Mỹ: Bão Francine áp sát đất liền, sức gió 100km/h
Ngày 10/9, bão Francine đã gia tăng sức mạnh và trở thành bão cấp 1 khi tiến gần tới bang Louisiana phía Nam nước Mỹ.
Cơn bão đang gây lo ngại gây sóng dâng, mưa lớn và lũ lụt dọc theo bờ Vịnh Mexico.
Theo thông báo từ Trung tâm Bão quốc gia (NHC) Mỹ, bão Francine hiện di chuyển với vận tốc gió 120 km/h và có khoảng 24 giờ để gia tăng sức mạnh trên vùng nước ấm trước khi gặp điều kiện gió mạnh gần bờ biển Louisiana. Hiện tại, cảnh báo bão đã được ban bố đối với một phần bờ biển Louisiana.
NHC dự báo bão Francine có thể tăng cường nhanh chóng khi đi qua Vịnh Mexico, nhưng dự kiến sẽ suy yếu khi đổ bộ đất liền. NHC cũng cảnh báo sóng biển có thể dâng cao tới 3 mét, đe dọa tính mạng người dân các khu vực dọc bờ biển Louisiana và Mississippi, trong khi lượng mưa lớn và lũ lụt có thể xảy ra tại khu vực Vịnh Florida trong ngày 12/9.
Thống đốc bang Louisiana Jeff Landry đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden ban bố tình trạng khẩn cấp đối với khu vực này, nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ ở cấp liên bang sẽ giúp người dân bảo vệ được tính mạng và tài sản. Hiện Lực lượng Vệ binh quốc gia Louisiana cũng đang huy động trực thăng, thuyền và vật tư để chuẩn bị cho việc sơ tán cư dân và cứu hộ - cứu nạn.
Đường đi của bão được cho là một thách thức lớn đối với cho các nhà máy xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) mới xây dựng tại Vịnh Mexico. Khu vực này cung cấp khoảng 15% sản lượng dầu của Mỹ và 2% sản lượng khí tự nhiên.
Để đề phòng ảnh hưởng của bão Francine, các công ty năng lượng đã ngừng sản xuất 412.070 thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 24% sản lượng dầu của Mỹ ở vịnh Mexico, và sơ tán công nhân của 30 giàn khoan. Trong khi đó, sản lượng khí tự nhiên khai thác tại khu vực này cũng giảm khoảng 26%.
Bang Louisiana từng hứng chịu cơn bão Katrina - một trong những cơn bão tàn phá nhất trong lịch sử nước Mỹ, cướp đi sinh mạng của hơn 1.800 người trong năm 2005. Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu dường như đang khiến các cơn bão xuất hiện ngày càng nhiều hơn và khốc liệt hơn, được tiếp sức bởi tình trạng ấm lên của đại dương.
An Đông (T/h)