Thứ sáu, 29/03/2024 12:03 (GMT+7)

Nâng cao công tác bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai)

MTĐT -  Thứ ba, 12/07/2022 16:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

KCN Tằng Loỏng đóng trên địa bàn huyện Bảo Thắng, Lào Cai đang trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân quanh khu vực, nhưng, tháo gỡ thế nào vẫn đang là bài toán khó đối với Lào Cai.

Khu công nghiệp nhiều cái… không
KCN Tằng Loỏng đã trải qua 2 lần điều chỉnh quy hoạch, sơ khai là việc xây dựng Nhà máy tuyển luyện quặng Apatit từ năm 1980, đến năm 2006, UBND tỉnh Lào Cai chính thức quy hoạch thành cụm công nghiệp – đô thị. Năm 2011, UBND tỉnh Lào Cai ra Quyết định số 285/QĐ ngày 10/2/2011 về việc quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp – đô thị thành KCN Tằng Loỏng.
Ban đầu, KCN có quy mô 269 ha, đến nay đã trên 1.100 ha. Trong đó, đất dành cho công nghiệp 631,6 ha; đất trồng cây xanh 275,59 ha, còn lại đất giao thông và đất hạ tầng kỹ thuật khác… Đã có 28 dự án đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp với tổng số vốn gần 19.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,45%. Hiện có 16 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là sản xuất hóa chất, luyện kim và phân bón.
Hiện nay, trong và cạnh KCN Tằng Loỏng có trên 1000 hộ dân bị ảnh hưởng và phải có kế hoạch di dời tới điểm tái định cư (TĐC).  Vừa qua, 69 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã được tỉnh di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm và ô nhiễm. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh đó chỉ là giải pháp trước mắt, bởi điểm TĐC cho 69 hộ dân này vẫn thuộc phạm vi bị ảnh hưởng bởi KCN Tằng Loỏng.
Hơn 10 năm đi vào hoạt động, trên 95% các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực luyện kim, hóa chất và phân bón, đây là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, nhưng KCN vẫn không hề có khu xử lý chất thải, nước thải tập trung. Nước thải tại các nhà máy đều chưa được xử lý triệt để trước khi xả ra ngoài môi trường đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm từ nhiều năm nay. Trước đó năm 2011, ô nhiễm của các nhà máy trong KCN làm thiệt hại hơn 40ha cây trồng của 3 thôn Khe Khoang, Thái Bình và Khe Chom. Trong năm 2012, ô nhiễm khiến cá nuôi chết hàng loạt ở hai thôn Thái Bình và Khe Khoang. Và gần đây nhất là hàng loạt công ty bị xử phạt liên quan tới môi trường.
Đặc biệt, chất thải rắn phát sinh trong KCN rất lớn, bình quân mỗi ngày đêm cả khu thải ra tới 4.764,2 tấn, cả năm trên 1,7 triệu tấn, song điều này không được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức mà chất thải chỉ được lưu chứa trong khuôn viên nhà máy và khu vực đất trống trong khu công nghiệp, hoặc được dùng san lấp mặt bằng. Do vậy khi trời mưa các chất thải hòa tan vào nước, thẩm thấu xuống đất hoặc chảy tràn ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường.
tm-img-alt
Ảnh minh họa
Hàng loạt sai phạm
Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem, đơn vị chuyên sản xuất phân bón, sau hơn 10 năm hoạt động, mặc dù công suất chưa bao giờ đạt mức tối đa, thậm chí có thời gian dài tạm ngừng sản xuất, nhưng đơn vị này đã liên tục để xảy ra các lỗi về BVMT, bị ngành chức năng xử phạt. Điển hình là năm 2015, Công ty bị phạt 400 triệu đồng do để xảy ra sự cố làm bục gioăng cao su trong quá trình bơm vận chuyển NH3 vào bồn chứa gây rò rỉ ra môi trường. Năm 2016, Công ty cũng bị phạt 260 triệu đồng do hành vi xả thải nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH. Mới đây nhất, UBND tỉnh Lào Cai xử phạt DAP số 2 - Vinachem 350 triệu đồng do gây ra sự cố môi trường trong quá trình hoạt động dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamonphotphats làm khoảng 700ha cây trồng của hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng thiệt hại trên 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý, không chỉ riêng DAP số 2 mà nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Tằng Loỏng cũng đã để xảy ra sự cố, vi phạm các quy định của pháp luật về BVMT. Không ít vi phạm liên quan đến sự cố hóa chất, gây hậu quả khá nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực.
Trước đó, ngày 25/3/2017, nước từ con mương dẫn từ KCN có Nhà máy gang thép Việt Trung chảy ồ ạt vào khu ruộng, làm một số diện tích lúa, ngô của bà con thôn 5, xã Xuân Giao, Bảo Thắng bị ngập và vùi lấp. Theo các hộ dân sống gần con mương này, đây không phải lần đầu tiên nguồn nước chảy từ nhà máy ra môi trường có hiện tượng này.
KCN Tằng Loỏng có tổng diện tích 1.100ha, đến nay, có 33 dự án đăng kí tham gia và có 25 dự án sản xuất hóa chất, phân bón, luyện kim đang hoạt động. 
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm tại KCN này, nhưng trước hết là do KCN không được quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu, trong quá trình phát triển cứ mở rộng dần nhưng không đầu tư vào các hạng mục đảm bảo an toàn môi trường và môi sinh cho người dân.
Hiện nay, các nhà máy hoạt động tại KCN Tằng Loỏng, hạ tầng KCN đầu tư rất chậm do thiếu vốn, hạ tầng xử lý môi trường chung của KCN cũng chưa được chú trọng đầu tư. Mỗi nhà máy có đánh giá tác động môi trường riêng nhưng cả khu KCN lại không có đánh giá tác động môi trường chung. Ngoài ra, khâu thẩm định công nghệ xử lý của các nhà máy chưa chặt chẽ, quá trình vận hành, hệ thống xử lý môi trường của các nhà máy thường bị sự cố…
Trong khi đó, mỗi ngày, môi trường tại đây chịu sự cộng hưởng từ 3 nguồn thải chính gồm: khí thải, chất thải rắn và nước thải từ hoạt động sản xuất của các nhà máy.
Theo ước tính, mỗi năm KCN Tằng Loỏng thải ra môi trường gần 6 triệu tấn chất thải rắn. Đối với lượng khí thải, theo quan trắc, các nhà máy thải ra môi trường khoảng 1,7 triệu m3/h. Bên cạnh đó là ô nhiễm về khói bụi, tiếng ồn do sản xuất cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sản xuất của người dân.
Giaỉ pháp nào cho KCN Tằng Loỏng
Với đặc thù là khu công nghiệp chuyên sản xuất hóa chất, chịu tác động cộng hưởng do hoạt động của các nhà máy đồng loạt phát thải, KCN Tằng Loỏng đang trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân quanh khu vực, nhưng, tháo gỡ thế nào vẫn đang là bài toán khó đối với Lào Cai.
Để giải quyết bài toán đau đầu cho môi trường KCN Tằng Loỏng, tháng 6/2020, tỉnh Lào Cai đã triển khai “Đề án Bảo vệ môi trường KCN Tằng Loỏng” với các hạng mục trong kế hoạch gồm: Thu gom xử lý nước thải; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải để quản lý nguồn xả thải; xử lý chất thải rắn tại KCN Tằng Loỏng và nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường.
Về việc thu gom nước bề mặt của KCN, sẽ có 2 phương án thu gom theo tuyến kênh kín và thu gom theo tuyến kênh hở. Tất cả nước thải bề mặt sẽ tập trung vào nhà máy xử lý nước thải để xử lý trước khi thải ra môi trường. Hiện, KCN Tằng Loỏng đang được đầu tư để thu gom nước mặt gồm một hồ điều hòa 4000m3 và một hồ phòng ngừa ứng phó sự cố 6000m3 và các trạm bơm để tuần hoàn nước về trạm hiện có của KCN.
Đối với việc kiểm soát khí thải, hiện tại đã có 1 trạm quan trắc khí thải tự động đang hoạt động ổn định và Sở TN&MT Lào Cai quản lý. Đối với chất thải rắn, sẽ được chia làm 2 loại: Xỉ của các nhà máy sản xuất phốt pho và chất thải gyps của các nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản sẽ theo phương án chuyển giao cho các đơn vị làm xi măng, gạch không nung và làm thạch cao.
Theo ông Lưu Đức Cường - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Lào Cai, Lào Cai triển khai Đề án Bảo vệ môi trường KCN Tằng Loỏng nhằm đảm bảo môi trường tại KCN được xử lý triệt để từ nguồn nước thải, khí thải và chất thải rắn ra môi trường. Có như vậy, môi trường KCN sẽ được đảm bảo, cuộc sống người dân sẽ không bị ảnh hưởng./.

Duy Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao công tác bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới