Thứ năm, 28/03/2024 18:08 (GMT+7)

Trò chuyện đầu xuân Kỷ Hợi với người 'vẽ' nên đóa hoa Lũng Luông

Bùi Phương -  Thứ tư, 06/02/2019 17:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Là một người tuổi hơi, KTS Hoàng Thúc Hào nổi lên như một người “tầm và có tâm" với sự thành đạt và những sáng tạo vì con người và vì tương lai của con người Việt.

Khi nhắc đến tên một vị kiến trúc sư thành đạt, luôn đưa ra những sáng tạo vì con người và vì tương lai của con người Việt, người ta luôn nghĩ đến cái tên Hoàng Thúc Hào - một kiến trúc sư có “tầm và có tâm” với rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Hiện ông đang là giảng viên trường Đại học Xây dựng, Kiến trúc sư trưởng - người sáng lập công ty kiến trúc 1+1>2.

Với quan điểm “Kiến trúc vì hạnh phúc con người”, ông cùng cộng sự đã thiết kế nhiều công trình vì cộng đồng. Những công trình này chủ yếu được xây dựng ở các địa bàn còn khó khăn về chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí chưa cao, những cộng đồng dân cư này còn quen với tập quán sinh hoạt truyền thống. 

Nhà cộng đồng Suối Rè ( Lương Sơn, Hòa Bình).

Lấy ý tưởng từ những vùng đất truyền thống, nơi có những nét văn hóa riêng

Ông cho rằng trong kiến trúc luôn có những hình thái kiến trúc thích ứng với những điều kiện tự nhiên của từng vùng cụ thể. Qua hàng ngàn năm, ông cha ta đã có những tổng kết thành một truyền thống, sắc thái riêng. Nhưng xã hội hiện đại phát triển thay đổi có những nhu cầu mới, cuộc sống ở những vùng đó không theo kịp được những thay đổi như thế. Những công trình kiến trúc tạo thành nền tảng cho họ thích ứng với cuộc sống mới là chưa đủ, không kịp thời, nếu có thì chỉ là những công trình không mang bản sắc riêng, không phù hợp với bối cảnh văn hóa, không thích ứng với khí hậu, điều kiện tự nhiên của vùng đó.

Nó có thể thấy được ở bất cứ nơi đâu, những công trình đó bị nhân bản, chúng ta có một kiểu kiến trúc xây dựng nhưng chúng ta lại mang đi xây dựng khắp nơi. Chính vì thế mà ông đã muốn làm ra những công trình mà nó xứng đáng với cả quá khứ của họ đã từng có, kiến trúc hiện đại hoàn toàn có thể tiếp nối truyền thống này và đồng thời phục vụ những nhu cầu của cuộc sống ngày hôm nay, thiết thực hơn. Và tạo điều kiện góp phần cho cộng đồng dân cư cải thiện cuộc sống.

Trong năm 2018, ông cùng cộng sự đã thiết kế nhiều công trình ở cả nông thôn và ở cả thành thị. Với ông, những công trình ấn tượng như: Trường học Sentia – một dự án tiếp theo của hệ thống Koala House; Bảo tàng và chợ Bát Tràng; Trường học của quỹ “Hiểu về trái tim” ở Đà Lạt… 

Trường Tiểu học Lũng Luông - một sản phẩm do KST Hoàng Thúc Hào tạo hình (Võ Nhai, Thái Nguyên).

Nét khác biệt giữa kiến trúc bản địa với những kiểu kiến trúc phương Tây

Ông cho rằng, kiến trúc phương Tây có truyền thống kéo dài hàng ngàn năm, chủ yếu là ở đô thị. Đặc trưng trong xây dựng kiến trúc của họ là họ có ý thức về tổ chức không gian đô thị và kế thừa những công trình kiến trúc qua nhiều đời, nhiều thế hệ và mỗi một đời, một thế hệ họ đổi mới, kế thừa một chút. Nhưng mà nó phát huy dựa trên cái cũ. Ở Việt Nam điều này là rất khó, kiến trúc bị đứt quãng, cả nông thôn và thành thị đều như vậy. Trước đây, kiến trúc bản địa đã từng có những quá khứ vàng son, như những vùng nông thôn miền núi, nông thôn đồng bằng Bắc bộ, kiến trúc truyền thống rất đẹp, mang những đặc trưng riêng vốn có của từng vùng. Những kiến trúc hiện đại ở những vùng đó chính xác là không có. Xây dựng nhiều nhưng đó là xây dựng nhân bản vô tính, không kế thừa được những nét đẹp của quá khứ.

Kiến trúc đô thị của chúng ta có từ khi người Pháp vào Việt Nam, hơn 100 năm nhưng sự kế thừa những kiến trúc người Pháp xây dựng để thành một đô thị hiện đại thì chúng ta không làm được, không có bản sắc, mọi thứ đều bị đảo lộn. Đô thị nào cũng giống đô thị nào, đều chịu tác động của những kiến trúc hiện đại phương Tây. Chúng ta chưa có đủ sự bình tĩnh, sự kế thừa để tạo thành bản lĩnh, chưa tạo thành một ý thức xã hội về cái kiến trúc, quy hoạch.

Quy hoạch kiến trúc năm 2018 ở Việt Nam qua cách nhìn của kiến trúc sư

Theo KTS, quy hoạch kiến trúc Việt Nam đã được định hình rồi. Khi Hà Nội mở rộng, mọi thứ quy hoạch đã được Luật phê duyệt, bây giờ chỉ có chủ yếu là các cơ quan chức năng thực hiện từng năm một, đó là những quy hoạch về giao thông, quy hoạch các khu đô thị mới.

Các khu đô thị mới vẫn tiếp tục ở những cái cũ, còn về căn bản thì khó có thể thay đổi được. Có những vấn đề như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng cứ mưa là ngập, đây là câu chuyện của mọi đô thị. Bởi vì không có một kịch bản tổng thể cho các đô thị và chưa có một quy trình đo đạc, đánh giá thực sự cụ thể, thực sự chi tiết về từng vùng đô thị.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển mình, thực hiện mở cửa, phát triển du lịch trong năm qua tăng mạnh nên yêu cầu đặt ra là cần phải xây dựng nhiều hạ tầng cơ sở để có thể đáp ứng được, trong quá trình xây dựng các công trình tại các di tích, thắng cảnh thiên nhiên, vùng biển ấy đẹp hay xấu là do các cơ quan chức năng, chính quyền ở địa phương đó. Trình độ nhận thức, quản lý, tổ chức của cơ quan chức năng. Trách nhiệm với đất nước và với dân tộc trong tương lai không có. Cứ thấy được cái lợi trước mắt mà không thấy cho tương lai về sau. Do trách nhiệm của nhà quản lý chứ các kiến trúc sư không thể làm gì được. Nếu không quy hoạch hợp lý thì chúng ta sẽ phải trả giá cho hàng trăm năm sau này.

KTS Hoàng Thúc Hào.

Định hướng cho quy hoạch trong tương lai

Quốc hội đang họp và thông qua Luật Kiến trúc. Phải có Luật Kiến trúc thì mới quản lý các quy hoạch kiến trúc được. Quan trọng cuối cùng vẫn là quản lý nhà nước và giáo dục đào tạo.

Quản lý nhà nước họ sẽ thông qua Luật Kiến trúc. Khi thông qua được Luật và có hiệu lực thì sẽ bảo vệ được quyền sáng tạo, luật hóa thì mới quản lý được.

Đào tạo được thế hệ sinh viên ra trường là kiến trúc sư phải có được ý thức xã hội về quy hoạch kiến trúc. Đó là những sản phẩm, những bản vẽ kiến trúc của những kiến trúc sư làm ra ngày hôm nay nó sẽ ảnh hưởng lâu dài tới bộ mặt văn hóa của đất nước trong tương lai hàng trăm năm sau, chứ không phải là chỉ kiếm được chút lợi trước mắt mà đánh mất tương lai của đất nước.

Quy hoạch vì con người

Theo KTS, con người sống và làm việc trong môi trường đô thị đó thì phải đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của con người, làm cho người ta sinh sống, làm việc, học tập, trong đô thị ấy thấy được sự tiện ích.

Đáp ứng cho con người một khu vực định cư tốt, tức là làm cho con người khỏe mạnh, cơ thể sống thoải mái, không ô nhiễm, ồn ào, chất lượng không khí, nguồn nước tốt, an ninh được đảm bảo để cho người dân sống trong đó thấy được sự an toàn. Phải có sân chơi cho trẻ nhỏ, giao thông thuận tiện.

Đảm bảo sức khỏe tinh thần tức là phải đảm bảo đô thị đó phải có văn hóa - văn hóa truyền thống của người Việt Nam chứ không phải văn hóa của người phương Tây. Cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học phải hợp lý, đồng bộ.

Đô thị là phải làm cho sự công bằng của mỗi người dân, con người phải được hưởng sự công bằng trong đô thị, các khu vực trung tâm quảng trường, công viên, siêu thị thì những vùng ngoại vi cũng phải có quảng trường, công viên, siêu thị như những người ở trung tâm, công bằng phải hiệu quả.

Bạn đang đọc bài viết Trò chuyện đầu xuân Kỷ Hợi với người 'vẽ' nên đóa hoa Lũng Luông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.