Thứ tư, 24/04/2024 01:42 (GMT+7)

N & P - cặp đôi 'sát thủ'

MTĐT -  Thứ năm, 20/04/2017 14:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đây là nguyên nhân của hiện tượng tảo nở hoa tại các sông, hồ – không chỉ gây ô nhiễm mà còn tạo ra các sự cố môi trường nghiêm trọng.

Nitơ, phốt pho nếu không được xử lý khi xả ra môi trường sẽ gây ra hiện tượng phú dưỡng. Đây là nguyên nhân của hiện tượng tảo nở hoa tại các sông, hồ – không chỉ gây ô nhiễm mà còn tạo ra các sự cố môi trường nghiêm trọng. 
“Kẻ” gây hiện tượng phú dưỡng
Hợp chất hóa học chứa nitơ, phốtpho là đối tượng gây ô nhiễm khá trầm trọng cho môi trường. Khi thải 1 kg nitơ dưới dạng hợp chất hoá học vào môi trường nước sẽ sinh ra được 20 kg COD. Tương tự như vậy, 1 kg photpho sẽ sinh ra được 138 kg COD dưới dạng tảo chết. Nitơ trong nước thải cao, chảy vào sông, hồ làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng gây ra sự phát triển mạnh mẽ của các loại thực vật phù du như rêu, tảo gây tình trạng thiếu oxy trong nước, phá vỡ chuỗi thức ăn, giảm chất lượng nước, phá hoại môi trường trong sạch của thủy vực, sản sinh nhiều chất độc trong nước như NH4+, H2S, CO2, CH4… tiêu diệt nhiều loại sinh vật có ích trong nước. Hiện tượng đó gọi là phú dưỡng nguồn nước.
Hiện nay, phú dưỡng thường gặp trong các hồ đô thị, các sông và kênh dẫn nước thải. Tại Việt Nam nhiều hồ lớn trong đô thị đang xảy ra tình trạng phú dưỡng như hồ Xuân Hương (Đà Lạt), hồ Linh Đàm, hồ Văn Quán, hồ Tây… (Hà Nội). Tình trạng phú dưỡng đã dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa trong hồ Văn Quán vào tháng 10/2016 và tại hồ Xuân Hương vào tháng 4/2016. Đặc biệt là tại khu vực Hà Nội, sông Sét, sông Lừ, sông Tô Lịch đều có màu xanh đen hoặc đen, có mùi hôi thối do thoát khí H2S. Hiện tượng này tác động tiêu cực tới hoạt động sống của dân cư đô thị, làm biến đổi hệ sinh thái của nước hồ, tăng thêm mức độ ô nhiễm không khí của khu dân cư. 
Theo PGS. TS Mai Liên Hương, Cục Phó cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng), nitơ và phốt pho không chỉ là hai tác nhân gây ra hiện tượng phú dưỡng trong nguồn nước sông, hồ mà còn có nguy cơ tạo nên chất tiền ung thư, suy hô hấp ở trẻ em…
Trông người...
Tình trạng gia tăng các chất ni tơ và phốt pho trong nước thải đô thị gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe con người. Vì vậy, để kiểm soát ni tơ và phốt pho, nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ từ thập niên 70 của thế kỷ trước đã ban hành những đạo luật kiểm soát chặt chẽ nồng độ nitơ, phốt pho trong nước thải và chi 200 tỷ USD cho các nhà máy xử lý. 
Tại Phần Lan, Chính phủ đã quy định: Tất cả các hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt phục vụ khu dân cư trên 10.000 người cần phải giảm thiểu 70% lượng nitơ trong nước thải. Trong chiến lược bảo vệ nguồn nước của mình Phần Lan yêu cầu hệ thống xử lý nước thải cần phải loại bỏ được hợp chất nitơ khi các nguồn nhận nước trong nội địa có nguy cơ bị thiếu oxy do ô nhiễm amoniac hoặc có tác động xấu đến chất lượng nước cấp hay đời sống của thuỷ động vật… 
Còn tại Đan Mạch chương trình hành động giảm thiểu ô nhiễm chất dinh dưỡng quy định chỉ tiêu thải chung cho nước thải sinh hoạt về BOD, tổng nitơ và tổng phốt pho. Các chỉ tiêu thải liên quan đến quy mô của hệ thống xử lý tính theo số người được phục vụ, hệ thống. Trong chương trình hành động có tới 289 hệ thống xử lý nước thải phải hạ thấp nồng độ phốt pho xuống dưới 1,5 mg/l, 165 hệ xử lý phải giảm nồng độ nitơ xuống dưới 8 mg/l. 
Mà ngẫm đến ta
Trong khi các nước quan tâm xử lý ni tơ, phốt pho từ rất sớm, vấn đề này tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù, Việt Nam đã có một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về nước thải, trong đó có những thông số liên quan đến hàm lượng nitơ, phốt pho nhưng đa số các nhà máy xử lý nước thải đô thị khi xây dựng chưa chú trọng đến điều này. Chỉ 7/35 nhà máy có thể xử lý các chất này triệt để. Hiện, ở Việt Nam mới chỉ có 6 công nghệ xử lý nước thải, trong đó 3 công nghệ xử lý được nito và phốt pho. Nhiều nhà máy sử dụng công nghệ xử lý nước thải chưa phù hợp như: Nhà máy XLNT Cần Thơ, nhà máy XLNT Cao Lãnh, nhà máy XLNT Hoa Cương, Sơn Trà, Phú Lộc (Đà Nẵng)…
Theo PGS. TS Trần Thị Việt Nga – Khoa Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng: “Trong hơn hai thập kỷ qua, nhiều công trình xử lý nước thải (XLNT) đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm cấp bách ở Việt Nam. Tuy vậy, các công nghệ áp dụng phổ biến dựa trên quá trình sinh học truyền thống, chủ yếu nhằm loại bỏ các chất rắn không tan, chất hữu cơ và vi sinh vật trong nước thải mà thực tế các hệ thống xử lý không có công trình loại bỏ N, P nên trong nhiều trường hợp không đạt yêu cầu xả thải”.
Vì vậy, tại Hội thảo chuyên đề “Xử lý nitơ, phốt pho trong nước thải đô thị ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp” các nhà khoa học khuyến cáo nên sử dụng công nghệ XLNT bằng phương pháp sinh học. Với chi phí đầu tư và xây dựng công trình xử lý N, P cao hơn công trình XLNT truyền thống, nhưng hiệu quả lại gấp từ 1,5 - 3 lần. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải có bộ quy chuẩn Việt Nam cho các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung, trong đó, chú trọng quy định về xử lý các thành phần N và P. 
Đã đến lúc ngành chức năng cần sớm có biện pháp để giảm thiểu tối đa thành phần nitơ và phốt pho trong nước thải, nếu không, môi trường nước, nhất là các hồ đô thị sẽ còn gặp nhiều rủi ro và ô nhiễm.
Theo TN&MT
Bạn đang đọc bài viết N & P - cặp đôi 'sát thủ'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới