Thứ sáu, 26/04/2024 04:46 (GMT+7)

Năm 2021: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng

MTĐT -  Thứ tư, 05/01/2022 08:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đây là tiền đề quan trọng để toàn ngành bước vào năm 2022, với những kỳ vọng lớn hơn.  

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp trong quý IV-2021, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, sau khi các địa phương thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP (ngày 11-10-2021) của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, sản xuất công nghiệp đã khởi sắc rõ nét, giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020 (quý I tăng 6,44%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 4,4%; quý IV tăng 6,52%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 1,61% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất năm 2021 của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với năm 2020 bao gồm: Kim loại tăng 22,1%; xe có động cơ tăng 10,2%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%; khai thác than cứng và than non tăng 9%; dệt tăng 8,3%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 8,1%; sản xuất trang phục tăng 7,6%. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký, đạt 7,25 tỷ USD, chiếm 47,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái mới. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Thông tin thêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, Nghị quyết số 128/NQ-CP đã tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp. Nếu như trong quý III-2021, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, thiếu lao động nên không bảo đảm tiến độ giao hàng, thì sang quý IV-2021, với trạng thái “bình thường mới”, tình hình sản xuất đã khởi sắc nhanh chóng. Trong ngành Dệt may, hầu hết các doanh nghiệp trở lại hoạt động, đặc biệt là người lao động của ngành đã trở lại làm việc với tỷ lệ rất cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp Vinatex phục hồi sản xuất, kinh doanh và đạt được các kết quả khả quan. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Vinatex ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với năm 2020, đạt 170% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Ngành Dệt may đã giữ được vị trí trong tốp 3 các nước xuất khẩu dệt may và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất về cơ hội phục hồi trong năm 2022.

Đánh giá về triển vọng năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả đạt được trong năm 2021 là tiền đề quan trọng để sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và là trụ cột đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Lê Trung Hiếu, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, với phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn để phát triển kinh tế, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì sản xuất và đà phục hồi trong thời gian tới.

Ở góc độ quản lý nhà nước, trong năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP. Bên cạnh đó, Bộ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. Cùng với đó, ngành Công Thương sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, giúp doanh nghiệp khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động, phục vụ cho sản xuất.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành Công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Nhấn mạnh thêm về giải pháp để thích ứng và phát triển trong năm 2022, từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Eastern Sun Việt Nam Đào Quang Dũng cho rằng, chuyển đổi số sẽ là mũi nhọn phát triển kinh tế đất nước trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo. Theo đó, doanh nghiệp công nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới, tái cấu trúc và áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều này cần đến sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, như chính sách tài chính, đào tạo, đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và giải quyết bài toán an sinh xã hội...

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Năm 2021: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.