Thứ năm, 28/03/2024 20:39 (GMT+7)

Nam Sách - Hải Dương: Mức thu nhập của công nhân thu gom rác thải không đủ sống

Thu Hoàn -  Thứ tư, 21/09/2022 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau một tháng rưỡi thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt theo Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách, Hải Dương, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực.

Hiện nay, toàn huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có 98 tổ thu gom rác thải sinh hoạt, riêng thị trấn Nam Sách thực hiện theo mô hình Hợp tác xã (HTX) vệ sinh môi trường.

Các HTX, Tổ vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện sử dụng các phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt bằng xe thô sơ hoặc xe tải nhỏ. Trong đó, ở thị trấn Nam Sách thực hiện thu gom theo ngày, ở 18 xã còn lại quy định thời điểm thu gom theo từng thôn và thu gom vào ngày ấn định trong tuần.

Các HTX và tổ vệ sinh môi trường hiện nay đều thiếu nguồn lực về tài chính; kinh phí để hoạt động hạn chế, chủ yếu từ nguồn thu phí vệ sinh môi trường nhưng mức thu từ các hộ dân còn thấp chưa đáp ứng được hoạt động thu gom, xử lý rác thải.

Theo ông Trần Văn Đán - nhân viên thu gom rác thải ở thị trấn Nam Sách: Để việc thu gom rác được thuận lợi và đúng loại thì trước hết khâu phân loại phải được thực hiện tốt, bên cạnh đó cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ trang bị bảo hộ lao động cho công nhân môi trường, trang bị xe vận chuyển đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt cần có sự vào cuộc thực sự của chính quyền địa phương, nhất là đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư trong việc giám sát, hướng dẫn nhân dân phân loại, đổ rác đúng quy định, tạo thuận lợi cho tổ thu gom làm tốt công việc của mình.

tm-img-alt
Tổ vệ sinh môi trường xã An Sơn thu gom rác hữu cơ 

Tại xã Minh Tân, việc thu gom rác thải cũng đang gặp khó khăn. Một nhân viên vệ sinh môi trường ở thôn Uông Thượng xã Minh Tân cho rằng bên cạnh việc phân loại của nhân dân thì bản thân người thu gom cũng phải phát huy vai trò của mình, bởi khi thu gom sẽ phát hiện ngay việc phân loại rác đã đúng chưa, từ đó đưa rác vào đúng vị trí, rác hữu cơ về bể ủ, rác vô cơ về điểm trung chuyển đi xử lý. Đồng thời phản ánh với chính quyền địa phương những nơi, những hộ dân làm chưa tốt để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tham gia tổ thu gom rác thải ở thôn Đầu Bến xã Hợp Tiến, ông Nguyễn Văn Kẻng cho biết: Để làm tốt công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt cần thực hiện thường xuyên liên tục, có sự kiểm tra giám sát thường xuyên của lãnh đạo xã và các chi bộ, trưởng thôn. Các Tổ vệ sinh môi trường cũng cần kiên quyết không thu gom rác thải sinh hoạt của những hộ dân không thực hiện phân loại. Đồng thời hướng dẫn những hộ dân phân loại chưa đúng để việc thu gom và xử lý rác thải được thuận lợi, đúng quy định.

tm-img-alt
Đồng chí Hồ Ngọc Lâm- Chủ tịch UBND huyện động viên nhân viên Tổ vệ sinh môi trường ở xã Thanh Quang thu gom phế thải tái chế còn lẫn trong rác vô cơ 

Hầu hết các Tổ vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện đều có chung đề xuất được hỗ trợ phương tiện vận chuyển, bảo hộ lao động và kinh phí hoạt động, từ đó mới kịp thời động viên các thành viên, nhân viên vệ sinh môi trường yên tâm làm việc, phát huy vai trò của mình.

Trên thực tế, điều kiện vật chất, phương tiện chuyên chở, bảo hộ của các HTX, Tổ vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện hiện nay còn rất hạn chế khiến hoạt động thu gom rác thải gặp rất nhiều khó khăn.

Mức phí vệ sinh môi trường có sự khác biệt giữa các địa phương. Mức thu nhập của nhân viên thu gom rác thải cũng không đồng nhất, hầu hết thu nhập ở mức thấp. Để cải thiện, tăng thu nhập cho nhân viên của mình, một số Tổ thu gom rác thải đã thực hiện việc phân loại rác vô cơ, tái sử dụng hoặc tách lọc một số loại rác (túi ni lông, bìa cattong, chai, lọ nhựa, vỏ đồ hộp,...) để bán phế liệu. Một số đơn vị có hợp đồng riêng với doanh nghiệp, hộ kinh doanh để thu gom rác thải sinh hoạt về nơi quy định.

Thực hiện việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách, các Tổ vệ sinh môi trường phải trực tiếp thực hiện 2 công đoạn gồm: Thu gom và xử lý rác thải hữu cơ. Do đó, các HTX, Tổ vệ sinh môi trường cần phát huy vai trò của mình trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao nhận thức về vai trò của các tổ viên, nhân viên vệ sinh môi trường, xây dựng HTX vệ sinh môi trường hoạt động hiệu quả góp phần giải quyết vấn đề bức xúc do rác thải gây ra, làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Bạn đang đọc bài viết Nam Sách - Hải Dương: Mức thu nhập của công nhân thu gom rác thải không đủ sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.