Thứ tư, 24/04/2024 15:53 (GMT+7)

Nghệ An: Hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai tại xã Nghi Ân (Bài1)

THỤC ANH - THANH PHƯƠNG -  Thứ bảy, 15/05/2021 17:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai, môi trường, trật tự đô thị… xảy ra tại xã Nghi Ân. Tuy nhiên, không được xử lý, có dấu hiệu “làm ngơ”, dung túng của cán bộ nơi đây

Trang trại lợn, nhà xưởng, nhà ở “mọc” trên đất lúa, đất công ích

Trường hợp đầu tiên phải kể đến là trang trại lợn mọc trái phép trên đất trồng lúa của ông Bạch Huy Khánh (ngụ xóm Kim Đông, xã Nghi Ân). Vào khoảng tháng 7/2020, ông Bạch Huy Khánh đã ngang nhiên san lấp một diện tích đất trồng lúa gần 500m2 của gia đình đang sử dụng để tiến hành xây dựng trang trại nuôi heo.

Trang trại lợn rộng cả nửa ngàn m2 xây dựng không phép trên đất trồng lúa của ông Bạch Huy Khánh ở xóm Kim Đông, xã Nghi Ân tồn tại từ tháng 7/2020 đến nay.

Trang trại sừng sững nằm sát bên khu dân cư, xung quanh là lúa, hoa màu không bị che khuất tầm nhìn nhưng từ cán bộ địa chính, xây dựng đô thị của xã Nghi Ân đã “không nhìn thấy”? Trong quá trình xây dựng, nhận thức được việc làm sai trái của ông Khánh có nguy cơ ảnh hưởng ô nhiễm nghiêm trọng đến khu dân cư, người dân đã báo lên chính quyền địa phương.

“Sau nhiều tháng nhận được phản ánh, các anh bên địa chính, xây dựng đô thị có xuống kiểm tra sai phạm của ông Bạch Huy Khánh. Tuy nhiên không hiểu vì “lí do” gì, trang trại nuôi heo của ông Khánh vẫn hoàn thành và đi vào hoạt động” – ông L.V.T – một người dân ở xóm Kim Đông bức xúc cho biết.

Có mặt tại hiện trường vào giữa tháng 5/2021, PV MT&ĐT ghi nhận trang trại của ông Khánh đang nuôi khoảng 100 con heo thịt. Giữa trưa tiếng lợn kêu ăn ầm cả khu dân cư, mùi phân lợn đặc trưng không được xử lý đúng quy định hết sức ô nhiễm.

Ông Phạm Xuân Lưu, xóm trưởng Kim Đông cho biết: “Khi anh Khánh xây dựng chuồng trại nuôi heo, với chức năng xóm trưởng tôi đã báo lên UBND xã Nghi Ân. Xử lý hay không là do các anh trên xã chứ tôi không có quyền hạn gì. Anh Khánh lại là láng giềng nên cũng khó ăn, khó nói”.

Hộ ông Nguyễn Duy Hưng (ngụ xóm Kim Đông) xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, đất lưu không QL46; gia đình Hà Lài (xóm Kim Chi) xây dựng nhà, sân vườn trên đất công ích.

Trường hợp thứ 2 là của hộ ông Nguyễn Duy Hưng cũng ngụ tại xóm Kim Đông, xã Nghi Ân. Vào giữa năm 2020, ông Hưng ngang nhiên đưa vật liệu tập kết trên đất nông nghiệp do gia đình quản (đây cũng là phạm vi đất lưu không QL46) để xây dựng một căn nhà rộng khoảng 50m2.

Khi phát hiện việc làm sai trái của ông Hưng, người dân xóm Kim Đông và đích thân ông Phạm  Xuân Lưu xóm trưởng đã báo sự việc lên UBND xã Nghi Ân. Tuy nhiên không biết bằng “cách nào” đó căn nhà của ông Nguyễn Duy Hưng sau đó vẫn hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Trao đổi với PV, xóm trưởng Kim Đông – Phạm Xuân Lưu hết sức bức xúc: Người ta đồn tôi lấy tiền của ông Hưng nên ông Hưng mới xây được nhà. Nói thế là hết sức oan uất và xúc phạm tôi. Tôi đâu có chức năng, quyền hạn gì để cho ông Hưng xây nhà trên đất nông nghiệp và đất lưu không QL46? Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý đến nơi chứ nếu không tôi mang tiếng với người dân.

Trường hợp thứ 3 xây nhà, khuôn viên trên đất nông nghiệp xảy ra tại xóm Kim Chi của hộ gia đình Hà Lài. Theo người dân phản ánh thì đây là đất công ích 100% do UBND xã Nghi Ân quản lý. Từ đầu năm 2020, gia đình Hà Lài đã ngang nhiên cho xe tải đổ phế thải xây dựng, đất đá lên khoảng đất hơn 100m2 để chuẩn bị tiến hành xây dựng nhà. Cứ vào khoảng thời gian thứ 7, chủ nhật, lại lén lút xây dựng. Căn nhà này cách UBND xã Nghi Ân dăm trăm mét, nằm trên trục đường lớn nhưng không gặp bất cứ một sự “trở ngại” nào. Hiện tại căn nhà này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, thách thức pháp luật và trật tự đô thị tại địa phương.

Gia đình bà Lan Hương (xóm Kim Mỹ) lấn chiếm, xây dựng tường bao trên đất nông nghiệp.

Trường hợp thứ 4 là việc lấn chiếm, xây tường bao trên đất nông nghiệp của hộ bà Lan Hương, ngụ xóm Kim Mỹ, xã Nghi Ân. Đây là khu đất có giá trị cao, bám dọc tuyến đường QL46. Mặc dù đang còn tranh chấp, chưa xác định ranh giới và một phần đất nông nghiệp được giao phía sau để trồng lúa, hoa màu nhưng sau khi làm nhà xong, gia đình đã tự ý xây dựng tường kiên cố chạy dài hàng trăm mét bao hết diện tích đất này. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, cán bộ địa chính, trật tự đô thị đã xuống lập biên bản, nhưng đến nay sự việc lấn chiếm trái phép này “đâu vẫn vào đấy”.

UBND xã Nghi Ân buông lỏng quản lý

Xã Nghi Ân thuộc huyện Nghi Lộc, được sát nhập vào TP Vinh năm 2008. Xã cách trung tâm TP 10 phút đi xe, lại nằm dọc tuyến QL46, sân bay nên có vị trí địa lý, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, giá cả đất đai, mặt bằng tại Nghi Ân tăng lên chóng mặt, nhiều đại gia TP Vinh đổ xô về mua.

Do việc đất đai tăng giá cộng với sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên thời gian qua, xảy ra hàng loạt vụ lấn chiếm đất công ích; xây nhà, trang trại trên đất nông nghiệp; xây dựng không phép, sai phép, trái quy hoạch.

Với trường hợp hộ gia đình ông Bạch Huy Khánh (xây dựng trang trại nuôi lợn trên đất lúa), theo ông Chu Văn Mai – chủ tịch UBND xã Nghi Ân thì sau khi  phát hiện, xã đã xuống lập biên bản, đích thân ông cũng đã xuống thị sát.

Tuy nhiên từ khi lập biên bản vi phạm đến nay, hộ ông Bạch Huy Khánh không bị xử phạt bất cứ một vi phạm nào. Đồng nghĩa với đó là công trình này vẫn tồn tại trái phép, lợn vẫn được nuôi nhốt hàng trăm con gây ô nhiễm môi trường, thách thức pháp luật.

Với các trường hợp như ông Nguyễn Duy Hưng (ngụ xóm Kim Đông) xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, đất lưu không QL46; gia đình Hà Lài (xóm Kim Chi) xây dựng nhà, sân vườn trên đất công ích; gia đình bà Lan Hương (xóm Kim Mỹ) lấn chiếm, xây dựng tường bao trên đất nông nghiệp… cán bộ xã Nghi Ân cho biết đều đã lập biên bản vi phạm.

Khi PV đề cập, vì sao sau khi lập biên bản lại không ra quyết định xử phạt, yêu cầu khắc phục hậu quả mà để các sai phạm tồn tại đến bây giờ? Ông Nguyễn Ngọc Hà - Công chức Đô thị xây dựng viện dẫn đủ “lí do”, khi thì đối tượng không ở địa phương, khi thì chưa xác định được người vi phạm, các loại đất. (?!)

Để làm việc với PV Môi trường và Đô thị, ông Chu Văn Mai – Chủ tịch UBND xã Nghi Ân đã cho gọi các công chức từ địa chính, đô thị, phó chủ tịch lên trả lời, “hỗ trợ”. Khi được hỏi 4 trường hợp sai phạm nêu trên, UBND xã Nghi Ân đã xuống hiện trường kiểm tra, lập biên bản chưa thì ông Nguyễn Ngọc Hà – công chức Đô thị xây dựng cho biết: Sau khi phát hiện sai phạm chúng tôi đã xuống lập biên bản vi phạm từng hộ dân. Các công trình này cũng được đình chỉ từ đó.

Tuy nhiên khi chúng tôi đề cập, vì sao sau khi lập biên bản lại không ra quyết định xử phạt, bắt khắc phục hậu quả mà để các sai phạm tồn tại đến bây giờ? Ông Nguyễn Ngọc Hà viện dẫn đủ “lí do”, khi thì đối tượng không ở địa phương, khi thì chưa xác định được người vi phạm, các loại đất. (?!)

Sau buổi làm việc, PV đề Nghị ông Chu Văn Mai - Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cung cấp các biên bản vi phạm đã lập trước đó thì ông Mai nói chưa chuẩn bị kịp, ngày mai sẽ cho cán bộ xây dựng đô thị cung cấp cho báo chí. Tuy nhiên nhiều ngày sau đó, PV tiếp tục trực tiếp đến UBND xã Nghi Ân cũng như gọi điện cho cán bộ Xây dựng đô thị, Chủ tịch xã vẫn không lấy được các biên bản này. Tiếp đó, qua điện thoại, ông Chu Văn Mai cho biết do sau khi lập, các công chức đô thị, cộng tác viên cầm về nhà nên giờ thất lạc, hiện đang cho anh em tìm (?!).

Tuy nhiên đã hai tuần trôi qua, đến nay chúng tôi vẫn không có được các “biên bản vi phạm” như chủ tịch UBND xã Nghi Ân nói. Phải chăng các biên bản này chỉ nói cho có để “đối phó” với báo chí, còn trên thực tế chưa có biên bản nào được lập?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng không phép, vi phạm môi trường, quy hoạch trên địa bàn xã Nghi Ân, TP Vinh trong các bài tiếp theo...

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai tại xã Nghi Ân (Bài1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.