Thứ sáu, 29/03/2024 14:43 (GMT+7)

Năm cuối nhiệm kỳ và kết thúc ảm đạm với tổng thống Donal Trump

MTĐT -  Thứ ba, 12/01/2021 16:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ còn không đầy 10 ngày nữa, nhiệm kỳ Tổng thống 45 của nước Mỹ sẽ kết thúc, chấm dứt 4 năm đầy phức tạp, nhiều biến động nhưng cũng không ít những rắc rối.

6 tháng 1/ 2021 Ngày đen tối với Donal Trump

Hai tháng cuối năm 2020 và những ngày đầu của năm 2021, Donal Trump trong trạng thái ngỡ ngàng đến không tưởng, khiến cho một con người vốn xưa nay ít chịu thất bại và tự tin đến ngạo mạn phải quay cuồng trước thực tế nghiệt ngã và cả những thuyết âm mưu về “Một cuộc bỏ phiếu bị đánh cắp” đã khiến ông rơi vào tâm trạng hoài nghi cao độ để rồi sau đó là hàng chục đơn kiến nghị cùng hàng trăm triệu đôla cho việc kiểm phiếu lại nhưng vẫn bị tòa án các cấp bác bỏ vì thiếu chứng cứ.

Không còn hy vọng ở Tòa án Liên bang và các bang dù trong đó không ít thẩm phán cao cấp đã được Tổng thống Trump bổ nhiệm bất chấp cả những thách thức của dư luận và phía đối lập. Ông Trump đặt mọi hy vọng vào “canh bạc cuối” để “lật kèo”trong ngày định đoạt 6/1 với sự hỗ trợ từ một số Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa.

Để tạo thêm áp lực cho các Nghị sĩ ủng hộ mình, ông Trump kêu gọi người biểu tình kéo tới thủ đô Washington D.C., gây sức ép lên Quốc hội và Phó tổng thống Mike Pence nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2020 nhằm giữ lại nhiệm kỳ tổng thống lần hai cho bản thân.

Sáng 6/1, trước Nhà Trắng, ông Trump cổ vũ hàng nghìn người ủng hộ, kêu gọi họ "hành quân" tới Điện Capitol - Trụ sở Quốc hội - để tiếp tục cuộc chiến chống lại điều mà ông cáo buộc là cuộc bầu cử "bị đánh cắp", "Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng, không bao giờ chịu thua. Đất nước đã chịu đựng quá đủ. Chúng ta sẽ không chấp nhận thêm nữa", ông Trump nói.

Đám đông người ủng hộ Tổng thống Trump sau đó đã tuần hành từ Nhà Trắng tới bên ngoài Điện Capitol và điều không ngờ đã xảy ra hàng trăm kẻ cuồng nộ đã bất chấp hàng rào cảnh sát lao vào tấn công trụ sở quốc hội. Đây là sự kiện hiếm có sau lần đầu tiên kể từ năm 1814, thời điểm chiến tranh Anh - Mỹ (1812-1815) đang diễn ra, tòa nhà quốc hội Mỹ đã bị xâm nhập bởi đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Cuộc bạo động đã khiến cho 2 cảnh sát và 4 người dân thiệt mạng, các nghị sĩ phải sơ tán và phiên họp phải dời lại vào buổi tối cùng ngày.

Cuộc bạo động đã được dập tắt sau bốn giờ tại điện Capitol và kết quả của nó đem kết quả ngược lại chẳng những không thể “lật kèo” mà còn củng cố thêm kết quả chắc chắn của ông Joe Biden.

Sự việc cũng khiến cho nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa ban đầu tuyên bố quyết tâm phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri, nhưng cuối cùng đã từ bỏ bởi lo lắng cho nền dân chủ bị phá vỡ. Một số người khác quay ra kêu gọi hợp tác lưỡng đảng và tập trung vào những giá trị chung và cấp bách của đất nước.

Thượng nghị sĩ Nam Carolina Lindsey Graham, đồng minh thân cận của Trump, cũng tỏ ra hết kiên nhẫn với Tổng thống. "Quá đủ rồi. Hết là hết. Mọi thứ đã chấm dứt", Graham, người cũng là bạn bè lâu năm của Biden, đề cập tới nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của phe Cộng hòa trước quốc hội.

Đáng chú ý nhất trong số họ là lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, người kêu gọi thống nhất nhằm chống lại những kẻ bạo loạn gây rối ở Washington. "Thượng viện Mỹ sẽ không bị đe dọa. Chúng tôi sẽ không rời đi vì những kẻ côn đồ, cướp bóc hay dọa dẫm. Chúng tôi sẽ chấm dứt chính xác những gì mà chúng tôi đã bắt đầu, và sẽ chứng nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020", McConnell tuyên bố.

Thượng nghị sĩ bang Georgia Kelly Loeffler (Đảng Cộng hòa) tuyên bố tại cuộc họp đếm phiếu đại cử tri của lưỡng viện quốc hội rằng sau khi chứng kiến sự náo loạn tại tòa nhà quốc hội, bà không còn phản đối việc chứng nhận kết quả cho ông Biden đắc cử nữa.

Theo bình luận viên Glenn Thrush của NY Times, Trump giờ đây bị coi là người kích động bạo loạn, trong khi Biden lại được ca ngợi là người bảo vệ thể chế chính trị Mỹ.

Cuộc họp Quốc hội Mỹ tối 6/1 đã kết thúc với kết thúc công nhận Joe Biden trúng cử Tổng thống Mỹ thứ 46 với 306 phiếu Đại cử tri Donal Trump được 232 phiếu không hề có một sự khiếu nại nào khác như tình hình đã diễn ra những ngày trước đó.

Tương lai ảm đạm không chỉ đối với Trump mà còn cho cả đảng Cộng hòa

Đến thời điểm này, đảng Cộng hòa lại bước vào một thời kỳ khó khăn mới. Ông Trump ra đi để lại đảng Cộng hòa ở phe thiểu số tại Hạ viện, đồng thời mất Nhà Trắng cũng như quyền kiểm soát Thượng viện. Không những vậy, đảng Cộng hòa còn ghi dấu ấn không mấy đẹp đẽ và đầy mâu thuẫn khi có một cựu tổng thống tai tiếng sau 4 năm gây nhiều tranh cãi, kết thúc bằng vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội, nhưng mặt khác lại vẫn có sức ảnh hưởng to lớn đối với bộ phận không nhỏ cử tri bảo thủ.

Không ít đảng viên Cộng hòa đổ lỗi cho Tổng thống Trump bởi tình thế ngặt nghèo của đảng này hiện nay.

Việc đảng Dân chủ thắng cả 2 ghế thượng nghị sĩ ở Georgia, qua đó giành quyền kiểm soát Thượng viện, có một phần trách nhiệm của ông Trump, khi tổng thống liên tục tung ra cáo buộc gian lận bầu cử vô căn cứ, đồng thời chỉ trích các quan chức Cộng hòa tiểu bang.

Giữa hàng loạt chỉ trích sau vụ bạo loạn chấn động tại Đồi Capitol, Tổng thống Donald Trump đã xuất hiện trong đoạn video dài hơn 2 phút sáng 8-1 giờ Việt Nam.

Ông lên án các hành động phá hoại và bạo lực tại Đồi Capitol đã khiến ít nhất 5 người chết (bao gồm cả cảnh sát), cam kết sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ và có trật tự. Dù không hề nhắc tới Tổng thống đắc cử Joe Biden, giọng điệu của ông Trump đã thể hiện sự nhượng bộ. Tuy nhiên, sau khi đưa ra cam kết sẽ đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, êm thắm, ngày 8-1, ông Trump viết trên Twitter cho biết mình sẽ không dự lễ tuyên thệ nhậm chức của người kế nhiệm, Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20-1.

Phe Dân chủ, với những tiếng nói cáo buộc ông Trump kích động vụ bạo loạn ngày 6-1, cho rằng tổng thống phải bị phế truất dù nhiệm kỳ của ông chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa.

Trong tuyên bố được phát ngày 8-1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cảnh báo nếu Tổng thống Trump không bị phế truất theo tu chính án 25, Hạ viện sẽ loại bỏ ông bằng tiến trình luận tội.

Theo truyền thông Mỹ, ngay sau khi xảy ra vụ bạo loạn ở Đồi Capitol, một số bộ trưởng trong chính quyền Trump đã thảo luận về việc kích hoạt tu chính án 25 để loại bỏ tổng thống. Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nằm trong số những quan chức tham gia bàn bạc về việc này, (theo Đài CNBC). Tuy nhiên, các bộ trưởng cuối cùng đã từ bỏ ý định trước sự phản đối của Phó tổng thống Mike Pence. Theo quy định, nếu muốn loại ông Trump theo tu chính án 25 trước hết cần phải có chữ ký của phó tổng thống và đa số bộ trưởng.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 8-1, trợ lý của bà Pelosi, bà Katherine Clark, tiết lộ tiến trình luận tội ông Trump có thể bắt đầu sớm nhất vào tuần tới. Hơn 100 nghị sĩ Dân chủ đã lên tiếng đòi phế truất tổng thống.

Nguồn tin của CNN cho biết do thời gian không còn nhiều, phe Dân chủ sẽ thông qua quy định mới, tiến tới biểu quyết luận tội ông Trump trong vòng 2 ngày. Các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện sẽ họp kín và thảo luận về vấn đề này trong ngày 8-1 (giờ Mỹ).

Nếu bà Pelosi tuyên bố khởi động tiến trình luận tội, ông Trump sẽ là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ hai lần bị Hạ viện luận tội.

Tuy nhiên, phản ứng của công chúng Mỹ bị chia rẽ theo đảng phái. Phần lớn lên án vụ bạo loạn ở quốc hội, song những lời kêu gọi phế truất Trump chủ yếu đến từ phe Dân chủ.

Những di sản của ông Donal Trum có còn giá trị?!

Năm 2016, cử tri Mỹ chọn ông Donal Trump bởi dân Mỹ mong muốn có một sự thay đổi, bởi mọi người cảm thấy rằng nước Mỹ họ yêu mến, họ tự hào, đã rơi vào khủng hoảng. Khẩu hiệu Make America Great Again – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, nói lên nguyện vọng của mọi người không chỉ mong muốn một sự lột xác của nước Mỹ, mà còn là một nước Mỹ vẫn gánh vác những trọng trách vốn có. Từ mục tiêu ấy, Donald Trump, một người ngoại đạo về chính trị, đã đánh bại tất cả đối thủ sừng sỏ từ cả hai đảng Dân chủ - Cộng hòa để bước vào trung tâm quyền lực của nước Mỹ?

Trong ba năm cầm quyền trước 2020, di sản lớn nhất của Tổng thống Trump là đánh thức lưỡng đảng cũng như toàn bộ đất nước trước mối đe dọa từ một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức quyền lực của Mỹ. Cứng rắn với Bắc Kinh là một trong số ít chính sách có được sự nhất trí của cả hai đảng Cộng hòa - Dân chủ.

Nhiệm kỳ Tổng thống Trump, thế giới đã chứng kiến một nền kinh tế Mỹ bùng nổ trong 36 tháng đầu tiên, thị trường chứng khoán tăng cao kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức dưới 4%, thấp nhất trong hàng chục năm gần đây.

Về đối ngoại thành tựu mà các đời tổng thống trước mong muốn mà không làm được, Ông Trump tiến gần tới mục tiêu kiến tạo hòa bình giữa Nhà nước Do Thái và thế giới Arab, bằng việc giúp Israel bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain, Morocco và Sudan.

Ông Trump cũng quyết liệt thực hiện lời hứa từng bước rút quân đội Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, xóa sổ Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trước khi đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban.Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên đối thoại thẳng thắn với Bắc Triều Tiên tuy chưa đem lại kết quả khả quan nhưng cũng góp phần làm dịu tình hình khu vực Bắc Á. 

Mọi người thích Donal Trump vì tính cách khẳng khái đã nói là làm, thích ông vì nhìn thấy những lỗ hổng đang phá vỡ sự an toàn không chỉ của nước Mỹ mà cả thế giới và những biện pháp kiên quyết thậm chí có phần cực đoan trong các quyết sách. Nhưng ở tầm một nguyên thủ có ảnh hưởng không chỉ với nước Mỹ mà còn cả thế giới thì cách hành xử tự tin đến ngạo mạn, với những hành động và phát ngôn làm lung lay tận gốc rễ các nguyên tắc dân chủ và thượng tôn pháp luật đã kiến tạo nên 300 năm lịch sử nước Mỹ, mà còn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ tiềm tàng giữa các đồng minh truyền thống, khi ông đê nước Mỹ rút ra khỏi nhiều các hiệp định quốc tế mà Mỹ đã cam kết.

Năm 2020, một năm thất bại của nước Mỹ trong đối phó với đại dịch Covid-19, xã hội bị đẩy lên cao trào trong mùa hè nóng bỏng với tình trạng bất ổn dân sự vì bạo lực chủng tộc, đạt tới đỉnh điểm sau cáo buộc gian lận bầu cử thiếu căn cứ, và kết thúc bằng vụ tấn công trụ sở quốc hội, đã kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên và cũng là duy nhất với ông Donal Trump.

Tuy vậy nước Mỹ sẽ khó quên được ông bởi CON NGƯỜI – TÍNH CÁCH – SỰ KIỆN của DONAL TRUM cũng phần nào đã cảnh tỉnh các nhà chính trị, hãy vì một nước Mỹ hiện đại và văn minh  trong thế kỷ mới với một nội bộ đoàn kết cùng với những chính sách quan tâm đến lợi ích của cộng đồng và cảnh giác trước một thế giới đầy biến động.

Trần Hưng

Bạn đang đọc bài viết Năm cuối nhiệm kỳ và kết thúc ảm đạm với tổng thống Donal Trump. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.