nhưng chính những làn sương giăng trên phố, sương giăng trên Hồ Tây, Hồ Gươm vv… hay những tia nắng xuyên qua hàng cây trầm mặc trên đường phố Hà Nội. Bắt gặp những cô gái với trang phục mùa đông, quàng khăn ấm thả bộ trên đường, hay gặp cô gái với gánh cúc họa mi, gặp hương vị từ những quán ăn tỏa ra… nó làm cho Hà Nội trở nên lãng mạn hơn, gần gũi hơn, ấm cúng hơn, nó xua tan cái lạnh giá của Hà Nội. Đó chính là sự khác biệt không lẫn với mùa đông ở những vùng miền khác. Nhưng tôi yêu mùa đông Hà Nội còn bởi một lẽ nó ăn sâu đậm nhớ trong trái tim người lính, bởi có một ngày thiêng liêng đối với quân đội, ngày 22-12.

Chúng tôi vừa có dịp lên Cao Bằng dự buổi gặp mặt các Cựu chiến binh trung đoàn 852 từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Qua khu rừng Trần Hưng Đạo lại nhớ 79 năm về trước, tại khu rừng này, ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, với 34 chiến sĩ trong đó có 25 chiến sĩ con em các dân tộc Cao Bằng. Ông đặt tên Đội là "Trung đội Trần Hưng Đạo" theo tên gọi của vị anh hùng dân tộc. 79 năm qua, mỗi khi nhắc đến quân đội là nhắc đến Bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh anh Vệ quốc đoàn với chiếc áo trấn thủ vượt quan đạn bom, vượt qua những mùa đông giá lạnh để cầm súng chống giặc thù. Cho đến hôm nay và mãi mãi tình đồng chí, đồng đội của những người lính chẳng bao giờ đổi thay bởi họ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Cơn gió lạnh nơi biên viễn làm tôi lại nhớ đến bài thơ Đồng chí của Nhà thơ Chính Hữu:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.

Vậy nên, mỗi khi đông về ai cũng có thể cảm nhận về cái rét cắt da cắt thịt, nhưng trong lòng lại thấy ấm áp khi nhớ về “mùa đông Binh sĩ”. Sinh thời mẹ tôi hay nhớ hay kể về những năm tháng khốn khó, mẹ vẫn thường nhẩm hát bài Áo mùa đông của nhạc sĩ Đỗ Nhuận:

Gió bấc tới đây xào xạc rung cây lá lá bay
Một mùa đông bao người đan áo
Gió hút theo mây người nào đem manh áo tới đây
cho người lính đêm đông này
Này người ơi tôi nhớ thấy nhiều người bạn tôi
trong nắng chiều ngồi miền quê đan áo
Này người ơi tôi nhớ thấy nhiều người mẹ
mong con ngóng những chiều chờ cầm áo đưa theo…

Sắp tới chúng tôi lại có dịp đến với mảnh đất Vị Xuyên Hà Giang để thắp nén hương tưởng nhớ và tri ân các chiến sĩ và đồng bào, để gặp mặt những người đang sống vì mảnh đất Hà Giang, vì những người đã khuất. Cho nên trong tôi mùa đông, mùa của kết nối và tri ân là vì vậy…

Bạn đang đọc bài viết Mùa đông, mùa kết nối và tri ân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Thèm...
Cùng nhau ngắm một bông hoa////Giữa ồn ào phố, ly cà phê nâu....

Tin mới