Thứ sáu, 29/03/2024 17:44 (GMT+7)

Người lao động mưu sinh trong nắng cháy

MTĐT -  Thứ hai, 21/06/2021 17:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội cũng như các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ đang trải qua đợt nắng nóng như thiêu đốt với nhiệt độ nhiều nơi vượt ngưỡng 40 độ C, khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.

Hà Nội cũng như các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ đang trải qua đợt nắng nóng như thiêu đốt với nhiệt độ nhiều nơi vượt ngưỡng 40 độ C, khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Dưới cái nắng khắc nghiệt của thời tiết, những người lao động ở Thủ đô luôn phải gồng mình để mưu sinh. Bên cạnh những mưu sinh đơn thuần, ít ai biết cũng có những người vẫn phải miệt mài với công việc, họ mong muốn những đóng góp của bản thân sẽ góp phần xây dựng Thủ đô luôn xanh, sạch, đẹp.


“Ngâm mình” trong nắng gắt

Những ngày này, nền nhiệt cao đã và đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Tại nhiều tuyến phố được coi là sầm uất nhất Thủ đô như phố cổ Hàng Ngang - Hàng Đào, Lương Văn Can… (quận Hoàn Kiếm) dù mới gần 11h nhưng nhiều cửa hàng bán quần áo, mỹ phẩm ngày thường vốn đông khách du lịch ghé mua sắm nhưng nay vắng tanh. Trong khi đó, nhiều cửa hàng đồng loạt tìm cách chống nóng bằng cách “buông rèm” che chắn trước cửa nhà, không mặn mà trưng hàng đón khách.

Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tặng quà “chống nắng” cho đoàn viên, người lao động. (Ảnh: Tuấn Dũng)

Tại tuyến đường Đại La - Minh Khai, đây là tuyến phố có ít bóng cây nhưng lại đang có công trình xây dựng nên được coi là một trong những tuyến phố bụi bặm và khắc nghiệt nhất. Để tránh nắng nóng, những hộ dân sống ở đây thường sử dụng các hệ thống phun nước dưới dạng sương để làm mát và giảm ô nhiễm. Không chỉ ở các tuyến phố lớn, dạo quanh các các chợ dân sinh cũng dễ dàng thấy những ảnh hưởng của nắng nóng. Dù chủ nhân của các mặt hàng rau quả liên tục “tắm” cho hoa, trái cây và rau nhưng quá nắng nóng, rau và hoa vẫn héo rũ.

Càng về trưa, nhiệt độ càng tăng cao, nắng gay gắt, có nơi nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C. Bất cứ ai ra ngoài cũng tìm mọi cách che chắn, di chuyển thật nhanh trên đường, tìm đến những nơi mát để tránh nóng. Những người đi xe máy, đi bộ, ngồi chờ ở điểm xe buýt... đều trùm áo chống nắng, đeo kính, khẩu trang để chống chọi với nền nhiệt gay gắt. Nhiều người phải đội chiếc khăn ướt trên đầu hoặc lau mặt liên tục để dịu đi tạm thời cái nóng, chiếc khăn ướt chẳng mấy chốc lại khô.

Tiết trời hè khắc nghiệt cũng là nỗi ám ảnh lớn với những người công nhân vệ sinh môi trường. Ngoài bộ trang phục bảo hộ lao động được phát để làm việc, hầu hết công nhân vệ sinh môi trường đều phải tự trang bị cho mình thêm khăn che mặt cùng những chiếc mũ vải rộng vành để ngăn bớt cái nắng phả thẳng vào mặt. Với công nhân vệ sinh môi trường, theo tìm hiểu do đặc thù trong công việc nên khung thời gian lao động của họ không thể thay đổi nhiều. Để tránh ùn tắc giao thông, không ít người phải bỏ sau lưng nhọc nhằn, đẩy những xe rác cao ngất đi trên đường giữa lúc ánh mặt trời chói chang. Với số lượng dân cư lớn, trên địa bàn Hà Nội mỗi ngày người công nhân môi trường phải thu gom lượng rác khổng lồ. Họ phải thay ca thu dọn liên tục, từ sáng sớm đến khi trời tối, kể cả thời gian nắng nhất trong ngày, để đảm bảo đường phố luôn luôn sạch sẽ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Uyên, Tổ môi trường số 2, Chi nhánh Hoàn Kiếm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết: Những ngày nắng nóng hay trời mưa, chị Uyên và những đồng nghiệp vẫn làm việc bình thường theo ca và chia thành từng tổ. “Chúng tôi phải làm từ rất sớm để hoàn thành công việc thu gom lúc 16h, tránh gây ùn tắc giao thông trong giờ tan tầm. Những công nhân thường làm việc trong khoảng thời gian nhiệt độ ngoài trời đạt tới mức cao và phải trang bị khăn, mũ và áo”, chị Uyên thông tin.

Chị Nguyễn Hồng Thúy, công nhân Tổ Môi trường số 5, Chi nhánh Đống Đa (người đã 27 năm công tác trong lĩnh vực vệ sinh môi trường) chia sẻ, thời tiết gay gắt rất nguy hiểm, làm việc ngoài trời trong một thời gian ngắn cũng đủ khiến người ta bị say nắng. Song, dù là nắng nóng hay mưa bão… công việc của những người công tác trong lĩnh vực vệ sinh môi trường như chị không thể bỏ, vẫn cố gắng hoàn thành theo đúng nhiệm vụ được giao để đảm bảo môi trường Thủ đô luôn sạch đẹp.

Lau vội những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên khuôn mặt đen sạm bên những dòng xe đang hối hả ngược xuôi trên tuyến Đại lộ Thăng Long, anh Nguyễn Văn Sơn, Tổ trưởng tổ Vệ sinh môi trường, Chi nhánh Cầu Diễn, chia sẻ, nắng nóng ai cũng mệt nhưng với cá nhân anh và những đồng nghiệp, đây cũng chỉ là những công việc… bình thường. Lý giải cho sự “bình thường” mà bản thân đề cập, anh Sơn bảo, ở tuyến Đại lộ Thăng Long này, nắng nóng bình thường cũng khiến mặt đường chẳng khác gì một cái “chảo đặt trên bếp lửa hồng”… Song, do đã gắn bó với nghề, tiếp xúc với đủ loại thời tiết khắc nghiệt nên da dẻ và cơ thể dường như cũng đã tăng sức chịu đựng. Theo lời anh Sơn, khi mới vào nghề, đối diện với thời tiết như này, nhiều công nhân đã bị say nắng, ốm nằm bệt, nhưng công việc là công việc, không thể dừng được... Bởi vậy, những công nhân môi trường phải cố gồng mình, vượt qua những thử thách của thời tiết để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thời tiết nắng nóng lên đến 40 độ C, khi mọi người đều ngại ra đường thì nhiều công nhân, người lao động vẫn đang bám trụ địa bàn vì Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh. (Ảnh: Đinh Luyện)

Nhắc đến câu chuyện làm việc trong tiết trời nắng nóng, ông Phạm Văn Thắng, Xí nghiệp Thi công cơ giới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội bộc bạch, nắng nóng là thời điểm không ai muốn ra đường, song với những công nhân ngành thoát nước đây lại thời điểm hết sức quan trọng trong việc đảm bảo hệ thống thoát nước của Thủ đô. “Không gian dưới cống ngầm rất nhỏ, bí và có đủ các loại rác rưởi đang trong giai đoạn phân hủy khiến bầu không khí càng trở lên ngột ngạt, oi bức, nóng… rất nguy hiểm đối với những công nhân trực tiếp làm nhiệm vụ. Song, dù nguy hiểm, vất vả nhưng trên vai chúng tôi là trách nhiệm của ngành thoát nước Thành phố, với người dân Thủ đô”, ông Thắng chia sẻ.

“Chống nắng” cho đoàn viên, người lao động

Thấu hiểu những khó khăn về điều kiện thời tiết, nhiều đơn vị đã đưa ra các biện pháp thiết thực bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công nhân và người lao động. Trong đó, chủ yếu là điều chỉnh thời gian làm việc. Chẳng hạn, các chi nhánh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội đã chủ động điều chỉnh lịch trình sản xuất theo hướng giảm thiểu thời gian làm việc ngoài trời vào những giờ nắng nóng cao điểm và tăng cường thu gom rác vào ca đêm. Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, làm việc dưới trời nắng nóng, tai nạn lao động lại càng có nguy cơ xảy ra cao hơn. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho công nhân làm việc dưới trời nắng nóng là vấn đề luôn được đơn vị quan tâm thực hiện.

Theo ông Đức, để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, ngoài việc trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động, đơn vị cũng thường xuyên phổ biến, hướng dẫn biện pháp chống say nắng và hỗ trợ kịp thời cho công nhân trực tiếp làm việc ngoài đường. Cùng với đó, đơn vị luôn theo sát công việc của cán bộ, nhân viên để hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như kịp thời động viên cả về vật chất, tinh thần để người lao động yên tâm công tác.

Tương tự, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, đơn vị này cũng đã chỉ đạo các xí nghiệp điều chỉnh thời gian làm việc. Đối với các bộ phận thi công ngoài trời như: Nạo vét cống ngầm, cống ngang, nạo vét mương sống, vệ sinh vớt rác, sửa chữa… sẽ tiến hành làm từ sáng sớm để nghỉ trưa sớm (6h30 - 10h30); buổi chiều làm muộn, nghỉ muộn (15h30 - 19h). Một số bộ phận như nạo vét cơ giới sẽ chuyển sang làm đêm. Đồng thời, bố trí công nhân luân phiên làm việc trong môi trường nóng và độc hại như cống, mương để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Chia sẻ với những khó khăn của đoàn viên Công đoàn, người lao động trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh lưu ý các đoàn viên, người lao động phải đảm bảo sức khỏe, lao động an toàn, nhất là trong mùa nắng nóng và dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Bà Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở luôn có chính sách, hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động, quan tâm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, có các biện pháp tổ chức chống nóng, chống nắng và hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động đang làm việc trực tiếp trong môi trường khắc nghiệt.

Không chỉ thực hiện điều chỉnh giờ làm việc phù hợp với điều kiện thời tiết, thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân lao động, thời gian qua, tổ chức Công đoàn, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều hoạt động quan tâm đến người lao động. Minh chứng dễ thấy, các Công đoàn ngành, công đoàn cơ sở cũng đã trực tiếp tổ chức đoàn đi thăm hỏi, động viên cán bộ công nhân viên chức người lao động trong ngành đang làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Nhiều phần quà là nước uống giải nhiệt, đường, sữa, bánh, thực phẩm chức năng... đã được trao tận tay các công nhân, người lao động vẫn đang bám trụ địa bàn.

Cụ thể, Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội bên cạnh sự động viên kịp thời người lao động tham gia sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường trong những ngày nắng nóng và đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Công đoàn Công ty còn tổ chức đến hiện trường nơi người lao động đang làm việc và hỗ trợ cho người lao động các suất quà gồm bánh, sữa, tặng khẩu trang với kinh phí trên 40 triệu đồng. Đáng chú ý, đây cũng là hoạt động thường niên của đơn vị này. Hàng năm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội đều có chế độ cấp phát đường chống nóng và Vitamin C cho tất cả người lao động của Công ty trong các tháng hè để đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên, người lao động. Bên cạnh đó, các chi nhánh của Công ty chủ động điều chỉnh lịch trình sản xuất theo hướng giảm thiểu thời gian làm việc ngoài trời vào những giờ nắng nóng cao điểm và tăng cường thu gom rác vào ca đêm.

Còn tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, đời sống người lao động cũng luôn được quan tâm. Bà Trương Hải Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội chia sẻ, nhằm động viên gần 2.200 đoàn viên Công đoàn - những người đang trực tiếp bảo đảm an toàn, khơi thông hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội, Công đoàn Công ty luôn xác định, động viên, thăm hỏi, tặng quà… công nhân làm việc trong những ngày nắng nóng là một nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện. Công tác này được Công đoàn Công ty triển khai đồng bộ, góp phần cùng người lao động vượt qua những khó khăn.

Ở góc độ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, được biết thời gian qua Ban Thường vụ Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng tiền mặt và nhiều phần quà, động viên kịp thời đoàn viên, người lao động. Đây là những đoàn viên, người lao động đang hằng ngày phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, thấu hiểu với những vất vả đặc thù của người lao động, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội trực tiếp tổ chức đoàn đi thăm hỏi, động viên, tặng quà cho nhiều đơn vị. Mới đây, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã đi tặng quà cho 5 đơn vị (mỗi đơn vị 3.000.000 đồng tiền mặt) cùng hàng trăm suất quà (trị giá 300.000 đồng/suất) được trao tay tới các công nhân, người lao động vẫn đang bám trụ địa bàn vì Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh.

Chia sẻ với những khó khăn của đoàn viên Công đoàn, người lao động trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh lưu ý các đoàn viên, người lao động phải đảm bảo sức khỏe, lao động an toàn, nhất là trong mùa nắng nóng và dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Bà Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở luôn có chính sách, hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động, quan tâm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, có các biện pháp tổ chức chống nóng, chống nắng và hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động đang làm việc trực tiếp trong môi trường khắc nghiệt, nhất là khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp./.

Theo Đinh Luyện – Tuấn Dũng/ laodongthudo.vn

Bạn đang đọc bài viết Người lao động mưu sinh trong nắng cháy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ