Thứ năm, 25/04/2024 07:44 (GMT+7)

Ngang nhiên đổ hàng trăm tấn phế thải dưới chân cầu Thanh Trì

MTĐT -  Thứ sáu, 31/03/2017 11:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều tháng nay, dưới chân cầu Thanh Trì, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, tình trạng đổ trộm phế thải lại diễn ra một cách rầm rộ.

Một trong những nguồn đất thải được chở từ công trình xây dựng chung cư Imperia Sky Garden 423 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.

Lộ diện đơn vị đổ trộm phế thải

Theo phản ánh của người dân, trong suốt một thời gian dài, ngay dưới chân cầu Thanh Trì, thuộc khu vực tổ 21, phường Thanh Trì, tình trạng đổ trộm phế thải diễn ra một cách công khai khiến hành lang thoát lũ bị xâm phạm và ô nhiễm môi trường nặng nề. Người dân đã nhiều lần ý kiến lên chính quyền địa phương nhằm chấm dứt tình trạng này, nhưng sự vào cuộc vẫn chỉ dừng lại ở những biển báo “cấm đổ phế thải ở đây”. Phế thải vẫn hàng ngày được chất đầy lên, theo đó sự bức xúc của người dân cũng dâng cao.

Ngay từ tháng 11/2016, PV Báo Gia đình & Xã hội đã đến đây ghi nhận và phát hiện sự vụ khi đó mới dừng lại ở việc đổ trộm nhỏ lẻ bằng những xe tự chế hoặc xe tải trọng lượng nhỏ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, giữa tháng 3/2017, khi chúng tôi quay lại, trên diện tích hàng nghìn m2, đống phế thải cao ngất trời đã được hình thành tại nơi đây.

“Không chỉ những xe tự chế chở rác thải, vôi vữa, gạch ngói của công trình dân sinh được tập kết về đây mà vài tháng gần đây, những xe trọng tải lớn, với bùn đất, chất thải cứ ùn ùn kéo về. Người dân có phản ánh, chính quyền vào cuộc, dựng cả biển “cấm đổ phế thải ở đây” nhưng chẳng ăn thua”, bà Nguyễn Thị T. bức xúc.

Từ phản ánh của người dân, nhóm phóng viên đã kỳ công mật phục, theo dõi và nhận thấy rằng, cứ vào khoảng thời gian từ 9 giờ tối đến tờ mờ sáng dọc đoạn đê Nguyễn Khoái đến khu vực Cảng Hà Nội rồi rẽ vào một cửa khẩu (đoạn rẽ ra chân cầu Thanh Trì thuộc địa phận Tổ 21 phường Thanh Trì) thường xuyên xuất hiện những xe trọng tải lớn đi thành đoàn từ 3 đến 5 chiếc, chứa đầy bùn đất tiến ra chân cầu Thanh Trì để đổ. Trong quá trình vận chuyển, các loại đất cát, bùn thải đen sì, hôi thối vương vãi khắp cung đường từ công trình xây dựng đến khu vực bãi đổ. Ngay lối vào bãi đổ bùn thải, một chiếc xe ủi túc trực san ủi hết công suất, vài đối tượng quản lý bãi thì có nhiệm vụ dùng đèn pin chiếu sáng hướng dẫn các xe đổ phế thải.

Lần theo những chiếc xe tải này, chúng tôi được biết đây là xe của một hãng vận tải lớn chở bùn thải từ công trình xây dựng tại số 423 Minh Khai đi ra. Công trình xây dựng này thuộc dự án Imperia Sky Garden do Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (Cty Hòa Bình), có trụ sở chính tại 235 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh và Văn phòng đại diện ở Hà Nội tại số 15B, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng (Hà Nội) thi công.

Xe tải ngang nhiên đổ phế thải, phường ở đâu?

PV theo chân những chiếc xe tải đổ trộm phế thải ra sông Hồng (ảnh cắt từ clip).

Theo dõi hành trình, nhóm phóng viên quan sát thấy, khi chiếc xe tải chở bùn thải đầu tiên vào bãi đổ, sẽ phải mất khoảng 3 – 5 phút hoàn tất xong, cứ thế khoảng từ 10 phút sau sẽ xuất hiện những chiếc tiếp theo. Cùng với đó, chiếc xe đổ bùn xong sẽ quay lại điểm đầu lấy bùn thải và chưa đầy 30 phút sẽ có lượt đổ thứ hai… Như vậy, mỗi ngày tại bãi đổ này có đến hàng trăm tấn đất, bùn thải được các đoàn xe trọng tải lớn, nhỏ đổ ra bãi sông Hồng.

Điều đáng nói là trước đó, ngày 22/11/2016, UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản số 2564/UBND-KT gửi UBND phường Thanh Trì, công an quận, Phòng TNMT, Đội Thanh tra xây dựng, Thanh tra giao thông, Hạt quản lý đê số 3 về việc ngăn chặn hành vi đổ trộm phế thải xây dựng tại khu vực này. Theo văn bản số 2564, tại khu vực bãi tương ứng vị trí K73+530 tuyến đê hữu sông Hồng, cách chân đê 640m, cách mép sông 150m thuộc tổ 21, phường Thanh Trì đang có hiện tượng đổ trộm đất phế thải xây dựng, vị trí trước đây là bãi cát của một đơn vị tập kết đã lâu. Đến nay, bãi cát trên đã di chuyển, tạo hố sâu khoảng 2m. Vào ban đêm, một số xe đổ trộm phế thải xây dựng với khối lượng lớn khoảng 1.300m3, hành vi trên đã vi phạm Khoản 7, Điều 7, Luật Đê điều.

Văn bản do Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Hải ký yêu cầu UBND phường Thanh Trì tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều đến các tổ chức cá nhân trên địa bàn biết và thực hiện. Ngoài ra, UBND quận cũng yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đổ đất, phế thải xây dựng ra mặt đê, mái đê và bãi sông, lòng sông làm ảnh hưởng đến thoát lũ.

Theo văn bản này của UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Thanh Trì phải có trách nhiệm khắc phục ngay vi phạm đổ đất phế thải xây dựng ra khu vực vùng bãi thuộc tổ 21 và chỉ đạo công an phường bố trí lực lượng, phương tiện, lập chốt trực, tăng cường lực lượng kiểm tra cả ngày và đêm, kiên quyết xử lý các xe chở bùn, đất, phế thải đổ không đúng trên địa bàn quận. Văn bản cũng nhấn mạnh, phải điều tra các đối tượng đổ trộm đất phế thải, lập hồ sơ xử lý theo quy định. Mặc dù, phía UBND quận đã rất quyết liệt chỉ đạo công tác xâm phạm đê điều, đổ rác thải trái phép nhưng qua thực tế thị sát của PV thì chưa thấy sự vào cuộc của lực lượng chức năng thuộc UBND phường Thanh Trì.

Trong văn bản của UBND quận Hoàng Mai chỉ đạo rất rõ về trách nhiệm của UBND phường Thanh Trì nhưng không hiểu sao, khi trao đổi với PV, ông Bùi Văn Nguyện, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Trì chỉ thừa nhận có việc người dân lấp đất trộm để… trồng cây chứ không đổ trộm chất thải(?!). Ông Nguyện nói rằng, sau khi phát hiện, đã cho cắm biển cấm. Còn ông Phạm Hùng Lân, Hạt trưởng Hạt quản lý đê số 3, lại tiết lộ, chính UBND phường Thanh Trì đã có văn bản gửi đến Hạt quản lý đê số 3 để xin được san lấp khu vực này. “Tuy nhiên, Hạt quản lý đê số 3 không đủ thẩm quyền quyết định nên chúng tôi đã gửi văn bản này lên Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão thành phố để xin ý kiến. Tuy nhiên, đến nay phía Chi cục chưa có phản hồi”, ông Lân cho biết.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội lại cho rằng, phía Chi cục chưa nhận được văn bản này từ Hạt đê điều số 3. Về thông tin có đơn vị đổ đất thải từ công trình xây dựng, ông chưa nắm được thông tin và sẽ cho kiểm tra ngay. Theo ông Thuận, ở khu vực này chỉ cấp phép cho một số đơn vị làm bãi trung chuyển vật liệu chứ không cấp phép cho đơn vị nào đổ chất thải xây dựng.

Trong thời gian vừa qua, Báo Gia đình & Xã hội đã có hàng loạt bài phản ánh về việc sử dụng đất sai mục đích, cũng như một số công ty kinh doanh gas tập kết trái phép ở dưới chân cầu Thanh Trì, thuộc phường Thanh Trì và phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Sau khi Báo Gia đình & Xã hội phản ánh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo địa phương kiểm tra việc sử dụng đất và kinh doanh gas ở khu vực này.

Theo Báo Gia đình và Xã hội

Bạn đang đọc bài viết Ngang nhiên đổ hàng trăm tấn phế thải dưới chân cầu Thanh Trì. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành