Thứ sáu, 29/03/2024 00:38 (GMT+7)

Nghị định 25 'cởi trói' cho thị trường bất động sản

MTĐT -  Thứ hai, 23/03/2020 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (Nghị định 25) thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP (Nghị định 30) kỳ vọng sẽ gỡ một nút thắt lớn vốn là rào cản cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Có hiệu lực từ 20/4/2020, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (Nghị định 25) thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP (Nghị định 30) kỳ vọng sẽ gỡ một nút thắt lớn vốn là rào cản cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Qua 5 năm thực hiện, Nghị định 30 đã tạo ra khung pháp lý nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Nghị định 30 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập khiến các địa phương gặp khó khăn, lúng túng, các nhà đầu tư không mặn mà, đặc biệt là các nội dung liên quan đến dự án đầu tư có sử dụng đất.

Vướng mắc nổi bật nhất, được nhiều địa phương phản ánh liên quan đến các dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo đó, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn chưa phân định rõ trường hợp giao đất, cho thuê đất theo một trong ba hình thức gồm đấu thầu, quyết định chủ trương đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, việc xác định giá trị M3 (giá sàn nộp ngân sách nhà nước) cũng là khó khăn rất lớn đối với nhiều đơn vị khi xây dựng hồ sơ mời thầu.

Sự chồng chéo và thiếu nhất quán trong các bộ luật có liên quan cũng là nguyên nhân khiến nhiều địa phương lúng túng trong việc thực thi pháp luật, “không dám” giao dự án mới cho nhà đầu tư hoặc “không dám” giao đất cho nhà đầu tư đã trúng thầu, dẫn tới hàng loạt dự án, nhất là các dự án bất động sản bị đình trệ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của các địa phương cũng như cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

“Tại rất nhiều dự án trong diện tạm dừng để xem xét việc giao đất, cho thuê đất, nhà đầu tư đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để tham gia giải phóng mặt bằng khu đất thực hiện dự án đã trúng thầu. Do vậy, khi các địa phương lo sợ, lúng túng trong việc giao đất, chủ đầu tư không chỉ đứng trước nguy cơ thiệt hại về chi phí đã đầu tư, mà còn có thể mất rất nhiều cơ hội kinh doanh”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Lắng nghe và thấu hiểu được tâm tư của những doanh nghiệp bất động sản, ngày 28/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 25, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, thay thế Nghị định 30 với nhiều điểm mới.

Trong đó quy định: Việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đầu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án.

Nếu trước đây thủ tục triển khai một dự án nhà ở thương mại buộc phải tổ chức định giá 2 lần (khi sơ tuyển đấu thầu lựa chọn NĐT và khi giao đất) phát sinh nhiều hệ lụy, thì nay Nghị định mới quy định cụ thể chỉ còn phải định giá một lần sau khi chủ đầu tư đã hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nghị định 25 cũng bỏ đi bước sơ tuyển lựa chọn nhà thầu, thay vào đó Sở KH&ĐT sẽ triển khai thẩm định năng lực nhà thầu trước khi đấu thầu lựa chọn NĐT cho dự án.

Đáng chú ý, tại Điều 60 của Nghị định 25 có quy định về thủ tục giao đất, cho thuê đất. Điều kiện xác định dự án đầu tư có SDĐ trước hết là phải thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng; Thứ hai là phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành; Thứ ba là không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền SDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai...

Điều 60 Nghị định 25 quy định rõ trách nhiệm của các bên (bao gồm bên mời thầu, NĐT, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai) trong việc thu hồi đất; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi ký kết hợp đồng dự án.

Theo một số chuyên gia trong ngành, Nghị định 25 được ban hành giúp các DN BĐS “thở phào” nhẹ nhõm. Những quy định mới trong Nghị định không chỉ giúp giải tỏa, giải phóng mặt bằng nhanh mà các dự án đã hoàn thành thủ tục đấu thầu sẽ được triển khai xây dựng đúng thời gian, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho cả doanh nghiệp và xã hội. Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, những vướng mắc đối với nhiều địa phương cũng đã được tháo gỡ.

Chia sẻ với tờ Tổ quốc, luật sư Phạm Thị Nhàn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Nghị định 25 đã gỡ “nút thắt” cho những dự án BĐS đang bị tắc nghẽn, rộng đường hơn cho sự phát triển của nền kinh tế.

Cụ thể, Điểm a Khoản 2 Điều 20 Nghị định 25 quy định: Sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu đất thực hiện dự án, việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư áp dụng theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất...

“Như vậy, theo quy định trên, nhà đầu tư trúng thầu được triển khai giao đất ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án. Điều này đã giải quyết được mâu thuẫn, chồng chéo tồn đọng lâu nay giữa Luật Đất đai và Luật Đấu thầu, giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng tại các địa phương do lung túng trong việc áp dụng pháp luật. Trước đây, Luật Đất đai chưa quy định rõ đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu rồi có phải đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai”, bà Nhàn nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Phạm Thị Nhàn, thời điểm hiện tại dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các dự án BĐS bị đình trệ lại, giao dịch BĐS cũng diễn ra cầm chừng thì việc Nghị định 25 được ban hành được coi là đúng thời điểm, giúp cho các doanh nghiệp BĐS chủ động, mạnh dạn hơn trong việc tham gia đấu thầu, thực hiện dự án.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nghị định 25 'cởi trói' cho thị trường bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.