Thứ năm, 25/04/2024 01:01 (GMT+7)

Ngăn chặn các hành vi xâm hại cây xanh: Bắt đầu từ ý thức người dân

MTĐT -  Chủ nhật, 01/12/2019 16:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đi trên đường phố Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh cây xanh bị cuốn chặt bởi hệ thống dây đèn, thậm chí có nơi cây ngoài bị "đóng đinh", lắp đèn, lắp biển quảng cáo, chất rác…

Hà Nội luôn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với quan điểm nỗ lực tối đa trong gìn giữ, bảo tồn cây xanh hiện có, song song với việc phát triển trồng mới, trồng thay thế… Hà Nội đang từng bước tiếp cận với mục tiêu trở thành “đô thị xanh” theo đúng nghĩa.

Cần phải khẳng định, cây xanh làm cho Thủ đô đã có những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường. Chương trình trồng thêm 1 triệu cây xanh trên địa bàn Hà Nội chính thức được triển khai từ tháng 6/2016.

Theo đó, việc thực hiện thành công chương trình trồng 1 triệu cây xanh sẽ góp phần đáng kể cải tạo môi trường Thủ đô, tăng diện tích cây xanh từ 7,8m2 hiện tại lên đến 9 - 10m2/đầu người.

Cây xanh được trồng dọc các trục giao thông, ngoài việc tạo cảnh quan còn đóng vai trò tích cực, điều hòa không khí. Ảnh: Đinh Luyện


Rất nhanh chóng, chương trình được triển khai mạnh ở các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường, khu đô thị mới… Sau hơn 3 năm triển khai, thành phố Hà Nội đã hoàn thành vượt mức chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đô thị.

Đi trên nhiều tuyến phố hiện nay, người dân có thể dễ dàng thấy những hàng cây được trồng đồng bộ đã xòe tán, đơm bông. Con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài 10,5km ngập sắc xanh với hàng nghìn cây đang phát triển hoặc tuyến Đại lộ Thăng Long với những hàng cây cọ dầu được trồng thẳng tắp “biến” 98ha đất trống ở Đại lộ Thăng Long thành một cánh rừng nối dài từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị Quốc gia… đều là những ví dụ thực tế

Cây xanh là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên cấu trúc đô thị, góp phần điều hòa không khí, giảm tiếng ồn tuy nhiên việc cây xanh bị xâm hại vẫn còn nhức nhối. Không khó để bắt gặp hình ảnh cây xanh bị xâm hại. Một bộ phận người dân ý thức chưa cao, thờ ơ trong việc bảo vệ cây là một trong những nguyên nhân chính khiến việc bảo đảm an toàn cây xanh bên đường phố trở nên khó khăn.

Nhằm cải thiện cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường, Nghị định 139/2017/NĐ-CP đã đưa ra nhiều mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa. Cụ thể, theo Điều 53 của Nghị định, sẽ tiến hành phạt cảnh cáo từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ.

Mức phạt này cũng áp dụng với các hành vi như: xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên hoặc những nơi công cộng khác không đúng quy định; giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa…

Đặc biệt, sẽ xử phạt nặng với số tiền 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định; trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế…

Phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định. Ngoài phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Nhiều người "hồn nhiên" hóa vàng mã ngay dưới gốc cây mà không hề biết bản thân đang xâm hại cây xanh. Ảnh: Đinh Luyện

Rõ ràng, quy định xử phạt các hành vi xâm hại cây xanh đô thị đã có nhưng số trường hợp bị xử phạt chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Bởi trên thực tế, việc bắt quả tang để có căn cứ xử lý rất khó. Nói cách khác, hiện các trường hợp cây xanh bị xâm hại thường diễn ra ban đêm, hoặc lén lút lúc không có người. Hành vi phá hoại khá tinh vi, không làm cho cây chết ngay mà chết từ từ.

Bên cạnh đó, những vi phạm như đóng đinh, lột vỏ, phóng uế lại thường rơi vào những trường hợp vô ý, không nhận thức được đầy đủ hành vi của mình ảnh hưởng đến cây xanh đô thị như thế nào…

Khách quan nhìn nhận, để bảo vệ cây xanh, hẳn bất cứ ai cũng hiểu rằng, pháp luật chỉ mang tính chất định hướng, khuôn khổ nhất định chứ không phải yếu tố duy nhất để mang lại hiệu quả. Nói cách khác, chỉ khi có sự chung sức, đồng lòng của người dân thì cây xanh mới thực sự được bảo vệ và phát triển.

Hà Nội đang từng ngày thay đổi. Hà Nội cần không chỉ là nguồn lực, những cách làm năng động mà còn cần sự đồng tâm - sẻ chia trách nhiệm của xã hội, của từng người dân. Tất cả vì tình yêu với Thủ đô “xanh, xanh thắm…” thế nên chẳng có lý do gì để cây xanh tiếp tục phải chịu “bạo hành”.

Chăm sóc cây chẳng cần những hành động “đao to búa lớn”, mà chỉ đơn thuần là dừng đóng đinh, treo đèn lên cây. Về phía chính quyền địa phương cũng cần nâng cao hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền đến người dân, từ đó hình thành nên thói quen giữ gìn cảnh quan đô thị và môi sinh.

Theo LĐTĐ

Bạn đang đọc bài viết Ngăn chặn các hành vi xâm hại cây xanh: Bắt đầu từ ý thức người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành