Nghệ An: Xưởng đá trái phép mọc trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường
Không được cấp phép nhưng nhiều năm qua, một xưởng đá hoa cương tại xóm Trường An, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
Thời gian qua, người dân xóm Trường An, xã Nghi Trường có ý kiến phản ánh về việc cơ sở sản xuất đá hoa cương (còn gọi là đá granit), hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nhưng không được chính quyền xử lý gây nhiều bức xúc cho người dân.
Mục sở thị tại cơ sở trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận thấy việc phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Xưởng sản xuất đá nằm ngay mặt đường lớn, xây dựng kiên cố, bên trong có các loại máy móc và rất nhiều loại đá hoa cương, bụi bẩn bám ra cả ngoài đường lớn, xe cộ đi lại thì bụi đá bay lên mù mịt, nước thải khi gia công đá cũng chảy cả ra ngoài. Đáng nói, cơ sở sản xuất đá này lại được hoạt động trên đất ở, nằm ngay trong khu dân cư nơi đông đúc người dân, phương tiện ô tô, xe máy qua lại nên rất phản cảm.
Tìm hiểu thêm được biết xưởng đá này của ông Nguyễn Như Trung. Cơ sở sản xuất đá nằm trên thửa đất số 646, tờ bản đồ số 1, xóm Trường An, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc.
Mặc dù nằm trong khu dân cư, nhưng xưởng đá này hoạt động thiếu biện pháp che chắn, giảm thiểu tiếng ồn. Một số người dân sống ở gần xưởng cho biết, tiếng ồn từ xưởng đá suốt ngày khiến những gia đình xung quanh phải cửa kín, then cài, nhưng vẫn rất khó chịu. Đã nhiều lần góp ý, nhưng cơ sở này vẫn phớt lờ các ý kiến, tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm tiếng ồn, khiến nhiều người bức xúc.
“Bản thân tôi làm việc cả ngày, những lúc mệt muốn nghỉ ngơi nhưng không tài nào nằm chợp mắt được. Việc cắt, xẻ đá gây tiếng ồn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gia đình tôi và nhân dân trong khu vực, cũng không biết xưởng đá nằm trong khu dân cư thế này đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa nữa, chứ chúng tôi thấy họ làm từ lâu rồi”, ông Đ một hộ dân sống gần xưởng đá nói thêm.
Để làm rõ phản ánh của người dân, PV đã trao đổi với Chủ tịch UBND xã Nghi Trường - ông Nguyễn Duy Châu, cho biết :“ Xưởng này xây dựng quy mô như vậy tầm hai năm trở lại đây, trước đây thì làm nhỏ lẻ hơn, ở đây cơ bản là người dân xây dựng và sản xuất kinh doanh tự phát, đất đai họ mua rồi tự xây dựng xưởng sản xuất vậy chứ không có giấy tờ về môi trường hay giấy phép xây dựng gì cả, đất mặt đường đó thuộc vào đất ở, họ hiện tại chỉ có giấy phép kinh doanh thôi, hầu như các nhà xưởng kinh doanh sản xuất ở đây đều như vậy cả”.
Trước tình trạng ô nhiễm bụi đá, tiếng ồn, tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của người dân xung quanh. Đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan cần sớm kiểm tra, xác minh tổng thể, xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật.
Theo khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác.
Trong khi đó, đất để xây dựng nhà xưởng cũng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, tuy nhiên tùy vào mục đích sử dụng cụ thể mà nhà xưởng có thể được xây dựng trên các loại đất như: Đất khu công nghiệp; đất cơ sở sản xuất kinh doanh; đất sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất dịch vụ phi nông nghiệp…
Như vậy, có thể thấy trong trường hợp muốn xây dựng nhà xưởng trên đất ở, buộc người sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (đất sản xuất phi nông nghiệp).