Thứ bảy, 20/04/2024 23:38 (GMT+7)

Năm 2021 sẽ có hành lang pháp lý về cải tạo chung cư cũ?

MTĐT -  Thứ ba, 12/01/2021 14:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Vừa qua đã diễn ra Họp báo quý IV/2020 của Bộ Xây dựng, tại đây Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến các đơn vị liên quan để sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; hoàn thiện giải pháp và cố gắng trong năm 2021 sẽ có hành lang pháp lý về cơ bản.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Phần lớn các khu CCC tại Hà Nội được xây dựng cách đây 50 - 60 năm, đến nay đã hết niên hạn sử dụng. Nhiều nhà đã nứt, lún chờ đổ sập, bê tông đã giảm chất lượng, các lớp bảo vệ bong tróc như tại nhà A7 Tân Mai, C8 Giảng Võ… Việc cải tạo, xây dựng lại là vấn đề cấp bách để đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, "Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là vấn đề không đơn giản", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định tại buổi Họp báo.

Những khó khăn cho công tác này:

Thứ nhất là khó khăn từ quy định của pháp luật. Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chủ đầu tư và chủ sở hữu tự thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong khi chưa có khung giá quy định chung. Ngoài ra, khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014, quy định đối với nhà chung cư cũ không phải nguy hiểm cấp D phải nhận được sự đồng thuận của 100% các hộ dân.

Đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết, bên cạnh những hộ gia đình ý thức được mức độ nguy hiểm của chung cư đã xuống cấp, tự nguyện di dời để thực hiện dự án cải tạo, xây mới nhà, vẫn còn nhiều hộ không chịu hợp tác và có sự đòi hỏi vượt quá so mức giá trị chung trên thị trường. Trong khi đó, trước đây quy định về việc chỉ cần 2/3 cư dân đồng ý là có thể thu hồi mặt bằng nhưng với quy định mới, các cơ quan chức năng không thể can thiệp được, tất cả đều phải dựa vào thái độ hợp tác từ phía người dân, gây khó khăn cho việc triển khai.

Thứ hai, khối lượng chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước hạn hẹp. Vì vậy, phương thức xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư là phương án khả thi hơn cả. Tuy nhiên, khi tiếp cận các dự án dạng này, nhà đầu tư nhận thấy không mang lại hiệu quả cho mình bởi trong khu vực nội đô công trình bị giới hạn chiều cao, số tầng. Bên cạnh đó, số lượng hộ dân di dời rất lớn, chủ yếu đều có nhu cầu tái định cư tại chỗ. Phương án đền bù cũng rất khó nhận được sự đồng thuận của 100% hộ dân, nhất là với những hộ đang sinh sống ở tầng 1.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Quang Hùng, tại các chung cư cũ rất đa dạng về chủ sở hữu (sở hữu nhà nước, cá nhân, tập thể). Do đó, việc bảo đảm 100% chủ sở hữu đồng thuận để lựa chọn một hình thức cải tạo nhà chung cư hay lựa chọn chủ đầu tư theo quy định hiện nay là rất khó khăn; đặc biệt là các hộ tầng 1 đang có nhiều lợi ích kinh tế...

Trước các nguyên nhân trên, để "gỡ vướng", thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP, trong năm 2020, Bộ Xây dựng đã tổ chức hai hội nghị với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - hai địa phương có số lượng nhà chung cư cũ lớn nhất cả nước, để tìm giải pháp khả thi cho công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong thời gian tới.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng giao là đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP. Hiện, Cục vẫn đang tiếp thu ý kiến của các đơn vị có liên quan để hoàn thiện, trình Bộ Xây dựng, Chính phủ trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, sau khi đã có hành lang pháp lý cơ bản, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa Luật Nhà ở để có hành lang pháp lý rộng hơn, từ đó thúc đẩy công tác tái thiết, cải tạo các chung cư cũ.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng thực hiện được nêu tại thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nhà tập thể cũ) tại các đô thị lớn thời gian qua, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng công tác này còn gặp khó khăn, bất cập. Đặc biệt là vướng mắc về quy hoạch liên quan đến chỉ tiêu dân số và chiều cao công trình tại khu vực nội đô.

Từ đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 2.500 nhà chung cư cũ, tương đương khoảng hơn 3 triệu m2 sàn được xây dựng từ trước năm 1994. Trong số này có hơn 600 nhà chung cư, tương đương khoảng 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm (phân loại cấp C,D). Thế nhưng, 10 năm qua số nhà chung cư đã được cải tạo sửa chữa vẫn chưa chạm mốc 20 (dưới 3%)./.

PV (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Năm 2021 sẽ có hành lang pháp lý về cải tạo chung cư cũ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất