Thứ tư, 24/04/2024 10:03 (GMT+7)

Ngập úng, ùn tắc giao thông và những kỳ vọng vào tân Chủ tịch Hà Nội

MTĐT -  Thứ sáu, 15/07/2022 16:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị, ảnh hưởng từ những trận mưa cường độ lớn đã và đang tác động xấu đến cuộc sống của người dân tại Thủ đô.

Do đó, các đại biểu, người dân đều kỳ vọng tân Chủ tịch Hà Nội có những giải pháp mang tính hiệu quả cao để giải quyết triệt để vấn đề này.

tm-img-alt
Hà Nội thường xuyên xảy ra ngập lụt khi mưa lớn. Ảnh: Huy Mạnh

Cần người giải bài toán thực tiễn

Chiều 15.7, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, việc kiện toàn lãnh đạo thành phố là vấn đề dư luận, nhân dân Thủ đô quan tâm. Tất cả mọi người đều đặt kỳ vọng rất lớn vào vị lãnh đạo mới của TP Hà Nội.

Theo đại biểu Hòa, Hà Nội là trái tim của cả nước, là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế, khoa học của cả nước. Vì thế, mỗi bước đi, mỗi công việc của thành phố đều được nhân dân cả nước dõi theo.

Niềm tin, sự kỳ vọng, thậm chí là đòi hỏi, yêu cầu đối với vị trí người đứng đầu chính quyền Thủ đô cũng vì thế mà luôn được đặt ra rất lớn. Có lẽ vì thế mà Trung ương đang phải cân nhắc rất kỹ càng trong việc lựa chọn nhân sự cho vị trí người đứng đầu chính quyền Thủ đô.

Ông Hòa cũng cho biết, khi Hà Nội có lãnh đạo mới, bản thân ông kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc, có tầm nhìn xa hơn để phát triển Thủ đô.

Nhắc đến những vấn đề bức xúc đặt ra bao nhiêu năm vẫn chưa được giải quyết, ông Hòa cho rằng cần rốt ráo xử lý cho các vấn đề “nóng” đô thị như: Hệ thống giao thông thế nào để không ách tắc; Hệ thống thoát nước ra sao để Hà Nội không ngập lụt; Quy hoạch thành phố ra sao để thành hiện đại và thực hiện thành phố hai bờ sông Hồng như thế nào; Bao giờ chuyển các trường đại học, các cơ quan ra khỏi nội thành…

Là Chủ tịch một thành phố, trung tâm chính trị của cả nước cần có tầm nhìn chiến lược. Người đứng đầu Hà Nội phải là người giải được bài toán mà thực tế đang yêu cầu, thực tế đang đặt ra.

Theo ông Hòa, đến mỗi kỳ mưa bão, đường phố Hà Nội lại giống như sông, như biển là điều không thể chấp nhận được, đặc biệt là với cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, vấn đề giao thông cũng cần có định hướng lâu dài với hạ tầng, giao thông công cộng, đường sắt đô thị, mở rộng không gian đô thị để giãn dân cũng rất quan trọng.

"Chung cư cao tầng đang được dồn nén quá nhiều trong nội đô, chưa kể công trình đang xây. Như vậy đã vô hình làm cho mật độ dân cư đông, phá vỡ quy hoạch Thủ đô. Chính vì vậy cần xây dựng các chung cư ở ngoại ô, di dời các cơ quan hành chính ra khỏi nội thành sẽ giúp Hà Nội phát triển.

Bài toán đặt ra là không đơn giản, Hà Nội cần người giải quyết tốt những yêu cầu như trên, sử dụng nguồn lực nào, thời gian cụ thể… chắc chắn người dân sẽ ủng hộ" - ông Hòa nói.

Những vấn đề người dân Thủ đô trông đợi tân ở Chủ tịch Hà Nội

Là người dân Thủ đô, bà Lê Hải Yến (ngõ 20 Hồ Tùng Mâu, Mai Dịch, Cầu Giấy) nêu ra thực trạng giờ đây Hà Nội nhạy cảm đến mức cứ mưa là ngập. Tình trạng ngập lụt nặng và thường xuyên đến mức khiến người dân ngao ngán. Bên cạnh đó, hàng vạn con người ngày ngày qua lại trên con đường đau khổ Lê Văn Lương - Tố Hữu, hay cầu vượt vành đai 3, hay cầu Thanh Trì... cũng gây ra nhiều bức xúc.

Chính vì vậy, bà Yến mong rằng Chủ tịch Hà Nội sắp tới sẽ huy động trí tuệ tập thể, vào vai kỹ sư thuỷ lợi, kỹ sư giao thông để giải thoát nỗi đau khổ cho người dân Thủ đô.

"Hà Nội còn quá nhiều vấn đề dân sinh bức xúc mà vị tân Chủ tịch sẽ phải giải quyết. Tôi rất kỳ vọng vào tinh thần đột phá, đổi mới của tân Chủ tịch thành phố sẽ khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng phát triển Thủ đô" - bà Yến nói.

Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Thẫm, đảng viên, cán bộ hưu trí ở Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm cho biết, không giống bất kỳ địa phương nào, Hà Nội là một đô thị đặc biệt, có cả một bộ Luật Thủ đô để điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến Hà Nội. Nhiều công việc Hà Nội quyết định không chỉ liên quan đến riêng Hà Nội mà còn tác động đối với nhiều tỉnh thành, với cả nước.

Do vậy, ông Thẫm cho rằng trước mắt, tân Chủ tịch Hà Nội cần có năng lực vượt trội về trình độ quản trị, tầm nhìn về quy hoạch đô thị. Những bài học về việc "băm nát" quy hoạch, hạ tầng giao thông không theo được cao ốc đã khiến người dân thành phố phải trả giá, không thể khắc phục và sửa sai.

Cũng theo ông Thẫm, cần lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho chính vị Chủ tịch đó để xem Hà Nội thay đổi về chất, thay đổi về lượng ra sao.

Tại hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị chiều 15.7, ông Trần Sỹ Thanh - Uỷ viên T.Ư Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bạn đang đọc bài viết Ngập úng, ùn tắc giao thông và những kỳ vọng vào tân Chủ tịch Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo laodong.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới