Thứ năm, 28/03/2024 23:57 (GMT+7)

Người nghệ sĩ 80 tuổi với gần 2000 buổi biểu diễn thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu

Hà Vy -  Thứ hai, 20/03/2023 20:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được biết đến là người “vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu và điện ảnh Việt Nam phục vụ nhân dân nhiều nhất”, với gần 2.000 buổi trong suốt 49 năm qua, Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân luôn coi đó là may mắn, cơ duyên.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Tân (Văn Tân), sinh năm 1943 ở Làng Gai, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, trong gia đình thuần nông, chưa từng có ai theo con đường nghệ thuật. Ngày còn bé, mỗi khi có đoàn văn công về làng diễn, ông xem say mê và mơ ước sau này được đứng trên sân khấu. Năm 1967, nghe tin Sở Văn hóa Hà Bắc cũ về huyện Tân Yên tuyển diễn viên kịch nói, ông đi bộ hơn 25 cây số xuống dự tuyển. Với đam mê và tài năng, ông lọt vào “mắt xanh” những người tuyển dụng. Vào Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc, ông được đào tạo, rồi đảm nhận vai diễn chính trong nhiều năm. Sau 3 năm, ông trở thành Đội trưởng Đội Kịch của Đoàn ca múa kịch Hà Bắc.

tm-img-alt
NSƯT Văn Tân trong vai diễn tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công an Nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/1995) ở Cung hữu nghị Việt Xô. Ảnh: Quang Hào.

Năm 1974, Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân chính thức thể hiện vai diễn hình tượng Bắc Hồ. Lúc ấy, trong một lần nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ về thăm Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc có nói về việc đồng chí Tố Hữu (Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương lúc bấy giờ) đề nghị 5 - 7 năm sau, các nghệ sỹ kịch nói và điện ảnh cố gắng có hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh. Sau buổi nói chuyện đó, nghệ sĩ Văn Tân âm thầm thực hiện ý tưởng vào vai diễn Bác Hồ. Ông đi bộ xuống tận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách nhà khoảng 30 cây số lấy cây đay, rồi ngâm lấy sợi tơ trắng để làm râu, tóc. Sau đó, ông hóa trang thành hình ảnh Bác Hồ. Ông tự mày mò viết hoạt cảnh “Kỉ niệm cao quý” với nội dung Bác Hồ thăm trận địa pháo cao xạ Thủ đô, khen quân và dân bắn cháy máy bay Mỹ, rồi chia kẹo cho mọi người. Ngày 17/1/1974, hoạt cảnh được đưa lên sân khấu tại Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc, nghệ sĩ Văn Tân lần đầu đóng hình tượng Bác Hồ.

tm-img-alt
NSƯT Văn Tân thể hiện hình tượng Bác Hồ - Đoàn kịch Hà Bắc biểu diễn. Ảnh: Đỗ Quỳnh.

Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân chia sẻ : Lần đầu vào vai hình tượng Bác Hồ diễn trên sân khấu, tôi rưng rưng xúc động. Kết thúc vở diễn, người xem hò reo chúc mừng, nhiều người khen tôi diễn tốt, dám nghĩ, dám làm. Tôi sung sướng lắm, chỉ mong mình được tiếp tục đi diễn về Bác.

Sau đó, ông được đồng chí Vũ Thơ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc lúc đó viết thư riêng giới thiệu gặp ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác để tìm tư liệu về Người. Từ năm 1978 đến 1981, nghệ sĩ Văn Tân nhiều lần gặp ông Vũ Kỳ và được tặng bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập gồm 10 quyển, băng ghi âm 13 bài Bác diễn thuyết, nói chuyện, đọc thơ. Nhiều lần, ông còn được ở lại cùng làm việc với đồng chí Vũ Kỳ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ra ao cá Bác Hồ cho cá ăn và nghe kể chuyện về Bác. Từ những tài liệu đó, nghệ sĩ Văn Tân đọc, ngẫm về cuộc đời và sự nghiệp của Bác để thể hiện sinh động trên sân khấu.

Cầm trên tay bức ảnh chụp tại Bến cảng Nhà Rồng, nghệ sĩ Văn Tân xúc động kể, sau ngày đất nước thống nhất, ông được diễn hình tượng Bác Hồ ở TPHCM với nhiều cảm xúc dâng trào. Cơ duyên của việc đó bắt nguồn từ việc ông Ba Xuân - Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Bình Thuận ra Hà Nội họp, biết nghệ sĩ Văn Tân thể hiện hình tượng Bác Hồ được nhiều người yêu thích. Ông Ba Xuân đã mời ông về Bình Thuận dạy cho nghệ sĩ Thái Phụ ở đoàn cải lương “Nhạn Trắng” đóng vai Bác Hồ. Sau này, ông Ba Xuân về làm ở Cục Nghệ thuật miền Nam đã mời ông vào Sài Gòn.

Năm 1990, ông Nguyễn Văn Tòng, Giám đốc Sở Văn hóa TPHCM mời nghệ sĩ Văn Tân diễn hình tượng Bác Hồ trong vở kịch “Bác Hồ với văn nghệ sỹ” tại Hội Sân khấu thành phố. Trước khi diễn, có Thượng tướng Phạm Văn Trà ngồi trò truyện, động viên. “Vở diễn đầy cảm xúc. Vì năm 1968, Bác Hồ nói chuyện với Đại tượng Nguyễn Chí Thanh về cuộc đời của Bác làm cách mạng đi đến nơi, nhưng về chưa đến chốn. Cách mạng thành công ở miền Bắc, nhưng mộ bố mẹ Người ở miền Nam, Bác vẫn chưa vào thăm được. Tôi được hóa thân vào hình tượng Bác Hồ sau năm 1975 vào miền Nam với mong muốn thể hiện ước mong của Bác nên rất hạnh phúc” - nghệ sĩ Văn Tân bùi ngùi nói.

tm-img-alt
Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân thể hiện hình tượng Bác Hồ trong một buổi diễn ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh TL

Sau buổi diễn đó, hằng năm, nhiều tỉnh thành miền Nam đến dịp tháng 4 hoặc tháng 5 đều mời nghệ sỹ Văn Tân vào diễn hình tượng Bác Hồ trên các sân khấu. Nghệ sĩ Văn Tân chia sẻ, có một chi tiết đặc biệt trong các vở kịch ông tự viết và vào vai Bác Hồ luôn có hoạt cảnh nhỏ lúc mở đầu và kết thúc vở kịch thường có câu “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Theo ông, ý nghĩa của hoạt cảnh đó nhấn mạnh ước muốn của Bác khi còn sống luôn hướng về miền Nam ruột thịt, miền Nam luôn trong trái tim Người.

Một câu chuyện thú vị khác, năm 1984, ông đi diễn ở Pác Bó (Cao Bằng), kết thúc vở, đồng bào lên sâu khấu vuốt râu, sờ nắn tay áo, nhiều cụ khóc bảo: “Mấy chục năm nay con mới được gặp Bác”. Rồi năm 1992, khi ông đi diễn ở Quân khu 9, trong buổi gặp mặt các Anh hùng thời chống Mỹ, Pháp, nhiều cụ tuổi cao, tai điếc, mắt kém nhìn thấy “Bác Hồ” cứ khóc. 

tm-img-alt
Gần đây nhất, Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu với những người thợ mỏ Quảng Ninh

Để hóa thân hình tượng Bác Hồ đối với Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân không chỉ là một vai diễn, mà còn là cả một sự nghiệp dày công nghiên cứu, rèn luyện bản thân để trở nên giống Bác. Diện mạo có thể hóa trang, quần áo, giày dép có thể bắt chước, lời thoại có thể học thuộc, thần thái, giọng nói có thể luyện tập nhưng đáng quý nhất chính là làm sao để tư tưởng, đạo đức của Người thật sự thấm vào bản thân mình, trở thành một phần trong cách sống, cách làm việc hằng ngày và truyền tải đến mọi người; để cùng nhau học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách cụ thể.

Theo NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Thành công của người nghệ sỹ ấy có được một phần là do Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân có lợi thế hóa trang giống Bác Hồ, nhưng quan trọng hơn là nghệ sỹ Văn Tân đã cố gắng thể hiện được phong cách của Người qua những tư liệu về các cuộc tiếp xúc, thăm hỏi hoặc nói chuyện của Bác với nông dân, công nhân, phụ nữ, bộ đội, trí thức, thiếu nhi...

Nói về Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân, Anh hùng lao động, Giáo sư Hoàng Chương, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy dân tộc Việt Nam chia sẻ: Cảm ơn nền văn hiến Bắc Giang, Nhân dân Bắc Giang đã sản sinh ra một con người đặc biệt – Một con người đã dành gần trọn đời mình cho một việc làm vô cùng có ý nghĩa. Đó là lao động sáng tạo thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu phục vụ nhân dân.

Với Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân, cho đến tận bây giờ, cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách đạo đức và tác phong giản dị của Bác vẫn luôn là tấm gương để ông noi theo, là một nguồn tư liệu quý để ông trau dồi học hỏi nhằm xây dựng hình tượng của Bác đẹp đẽ và gần gũi nhất trong mắt khán giả cả nước.

Nghệ sĩ ưu tú Văn Tân từng đảm nhiệm các vị trí trong ngành Văn hóa - nghệ thuật của tỉnh Bắc Giang, như Phó Giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật, Phó trưởng đoàn Chèo, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Chi hội trưởng Sân khấu (Hội Văn nghệ Bắc Giang) và hiện nay ông là Chủ tịch Hội Văn hóa Quan họ tỉnh Bắc Giang.

Năm nay ông tròn 80 tuổi, nhưng vẫn dẻo dai, kiên trì, rèn luyện thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Ông đã từng thể hiện thành công 1.979 buổi phục vụ nhân dân khắp mọi miền đất nước. Trong đó có 172 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đã xem biểu diễn, có 67 đồng chí đã xem biểu diễn từ 03 lần trở lên là các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như : Bác Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang, Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa...

Trong sự nghiệp của mình, ông đã vinh dự nhận Huy hiệu Bác Hồ, Huy chương Chiến sĩ Văn hóa, Huy chương Vì thế hệ trẻ Việt Nam, Giải thưởng Đào Tấn, Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Bạn đang đọc bài viết Người nghệ sĩ 80 tuổi với gần 2000 buổi biểu diễn thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.