Thứ năm, 25/04/2024 12:32 (GMT+7)

Người Sài Gòn đón Tết sau một năm “bạo bệnh”

Mạc Tường Vi -  Thứ tư, 26/01/2022 09:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những người tha phương đành chấp nhận ăn Tết xa nhà. Còn người bản địa cũng đón năm mới trong lặng lẽ, bởi họ biết trước mắt vẫn còn đó những khó khăn và dịch bệnh vẫn còn…

Tết năm nay cũng mang đến nỗi lo cho nhiều gia đình. Chi làm sao cho hợp lý, tiêu làm sao cho tiết kiệm là vấn đề cần phải đắn đo.

tm-img-alt
Phố phường Sài Gòn lại ngập trong sắc Xuân

Thời điểm này các năm trước, các khu chợ đã tấp nập người mua bán, sắm sửa đón tết. Còn năm nay, ai cũng chi tiêu tiết kiệm hơn, những gì thực sự cần thiết thì mới mua.

Còn với những người lao động xa quê, Tết năm nay cũng thật đáng suy nghĩ. Hai vợ chồng chị Phượng từ miền Trung đầy nắng gió để vào Sài Gòn, Tết này không về quê ăn Tết với hai con trai nhỏ và ông bà được. Phần vì kinh tế khó khăn, phần vì dịch bệnh nên anh chị cũng không tiện đi xe khách.

Ở quê, ông bà cũng chẳng có chiếc điện thoại thông minh để có thể gọi video, chị Phượng chỉ biết giải toả nỗi nhớ con vào cuộc gọi thường và những bức ảnh lưu giữ trong chiếc điện thoại.

Lo ngại trước dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tại nhiều nơi, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và những người xung quanh, hầu hết những người lao động lựa chọn ở lại Sài Gòn ăn Tết thêm một năm nữa.

tm-img-alt

“Đứa con gái lớn của tôi năm nay tám tuổi và mọi năm đều được cho về quê đón Tết cùng với ông bà. Những kỷ niệm vui về ngày Tết ở quê luôn khắc sâu vào tâm trí con bé. Chính vì vậy, khi nghe tôi nói năm nay ở lại  đón năm mới ở Sài Gòn, con òa khóc tức tưởi. Nhưng, sau khi nghe giải thích về diễn biến của dịch COVID-19, đứa trẻ tám tuổi cũng dần hiểu và thôi ấm ức”, chị Nguyễn Thị Thúy (quê Quảng Nam, hiện đang sống tại Bình Tân) cho biết.

“Giờ được hỏi có nên về quê đón tết hay không, tôi không khuyên nên ở hay về. Tình hình dịch bệnh quá khó đoán, mỗi ngày đều phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng thì mọi thứ có thể bị đảo lộn trong từng phút giây. Thay vào đó, tôi thường hỏi ngược lại: ta sẽ ăn tết thế nào nếu ở lại hoặc về quê? Những cuộc bàn luận giữa tôi và chồng đi đến nhất trí: ăn tết ở đâu cũng phải trên tinh thần phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn”, chị Thúy cho biết thêm.

tm-img-alt
Chị Thúy cùng chồng kê gian bếp củi bên ngoài để nấu bánh tét, mong muốn các con một phần nào vơi đi nỗi nhớ quê

Nhiều bạn trẻ cũng lựa chọn phương án ăn Tết ở Sài Gòn và xem đây là trải nghiệm thú vị. Bởi đối với nhiều người, đây là năm đầu tiên họ đón Tết cổ truyền xa gia đình. Tuy nhiên cũng không ít các bạn trẻ, nhất là những cô cậu sinh viên tỏ ra hụt hẫng khi đường về nhà trở nên xa xôi.

“Mấy ngày nay, bố mẹ em gọi điện liên tục hỏi xem có về quê ăn Tết không? Khi em bảo, con ăn Tết trong Sài Gòn, ba mẹ cũng hơi buồn vì em đi học cả năm lịch học kín mít, rồi tranh thủ đi làm thêm nên cũng ít có dịp về quê. Định bụng Tết này về quê ăn Tết xong ở lại chơi đến qua rằm tháng Giêng mà dịch ở quê lại bùng phát. Đây là lần đầu tiên em ăn Tết xa gia đình, tâm trạng lúc nào cũng nhớ bố mẹ”, Khánh Hưng (sinh viên ĐH Sư phạm TP HCM) nói.

Cùng quê Quảng Ngãi với Khánh Hưng, Đào Thục Anh (sinh viên Đại học Bách Khoa) cũng quyết định ở lại thành phố để tránh việc di chuyển giúp dịch bệnh được kiểm soát nhanh hơn trong những ngày cận Tết.

“Em với hai bạn cùng phòng trọ đều gọi điện về báo với bố mẹ là ăn Tết trong Sài Gòn. Đọc tin tức em thấy dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cuối năm mọi người đi lại cũng đông nên em và các bạn lựa chọn ở yên tại chỗ tránh lây nhiễm”, Thục Anh nói.

tm-img-alt
Cái Tết giản dị của người Sài Gòn sau một năm đương đầu với đại dịch

Tuy nhiên, thay vì chọn một cái Tết tẻ nhạt, nhiều bạn trẻ xa nhà lên kế hoạch đón năm mới cùng nhau. Đặng Thái Ngân (quê Phú Yên, sinh viên Đại học Hồng Bàng, TP HCM) đang cùng nhóm bạn chuẩn bị các món ăn trong ngày Tết. “Em và một số bạn đồng hương không về quê ăn Tết do dịch bệnh đã tụ nhau lại cùng ăn Tết. Mỗi người làm một món để dù ăn Tết xa nhà thì cũng vẫn có mùi vị Tết truyền thống, Tết đầm ấm”, Thái Ngân chia sẻ.

“Không chỉ nấu đồ ăn, em cùng các bạn còn dự định ra chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP HCM) mua một cành hoa mai, một bó hoa lay ơn về cắm trong phòng để có sắc xuân. Không được về nhà đón Tết, nhưng chúng em không ai phải đón Tết một mình. Có các bạn cùng ở lại đến chung vui thì Tết này vẫn đầm ấm, vẫn tràn đầy yêu thương”, Vân Anh (sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM) nói trong háo hức.

Nhiều người vẫn còn loay hoay với nỗi lo không biết sẽ đón tết ra sao khi ở lại TPHCM; chơi với con thế nào khi trở thành những ông bố, bà mẹ toàn thời gian, gánh hết những ẩm ương của lứa tuổi mong đòi một cái tết như vốn dĩ. Rồi họ cũng à lên, nhớ ra biết bao dự định chưa thực hiện trong gia đình, như dạy nhau làm món ăn, cùng dựng cho con một căn lều trong nhà hay chỉ cho con cách luộc trứng. Khi hỏi một người đàn ông độc thân, anh từng tỏ vẻ chán chường khi không thể về quê, nay cũng đã lên kế hoạch thiết kế lại căn hộ trong những ngày “nằm nhà đón tết”.

Trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng luôn chọn được cách ứng xử phù hợp. “Tết là phải về” lâu nay được xem như mệnh lệnh trái tim. Nhưng trước biến động của đất nước trong sự chống chọi với dịch bệnh phức tạp, Tết không nên về và tết sao cho an toàn cũng trở thành một sự lựa chọn của trái tim!

Còn đối với những người dân gốc Sài Gòn thì sao? Năm nay họ cũng đón cái Tết lặng lẽ, giản dị đến mức có thể. Bởi trong một năm qua, Thành phố mang tên Bác đã chịu những tổn thương sâu sắc bởi dịch bệnh. Số người chết do COVID-19 tại Sài Gòn cao đến mức nhiều người không thể nghĩ tới. Rất lâu nữa, nỗi đau do COVID-19 gây ra cho Sài Gòn và người dân cả nước mới có thể bớt nguôi ngoai.

Ông Đặng Ngọc Ánh - cư dân Sài Gòn trong 80 năm qua đã có những chia sẻ cảm động: Sài Gòn trong trái tim tôi và nhiều người là một thành phố hiện đại, sầm uất, giàu tình yêu thương. Sài Gòn luôn dang tay bao bọc tất cả những người dân tứ phương tụ họp về đây. Tôi gắn bó với mảnh đất này từ khi sinh ra cho đến tận bây giờ, nên dành cho nó một tình cảm đặc biệt. 80 năm trong đời, từng trải qua những năm tháng khói lửa chiến tranh, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự sng và cái chết của con người lại mong manh đến như vậy. Dịch COVID-19 đã cướp đi nhiều sinh mạng, không ít gia đình phải chịu cảnh sinh ly từ biệt. Tôi hi vọng Sài Gòn và những địa phương trên cả nước sẽ vượt qua, hồi sinh rực rỡ”.

Bạn đang đọc bài viết Người Sài Gòn đón Tết sau một năm “bạo bệnh”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới