Thứ tư, 24/04/2024 18:13 (GMT+7)

Nghiên cứu tổng quan về di tích khởi nghĩa Yên Thế trên địa bàn thị trấn Nhã Nam

MTĐT -  Thứ sáu, 30/12/2022 09:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong những năm tháng đấu tranh chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp, khu vực Nhã Nam còn được chọn làm căn cứ hoạt động của nghĩa quân Yên Thế, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Nhã Nam là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, cách mạng của huyện Tân Yên. Từ trung tâm huyện theo đường Quốc lộ 17 về phía Bắc chừng 7km là đến địa phận Nhã Nam. Đây được coi là cửa ngõ của vùng đất núi rừng phía Bắc, với vị trí địa lý thuận lợi, từ đây có thể đi xuống đồng bằng hạ lưu sông Thương, sông Cầu vùng Bắc Giang, Bắc Ninh và ngược lên miền núi rừng thuộc dãy núi Cai Kinh, Bắc Sơn của tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn.

Đặc biệt, Nhã Nam đã từng là thủ phủ của Yên Thế xưa. Vì vậy từ xa xưa vùng đất Nhã Nam đã có một vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế của cả khu vực này. Trong những năm tháng đấu tranh chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp, khu vực Nhã Nam còn được chọn làm căn cứ hoạt động của nghĩa quân Yên Thế, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Không chỉ giàu lòng yêu nước, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống ngoại bang xâm lược, người dân Nhã Nam còn ẩn chứa trong mình một truyền thống văn hóa đặc sắc, được kết tinh lắng đọng qua hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng với những phong tục tập quán, lễ hội dân gian truyền thống, những di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Đặc biệt, Nhã Nam còn bảo lưu hệ thống di tích gắn với cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế rất đậm nét trên địa bàn các thôn, xóm và khu dân cư. Đó là những công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, đền có niên đại khởi dựng vào thời Lê thế kỷ XVII- XVIII và thời Nguyễn thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX) cùng các địa điểm tạo thành một hệ thống di tích liên hoàn của một vùng quê vốn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng về truyền thống thượng võ; hệ thống di tích này gồm: 01 ngôi đình, 01 chùa, 02 đền và 03 địa điểm).

Đây là những di tích nguyên gốc có giá trị đặc biệt, lưu lại những dấu ấn quan trọng của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, được nhìn nhận như một trong những dòng chủ lưu dẫn tới bước chuyển đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc ta giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Chính vì vai trò to lớn của cuộc khởi nghĩa và giá trị của hệ thống di tích có liên quan năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 công nhận Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế là Di tích quốc gia đặc biệt gồm 23 điểm di tích của các huyện Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng.

Trong đó thị trấn Nhã Nam vinh dự có đến 6/23 điểm di tích đã xếp hạng Quốc gia đặc biệt gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Trong khuôn khổ của Hội thảo khoa học về “Lịch sử vùng đất, con người và định hướng phát triển kinh tế - xã hội thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên”, chúng tôi xin được giới thiệu một cách khái quát về di tích khởi nghĩa Yên Thế trên địa bàn thị trấn Nhã Nam nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về lịch sử di tích, những giá trị nổi bật, những sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra tại di tích. Thông qua đó bổ sung những tư liệu quý giá về hệ thống di tích này.

Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân địa phương, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các điểm di tích gắn với phát triển kinh tế du lịch của địa phương, xây dựng thị trấn Nhã Nam ngày càng phát triển vững mạnh về mọi mặt trong thời gian tới.

1. Đình Làng Chuông

Đình làng Chuông một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lớn của làng Chuông xưa, nay là thôn Tiến Phan 2, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên.

Theo các tài liệu, hiện vật còn lại trong di tích cho biết, đình làng Chuông là một ngôi đình cổ được khởi dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Hiện nay đình làng Chuông toạ lạc trên khuôn viên đất rộng, cao thoáng ở trung tâm làng Chuông. Bố cục mặt bằng di tích được làm theo lối kiến trúc hình chữ đinh (J) gồm 7 gian tiền đường và hai gian hậu cung, ngoảnh hướng Nam.

Tòa tiền đình xây gạch chỉ, ngoài phủ vữa quét ve vàng, mái lợp ngói mũi, bờ nóc lợp ngói bò. Bờ dải hai hồi xây gạch, ngoài phủ vữa. Bẩy gian tòa tiền đình đều trổ cửa bức bàn, sơn màu nâu. Giữa sân và nội tự được ngăn cách bởi hàng hiên nhỏ chạy suốt bẩy gian.

Nền đình lát gạch vuông truyền thống, kết cấu chịu lực bên trong được tạo bởi 8 vì có chung một kiểu thức gắn kết theo lối kèo kìm cánh báng, quá giang gác tường. Hậu cung được tạo bởi 2 gian, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, kết cấu chịu lực bên trong được tạo bởi 2 vì, mỗi vì hai hàng chân cột, các cấu kiện được gắn kết theo kiểu thức kẻ chuyền, trốn cột, bào trơn đóng bén, không chạm khắc cầu kỳ. Hậu cung có khám thờ đặt long ngai bài vị.

Đồ rước sách có kiệu bát cống, chấp kích, bát bửu, tàn lọng và nhiều đồ thờ được sơn thếp. Hiện trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật, sắc phong và đồ thờ tự quý giá. Những hiện vật này phần nào khẳng định lịch sử ra đời của di tích.

Đồng thời cho biết, đình làng Chuông tôn thờ đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh đại vương và Trấn Giang Đô Thống. Ngoài ra đình cũng thờ Nàng Giã Đại Thần-một vị nữ tướng của hai Bà Trưng. Sau này vào thời Nguyễn đình còn thờ một vị phúc Thần là người con của quê hương Nhã Nam, đó là ông Nguyễn Đức Hiên đã có công công đức tiền của tu sửa đình.

Trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Hoa Thám đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, bàn việc tổ chức những trận đánh lớn chống thực dân Pháp xâm lược và tay sai tại đình Chuông.

Làng Chuông còn là nơi sinh ra Dương Văn Truật còn gọi là Đề Hậu-một trong những vị tướng tài giỏi, giữ vai trò chủ chốt trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Ông có tài bắn cung bách phát-bách trúng khiến bọn giặc Cờ Đen do Ngô Côn cầm đầu và sau này là thực dân Pháp và bè lũ tay sai phải kinh hoàng, khiếp sợ khi nhắc đến tên ông. Khi Lương Văn Nắm (Đề Nắm)-người làng Hả giương cao ngọn cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp, Dương Văn Truật gia nhập nghĩa quân, trở thành một trong những vị tướng giỏi giúp Đề Nắm và sau này là Đề Thám tổ chức nhiều trận đánh, gây cho thực dân Pháp những tổn thất lớn cả về người và của.

Năm 1892, Đề Thám lên thay Đề Nắm (do Đề Nắm bị ám sát) lãnh đạo phong trào chống Pháp. Ông đã sai Đề Hậu cùng các tướng bắt Đề Sặt là kẻ ám hại Đề Nắm để tế cờ báo thù cho Đề Nắm.

Sau đó, Đề Thám điều Đề Hậu lên Thái Nguyên bắt liên lạc với các cánh quân của Đề Nguyên, Đề Công, Đề Cam. Những cánh quân này kéo về Yên Thế làm cho lực lượng nghĩa quân mạnh dần lên. Từ Thái Nguyên trở về, đến đồn Bãi Bục giáp Hồng Lĩnh, Đề Hậu cho quân dừng chân ăn cơm tối và nghỉ ngơi. Tại đây lợi dụng lúc Đề Hậu mất cảnh giác, một tên phản bội đã ám hại ông, cắt lấy đầu đem về nộp cho đồn binh Nhã Nam lấy thưởng.

Thực dân Pháp đem đầu ông bêu 3 ngày ở chợ Nhã Nam để khủng bố quần chúng. Đến đêm, bà Cổng là con gái ông đã lẻn lấy được đầu ông gói vào vạt áo dài bí mật đem về làng Chuông mai táng. Sau đó, vợ con ông phải lên tận Kép Thượng, xã Lam Cốt tránh sự trả thù của thực dân Pháp và tay sai, sau vài năm mới trở lại làng Chuông.

Hằng năm, tại trung tâm di tích đình làng Chuông, nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội vào ngày 12, 13 tháng Giêng để tướng nhớ công lao của những vị Thánh thờ trong đình. Trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc và những sinh hoạt văn nghệ truyền thống thu hút đông đảo bà con cùng nam thanh nữ tú xa gần đến tham dự.

2. Chùa Phố

Chùa Phố còn có tên gọi chùa Nam Thiên-một cái tên bắt nguồn từ khi phủ Yên Thế lập tại đây năm 1895. Theo lời kể của một số cụ cao niên của địa phương cho biết trước đây, chùa Phố là đình Nam Thiên. Khi làng Cầu bị giặc Cờ Đen triệt hạ vào cuối thế kỷ XIX, chùa thuộc làng Chuông kiêm quản.

Từ năm 1885, khi thực dân Pháp lập đồn Nhã Nam, phố Nhã Nam thì chùa thuộc phố Nhã Nam. Qua thời gian, Chùa được trùng tu lớn vào năm 1925. Năm 1947, các toà tiền đường, nhà tổ, tam quan bị bom Pháp phá đi.

Sau đó, nhân dân địa phương đã hưng công tôn tạo lại ngôi chùa khang trang làm nơi thờ Phật tôn nghiêm. Hiện nay, chùa Phố tọa lạc trên một khuôn viên đất đẹp, thoáng đãng ở ngay cạnh trung tâm Uỷ ban nhân dân thị trấn Nhã Nam, mặt nhìn về hướng Đông Nam.

Cùng khuông viên với chùa Phố còn có đình Phố tạo thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng lớn của nhân dân trong vùng.

Nhìn tổng thể, chùa Phố có bố cục mặt bằng theo lối chữ đinh gồm tòa tiền đường 3 gian, 2 chái 8 mái đao cong nối vuông góc với 3 gian thượng điện. Tuy nhiên, giá trị của di tích chùa Phố không tập trung lớn vào đường nét kiến trúc nghệ thuật mà chủ yếu là giá trị lịch sử.

Di tích chùa Phố là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng liên quan mật thiết đến cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, chùa Phố nằm trong khu vực Đồi Phủ - nơi thực dân Pháp sử dụng làm đại bản doanh đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913).

Do xây dựng phủ đường ở đây, thực dân Pháp đã cho xây dựng quanh khu vực chùa Phố các công trình như chợ, nhà kho của Sétnay (một đại địa chủ kiêm thầu khoán, chủ bút báo Tương lai xứ Bắc Kỳ), khu nhà của đốc tờ Zina và bãi tập của binh lính Pháp, Việt ở bên cạnh…

Khu vực này cũng là nơi tập kết binh lính Pháp trước khi đánh vào làng Sặt (1889), Cao Thượng (1890), Hố Chuối (1890-1891), phòng tuyến sông Sỏi (1892), Phồn Xương (1894 và 1909), nơi chứng kiến nhiều lần gặp gỡ giữa nghĩa quân Yên Thế với Pháp.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, chùa là nơi tổ chức lớp học của Hội truyền bá quốc ngữ, tổ chức lớp viết kịch cho thanh niên. Năm 1945 tổ chức Việt Minh Yên Thế lấy chùa Phố làm trạm liên lạc. Tháng 7 năm 1945, trên đường từ Bắc Sơn tiến về giải phóng thủ đô, đoàn quân cách mạng do đồng chí Vũ Am chỉ huy đã dừng nhân tại chùa một tuần lễ.

Cuối năm 1945, chùa Phố là nơi tiếp nhận “hũ gạo cứu đói” và “tuần lễ vàng” của nhân dân trong vùng ủng hộ chính quyền cách mạng. Qua đây một lần nữa có thể khẳng định, chùa Phố tuy không đặc sắc về mặt quy mô xây dựng hay kiểu dáng kiến trúc, thời gian khởi dựng nhưng chùa Phố nằm trong địa điểm chứng kiến nhiều sự kiện liên quan tới phong trào khởi nghĩa Yên Thế, phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Bên cạnh những giá trị lịch sử tiêu biểu, chùa Phố là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, nơi tưởng niệm các lãnh tụ và nghĩa quân Yên Thế đã hết mình hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ dân tộc.

Đồng thời, Chùa còn là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hằng năm, hội xuân được mở từ ngày 7 đến ngày 8 tháng Giêng. Trong lễ hội có tổ chức các trò chơi: Đánh cờ tướng, đập niêu, đi cầu kiều…thu hút người dân địa phương cũng như khách thập phương về dự hội.

3. Đền Gốc Khế

Đền Gốc Khế là một trong những di tích tiêu biểu gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa này được coi là tiêu biểu nhất cho sức chiến đấu và tinh thần bất khuất của nông dân Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Di tích đền Gốc Khế nằm trên một khuôn viên nhỏ thuộc địa phận thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên.

tm-img-alt
Ngày 23/12/2022, UBND thị trấn Nhã Nam tổ chức Lễ Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Đền Gốc Khế.

Theo các nguồn tư liệu lịch sử cho biết, đền Gốc Khế được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX, khi mới được xây dựng đền có quy mô vừa phải gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung, các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ tứ thiết chắc khỏe. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, tàn phá của thiên tai, chiến tranh đền đã được tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Hiện nay, đền có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh (J) gồm 1 tòa tiền tế 3 gian và 1 gian hậu cung, kết cấu khung mái bằng gỗ, lợp ngói mũi, kèo kìm trốn cột, quá giang gác tường.

Trong đền còn bảo lưu được một số đồ thờ tự quý như: Bát hương, mâm đài, cây đèn, hộp đựng trầu thờ bằng gỗ được chạm trổ rất tinh xảo thể hiện sự tài khéo của người nghệ nhân điêu khắc dân gian xưa… Đặc biệt, hệ thống tượng thờ trong đền là những pho tượng cổ bằng gỗ với lối tạo tác đặc trưng tượng thời Nguyễn, đây là những pho tượng rất có giá trị nghiên cứu về lịch sử và mỹ thuật.

Trong cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, đền Gốc Khế là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử trên vùng đất thượng du của Yên Thế xưa và Tân Yên ngày nay. Giai đoạn 1892-1894, đền Gốc Khế từng là địa điểm để tổ chức nhiều cuộc họp giữa những tướng lĩnh của Hoàng Hoa Thám như: Đề Công (Tạ Văn Công), Đề Nguyên (Tạ Văn Nguyên), Đề Cần (Tạ Văn Cần), Thống Ngò (Tạ Văn Khấu), Quản Khối (Giáp Văn Khối). Qua những cuộc họp này đã đi đến thống nhất đưa ra những sách lược, chiến lược quan trọng, mang tính quyết định nhằm đi đến một mục tiêu duy nhất là giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

Ngoài giá trị lớn về mặt lịch sử, đền Gốc Khế còn là nơi diễn ra lễ hội truyền thống của dân địa phương. Hằng năm, vào ngày 15, 16 tháng Giêng, dân làng lại tổ chức lễ hội thật trang nghiêm, long trọng tại trung tâm đền để tướng nhớ công lao của Thánh Mẫu, Trần triều Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đồng thời, lễ hội còn là hoạt động để tri ân các vị tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã anh dũng hy sinh thân mình để bảo vệ sự bình yên của nhân dân.

Trong những ngày lễ hội có tổ chức tế lễ, rước sách cùng các trò chơi dân gian độc đáo và những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian phong phú, thu hút nhân dân ở khắp các vùng nô nức kéo về dự hội. Trong những ngày này, tất cả những người con của quê hương dù đi làm ăn xa ở đâu cũng đều trở về tham dự ngày hội của làng mình với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

4. Đền Thờ Cả Trọng (Đền Gốc Dẻ)

Đền thờ Cả Trọng còn có tên gọi là đền Đức Trọng (đền Gốc Dẻ). Đức Trọng là tên đền do nhân dân thôn Đoàn Kết đặt trong lần trùng tu vào năm 1989-được lấy từ hai chữ cuối của cái tên Hoàng Đức Trọng (tức Cả Trọng), con trai cả của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

Đền thờ Cả Trọng là nơi thờ Hoàng Đức Trọng-vị tướng của nghĩa quân Yên Thế. Đền ngoảnh hướng Bắc, dựa lưng vào Đồi Phủ (Nhã Nam). Đền hiện nay gồm có ba gian tiền tế và hai gian hậu cung tạo bình đồ kiến trúc theo lối chữ đinh (J). Trong tòa hậu cung có tượng và ban thờ Cả Trọng.

tm-img-alt
tm-img-alt
Đền thờ Cả Trọng là nơi thờ Hoàng Đức Trọng - Vị tướng của nghĩa quân Yên Thế. Đền ngoảnh hướng Bắc, dựa lưng vào Đồi Phủ (Nhã Nam).

Ngôi đền trước năm 1913 vốn chỉ là cái lán nhỏ dựng dưới gốc dẻ của dân làng Vàng để thờ thổ công (sau là thôn Đoàn Kết). Cụ Dương Văn Ân, người đi ở cho Cả Trọng kể: Năm 1910, sau khi Hoàng Đức Trọng (tức Cả Trọng, con cả của Hoàng Hoa Thám) và một số nghĩa quân đánh nhau với Pháp ở làng Mỏ Thổ bị thực dân Pháp sát hại. Nghĩa quân mang xác ông về chôn ở Quỳnh Lâu, quân Pháp dò biết đã đào xác ông lên mang về Nhã Nam để ở khu Gốc Dẻ, rồi chôn ở đó. Sau này, người nhà Đề Thám đem di cốt của ông đi nơi khác mai táng.

Tới năm 1913-1914, bà Hai Lạc (tức vợ thứ hai của Cả Trọng) lúc này đã lấy ông Quản Chiêm và chuyển ra sau khu đất Đồi Phủ ở bên một mảnh đất của làng Vàng (làng Vàng bị phiêu tán từ thủa giặc Cờ Đen 1862-1884) cư trú và lập trại Phúc An. Thời bà Hai Lạc ở trại Phúc An ông Dương Văn Ân vẫn đi ở cho bà Hai Lạc, khi ấy ông mới 12, 13 tuổi. Một hôm bà Hai Lạc sửa một mâm lễ rồi bảo ông Ân gánh lễ cùng bà ra miếu Gốc Dẻ.

Bà bảo đi giỗ ông Cả Trọng. Rồi từ đó về sau ông Ân đều theo bà Hai Lạc ra miếu Gốc Dẻ để giỗ ông Cả Trọng. Sau này, bà Hai Lạc cho sửa sang xây dựng lại miếu Gốc Dẻ, đổi tên là đền thờ Cả Trọng. Do vậy, khi tới tham quan di tích hiện nay, chúng ta bắt gặp trong đền có cả ban thờ Thổ công của làng và ban thờ Cả Trọng.

Từ đó đến nay, cứ vào ngày mồng 3 tháng 6 hằng năm nhân dân trong vùng đều sửa lễ ra đền thắp hương tưởng nhớ ngày mất của Hoàng Đức Trọng.

Theo các tư liệu sưu tầm được cho biết, Hoàng Đức Trọng sinh năm 1867 tại làng Chè, xã Ngọc Cục, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và mất ngày 26 tháng 3 năm 1910. Ông là người theo Đề Thám đánh Pháp từ nhỏ. Ông là người tài ba, căm thù giặc Pháp sâu sắc.

Ông tham dự đánh Pháp cùng Hoàng Hoa Thám nhiều trận và ông cũng là người được Đề Thám tin cậy, nghĩa quân cảm phục. Suốt cuộc đời của Cả Trọng chỉ có một mục đích duy nhất là cùng cha đánh Pháp để giữ lấy phong tục của đất nước theo ước nguyện của Đề Thám. Bên cạnh đó, theo tư liệu của địa phương Cả Trọng là người ham học, ham hiểu biết vì thế ông hiểu rõ thực dân Pháp là kẻ thù không đội trời chung.

Bởi vậy khi nghe tin con trai hy sinh, Đề Thám đã phải thốt lên rằng: “Thôi! thế cơ nghiệp nhà ta đến đây tan vỡ rồi!”. Cả Trọng mất đi không có lấy một tấm hình nào để lại xong cuộc đời và hình ảnh của ông đã luôn luôn sống trong tâm trí của người dân Yên Thế nói riêng, nhân dân Bắc Giang và nhân dân cả nước nói chung.

Trong sách “Kỷ niệm thời thơ ấu” của bà Hoàng Thị Thế (Ty Văn hóa xuất bản, Hà Bắc 1975), có kể lại: “Khoảng 5 rưỡi - 6 giờ sáng, anh tôi tắt thở. Mọi người đi chôn cất anh. Tôi ngủ dậy muộn, vẫn giữ cái bọc ở trên bụng. Bố tôi đi đưa anh tôi về, ẩy tôi ra bên cạnh thì thấy cái bọc buộc bằng thắt lưng của con trai mình.

Ông cứ lặng người đứng mãi, không nói một lời mà nước mắt cứ trào ra…còn con chó mực cứ nằm phủ phục trên mộ chủ chẳng rời, mà cũng chẳng chịu ăn uống gì hết. Cha tôi cho nó ngửi cái thắt lưng của anh Cả Trọng, nó liền ngoạm lấy, nằm ấp lên trên. Tôi cho nó cái bánh và cơm, nó cũng chẳng chịu ăn, tới ngày thứ 3 thì nó chết. Mọi người đã chôn nó ngay cạnh mộ anh tôi. Sau đó Pháp đánh hơi thấy, quật mộ lên thì thấy xương cốt người nằm dưới xương cốt chó” .

Ông Lương Văn Huỳnh, con bà Hoàng Thị Sự ở xã Cao Xá kể rằng: “Mẹ tôi là Hoàng Thị Sự, hồi còn sống kể rằng ông Cả Trọng bị chết trong rừng. Sau vì có tên quân đi báo Pháp, chúng đào mộ lên đem xác về đồn Nhã Nam để chụp ảnh. Sau chúng cho mang xác ra chôn ở Gốc Dẻ sau Phủ Đồn. Vợ viên Tri phủ Vũ Ghi Lê bị đau mắt, nằm mộng thấy có người tướng chết ở đây, vợ Vũ Ghi Lê lại cho người mang thi hài ông Cả Trọng đem về làng Trũng xã Ngọc Châu chôn, còn đền thờ ông Cả Trọng vẫn để thờ công khai”.

Ông Thân Quốc Bảo, con trai của bà Hoàng Thị Thể, là cháu ngoại của Cả Trọng ở xã Việt Lập đã theo lời mẹ mà viết ra như sau: “Mẹ tôi là con gái thứ 3 của ông Cả Trọng, hồi còn nhỏ, mẹ tôi bị Pháp bắt, bỏ tù ở đồn Nhã Nam, mẹ tôi được biết Pháp đào mộ ông Cả Trọng từ Quỳnh Lâm mang về đồn Nhã Nam để chụp ảnh nhưng chúng chụp không rõ lại đem chôn ở Gốc Dẻ sau Phủ Đồn. Dân Nhã Nam lập bệ thờ dựng lều mãi sau mới lập đền thờ”.

Ngày nay, đền thờ Cả Trọng được nhân dân Nhã Nam trông nom, gìn giữ. Nơi đây đã trở thành di tích lịch sử-văn hóa trong khu di tích Đồi Phủ, Yên Thế.

5. Ao Chấn Ký

Khởi nghĩa Yên Thế là một cuộc đối đầu vũ trang đầy oanh liệt giữa những người nông dân yêu nước Việt Nam với thực dân Pháp tại vùng Yên Thế trong suốt 30 năm (1884-1913). Trên mảnh đất Bắc Giang đã có nhiều địa điểm di tích, làng xóm chứng kiến những sự kiện hào hùng của cuộc khởi nghĩa. Ao Chấn Ký là một trong những địa điểm như vậy.

Ao Chấn Ký (còn gọi là ao ông Chấn Ký, hay ao Chợ) thuộc xã Nhã Nam, huyện Tân Yên. Nhân dân trong vùng Nhã Nam gọi là ao ông Chấn Ký bởi đó là ao của nhà ông Hoa kiều có tên Chấn Ký-chủ một cửa hàng gạo ở chợ Nhã Nam. Di tích Ao Chấn Ký cách thành phố Bắc Giang khoảng 24km về phía Tây Bắc. Từ thành phố Bắc Giang theo quốc lộ 1A (cũ), qua cầu Sông Thương, rẽ phải theo đường tỉnh lộ 398 tuyến Bắc Giang-Nhã Nam, đi 24km tới xã Nhã Nam. Di tích Ao Chấn Ký nằm liền kề ngã tư xã Nhã Nam.

Ao Chấn Ký là nơi thực dân Pháp và tay sai của chúng thả tro cốt của Đề Thám và thủ hạ của ông sau nhiều ngày bêu ở chợ Nhã Nam. Sự kiện Đề Thám bị giết hại, đầu bêu ở chợ Nhã Nam rồi bị đốt thả tro cốt xuống Ao Chấn Ký là dấu mốc khép lại cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài ngót 30 năm. Theo tư liệu “Xung quanh cái chết của Đề Thám” của GS sử học Đinh Xuân Lâm- Nguyễn Phan Quang đăng trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2/209 tháng 3, 4 năm 1983 của Viện sử học, UBKHXH Việt Nam cho biết: “…

Ngày 10/2/1913, 3 tên Tsantaiky, Lysongwa (Lybancha) và Tsanfongsan đã giết hại Đề Thám ở rừng Yên Thế. Chiều ngày 15/2/1913, cả ba tên đã bị Trưởng lý bên cạnh Toà án thượng thẩm Đông Dương là Michel chủ toạ lấy khẩu cung. Qua bản khẩu cung này chúng ta có thể kết luận chính xác về cái chết của Đề Thám: Ngày, tháng Đề Thám bị sát hại, lý lịch bọn tay sai thực hiện ám sát Đề Thám. Vai trò của Pháp và Lương Tam Kỳ trong việc giết Đề Thám và kế hoạch thực hiện của chúng…”.

Ngoài tư liệu thành văn, câu chuyện dân gian về cái chết của người anh hùng Đề Thám vẫn được người dân trong vùng truyền khẩu như sau: Sau khi thực dân Pháp nhận được thủ cấp và hai cận vệ của ông, liền tổ chức ngay binh lính vào rừng tổ chức khám xét hiện trường.

Đồng thời cho giấy xuống các nơi gọi kỳ hào lý dịch và một số người biết Đề Thám về Nhã Nam nhận mặt. Trong thời gian đó, Pháp sai Quyền Môn-lính đồn Nhã Nam đem đầu ba thầy trò Đề Thám ra chậu rửa. Sau đặt đầu Đề Thám lên cái đĩa Tây to, bên cạnh đặt ba khẩu súng để chụp ảnh, rồi bêu trước cổng lớn của đồn binh rất nhiều ngày. Bútsê - Đại lý Nhã Nam cho gọi bà Cả Tảo là vợ cả Đề Thám ra nhận mặt nhưng bà không ra, chỉ ngồi ở Nhã Nam cùng các cháu khóc. Bútsê lại cho gọi bà Thân Thị Quynh (tức Tư Quynh) là vợ tư Đề Thám ra nhận mặt, bà Quynh không ra tận nơi chỉ đến bờ rào nhìn ra rồi nói: “Trông thì giống nhưng người làm sao lại phù mặt lên thế kia, hay bởi người ăn sương nằm gió mà sinh ra thế”. Nói xong bà quay về nhà, sau đó Pháp sai Quyền Môn đem ra chợ bêu.

Qua những sự kiện trên, có thể nhận xét việc thực dân Pháp bêu đầu, chụp ảnh đầu Đề Thám và hai thủ hạ thân tín của ông ở Nhã Nam cùng với việc gọi các kỳ hào lý dịch trong làng lên nhận mặt Đề Thám và đốt thả tro thủ cấp của ba người xuống Ao Chấn Ký là có cơ sở.

Sự kiện về cái chết của Đề Thám năm 1913 đã làm chấn động cả một vùng rộng lớn. Ao Chấn Ký là địa điểm mà trong ký ức của người dân Nhã Nam mãi không phai mờ. Trong bài “Ao Chấn Ký với huyền thoại cuối cùng về Đề Thám” của tác giả Trần Văn Lạng in trong sách Di tích Bắc Giang (Bảo tàng Bắc Giang 2001) có đoạn viết: “Bản trường ca đầy tính bi kịch về người anh hùng cứ vọng mãi từ trong lòng hồ nhỏ, nơi thăng trầm, chìm nổi của tấm thân anh hùng đầy gió bụi trường chinh. Từ đây bản trường ca cứ vọng mãi vào lòng người. Đất và nước mở ra đón người con yêu dấu trở về và lòng người dân Yên Thế cứ mãi thổn thức: Đề Thám không thể chết như thế được!”.

6. Đồi Phủ, Nghĩa địa Pháp

* Đồi Phủ

Bên cạnh nghĩa địa Pháp là đồi Phủ - nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử. Đồi Phủ là tên gọi từ khi phủ Yên Thế lập lại tại đây vào năm 1895. Khi đó thực dân Pháp cho xây dựng đồn bốt, phủ huyện ở đây thì đình làng phải chuyển từ đồi Đình về làng. Vì vậy, tên đồi Phủ được thay thế đồi Đình từ đây.

Trước khi Pháp đóng đồn, phủ ở đây có bốn làng Chuông, Lã, Vàng, Cầu song trong thời kỳ loạn giặc Cờ Đen, ba làng Lã, Vàng, Cầu phiêu bạt đi hết chỉ còn làng Chuông ở lại. Từ khi có đồn binh, phủ huyện ở đây, cư dân các nơi kéo về làm ăn, hình thành nên phố Nhã Nam bên Đồi Phủ. Phố Nhã Nam có chợ Nhã Nam phát triển sầm uất trở thành trung tâm lớn của phủ Yên Thế.

tm-img-alt
Bia ghi dấu sự kiện cách mạng  8/1945 tại Đồi Phủ - Nhã Nam

Đồi Phủ là ngọn đồi cao chừng 20m ở phía Bắc thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên ngày nay. Xung quanh đồi có làng Chuông, làng Đoàn Kết và phố Nhã Nam bao bọc. Phía Đông có ngôi chùa Nam Thiên, đền làng Chuông thờ bà Dương Thị Giã, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Phía Bắc đồi có đền thờ con trai vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám là Cả Trọng. Xa xa khoảng 1km có đồn ông Đề Hậu-vị tướng của Đề Thám. Phía Tây đối diện đồi có nghĩa địa Pháp. Phía Nam đồi có đền Gốc Khế và điện Nam Thiên.

Từ khi thực dân Pháp đặt đồn binh và phủ lỵ ở đây thì nơi đây đã trở thành đại bản doanh chính của Pháp và quan quân triều Nguyễn chống nghĩa quân Yên Thế gần 30 năm. Nơi đây là địa điểm tập kết của các cuộc hành binh đánh vào làng Sặt (1889), làng Cao Thượng (1890), đồn Hố Chuối (1890-1891), Khám Nghè, đồn Hom (1892), Phồn Xương (1909)….

Đồng thời cũng là nơi hai lần chứng kiến kết quả của hai cuộc hoà hoãn giữa thực dân Pháp và Đề Thám với các sự kiện tiêu biểu: Đề Thám bắt Séc-nay, Đề Thám hai lần ra Nhã Nam với tinh thần của một nhà yêu nước chống kẻ thù xâm lược. Tại đây, nhiều tên tướng, tá của thực dân Pháp đã phải đặt chân đến và điên đầu mà không có được một kế hoạch khả thi đánh bại nghĩa quân Yên Thế, mà ngược lại chúng phải ra đi lần lượt, chuốc lấy hết thất bại này đến thất bại khác.

Di tích nghĩa địa Pháp ở bên đồi Phủ là một bằng chứng về điều này. Trung tướng Voagông, đại tá Fray, Batay, thiếu tá Teta, Heri… buộc phải nhìn cảnh thất trận với cái chết của trung uý Blezơ (trận Hố Chuối 1890-1891), đại uý Guinhê (trận Hố Chuối), trung uý Blas (trận Đồn Hom 1892), Bon Bon và Casanôva (trận Đồn Bèn)…cùng các binh lính khác. Trong khi đó, hồ sơ của chúng về các chiến dịch chống Đề Thám năm 1891, 1892, 1895, 1896, 1909, 1910… với nhiều cái tên lạ chỉ dầy thêm lên mà không thực hiện được.

Song sự kiện tiêu biểu nhất ở đồi Phủ là sự kiện hai lần Đề Thám ra Nhã Nam. Đây là hình ảnh đẹp trong tâm trí nhân dân ta và là hình ảnh khá chua chát đối với thực dân Pháp. Giữa chốn hang hùm, xung quanh đầy quân giặc, Đề Thám và nghĩa quân vẫn an toàn và hiên ngang với tư thế chiến thắng làm cho quân thù khiếp sợ.

Sau này, Đồi Phủ còn là nơi diễn ra các sự kiện: Lập đền thờ ông Cả Trọng (con trai cả Hoàng Hoa Thám) và cái chết của Hoàng Hoa Thám, về sự chấm dứt của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

Từ năm 1943-1945, Đồi Phủ đã chứng kiến các hoạt động của lực lượng cách mạng Yên Thế nhằm phá bỏ thủ phủ của chính quyền thực dân, phong kiến trên mảnh đất Yên Thế mà nổi bật là sự kiện tháng 7 năm 1945. Tháng 7 năm 1945, đội du kích trung kiên Yên Thế dưới sự chỉ huy của bà Hà Thị Quế, nguyên cán bộ đặc trách khu Yên Thế của Trung ương đảng đứng lên cùng nhân dân giành chính quyền về tay cách mạng, lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến cũ của Pháp và bè lũ tay sai, kết thúc 60 năm ngự trị của một đội quân lấy Đồi Phủ làm đại bản doanh.

Đồi Phủ trở thành địa điểm ghi dấu những sự kiện mà trong lịch sử Yên Thế-Tân Yên ngày nay không thể không nhắc tới. Nó là một bằng chứng góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu thêm về phong trào khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo và hiểu về thời kỳ Cách mạng tháng 8 năm 1945. Nơi đây chính quyền địa phương đã cho dựng bia ghi dấu sự kiện Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở bên Đồi Phủ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.

* Nghĩa địa Pháp

Từ năm 1885 trở đi, phong trào khởi nghĩa Yên Thế phát triển mạnh nên thực dân Pháp lập một hệ thống đồn bốt để chống lại phong trào khởi nghĩa do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Chúng đã lập các đồn Nhã Nam, Bỉ Nội, Cao Thượng, Bố Hạ…từ đó tổ chức các cuộc hành binh càn quét đàn áp nghĩa quân Yên Thế.

Các cuộc hành quân của Pháp đã đụng độ với nghĩa quân Yên Thế ở nhiều làng xã và nhiều khu căn cứ như trận làng Mạc (1885), trận làng Sặt (1889), trận Cao Thượng (1890), trận Hố Chuối (1890-1891), các trận dọc bờ sông Sỏi thuộc các khu: Đồn Hom, Khám Nghè, Đề Trung, Đề Truật, Thống Phức, Đề Lâm (1892) Phồn Xương, Đồn Đền, Rừng Phe (1909), Ngàn Ván (1911)…

Trong các trận đó, chúng đã phải chịu nhiều thất bại, nhiều tên giặc bị tiêu diệt mà vẫn không dập nổi phong trào. Những tên sỹ quan, binh lính Pháp, Việt bị chết trong các chiến dịch bởi các lối đánh của nghĩa quân đã được đem về chôn tại các nghĩa địa ở Vôi (Lạng Giang), Bố Hạ (Yên Thế), Nhã Nam (Tân Yên)…

Nghĩa địa của Pháp ở Nhã Nam là một trong những nghĩa địa được hình thành như vậy. Nghĩa địa Pháp hiện nay thuộc xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, cách thành phố Bắc Giang khoảng 23km về phía Tây Bắc.

Nghĩa địa Pháp được đặt trên một sườn đồi nhỏ xưa kia thuộc đất làng Lã ở Nhã Nam. Làng này đã bị quân Cờ Đen tàn phá phiêu dạt hết. Trong khu đất của nghĩa địa có nhiều mộ và được chia làm hai loại:

Loại thứ nhất là mộ xây bằng đá khối vuông và chữ nhật. Đây là loại mộ dành cho sỹ quan.

Loại thứ hai là mộ binh lính đắp đất có bia đá.

Trong số các mộ sỹ quan Pháp đó có hai ngôi mộ được xếp bằng các phiến đá xanh vuông và các phiến đá chữ nhật trên đó có khắc chữ Pháp. Tất cả các ngôi mộ của nghĩa địa này nay đã bị san phẳng không còn dấu tích mộ. Chỉ còn các phiến đá to nặng vương vãi trong làng bên đồi. Ở Bảo tàng Bắc Giang đã sưu tầm được một tấm bia ghi rõ người chôn ở đây là Nguyễn Văn Tố bị chết ở Hố Chuối (1890-1891), tấm bia này nhỏ cho biết đó là binh lính Việt được chôn đắp mộ đất.

Những khối đá xanh ốp mộ rất lớn và nhiều kích cỡ, có hai khối đá vuông trên đó người ta đã tạc hai vòng tròn ở hai bên tượng trưng cho cành ô lưu được bó bằng một băng lụa. Đó là biểu tượng của người Pháp dành cho người đã chết vì đất nước Pháp. Mặt chính diện có khắc nhiều chữ ghi tên tuổi, lý do của kẻ chết trận ở Yên Thế. Tất cả đều bằng tiếng Pháp. Hiện còn hai khối đá có dòng chữ như sau:

Khối thứ nhất:

Ala meMoinoRE Dus

OFiOLER SOUR OFiCiERS ETSOLDATS

JVES ALENNE Mi LE MAR 1892 ALATTSOVVE DV FORT DE DE ZVONG

Tạm dịch:

Ghi nhớ trong chiến dịch và sau chiến dịch Viên sỹ quan bị chết do đạn của đối phương

Vào tháng 3 năm 1892 trong trường hợp tấn công vào đồn Đề Dương. Khối tứ hai:

ALA ME MoiRE DE LiVE TENANT BEQVET ALEXiS VES MARi DES Lai

LiEL LE Rié DE MriNe tvr a lanneen.

Le 25 mars 1892 alasavt dv fort

De de zvong (yen the) lage de 25 ans

Tạm dịch:

Ghi nhớ vị quan hai là BEQVET Alexisz ves Mari ở đội quân xung kích, chết ngày 25 tháng 3 năm 1892 khi xung phong đánh đồn Đề Dương (Yên Thế) với tuổi đời 25.

Theo sự tìm hiểu được biết hai viên sĩ quan trên đều chết trong trận đánh Đồn Hom, một đồn do Hoàng Hoa Thám chỉ huy ở xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế ngày nay.

Trong chiến dịch năm 1892 đánh nghĩa quân Yên Thế do tướng Voay-Rông chỉ huy. Quân Pháp chia quân đánh vào căn cứ Yên Thế nhằm triệt hạ lực lượng nghĩa quân ở 7 đồn lớn dọc bờ sông Sỏi. Các đồn đó là đồn Khám Nghè, đồn Đề Hậu, đồn Đề Lâm, đồn Đề Trung, đồn Thống Phức, đồn Hang Sọ và đồn Hom. Chiến dịch này bắt đầu vào trung tuần tháng 3 năm 1892.

Các trận đánh tấn công vào các đồn ác liệt, đặc biệt là trận đánh ở Khám Nghè và đồn Hom. Sau trận Khám Nghè, thủ lĩnh của phong trào là Đề Nắm bị ám sát. Còn trong trận đồn Hom (từ 23 đến 26 tháng 3 năm 1892) quân Pháp liên tiếp tấn công vào đồn. Nghĩa quân ẩn trong các công sự để cho Pháp đến thật gần mới bắn. Do vậy sau trận đánh chúng thiệt hại hơn 40 lính và sỹ quan, bị thương rất nhiều. Trong số đó có hai viên sỹ quan trên. Các lính chết trận đó đưa về các nghĩa trang trong tỉnh chôn.

Từ năm 1900-1902, thân nhân các sỹ quan Pháp chết trận đã sang viếng thăm và đề nghị chính quyền thực dân ở Việt Nam cho làm mộ đá cho các con em của họ. Vì thế mà có các ngôi mộ ốp đá ở các nghĩa địa Pháp.

Tuy nghĩa địa này không còn nhưng các dấu tích của nó, địa điểm xây dựng nghĩa địa trở thành địa danh lịch sử chứng minh rõ nét nhất cho các chiến thắng của nghĩa quân Yên Thế suốt 30 năm trường kỳ.

Qua những sự kiện diễn ra tại các điểm di tích ở Nhã Nam trong cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế một lần nữa khẳng định, hệ thống di tích này có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử cận đại Việt Nam.

Khởi nghĩa Yên Thế đã tồn tại ngót 30 năm (1884- 1913), là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất và kéo dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Tinh thần của cuộc khởi nghĩa đã khơi dậy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Mỗi di tích trong Hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế đều trực tiếp phản ánh sinh động quá trình xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu của nghĩa quân từ những ngày đầu tiên, tới những ngày cuối cùng.

Những điểm di tích ở Nhã Nam đã thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý chí kiên cường bất khuất của người dân Nhã Nam đóng góp trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế mà ngày này chúng ta cần phải trân trọng, quan tâm gìn giữ, phát huy tốt giá trị của các di tích, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá giá trị của hệ thống di tích này trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nơi đây trở thành những điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tìm hiểu về lịch sử văn hóa, du lịch về nguồn mỗi khi du khách đến với vùng đất Nhã Nam giàu truyền thống lịch sử văn hóa ở mạn Bắc của tỉnh Bắc Giang.

Phùng Thị Mai Anh
Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, (2012) Hồ sơ khoa học Di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế.
2. Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang (2014), Di tích Lịch sử những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Nhã Nam (2016), Lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu tổng quan về di tích khởi nghĩa Yên Thế trên địa bàn thị trấn Nhã Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.