Thứ năm, 25/04/2024 16:35 (GMT+7)

Nghiên cứu phế tích Pompeii: Người La Mã là bậc thầy tái chế rác

MTĐT -  Thứ hai, 11/05/2020 08:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các cuộc khai quật mới đây đã cho thấy những gò rác nằm ngoài tường thành Pompeii không chỉ là rác thải – mà ngược lại, chúng được thu thập, phân loại và tái sử dụng có chủ đích.

Tái hiện một phiên chợ ở quảng trường, từ cuốn “The Houses and Monuments of Pompeii” (Fausto và Felice Niccolini). Nguồn: DEA/G Dagli Orti/De Agostini via Gett

Nền văn minh La Mã cổ đại nổi tiếng với những kỹ sư tài năng, những người phát minh ra hệ thống sưởi dưới sàn, đường cầu dẫn nước và sử dụng bê-tông làm vật liệu xây dựng – từ trước khi những kỹ thuật này trở nên phổ biến. Giờ đây, chúng ta còn biết thêm rằng người La Mã còn là bậc thầy trong việc tái chế rác thải.

Phát hiện đó bắt đầu ở Pompeii, thành phố La Mã nổi tiếng bị chôn vùi dưới lớp thảm tro dày đặc của núi lửa Vesuvius. Cho tới trước khi bị vùi lấp, Pompeii là một thành phố nhộn nhịp với những biệt thự trang nhã và những tòa nhà công cộng bề thế, các quảng trường mở, các cửa hàng bán đồ thủ công, quán rượu, nhà thổ và nhà tắm. Nó còn bao gồm một nhà hát ngoài trời được tổ chức thành đấu trường biểu diễn cho 20.000 khán giả.

Vào mùa thu năm 79, tro bụi núi lửa từ đỉnh Vesuvius “ào ào dốc xuống khắp mặt đất” – như một nhân chứng đã tả lại – đã bao phủ Pompeii trong bóng tối, ít nhất 2.000 người xấu số đã chết. Phải đến năm 1748 thì thành phố mới được một nhóm các nhà thám hiểm phát hiện trong tình trạng bảo tồn gần như hoàn hảo, ngay cả một ổ bánh mì hóa than cũng được các nhà khảo cổ phát hiện.

Rác thải không vô dụng

Porta Ercolano là một khu ngoại ô nằm bên ngoài tường thành phía Bắc Pompeii. Khi khu vực này được khai quật, dấu vết rác thải chất đống được tìm thấy trong và xung quanh các ngôi mộ, nhà cửa và cửa hàng. Ảnh: Allison Emmerson/ The Guardian.

Vào thời điểm tiến hành cuộc khai quật đầu tiên tại Pompeii, các nhà khảo cổ đã bắt gặp đống phế thải cổ xưa của đô thị này. Nhưng lúc bấy giờ, họ cho rằng đống rác thải ở ngoại ô thành phố chỉ đơn thuần là một bãi rác và thậm chí có thể những gò đống này hình thành sau một trận động đất xảy ra ở thành phố khoảng 17 năm trước khi sự kiện Vesuvius phun trào.

Việc nghiên cứu về rác thải của một đô thị cũng nói lên nhiều điều. Vì thế, dù đây chỉ là phế thải đơn thuần như cách hiểu phổ biến thì nó cũng cần được nghiên cứu để hiểu hơn về đời sống Pompeii. Do đó, bên cạnh phần lớn số gò đã được khai quật trong khoảng giữa thế kỷ 20, số còn lại vẫn được tiếp tục nghiên cứu cho đến nay.

Một nhóm chuyên gia quốc tế cùng tham gia nghiên cứu về rác thải Pompeii, trong đó có giáo sư Mỹ Allison Emmerson, người phản đối quan điểm phổ biến này. Theo quan sát của cô, rác thải được chất thành đống suốt chiều dài bờ tường phía Bắc thành phố, cùng với một số vị trí khác. Một số gò đống cao đến vài mét và bao gồm các mảnh gốm và thạch cao, vốn có thể được tái chế làm vật liệu xây dựng.

Cùng với các đồng nghiệp là nhà khảo cổ Steven Ellis và Kevin Dicus từ ĐH Cincinnati (Hoa Kỳ), giáo sư Emmerson cố gắng nghiên cứu phương thức xây dựng của thành phố cổ. “Chúng tôi nhận thấy rằng một phần thành phố đã được xây dựng từ rác thải. Các gò đống chất ngoài tường thành không phải là phế thải vô giá trị, chúng được thu thập và phân loại có chủ đích để được bán lại vào nội thành.”

Họ đã phát hiện, những ụ rác thải khổng lồ chất đống bên ngoài các bức tường thành hóa ra là “khu phân loại cho vòng tuần hoàn sử dụng và tái sử dụng.”

Thông qua phân tích mẫu vật, các chuyên gia hiện đã tái lập được hành trình của rác đi từ trong thành phố đến các điểm tập kết ở ngoại thành, giống như cách làm của chúng ta ngày nay, và quay trở lại thành phố – khi chúng trở thành vật liệu được kết hợp trong các công trình xây dựng, như móng nền nhà chẳng hạn. Gỗ và xương có thể được sử dụng vào việc chạm khắc, ngoài ra gỗ còn có thể tái sử dụng làm nhiên liệu. Thủy tinh và kim loại có thể nung chảy, còn mảnh gốm vỡ thì nghiền nát thành bột làm thạch cao, vữa hoặc đồ gốm mới. Bình vò amphorae, dùng để ủ rượu vang, có thể được tái sử dụng theo nhiều cách, bao gồm làm vật liệu cho hệ thống thoát nước.

“Người La Mã tái sử dụng và tái chế mọi thứ”, Emmerson chia sẻ với tờ Artnet News trong một email. “Tái chế và tái sử dụng là những hành vi tự nhiên của con người. Chừng nào con người còn sử dụng các loại công cụ, thì chúng ta còn tiếp tục tái chế và tái sử dụng chúng.”

Vòng tuần hoàn của rác

Để xác định được vòng tuần hoàn của rác, Emmerson và đồng nghiệp đã phân tích các mẫu đất để theo dõi con đường di chuyển của rác phế liệu trong thành phố. “Mẫu đất mà chúng tôi khai quật sẽ khác nhau tùy theo vị trí rác được tập trung lúc đầu,” cô nói: “Rác được vứt tại những nơi như nhà xí hoặc các hố chất thải sẽ để lại địa tầng hữu cơ màu mỡ. Và ngược lại, chất thải tích tụ theo thời gian trên đường phố hoặc các gò đống bên ngoài tường thành sẽ tạo ra địa tầng có nhiều cát hơn.”

“Sự khác biệt về mẫu địa tầng cho phép chúng ta xem xét xem liệu rác thải có được tạo ra ở nơi ta tìm thấy chúng hay chúng được thu gom từ nơi khác về để tái sử dụng và tái chế.”

Một ví dụ là việc một số bức tường được phát hiện có bao gồm các mảnh vật liệu như ngói hay bình vò amphorae vỡ, lẫn cùng các cục vữa và thạch cao. “Hầu như tất cả các bức tường như vậy được trát thêm một lớp thạch cao cuối cùng ra ngoài để che giấu sự lộn xộn của các vật liệu bên trong,” cô giải thích thêm.

Mặt khác: “Có quan điểm cho rằng số phế liệu này là đống đổ nát sinh ra sau trận động đất đầu tiên [diễn ra năm 62 SCN] và chúng được thu thập và đổ bỏ ra ngoài tường thành. Tuy nhiên, khi bắt đầu khai quật ra ngoài tường thành Pompeii, tôi nhận ra rằng ở cùng thời điểm này các khu dân cư hoàn thiện đã được mở rộng ra bên ngoài tường thành… Bởi thế tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng người La Mã tập kết rác tại những khu ngoại ô này.”

Có thể rút ra một kết luận sơ bộ, theo giáo sư Emmerson, đó là so với phương thức hiện đại trong quản lý rác thải, vốn nhằm đến việc loại bỏ rác khỏi đời sống hằng ngày, thì người La Mã đã có một cách tiếp cận khác: “Đa phần chúng ta không quan tâm đến những gì xảy ra với rác thải của mình, miễn là nó biến khỏi tầm mắt. Nhưng những gì tôi tìm được ở Pompeii cho thấy một ưu tiên hoàn toàn khác, đó là việc rác thải đã được thu gom và phân loại để tái chế.”

“Cư dân Pompeii cổ đại sống gần với rác thải của họ hơn mức hầu hết chúng ta chịu chấp nhận không phải vì thành phố của họ thiếu cơ sở hạ tầng hay họ không bận tâm đến việc xử lý rác. Mà đó là vì hệ thống quản lý đô thị khi đó được tổ chức theo các nguyên tắc rất khác biệt.”

Các nhà khảo cổ còn phát hiện ra cư dân Pompeii đã tái chế rác ngay tại nhà bằng cách kiểm tra thành phần của đống đất đá vụn. Phân người hoặc chất thải thực phẩm gia đình sẽ được ủ trong hố để làm thành đất hữu cơ. Rác thải ngoài đường thì sẽ chất đống ven những bờ tường, trộn lẫn đất cát, dần mủn ra và biến thành chất đất tương tự.

Nhưng ngay cả như vậy, chúng ta không nên hình dung về Pompeii và các thành phố La Mã khác như những đô thị bẩn thỉu đầy rác, “người La Mã không có nhận thức đầy đủ về các mối nguy hại nghiêm trọng có thể phát sinh từ chất thải đối với sức khỏe cộng đồng”, cô nói thêm. “Tôi nghĩ rằng cư dân Pompeii thoải mái với sự hiện diện của rác thải hơn chúng ta là vì họ đã quen với nó.”
Các cư dân Pompeii đã thấy, khi được thu gom với số lượng đủ lớn, chất thải sẽ trở thành một loại hàng hóa có giá trị. Và điều này sẽ có ý nghĩa tham khảo đối với cuộc khủng hoảng rác thải ở thế giới hiện đại. Thế giới hiện đang thải ra hơn hai tỷ tấn chất thải rắn đô thị mỗi năm - đủ để lấp đầy hơn 800.000 bể bơi thi đấu tiêu chuẩn Olympic. Do đó, Emmerson tin rằng nếu muốn giải quyết tình trạng này, chúng ta phải bắt đầu từ việc suy ngẫm về giá trị của những thứ mà lâu nay chúng ta vẫn coi là phế thải, làm thế nào để tái sử dụng chúng theo những cách khác nhau và kéo dài tuổi thọ của chúng hết mức có thể.

“Những quốc gia quản lý chất thải của họ một cách hiệu quả nhất áp dụng phiên bản của mô hình cổ đại trong việc ưu tiên coi rác là một loại hàng hóa hơn là phế thải.” – Emmerson chia sẻ.
Emmerson sẽ trình bày những phát hiện của mình vào trong cuốn sách sẽ xuất bản vào tháng tới – Life and Death in the Roman Suburb (Sự sống và Cái chết ở Vùng ngoại ô La Mã).□

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2020/apr/26/pompeii-ruins-show-that-the-romans-invented-recycling
https://news.artnet.com/art-world/pompeii-recycled-1848195
https://www.greenqueen.com.hk/did-romans-invent-recycling-research-unearthed-from-pompeii-ruins/
https://www.mnn.com/lifestyle/recycling/blogs/ancient-romans-recycled-according-new-research

Theo Tuấn Quang - Anh Thư tổng hợp/Tia sáng

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu phế tích Pompeii: Người La Mã là bậc thầy tái chế rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.