Thứ ba, 23/04/2024 16:27 (GMT+7)

Nghệ An: Nông dân huyện Anh Sơn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

MTĐT -  Thứ bảy, 03/12/2022 10:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Anh Sơn chuyển sang xu thế phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên đàn gia súc, gia cầm, vừa phòng ngừa dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Sở hữu trang trại chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn, 3 năm gần đây, gia đình anh Đặng Ngọc Khuyến ở thôn Nhân Tài, xã Cẩm Sơn đã áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Anh Khuyến cho hay, gia đình đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, xa khu dân cư, lắp đặt hệ thống thông gió, máng ăn tự động và tuân thủ quy trình vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ.

Nông dân Anh Sơn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ảnh 1
Từ khi thực hiện chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, các lứa lợn của gia đình anh Đặng Ngọc Khuyến ở thôn Nhân Tài, xã Cẩm Sơn luôn khỏe mạnh, an toàn trong các đợt dịch bệnh. Ảnh: Thái Hiền

Ngoài ra, chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý, người và phương tiện ra vào chuồng trại phải thực hiện sát khuẩn, loại bỏ nguy cơ mang mầm bệnh từ ngoài vào trang trại. Giống, thức ăn, thuốc thú y cũng được kiểm soát chặt chẽ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Lợn được gia đình anh nuôi theo lứa, thả nuôi một lượt, rồi xuất bán một lượt. Sau mỗi lần xuất bán thực hiện tổng vệ sinh chuồng trại theo đúng khuyến cáo, tạm ngưng ít nhất 1 tuần rồi mới bắt đầu thả nuôi lứa mới.

Từ khi thực hiện chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, các lứa lợn của gia đình anh Khuyến luôn khỏe mạnh, an toàn trong các đợt dịch bệnh. Hiện nay, gia đình anh nuôi 3 lứa lợn/năm, mỗi lứa 300-400 con, sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại của anh thu về hơn 350 triệu đồng.

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, gia đình chị Lê Thị Nga thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Sơn đã áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho đàn bò 5 con. Chị Nga cho biết: Lúc trước, gia đình chị cùng nhiều hộ dân tại địa phương nuôi bò bán chăn thả. Ban ngày, đưa đàn bò lên các khu đồi, rẫy ăn cỏ tự nhiên, chiều về cắt cỏ cho ăn thêm. Tuy nhiên, khi nuôi theo cách này, bò thả chung với nhiều đàn bò khác nên hay nhiễm bệnh, nhất là bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Vì vậy, 2 năm nay, gia đình chị đầu tư xây lại chuồng trại, chuyển đổi 2 sào đất kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, đồng thời áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Nông dân Anh Sơn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ảnh 2
Bà con nông dân Anh Sơn áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên đàn bò. Ảnh: Thái Hiền

Theo chị Nga, để chăn nuôi hiệu quả, gia đình chị luôn chú trọng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài quản lý chặt chẽ từ khâu thức ăn, nước uống, bổ sung vitamin định kỳ thì chuồng trại phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, phân bò phải được rải vôi hoặc ủ men vi sinh để khử khuẩn mầm bệnh, bảo vệ môi trường. Vào mùa nắng, bò thường hay mắc các bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, nên để tránh dịch bệnh, gia đình chị cho bò trú ở bóng mát, bổ sung thêm vitamin C. Mùa Đông,chuồng trại được giữ ấm và bò được bổ sung các men hữu cơ, tăng sức đề kháng, nhờ đó, đàn bò của gia đình chị sinh trưởng rất tốt và rất ít bị bệnh.

Trong những năm qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm liên tục có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, thường gặp nhất là cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi... Từ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Chăn nuôi và Thú y huyện Anh Sơn khuyến cáo người chăn nuôi nên mạnh dạn chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học.

Nông dân Anh Sơn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ảnh 3
Ngành Chăn nuôi và Thú y huyện Anh Sơn đã khuyến cáo người chăn nuôi nên mạnh dạn chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Thái Hiền

Ông Nguyễn Xuân Ưng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: An toàn sinh học đối với các trang trại, hộ chăn nuôi là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh thú y nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong các cơ sở chăn nuôi bằng phương pháp vệ sinh sát trùng.

Vì vậy, trong những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn luôn quan tâm, khuyến cáo người dân chuyển hướng chăn nuôi theo trang trại khép kín để đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường thông qua việc ứng dụng quy trình, kỹ thuật công nghệ mới như xây hầm biogas, men sinh học, ủ phân hữu cơ... để xử lý môi trường trong chăn nuôi.

Mặt khác, Trung tâm cũng rà soát, đánh giá lại thực trạng chăn nuôi để thực hiện tốt đề án phát triển kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Anh Sơn, giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030.

Tú Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Nông dân huyện Anh Sơn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới