Thứ bảy, 20/04/2024 02:50 (GMT+7)

Người lao động chật vật vì “bão giá”

MTĐT -  Thứ ba, 05/04/2022 11:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, giá cả hàng hoá gần đây đồng loạt tăng cao đã khiến cho nhiều người lao động tại TP.Hà Nội không khỏi lo lắng. Họ phải tìm mọi cách để cắt giảm chi tiêu, tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

tm-img-alt
Người lao động đang phải tìm mọi cách để cắt giảm chi tiêu, tăng ca để có thêm thu nhập. Ảnh: Lan Nhi

Thắt chặt chi tiêu

Hai vợ chồng đều là công nhân, chị Lê Thị Liên (SN 1980, khu công nghiệp Đông Anh) những tháng vừa qua đã phải liên tục “thắt lưng, buộc bụng” vì giá cả hàng hoá tăng nhanh chóng mặt. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã khiến thu nhập của không ít người lao động như vợ chồng chị Liên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ cắt giảm mua các mặt hàng đắt tiền mà ngay cả trong tiêu dùng hằng ngày, chị Liên cũng phải cân nhắc, ưu tiên chọn mua những mặt hàng có giá “mềm” hơn.

Chị Lê Thị Liên chia sẻ: “Với đồng lương công nhân ít ỏi, gần đây mỗi khi ra chợ tôi đều phải cân nhắc xem hôm nay mua gì. Giá xăng tăng cao, giá hàng hoá, thực phẩm cũng nhích dần theo từng ngày. Nhiều khi tôi cầm 300.000 đồng đi chợ nhưng nếu không cân nhắc kỹ lưỡng thì rất dễ bị lạm chi”.

Cũng chật vật vì giá cả leo thang, anh Trần Văn Biên (SN 1990, chạy xe ôm tự do) cũng phải bỏ dần thói quen mua đồ tuỳ hứng. Mỗi lần đi mua sắm, anh Biên đều cố gắng cân nhắc, chọn những mặt hàng được giảm giá nhiều để tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình ở quê. Ngoài thời gian chạy xe, anh Biên còn tranh thủ làm thêm việc vào buổi tối, nhận làm bảo vệ tại nhà hàng để có thêm thu nhập ổn định.

Nỗ lực bình ổn giá, thị trường

Mới đây, Bộ Tài chính cũng cho biết, mặt bằng giá cả thị trường trong hai tháng đầu năm 2022 có biến động tăng. Ngoài những yếu tố tác động theo quy luật hằng năm (do trùng với Tết Nguyên đán), thị trường còn chịu áp lực từ việc tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới (trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas), cộng thêm một số mặt hàng phòng chống dịch như kit-test xét nghiệm COVID-19 tăng giá cục bộ do nhu cầu mua tích trữ và sử dụng tăng cao…

Song ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ trên thị trường đã được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% giảm xuống 8% (theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ), góp phần điều tiết đáng kể lên mặt bằng giá trên thị trường. Mặt khác, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Căn cứ diễn biến giá cả thị trường hai tháng đầu năm và các dự báo cho cả năm, Bộ Tài chính nhìn nhận việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022 có nhiều rủi ro. Vì vậy, đơn vị này cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Sắp tới, Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, chủ động tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa. Không điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ những tác động đến CPI của quý II để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội - cũng thông tin, để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, Sở Công Thương đã vận động các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối ký hợp đồng với các nhà cung cấp với thời lượng hợp đồng dài hạn để bình ổn giá thường xuyên. Như vậy, sẽ giảm được sự tác động của biến động giá xăng dầu, cố gắng giữ giá thành ổn định nhất trên thị trường trong thời gian sắp tới.

Bạn đang đọc bài viết Người lao động chật vật vì “bão giá”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo laodong.vn

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...