Thứ năm, 28/03/2024 17:24 (GMT+7)

Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu

Lê Quang - Xuân Hiển -  Thứ hai, 11/12/2017 09:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, PCT Ngân hàng Thế giới về Phát triển bền vững Laura Tuck tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết đô thị hóa và biến đổi khí hậu.

Bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới về Phát triển bền vững cho biết: “Sự chuyển đổi mạnh mẽ của Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thành một nước thu nhập trung bình trong vòng ba thập kỷ, là cảm hứng cho nhiều quốc gia trên thế giới. Ngân hàng Thế giới mong muốn được tiếp tục duy trì mỗi quan hệ mật thiết với Việt Nam để đảm bảo tăng trưởng toàn diện, bền vững và có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu”.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tiếp bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực Phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Laura Tuck chứng kiến những biến chuyển do các dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ đem lại như Dự án khôi phục kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Bà Laura Tuck khuyến khích chính quyền thành phố tập trung vào quản lý đất, quản lý đầu tư và quản lý tài chính cho phát triển. Bà Laura Tuck khẳng định, mối quan hệ hợp tác lâu dài, toàn diện, đa ngành và đa lĩnh vực với thành phố HCM là một trụ cột trong chiến lược hợp tác đô thị hóa của Ngân hàng Thế giới với Việt Nam.

Bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực Phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới

Đến thăm tỉnh Bến Tre, Đồng bằng sông Cửu Long, bà Laura Tuck trực tiếp chứng kiến những tác động của khí hậu tới đời sống, sinh kế và tài sản của các cộng đồng tại khu vực này. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cư ngụ của 17 triệu dân và cung cấp khoảng một nửa sản lượng lương thực của Việt Nam. Đây cũng là khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến khí hậu như xói lở ven bờ và xâm nhập mặn.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới về Phát triển bền vững nhấn mạnh các cơ quan Chính phủ và cộng đồng có thể quyết định tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long thông qua các lựa chọn xác đáng với đầy đủ thông tin về cách bảo vệ đồng bằng, cụ thể như khi nào cần nhường chỗ cho sông nước, chỗ nào cần để nhập mặn và khi nào cần điều chỉnh sinh kế cộng đồng để phù hợp với điều kiện thiên nhiên thay đổi.

Ngân hàng Thế giới đang giúp xác định và ưu tiên hóa đầu tư về thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ tài chính để chuẩn bị một Quy hoạch tổng hợp vùng có sự tham gia của các ngành và các tỉnh.

Cũng theo nguồn tin từ Ngân hàng Thế giới, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mang tên “Một Hành tinh” diễn ra vào ngày 12-12 tới đây tại thủ đô Paris của Pháp, với sự tham dự của khoảng 4.000 đại biểu và 800 tổ chức tham dự để tìm kiếm các giải pháp tài trợ cho các dự án khí hậu. Đây là cơ hội để các nước có thể đạt được những bước tiến cụ thể trong cuộc chiến chống lại sự ấm lên toàn cầu.

Theo nhận định của Ngân hàng thế giới, trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính sẽ mất khoảng 3.500 tỷ USD/năm để kiểm soát nhiệt độ toàn cầu tăng lên trong vòng 30 năm tới, thì việc huy động các nguồn tài chính cho các dự án khí hậu sẽ là chìa khóa then chốt.

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.