Thứ bảy, 14/12/2024 00:45 (GMT+7)

Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy hiệu quả

Nguyễn Đức -  Thứ năm, 07/09/2023 14:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại Hà Nội đa phần những sự vụ cháy có liên quan đến tính mạng con người xảy ra ở các nhà phố, dạng nhà ống

tm-img-alt
Đa phần những sự vụ cháy có liên quan đến tính mạng con người xảy ra ở các nhà phố, dạng nhà ống

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ, nhất là đối với những ngôi nhà ống vừa ở và kết hợp kinh doanh của hộ gia đình, gây hậu quả nghiêm trọng. Ðây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các khu dân cư, đô thị.

Như vậy, mặc dù có nhiều cảnh báo trước đó, nhưng những sự việc thương tâm bởi cháy vẫn diễn ra. 

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, hiện tại trên địa bàn thành phố có hơn 500 nghìn nhà hình ống đang được sử dụng và sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Theo dõi các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng gần đây đều nhận thấy, mẫu số chung đều xảy ra ở nhà ống khi bị chuyển đổi công năng một cách tùy tiện.

Nhiều chuyên gia kiến trúc cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương, cần có tầm nhìn quy hoạch từ khâu phân lô đất dành khoảng trống thoáng khí, thoát hiểm, có chỉ giới, hướng dẫn rõ ràng để người dân không xâm phạm. Không nên vì lợi ích trước mắt mà tạo tiền đề xảy ra hậu quả đau thương sau này. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến sâu rộng hơn cho người dân nắm được quy định về thoát hiểm, an toàn công trình nhà ở. Về lâu dài, cần xem xét hạn chế để hướng đến xóa bỏ công trình dạng nhà ống không lối thoát hiểm.

Trước đó, Nghị định 136/2020/NĐ-CP cũng tập trung vào cụ thể hóa điều kiện phòng cháy cho các cơ sở, đối tượng. Chẳng hạn như quy định có thiết kế và phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với khu dân cư xây dựng mới; quy định rõ một số điều kiện đảm bảo an toàn PCCC đối với hộ gia đình vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh... Đặc biệt, Nghị định cũng đã bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC là: Nhà trọ, trường tiểu học, THCS, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình; cửa hàng tiện ích...

Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản dưới luật hiện hành đã đề cập các quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình nhà ở. Trong đó, với nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên và nhà ở kết hợp kinh doanh, quy định về phương án phòng cháy khá chặt chẽ. Tuy nhiên, quy chuẩn số 06/2021 không bắt buộc áp dụng phương án phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 6 tầng trở xuống.

Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng cho biết, điểm đáng chú ý cần nhận diện đối với các vụ cháy nhà ống gây thiệt hại nặng nề trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ góc độ kiến trúc công trình. Trước tiên, các ngôi nhà ống bị xuống cấp do quá trình sử dụng, hoặc sự bất cẩn của người dân do công trình kém tiện nghi gây nên chập cháy trong quá trình sử dụng.

tm-img-alt
Hiện trường vụ cháy căn nhà kết hợp kinh doanh xe máy, xe đạp điện tại xã An Khánh, huyện Hoài Ðức, Hà Nội. (Ảnh Ðình Hiếu)

Theo dõi các vụ cháy trong thời gian gần đây, đặc biệt vụ cháy tại quận Hà Đông khiến 4 bà cháu tử vong và vụ cháy khiến 3 người tử vong ở ngõ Thổ Quan đều thấy nguyên nhân mới rất đáng chú ý và chiếm số đông các vụ cháy được các chuyên gia nhận diện chính là sự chuyển dịch công năng sử dụng của nhà ống một cách tùy tiện, thiếu kiểm soát. Ngôi nhà ban đầu được xây dựng có chức năng nhà ở gia đình được chuyển đổi bổ sung hoặc hoàn toàn sang chức năng mới như: Cửa hàng dịch vụ, văn phòng cho thuê, bar và karaoke…

Để khắc phục việc này, bên cạnh việc hướng dẫn và yêu cầu người dân bố trí bổ sung đường thoát hiểm khi có tai nạn cháy, nổ trong ngôi nhà của mình (thang dây thoát hiểm khẩn cấp, cửa thoát hiểm ra không gian mở xung quanh… mở thêm lối thoát trên song sắt ban công, cửa sổ, tầng thượng) thì công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn ý thức và khả năng tự thoát hiểm, hỗ trợ nhau khi có cháy nổ trong khu dân cư cho cộng đồng là rất quan trọng.

Liên quan đến vấn đề này, hiện tại, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) đang hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế, dự kiến ban hành vào tháng 9-2023. Theo đó, mọi nhà ở riêng lẻ phải bắt buộc có 1 lối thoát hiểm ở tầng 1; nhà ở kết hợp kinh doanh có ít nhất 2 lối thoát nạn. Mỗi lối rộng tối thiểu 0,8m, cao 1,9m, luôn phải để thông thoáng và có phương án ngăn cách với các vật liệu dễ cháy gần đó.

Cũng theo dự thảo, lối thoát hiểm thứ 2 có thể bố trí qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà… để thoát nạn khi cần thiết. Nếu tạo lối thoát qua lồng sắt, cửa thoát cần có kích thước tối thiểu 0,8x0,8m. Nếu trổ cửa qua mái, phải bảo đảm kích thước tối thiểu 0,6x0,8m.

Trường hợp không thể bố trí đường thoát nạn, lối ra thoát nạn riêng hoặc lối ra phụ ở tầng 1, cần có các khu vực lánh nạn tạm thời ở các tầng tại các vị trí ban công hoặc lô gia, được quây bằng tường và cửa chống cháy hoặc vật liệu khó cháy.

Trong Hội thảo khoa học liên quan gần đây, các chuyên gia chỉ rõ, vấn đề nổi cộm gây nên thiệt hại lớn trong các tai nạn cháy, nổ nhà ống chính là thiếu các lối thoát hiểm, đường cứu hộ cứu nạn cho đơn vị chức năng khi có sự cố xảy ra.

Nhà có sân thượng cần bố trí lối lên sân thượng qua cửa có chiều rộng tối thiểu 0,8m, chiều cao tối thiểu 1,9m, Đặc biệt, dự thảo quy định không xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên. Hy vọng các quy định “cứng” này sẽ giúp giảm thiểu hậu quả thương tâm trong các vụ cháy nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh.

Trước nguy cơ cháy nổ trong mùa nắng nóng, lực lượng Cảnh sát PCCC khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm các quy định, nội quy về PCCC rừng; đối với cá nhân, hộ gia đình không sắp xếp hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; cẩn trọng khi đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã, sạc các thiết bị điện, điện tử; ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; không tàng trữ chất cháy, nổ; không làm cản trở lối thoát nạn và có lối thoát nạn dự phòng; lắp đặt thiết bị báo cháy; trang bị phương tiện chữa cháy, thoát nạn như: Bình chữa cháy, búa, xà beng, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng độc…; khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn gọi 11Thiết kế nhà cửa chắc chắn, bịt lối cửa phụ để chống trộm nhưng cần trang bị kỹ năng thoát nạn và luôn quan tâm đường thoát hiểm

PC07 cho biết thời điểm cháy nổ thường diễn ra vào ban đêm, lúc người dân vẫn đang say ngủ. Với nhà ống, khi phát hiện cháy, người bên trong nhà đã bị ngạt khí và ngất xỉu. Phía ngoài, lực lượng chữa cháy tại chỗ gặp rất nhiều khó khăn khi phá cửa vào bên trong. "Thiết kế nhà cửa chắc chắn, bịt chặt lối cửa phụ nhằm chống trộm nhưng cần trang bị kỹ năng thoát nạn và luôn quan tâm đường thoát hiểm" - PC07 khuyến cáo.

Cụ thể, người dân cần thực hiện các biện pháp PCCC như sau: Không để ôtô trong nhà ở để phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí độc khi nổ máy. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà, trường hợp cần phải dự trữ thì số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt, tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.

Lắp đặt thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn; không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, dây dẫn, ổ cắm, thiết bị sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy; khi sử dụng bàn ủi, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người tàn tật, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ và trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van gas.

Trước khi rời khỏi và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt thiết bị điện không cần thiết... Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết; gọi điện cho Cảnh sát PCCC 114 hoặc đội dân phòng chính quyền, công an xã - phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Người dân cần trang bị mặt nạ chống khói, các loại thang dây, thang móc để thoát từ tầng trên xuống tầng dưới. Trong nhà cũng nên có búa, kềm cộng lực để phá tường, cắt khung sắt tạo lối thoát hiểm khi xảy ra cháy.

Thêm nữa, số vụ cháy về đêm đều có người tử vong do chết ngạt trong lúc ngủ say. Nhằm tránh tình trạng này, người dân nên trang bị hệ thống báo cháy tự động tại chỗ, nếu có điều kiện thì nên gắn hệ thống báo cháy tự động kết nối với trung tâm chỉ huy chữa cháy đặt tại Cảnh sát PCCC TP.HCM.

Hệ thống là công cụ hữu ích giúp chủ nhà kịp thời thoát nạn hoặc báo cháy kịp thời về trung tâm chỉ huy chữa cháy.

Mục tiêu mỗi người dân là một chiến sĩ PCCC, từ đó giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra. Mỗi hộ dân cần nâng cao ý thức, tự kiểm tra lại nguy cơ cháy ở nhà mình, chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng...; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại ban công của nhà; không khóa cửa lên mái, trường hợp cửa có khóa cần quy định vị trí để chìa khóa.

Cần bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa gọn gàng, không che chắn, cản trở lối thoát nạn, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu 0,5 m. Nơi chứa, chất hàng nguy hiểm về cháy nổ phải bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không tích trữ xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Các gia đình lắp đặt những thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện chung của tòa nhà; bố trí riêng biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực nhà ở gia đình; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, trước khi đi ngủ và khi ra khỏi nhà…

Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

- Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh. Ðiều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định nêu trên phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Ðiều 5 Nghị định 136/2020/NÐ-CP.

(Theo Ðiều 7 Nghị định 136/2020/NÐ-CP ngày 24/11/2020 quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình)

Bạn đang đọc bài viết Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy hiệu quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tỉnh đoàn An Giang hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" toàn quốc
Ngày 22/9, Tỉnh đoàn An Giang phát động hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” toàn quốc lần thứ và phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng, chống rác thải nhựa năm 2024”.

Tin mới