Thứ sáu, 19/04/2024 08:46 (GMT+7)

Nên đặt “cột mốc Km số 0” ở đâu?

MTĐT -  Thứ bảy, 23/05/2020 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau thông tin TP Hà Nội đã giao quận Hoàn Kiếm nghiên cứu xem xét nghiên cứu, xây dựng cột mốc số 0. Vị trí đặt cột mốc số 0 một lần nữa lại nhận được sự quan tâm của dư luận và giới chuyên gia.

Ngày 23/5, ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban quản lý dự án quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đang nghiên cứu, lấy ý kiến của người dân, nhà khoa học về địa điểm xây dựng "cột mốc số 0".

Theo đó, hiện có 2 phương án được đưa ra với phương án một là phía trước tượng đài vua Lý Thái Tổ hướng về Hồ Gươm.

Phương án thứ hai, cột mốc đặt tại khu đồng hồ hoa, ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng.

"Công trình sẽ tạo thêm điểm nhấn trong không gian di tích, thu hút khách du lịch đến với phố đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận", ông Tùng nói và cho hay, quận sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế cột mốc vào tháng 6 tới đây. 

Nhiều ý kiến cho rằng nên đặt "cột mốc số 0" ở gần Tượng đài Lý Thái Tổ.

Trước đó, năm 2009, sau khi PGS Hà Đình Đức đề xuất ý tưởng đặt cột mốc km số 0 ở hồ Hoàn Kiếm cũng có nhiều tranh luận về vị trí đặt cột mốc số 0.

Hiện, ý tưởng được nhắc tới nhiều nhất là việc đặt mốc số 0 vào vị trí đang tồn tại chiếc đồng hồ hoa Thụy Sĩ (gần ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng) - từng được thành phố Bern tặng cho Hà Nội vào năm 2010 nhưng lại không mấy phù hợp với khung cảnh Hồ Gươm trên thực tế. Tuy nhiên, các phân tích cho thấy: Giải pháp này thuận lợi với việc tận dụng một vị trí sẵn có nhưng lại gắn với một không gian hẹp và không nhiều ý nghĩa lịch sử nếu so với các điểm khác.

Từ đó, đã có đề xuất cột mốc số 0 nên được đặt phía trước tòa nhà Bưu điện Hà Nội - nơi vẫn mặc định được coi là điểm trung tâm chính xác nhất của mỗi thành phố (ngành bưu chính luôn đòi hỏi những cột mốc chính xác về địa lý để làm điểm chuẩn trong tính toán). Đáng nói, có ý kiến đề xuất tận dụng tháp Hòa Phong tại đây - một trong những kiến trúc cổ nhất còn lại quanh Hồ Gươm - để tạo lập “mốc 0”.

Hoặc, đề cao yếu tố về lịch sử, cũng đã có những ý kiến đề nghị đặt mốc 0 vào vị trí của đài phun nước hiện naytrên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Bàn về vị trí đặt công trình, người có ý tưởng đầu tiên xây dựng Cột mốc số 0 tại hồ Hoàn Kiếm, PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, cột mốc nên xây nổi lên mặt đất khoảng 1m, trên cột mốc có đặt biểu tượng của Hà Nội. Đồng thời, PGS.TS Hà Đình Đức còn cho rằng, cột mốc này không mang ý nghĩa về mặt đo lường, chỉ mang ý nghĩa về mặt văn hóa, du lịch. Do vậy, đặt tại vị trí ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng là hợp lý.

Còn TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, các khu vực không gian xung quanh hồ đã được định hình. Vì thế, công trình này nên kết hợp với vị trí không gian ngầm ga C9. Như vậy, không gian xanh nổi trên mặt đất của công trình Cột mốc số 0 cùng không gian ngầm công cộng khu vực nhà ga, sẽ tạo nên một không gian hấp dẫn ở trung tâm TP.

"Đây là một công trình biểu tượng không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước. Do vậy, Hà Nội cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ giai đoạn ý tưởng, nhằm tập hợp ý kiến đóng góp từ nhiều giới, trước khi đưa ra phương án chốt và thực hiện"- ông Đào Ngọc Nghiêm nói.

Chia sẻ với Vnexpress, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, các nước thường lấy bưu điện trung tâm hoặc tòa thị chính để đặt "cột mốc số 0". Khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ nằm giữa bưu điện và trụ sở UBND thành phố là vị trí phù hợp để đặt cột mốc. Thiết kế cột mốc có thể đặt chìm dưới nền, bằng chất liệu đồng hoặc gốm.

"Vị trí đặt công trình sao cho du khách đến cảm nhận được không gian xung quanh, đủ chỗ để các hướng máy ảnh chụp góc nào cũng đẹp, qua đó tạo cho người dân, du khách hứng thú định vị mình từng đặt chân đến thành phố này", ông Quốc nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nên đặt “cột mốc Km số 0” ở đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.