Thứ sáu, 29/03/2024 01:58 (GMT+7)

Nghiên cứu xác nhận hiệu quả của chất phân tán dầu đối với môi trường

MTĐT -  Thứ năm, 02/06/2022 08:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phòng thí nghiệm Bigelow (Mỹ) vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, hiệu quả của chất phân tán dầu trong việc giảm thiểu tác hại của sự cố tràn dầu đối với môi trường.

tm-img-alt
Nhà khoa học nghiên cứu cấp cao của Phòng thí nghiệm Bigelow, ông Christoph Aeppli thực hiện một thí nghiệm để kiểm tra tính hiệu quả của các hóa chất phân tán dầu sau sự cố tràn dầu. Ảnh: Christoph Aeppli, Phòng thí nghiệm Bigelow

Sự cố tràn dầu trên biển là một trong những ví dụ trực tiếp và có hại nhất về cái giá mà việc khai thác nhiên liệu hóa thạch có thể gây ra đối với môi trường. Một trong số ít các công cụ để giảm thiểu thiệt hại đó là chất phân tán hóa học giúp phân hủy dầu trong nước. Tuy nhiên, các nhà khoa học không hoàn toàn hiểu chúng hoạt động tốt như thế nào. Một nghiên cứu mới do Phòng thí nghiệm Bigelow dẫn đầu đã xác nhận hiệu quả của chúng trong điều kiện thực tế để chuẩn bị tốt hơn cho thảm họa tiếp theo.

Nhà khoa học nghiên cứu cấp cao của Phòng thí nghiệm Bigelow, ông Christoph Aeppli, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, Phòng không muốn chỉ sử dụng các chất hóa học vào đại dương mà không hiểu đầy đủ điều gì sẽ xảy ra. Ông muốn biết rằng, các chất phân tán có hiệu quả nhất có thể giúp phục hồi hệ sinh thái.

Sự cố tràn dầu ảnh hưởng đến sự sống ở mọi tầng của lưới thức ăn đại dương và các nỗ lực ứng phó khẩn cấp phải nhanh chóng tiến hành để giảm thiểu thiệt hại sau khi chúng xảy ra. Các thuyền viên có thể đợi cho đến khi dầu dạt vào bờ để làm sạch nó, nhưng các hợp chất độc hại của nó có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ và gây hại cho các hệ sinh thái nhạy cảm.

Chất phân tán hóa học có thể được sử dụng để giải quyết sự cố tràn dầu trên biển bằng cách phá vỡ dầu thành những giọt nhỏ hòa vào nước và pha loãng nhanh chóng. Khi sử dụng chất phân tán, dầu thường tồn tại trong cột nước trong thời gian ngắn hơn nhiều so với khi chúng ở trên bờ mặc dù các giọt dầu tạm thời làm tăng độc tính trong nước. Tuy vậy, việc thêm các hóa chất bổ sung vào môi trường đã gây tranh cãi.

Nghiên cứu trước đây trong phòng thí nghiệm sau vụ tràn dầu Deepwater Horizon năm 2010 đã đặt ra một số nghi ngờ về tính hiệu quả của các chất phân tán và làm rõ rủi ro của chúng. Cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu để đánh giá các kết quả của phòng thí nghiệm này trong môi trường.

Ông Aeppli cùng với các đối tác trong ngành bắt đầu thử nghiệm các chất phân tán bằng cách sử dụng các điều kiện trong thế giới thực để hiểu được tác động đầy đủ của chúng đối với hệ sinh thái.

Dầu trở nên nhớt hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và các yếu tố môi trường khác. Độ nhớt cao hơn có thể hạn chế hiệu quả của chất phân tán. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các buồng thử nghiệm lớn để cô lập nước biển trong môi trường và tiến hành các thí nghiệm trong điều kiện thực tế.

Ông Aeppli cho biết: “Điều lý tưởng nhất là bạn muốn tiến hành thử nghiệm tại hiện trường. Vì vậy, Phòng thí nghiệm Bigelow đã xây dựng các biển hồ nước lớn và để ánh sáng mặt trời tự nhiên oxy hóa dầu thay vì làm mọi thứ trong phòng thí nghiệm trong điều kiện nhân tạo”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, các chất phân tán hóa học vẫn có hiệu quả trong điều kiện dầu tràn bình thường mặc dù các yếu tố môi trường làm tăng nhanh chóng độ nhớt của dầu và cách nó phân tán. Kết quả cho thấy rằng chất phân tán có hiệu quả nếu được áp dụng trong vòng hai đến bốn ngày - khung thời gian điển hình để ứng phó với sự cố tràn dầu theo khuyến nghị của các hướng dẫn hiện hành.

Các nhà nghiên cứu cũng so sánh kết quả của họ với dữ liệu thực địa thu thập được từ vụ tràn Deepwater Horizon, xác nhận những phát hiện trong phòng thí nghiệm của họ. Sau vụ tràn, gần 1 triệu gallon chất phân tán đã được sử dụng trong 90 ngày hoạt động liên tục. Hơn 75% các phép đo tại hiện trường cho thấy sự phân tán hiệu quả và chứng minh rằng các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trước đây đã đánh giá thấp hiệu quả của chất phân tán.

Nghiên cứu này là một phần trong nỗ lực của ông Aeppli nhằm điều tra tác động của chất độc đối với môi trường. Ông hy vọng công việc của mình sẽ giúp xã hội giảm thiểu thiệt hại do tràn dầu khi xã hội chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Ông Aeppli nhấn mạnh: “Sự cố tràn dầu vẫn sẽ xảy ra trong một thời gian. Các con tàu sẽ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trong một thời gian dài và hàng hóa vẫn cần được vận chuyển. Việc khử cacbon trong nền kinh tế sẽ mất nhiều thời gian. Cho đến lúc đó, chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta biết cách ứng phó tốt nhất với bất kỳ sự cố tràn dầu nào có thể xảy ra”.

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu xác nhận hiệu quả của chất phân tán dầu đối với môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TN&MT

Cùng chuyên mục

Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.