Chủ nhật, 15/09/2024 00:09 (GMT+7)

Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa lan truyền virus tiềm tàng?

MTĐT -  Thứ hai, 12/08/2024 10:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi xâm nhập vào môi trường sống tự nhiên của các loài dơi để thu gom phân mà không có biện pháp phòng ngừa, người dân cũng đang mở ra cánh cửa tiềm tàng lan truyền virus giữa động vật và người, có thể dẫn đến tình trạng bùng phát dịch bệnh.

Để kiểm soát những tương tác này, cần phải có một giải pháp toàn diện tính đến tất cả những yếu tố có liên hệ với nhau trong hệ sinh thái. Một trong những giải pháp tiềm năng đang được chú ý là One Health (Một Sức khỏe), cách tiếp cận đòi hỏi sự hợp tác liên ngành nhằm cân bằng và tối ưu một cách bền vững sức khỏe của con người, động vật và môi trường sống.

Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa lan truyền virus tiềm tàng? - Tạp chí Tia sáng
Bên trong hang Tân Lập, người dân sẽ thu gom phân dơi vào trong các bao tải dứa trắng. Ảnh: WCS Việt Nam

Bên trong hang động đá vôi thuộc xã Thiện Tân (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), một người phụ nữ thoăn thoắt trèo bằng tay không lên vòm hang cao gần cả trăm mét, chẳng mấy chốc chị đã biến mất khỏi tầm nhìn của những người đứng phía dưới. Từ những ngóc ngách vừa cao vừa sâu trên vòm hang ấy, chị nhẹ nhàng thu gom từng viên phân nhỏ xíu để đưa xuống phần nền hang đã được trải bạt sẵn.

Những viên phân kỳ lạ ấy chính là phân của đàn dơi trú ngụ trong hang. Bất chấp mùi khai nồng toả ra, phân dơi được mệnh danh là những viên “dạ minh sa” (lấp lánh như cát vào ban đêm) mang lại hàm lượng nitơ, phốt pho và kali hữu cơ quý giá. Từ hang Tân Lập này, những bao phân dơi có giá 70.000 đồng/kg, đắt gấp hơn bốn lần phân NPK trên thị trường, được thu mua tại hang và bán đi khắp cả nước…

Niềm mong chờ của người dân vào mỗi mùa dơi về độ tháng Ba đến tháng Năm và từ tháng Tám đến tháng Mười hằng năm trái ngược với nỗi lo của các nhà khoa học về những nguy cơ tiềm tàng đến sức khoẻ, nhất là từ khi dơi bị xem là “ổ” chứa nhiều loại virus truyền nhiễm gây ra các bệnh như Ebola (gây tình trạng sốt xuất huyết do virus Ebola), Nipah (gây bệnh viêm não viêm đường hô hấp), Marburg (một loại bệnh sốt xuất huyết), SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).

Trên thực tế, 75%1 các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi ở trên người có nguồn gốc từ động vật, với khoảng 2/3 trong số đó là từ động vật hoang dã – trong đó có dơi. “Dơi và những loài động vật hoang dã khác như tê tê hay cầy đều được biết đến là vật chủ trung gian của rất nhiều mầm bệnh. Tuy nhiên, với khả năng bay lượn và phân bố rộng, nhiều loài dơi có tập tính di cư giữa những nơi cách xa nhau, khi dơi mang virus, chúng cũng sẽ có khả năng lây lan virus cao hơn rất nhiều so với các loài động vật khác”, GS.TS. Vũ Đình Thống (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), người đã dành hơn 30 năm nghiên cứu về dơi, lưu ý.

Ranh giới bị xóa nhòa

Hệ miễn dịch độc đáo2 và khả năng giảm viêm hiệu quả3 giúp dơi dễ dàng “chung sống” với virus mà không bị ảnh hưởng bởi độc tính của virus – ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt. Đồng thời đặc tính sống bầy đàn từ hàng chục đến hàng triệu cá thể khiến mỗi đàn dơi có thể trở thành trung tâm phát tán dịch bệnh. Những cá thể dơi trong mỗi đàn dễ dàng lây truyền virus cho nhau và lây lan xuyên biên giới giữa các đàn vào những mùa di cư, sau đó tiếp tục lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp sang các động vật khác và cho con người.

Theo một số ước tính, dơi là vật chủ của 72.000 loại virus4. Tất cả các virus, bất kể phân loại hay nguồn gốc, nếu muốn nhân lên và lan sang các loài mới thì đều phải có khả năng lách và vượt qua các yếu tố phân tử khác nhau trong vật chủ5. Mỗi giai đoạn trong chu kỳ sống của virus đều phụ thuộc vào nhiều tương tác protein với tế bào chủ, chẳng hạn liên kết và xâm nhập của virus, ức chế các yếu tố chống virus của vật chủ, và “trốn tránh” hệ thống miễn dịch của vật chủ.

Dù không phải virus nào cũng có khả năng “nhảy loài” và lây nhiễm sang người, song một khi đã vượt được qua hàng rào loài, những con virus đủ khả năng gây bùng phát những dịch bệnh nguy hiểm. Tất cả đều có thể là khởi điểm của một đại dịch mới. Những loài virus mà dơi là một trong những vật chủ trung gian trong hệ sinh thái như Ebola, Marburg , SARS, Hendra và Nipah, đã gây ra tổng cộng hơn 90 đợt bùng phát, lây nhiễm cho khoảng 44.000 người và giết chết hơn 16.000 người4.

Tại Việt Nam, hoạt động thu gom phân dơi diễn ra phổ biến trong những hang động đá vôi (karst) ở các tỉnh thành vùng núi phía Bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nam v.v. Đặc biệt, một trong những khu vực nổi tiếng là hang Tân Lập – còn được người dân gọi là “hang Dơi”. Đây là nơi cư trú của những quần thể dơi lớn nhất cả nước6, GS.TS. Vũ Đình Thống một trong hai người đầu tiên mô tả đặc điểm và đưa tên gọi chính thức “Hang Tân Lập” ra các bộ dữ liệu quốc tế vào năm 2007 (fledermaus-dietz.de; batcon.org) cho biết. Dơi cho phân trong hang đa phần thuộc hai loài là Dơi thò đuôi (Mops plicatus) và Dơi bao đuôi nâu đen (Taphozous melanopogon). Các nhà khoa học phát hiện thấy ít nhất có bốn loài dơi khác (Cynopterus sphinx, Rousettus leschenaulti, Myotis chinensis,Hipposideros pomona) cư trú theo mùa hoặc quanh năm trong hang động nổi tiếng này.

Nếu như ở các tỉnh phía Bắc, phân dơi được nhặt trong hang, thì ở các tỉnh Tây Nam Bộ, nhiều hộ dân xây dựng các chuồng cho dơi trú ẩn ngay trong vườn nhà. Dù loài cho phân có thể bón cây trồng đa phần là dơi nghệ (Scotophilus kuhlii) và dơi muỗi (Myotis chinensis) nhưng có rất nhiều loài dơi khác nhau trú ngụ ở những chuồng này mà đến giờ chưa có thống kê chính thức. Những chuồng dơi đó có trụ bê tông và mái bằng lá thốt nốt này thu hút dơi đến treo mình ngủ ngày, đến đêm bay đi kiếm ăn. Phần phân do dơi thải ra sẽ rơi xuống dưới tấm bạt đã được người dân trải sẵn, số còn lại sẽ dính vào lá.

Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa lan truyền virus tiềm tàng? - Tạp chí Tia sáng
Những chiếc chuồng có trụ bê tông và mái bằng lá thốt nốt này thu hút dơi đến. Trong ảnh là ba trong số các chuồng dơi của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Đức Hùng
Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa lan truyền virus tiềm tàng? - Tạp chí Tia sáng
Phần phân do dơi thải ra sẽ rơi xuống dưới tấm bạt đã được người dân trải sẵn. Ảnh: Nguyễn Đức Hùng
Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa lan truyền virus tiềm tàng? - Tạp chí Tia sáng
Phân dơi được thu gom vào trong các bao tải và bán với giá 70.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Đức Hùng

Theo ông Đinh Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), “mô hình ‘nuôi dơi’ ở huyện Tháp Mười là mô hình tự phát, đã diễn ra từ lâu.” Những bao phân từ các chuồng dơi ở huyện Tháp Mười được chuyển đến bón cho những vườn cây trên khắp Đồng bằng Sông Cửu Long, từ Cái Bè, Ngũ Hiệp (Tiền Giang), đến Chợ Lách (Bến Tre) v.v.

Sau 40-50 năm nuôi dơi, như lời kể của những người nuôi dơi ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, thu phân trở thành công việc quen thuộc và thường nhật giống như trồng lúa, nấu ăn và tưới cây tới mức không ai mang khẩu trang, găng tay hay bất cứ vật dụng bảo hộ nào.

“Tôi bị dơi cắn hoài, nhưng cũng không thấy vấn đề gì”, bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt (60 tuổi) – người nuôi 3 chuồng dơi ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp – kể.

Cả ở những chuồng nuôi dơi phía Nam và các hang động phía Bắc, người và dơi dễ dàng tương tác không có khoảng cách gì. Thậm chí, ở các hang động phía Bắc, hoạt động thu gom phân dơi trong hang động có thể tác động đến môi trường sống tự nhiên của các loài dơi như gây tiếng ồn lớn hoặc chiếu ánh sáng mạnh và có thể làm thay đổi nhiệt độ và độ ẩm không khí. Những thay đổi này có thể khiến một số cá thể dơi non bị ảnh hưởng và rơi từ trên những vòm hang xuống sàn hoặc đánh thức những con dơi đang ngủ trong thời gian ban ngày, có thể làm tăng mức độ trao đổi chất vào thời điểm mà chúng nghỉ theo chu kỳ sinh học7.

Cả dơi và phân dơi đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái hang động8. Phân dơi cung cấp vật liệu hữu cơ cho môi trường hang động và là nơi trú ngụ của vi khuẩn, nấm và côn trùng đồng thời quá trình phân hủy của phân dơi giúp giữ nhiệt và độ ẩm trong hang.

Tuy nhiên, “việc thu gom phân dơi trong hang động nhìn chung có thể tác động nhất định đến hệ sinh thái tự nhiên, chứ không gây xáo trộn đến mức nghiêm trọng”, GS.TS Vũ Đình Thống lưu ý.

Nghiêm trọng hơn là tình trạng săn bắt dơi làm thực phẩm, tiếp xúc dơi gần hơn rất nhiều và có nguy cơ lây truyền virus cao hơn so với thu gom phân. Một cuộc khảo sát9 từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2020 do các nhà khoa học thực hiện tại hang Tân Lập cho thấy hằng đêm có từ hàng chục đến hàng trăm con dơi bị săn bắt trộm để buôn bán bất hợp pháp với giá khoảng 300,000 VND/kg.

Một số người chủ chuồng dơi ở các tỉnh Tây Nam Bộ cũng đã từng ăn thịt dơi. “Cách đây chục năm, có những ngày chuồng sập, đi ra xem thì thấy dơi chết đầy cả thúng. Nhà tôi đem dơi vô luộc ăn, ngon lắm”, một người dân tại tỉnh Đồng Tháp yêu cầu giấu tên chia sẻ.

GS.TS Vũ Đình Thống cũng lưu ý đến tình trạng săn bắt trộm dơi đã hoành hành nhiều năm ở một số nơi. “Số lượng dơi bị bắt trộm một đêm có thể bằng số lượng sinh trong 10 năm”, ông giải thích. “Riêng tại Tân Lập, số lượng dơi đã giảm khoảng 40% trong vòng 10 năm trở lại đây”, GS.TS Vũ Đình Thống cho biết thêm. Tất cả sự xáo trộn môi trường sống, thu hẹp diện tích tự nhiên, suy giảm số lượng đàn dơi đều có thể là khởi phát khiến cho virus đột biến và làm gia tăng nguy cơ truyền lây. Con đường lây truyền ngày càng trở nên phức tạp vì phạm vi di cư theo mùa của dơi trải rộng khắp Đông Nam Á cho đến Nam Trung Quốc, còn con đường vận chuyển phân dơi cũng qua rất nhiều mắt xích vận chuyển trong hệ thống giao thông.

Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa lan truyền virus tiềm tàng? - Tạp chí Tia sáng
Phân dơi được gom lại trong hang Tân Lập. Ảnh: Vũ Đình Thống
Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa lan truyền virus tiềm tàng? - Tạp chí Tia sáng
Bao tải đựng phân dơi trong hang Tân Lập. Ảnh: Christian Dietz

Rủi ro rình rập

Nhìn từ con đường lây truyền virus, dơi là một “ổ chứa” tiềm tàng nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Tuy vậy, trong văn hóa dân gian và niềm tin của một số người dân, dơi là con vật lành, là biểu tượng của phúc (Trong tiếng Trung, chữ “ bức” 蝠 – con dơi đồng âm với “phúc” 褔 chỉ sự may mắn, tốt lành)

Với bà Nguyệt, dơi thậm chí là vật nuôi, là “ân nhân” vì nguồn tiền bán phân dơi nuôi sống gia đình bà qua trận lũ lụt lịch sử tại ĐBSCL vào năm 1978 khiến cả vùng thiếu đói. “Mỗi lần quét phân, nhìn thấy dơi con chết, thấy xót ruột”, bà Nguyệt nói.

GS. Vũ Đình Thống cho biết dơi có một vị trí quan trọng trong các gia đình kiếm sống bằng nghề thu gom phân dơi tại Tây Nam Bộ. Theo văn hoá địa phương, hầu hết các gia đình nuôi dơi đều kiêng cữ rất kỹ, thậm chí không cho người lạ đến gần khu vực chuồng dơi.

Ngay cả khi, vào tháng 3/2020, khi khu vực Tây Nam Bộ lần đầu ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên, thông tin này hầu như không phá vỡ nhịp sống thường nhật của người dân tại xã Mỹ Đông (tỉnh Đồng Tháp).“ Tôi cũng biết người ta đồn dịch bệnh là do dơi gây ra, nhưng dơi ở trên trời thì ảnh hưởng gì đến mình”, vợ của ông Bùi Văn Giống chia sẻ. “Dơi đâu có độc bằng các loại phân hoá học hay thuốc sâu, chỉ có hơi hôi thôi”.

Niềm tin ấy không chỉ là lý do đằng sau việc con người tiếp xúc với dơi thoải mái như vật nuôi mà cũng là nguyên do dẫn đến nạn săn bắt và buôn bán dơi bất hợp pháp. “Nhiều người tin vào những bài thuốc dân gian, rằng máu dơi tốt cho mắt, thịt dơi tốt cho sức khỏe dù chưa có bất kỳ một bằng chứng khoa học nào nói rằng thịt dơi, máu dơi hay bất cứ sản phẩm nào từ dơi có giá trị y dược cả”, GS. Vũ Đình Thống khẳng định. Dơi là động vật hoang dã được Luật Đa dạng Sinh học, Luật Lâm nghiệp bảo vệ. “Việc săn bắt dơi là vi phạm, chắc chắn vi phạm, trừ một số ngoại lệ đặc biệt và phải có sự cho phép bằng văn bản của cơ quan chức năng”, ông cho biết thêm.

Khác với chính sách về việc cấm săn bắt dơi, cho đến hiện tại, vẫn chưa có một chính sách cụ thể nào đối với nghề thu gom phân dơi – cả trong hang động lẫn chuồng dơi thu phân dơi.

Trái với người dân, các nhà khoa học từ lâu đã e ngại về vai trò trung tâm của dơi trong con đường lan truyền dịch bệnh. Bên cạnh con đường lây trực tiếp khi con người tiếp xúc với cơ thể, phân, nước tiểu, nước bọt, máu của dơi, virus còn có thể lây truyền sang người thông qua một vật chủ trung gian – có thể là các loài vật nuôi hoặc những loài động vật hoang dã khác. Một trong những vật chủ trung gian phổ biến nhất chính là loài vật nuôi vô cùng quen thuộc, gần gũi: lợn. Các nhà nghiên cứu và những người làm dịch tễ học ở Đông Nam Á và Úc không bao giờ quên hai đợt bùng phát dịch do virus Menangle ở Úc năm 1997 và virus Nipah ở Malaysia năm 1998, những con lợn đã nhiễm bệnh từ dơi và sau đó lây nhiễm cho những người làm công tại các trại nuôi lợn. Trong đó, bệnh do virus Nipah có thể tiến triển thành viêm đường hô hấp cấp tính nặng hoặc viêm não với diễn biến nhanh trong vòng 24-48 giờ và tỷ lệ chết/mắc khoảng 40-75% nhưng đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Đó là lý do nghiên cứu cơ chế lây truyền virus từ dơi là một trong những mối quan tâm lớn của các nhà khoa học và dịch tễ học cộng đồng. “Nhìn chung, cơ chế lây truyền virus – dù là qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp – đều phụ thuộc vào đặc điểm và độc tố của mỗi chủng virus. Đó là một cơ chế cực kỳ phức tạp”, GS Vũ Đình Thống cho biết.

Vào năm 200710, một số nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá mức độ phổ biến của các tác nhân gây bệnh Nipah ở loài dơi. Sử dụng kỹ thuật ELISA, nhóm đã phát hiện ra 31 cá thể dơi Rousettus leschenaultii và 3 cá thể dơi Cynopterus sphinx dương tính với virus Nipah. Sau khi khảo sát người dân của tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk – nơi bắt được dơi C. sphinx dương tính với virus Nipah, nhóm nghiên cứu ghi nhận một số người có tham gia hoạt động săn bắt, nấu thịt và uống máu dơi. Trong quá trình đó, người dân đã tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch, phân dơi và bị cắn trong quá trình săn dơi.

Dù ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát hiện sự lưu hành của chủng virus này trên người. Dẫu vậy, kết quả của nghiên cứu này vẫn thôi thúc các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu đặc điểm của virus, con đường truyền lây và cách phòng tránh, nhất là khi lưu ý đến trường hợp của chủng virus Nipah, một khi con người đã bị nhiễm đến mức phát chứng bệnh thì rủi ro không qua khỏi sẽ rất cao.

Các nghiên cứu quốc tế về phân dơi và bệnh tật đều cho thấy rằng việc dành thời gian trong hang dơi sẽ làm tăng khả năng tiếp xúc với mầm bệnh. Một nghiên cứu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long11 vào năm 2013-2014 đã xác định được hai chủng virus Corona lưu hành ở loài dơi tại các khu vực thu thập phân dơi. Trong đó có PREDICT_CoV-35 – dù vẫn chưa chưa được tìm thấy ở người – nhưng từng được các nhà khoa học tại trường Đại học California, Davis xếp thứ 21 trong danh sách Xếp hạng các virus có nguy cơ lây lan từ động vật sang người.

Như đã nói, bên cạnh lây truyền trực tiếp, cơ chế lây truyền bệnh giữa dơi và người còn có thể diễn ra gián tiếp với tác nhân trung gian là lợn. Vào năm 2018, Tổ chức Wildlife Conservation Society, Văn phòng đại diện tại Việt Nam (WCS Việt Nam) đã phối hợp với các đơn vị như Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế thu thập 485 mẫu sinh phẩm của lợn, 891 mẫu sinh phẩm của dơi và 60 mẫu sinh phẩm của người ở những khu vực có sự tương tác giữa người và động vật hoang dã – bao gồm các hang động nơi người dân thu nhặt phân dơi và những nơi có các ‘chuồng dơi’ được dựng lên để làm nơi trú ngụ cho dơi và lấy phân. Sau đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục sàng lọc các mẫu sinh phẩm từ dơi, lợn và người đối với năm họ virus có khả năng lan truyền, bao gồm Coronavirus, Paramyxovirus, virus Cúm, Filovirus và Flavivirus.

Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa lan truyền virus tiềm tàng? - Tạp chí Tia sáng
Nhóm nghiên cứu lấy mẫu phân dơi tại Đồng Tháp vào tháng 5/2018. Ảnh: WCS Việt Nam

Đáng chú ý, thông tin dịch tễ và những mẫu sinh phẩm thu thập trên nhóm người dân thu thập phân dơi tại hang Tân Lập và nhóm bệnh nhân sống trong tỉnh và khu vực lân cận nhập viện vì sốt không rõ nguyên nhân.

Theo đó, các nhà khoa học đã tìm thấy tám virus corona và bốn virus paramyxo mới trên các mẫu sinh học của dơi nghệ và dơi thò đuôi tại các khu vực có sự tiếp xúc giữa người và động vật. Xem xét cây phát sinh loài, họ nhận thấy tám chủng virus corona có mối liên hệ mật thiết về mặt di truyền với nguồn gốc của mầm bệnh gây bệnh trên lợn, có khả năng đã có sự lây truyền virus giữa các trang trại chăn nuôi lợn. Như vậy, các điểm trú ngụ tự nhiên của dơi, khu vực ‘chuồng dơi’ để thu thập phân và các trang trại chăn nuôi lợn ở khoảng cách gần nhau, cộng hưởng với sự đa dạng của các chủng virus corona và paramyxo đang lưu hành cho thấy có tồn tại nguy cơ lây lan virus giữa dơi, lợn và người.

“Với các chủng virus mới mà nghiên cứu phát hiện trên dơi, cho đến nay dù vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các virus này có khả năng gây hại cho sức khỏe con người; Tuy nhiên, với những kết quả phát hiện được, chúng ta không thể phủ nhận những nguy cơ tiềm ẩn. Chính vì vậy, tất cả các kết quả chúng tôi phát hiện được đều được gửi và chia sẻ với các cơ quan chức năng có liên quan để có kế hoạch dự phòng ứng phó với các bệnh có thể xảy ra trong tương lai”, Th.S Nguyễn Thị Thanh Nga (Tổ chức WCS Việt Nam), thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định.

Dù vậy, chúng ta vẫn cần thận trọng khi ít nhất 10.000 loài virus có khả năng “nhảy loài” và lây nhiễm cho con người nhưng hiện tại, phần lớn đang lưu hành âm thầm trong các loài động vật có vú hoang dã12.

“Đông Nam Á được nhận diện như một điểm nóng tiềm năng, nơi một đại dịch mới có thể bắt đầu vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào có sự tương tác gần giữa người và vật nuôi hay động vật hoang dã”, TS.BS Phạm Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế công cộng và Hệ sinh thái – Trường Đại học Y tế công cộng (HUPH), đồng thời là điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam (VOHUN), nhận định.

“Có thể hiện tại người dân nghĩ rằng họ đã làm nghề này cả đời có làm sao đâu, nhưng vài chục năm, hàng trăm, hay thậm chí hàng ngàn năm nữa dịch bệnh có thể sẽ xảy ra – đó là rủi ro có thật”, TS.BS Phạm Đức Phúc cho biết thêm.

Bên cạnh nỗi lo về sức khoẻ của con người, ông cũng bày tỏ sự băn khoăn về tác động của con người lên sức khoẻ của loài dơi và toàn bộ hệ sinh thái nói chung. “Các yếu tố sẽ tương tác đa chiều. Khi đề cập đến các bệnh truyền lây từ động vật sang người, chúng ta cũng phải lưu ý đến nguy cơ con người truyền lây bệnh sang động vật.”

Phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe

Những thay đổi trong môi trường sống với rất nhiều tham số khó lường khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh khó có thể thành công, nếu chúng ta vẫn chọn cách tiếp cận truyền thống. Là một người áp dụng cách tiếp cận Một Sức khoẻ (One Health) từ sớm, TS.BS Phạm Đức Phúc cho rằng “nếu muốn sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh thì chúng phải dự báo được mối nguy ở đâu”.

Vì các mối nguy gây bệnh cho con người đều nằm trong hệ sinh thái, con người có thể trực tiếp phơi nhiễm hoặc lây nhiễm thông qua các trung gian truyền bệnh, các chuỗi thức ăn từ môi trường. Do vậy, nên xem xét tất cả mọi nhân tố trong một mối quan hệ thống nhất, có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau về không gian, thời gian và cuối cùng liên hệ đến con người, ông giải thích.

Với trường hợp lây truyền từ dơi sang người, ông cho rằng có rất nhiều con đường lây truyền tiềm năng. Chẳng hạn, dơi có thể bay lạc vào chuồng lợn và tiếp xúc trực tiếp với lợn, hoặc gây ô nhiễm nguồn nước, thức ăn của lợn. “Dù ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy cơ chế nhiễm bệnh từ dơi sang lợn, lợn sang người, song khả năng xảy ra các sự kiện này vẫn tồn tại, và đặc biệt là mật độ nuôi lợn hiện nay của chúng ta đang rất cao. Thêm vào đó, chuồng lợn lại đặt rất gần khu vực nhà ở của con người.”

Đây là một bức tranh rất lớn và chưa có đánh giá rủi ro lan truyền dịch bệnh của thực hành nhặt phân dơi nên trước mắt, TS.BS Phạm Đức Phúc cho rằng “một số bên có thể tiên phong giải quyết từng nút thắt, chẳng hạn Cục Thú y giúp cải thiện môi trường chăn nuôi lợn, Cục Kiểm lâm bảo vệ quần thể loài dơi, các chuyên gia Y tế công cộng và dịch tễ học cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá những tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã có thể ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người”. Các nhà khoa học đang tập trung kêu gọi Bộ NNPTNT xây dựng một hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học nhằm phòng tránh dịch bệnh lây truyền giữa động vật hoang dã nói chung và con người.

Trong lúc chờ đợi những hướng dẫn cụ thể, các nhà khoa học đề xuất những người tham gia thu thập phân dơi cần sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay, ủng… để hạn chế phơi nhiễm với mầm bệnh trong quá trình thu thập phân dơi.

tm-img-alt
Anh Trần Tấn Kiệt, một trong những người xây chuồng dơi để thu thập phân tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cho biết số lượng phân mà dơi thải ra đang giảm mạnh. Ảnh: Nguyễn Đức Hùng

Mới đây Nhóm chuyên gia về Dơi, Ủy ban Vì sự sống còn các loài (SSC) của IUCN, đã ban hành các hướng dẫn và khuyến nghị về tiêu chuẩn vệ sinh cho tất cả những người làm công tác thực địa liên quan đến dơi trên toàn thế giới. GS. Vũ Đình Thống cho biết đây có thể là cơ sở để Việt Nam tham khảo và ban hành một hướng dẫn tương tự trong tương lai.

Tại hang Tân Lập, những năm gần đây, GS.TS Vũ Đình Thống và các đồng nghiệp đã thực hiện một số chuyến đi để nâng cao nhận thức cộng đồng theo hướng dẫn của Nhóm Chuyên Gia Dơi IUCN. Họ đã phát khẩu trang cho người quản lý hang và những người dân địa phương thường xuyên vào hang để thu thập phân dơi. Đồng thời, các nhà khoa học cũng đã phối hợp với địa phương để lắp đặt camera an ninh nhằm phát hiện và ghi lại hoạt động săn bắt tại lối vào và gần hang. Các nhà khoa học cũng kêu gọi chính quyền địa phương thực hiện càng sớm càng tốt một số giải pháp như ban hành các quy định nghiêm ngặt để ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn việc săn dơi ít nhất trên toàn huyện Hữu Lũng hoặc tỉnh Lạng Sơn.

Trước những nỗ lực của các chuyên gia hòng tìm kiếm giải pháp liên ngành phù hợp, nhiều người không khỏi băn khoăn: Vì sao không đơn giản là cấm người dân làm nghề thu nhặt phân dơi?

Cả GS.TS Vũ Đình Thống và ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga, dù đều e ngại về nguy cơ lây truyền virus trong thực hành này, song đều cho rằng đó không phải là một phương án khả thi, đặc biệt nếu xét về sinh kế của người dân. Ngay cả khi xét đến số lượng đàn dơi giảm trong những năm gần đây, cũng rất khó để “quy tội” cho hoạt động thu nhặt này.

Quan trọng hơn cả, theo ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga, mọi quy định đều phải dựa trên bằng chứng khoa học, kể cả quy định hạn chế thu nhặt phân. “Mục tiêu chính của các nghiên cứu mà chúng tôi tiến hành đến lúc này là chỉ ra những rủi ro họ có thể gặp phải và làm thế nào để hạn chế những rủi ro đó.”

Tuy nhiên, có một điều có thể chắc chắn, đó là rủi ro lây truyền sẽ đặc biệt tăng lên trong bối cảnh môi trường sống của các loài động vật hoang dã đang bị thu hẹp do hoạt động nông nghiệp và mở rộng đô thị. Sự xâm lấn môi trường sống khiến con người tiếp xúc nhiều hơn với động vật, trong đó có cả nhiễm bệnh. Việc phá rừng, hang động và các khu vực khác vốn là nơi dơi trú ngụ và tìm kiếm thức ăn đang buộc động vật và con người phải ở gần nhau hơn. Không giống như nhiều loài động vật hoang dã khác, nhiều loài dơi có thể thích nghi và phát triển trong môi trường sống nơi con người chiếm ưu thế13.

Cùng với đô thị hoá, biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự “vượt rào” của virus. Khi Trái đất nóng lên, nhiều loại động vật phải di chuyển đến nơi khác để tìm môi trường sinh sống phù hợp. Chúng mang theo ký sinh trùng và mầm bệnh, lây lan sang các loài động vật khác và cả con người. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh giữa động vật và người, có thể dẫn đến một đại dịch khác nghiêm trọng như COVID-19.

“Chúng ta cần phải tính toán từ sớm để xác định các tương tác truyền lây tiềm tàng, từ đó sẵn sàng ứng phó, không bị ngỡ ngàng và bị động – như đã từng loay hoay khi COVID-19 xảy đến”, TS.BS Phạm Đức Phúc cho biết.

Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ từ Mạng lưới Báo chí Trái đất của Internews.

Chú thích

  1. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S254251962200064X
  2. https://www.science.org/doi/10.1126/sciadv.add7540
  3. https://www.nature.com/articles/s41564-019-0371-3
  4. https://www.reuters.com/investigates/special-report/global-pandemic-bats-jumpzones/
  5. https://www.nature.com/articles/s41579-020-0394-z#ref-CR78
  6. https://vjs.ac.vn/index.php/vjbio/article/download/15711/pdf
  7. https://library.oapen.org/bitstream/id/e39d872a-5398-42bb-9de1-9b6fa8b734e5/1001864.pdf
  8. https://www.researchgate.net/publication/346061306_The_Life_Hidden_Inside_Caves_Ecological_and_Economic_Importance_of_Bat_Guano
  9. https://vjs.ac.vn/index.php/vjbio/article/download/15711/pdf
  10. https://www.researchgate.net/publication/221872906_Serologic_Evidence_of_Nipah_Virus_Infection_in_Bats_Vietnam
  11. https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0237129
  12. https://www.nature.com/articles/s41586-022-04788-w
  13. https://www.nature.com/articles/s41586-020-2562-8
Bạn đang đọc bài viết Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa lan truyền virus tiềm tàng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Anh Thư/Tia sáng

Cùng chuyên mục

Ứng phó thế nào trước những cơn bão lớn?
Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.
Hiệu ứng nhà kính, thủ phạm tạo ra siêu bão
Hiệu ứng nhà kính mà điển hình là hiện tượng nước biển ấm lên đang là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều hơn những cơn siêu bão như bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Tin mới