Thứ tư, 24/04/2024 02:41 (GMT+7)

Người tổ trưởng tận tâm

MTĐT -  Thứ ba, 30/05/2023 14:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gắn bó với nghề vệ sinh môi trường từ năm 2002, đến nay chị Nguyễn Thị Minh Phương, Tổ trưởng Tổ môi trường số 4, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) - chi nhánh Đống Đa đã có 21 năm kinh nghiệm với công việc này.

Người tổ trưởng tận tâm
Chị Nguyễn Thị Minh Phương (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội) trong ca làm việc.

Chia sẻ với đồng nghiệp

Tổ môi trường số 4 do chị Nguyễn Thị Minh Phương là Tổ trưởng có 34 công nhân, đảm trách duy trì vệ sinh môi trường tại 3 phường: Kim Liên, Phương Mai, Phương Liên (quận Đống Đa).

Đây là địa bàn rộng, tập trung đông dân cư, nhiều khu tập thể, chợ và các bệnh viện lớn, nên hằng ngày phát sinh khối lượng rác thải khá nhiều (khoảng 37-38 tấn). Công việc nhiều, nhân lực ít, vì vậy trung bình 1 công nhân phải thu gom hơn 1 tấn rác thải/ngày. Dù vậy, với trách nhiệm và kinh nghiệm, chị Phương đã điều hành, phân công công việc trong tổ một cách khoa học, luôn bảo đảm chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao.

Qua 21 năm làm việc, chị Phương kể, công việc của công nhân môi trường thường bắt đầu lúc 17h ngày hôm trước cho đến 2-3h sáng hôm sau hoặc có thể kéo dài hơn. Đặc biệt, các dịp lễ, Tết là những ngày cao điểm do lượng rác thải phát sinh lớn, rác thải cồng kềnh do người dân dọn nhà thải ra rất nhiều, ca làm việc thường kéo dài đến tận sáng hôm sau. Song chị Phương và các anh, chị, em không quản ngại khó khăn, động viên nhau tăng ca, tăng giờ để kịp thời thu gom hết lượng rác phát sinh trong ngày, bảo đảm cho đường phố, ngõ xóm luôn sạch sẽ.

Đặc thù công việc của công nhân vệ sinh môi trường là chủ yếu làm việc trên các tuyến phố, lao động thủ công, trong đó Tổ môi trường số 4 do chị Phương quản lý có không ít lao động mới được tuyển dụng. Để mọi người bắt nhịp nhanh với công việc, chị thường xuyên gần gũi, kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ từ việc nhỏ như bó chổi, đến cách cầm xẻng, chổi, đẩy thùng rác...; hướng dẫn các quy trình bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông. Đặc biệt, phần lớn công nhân trong tổ đều là người ngoại tỉnh, thuê trọ ở Hà Nội, nên chị Phương luôn xung phong làm thêm ca, thêm giờ, tạo điều kiện, chia sẻ công việc để đồng nghiệp có thời gian nghỉ phép về quê chăm lo gia đình.

Thêm yêu và gắn bó với nghề

Kể lại kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, chị Phương cho hay, đó là đợt bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố năm 2021. Tại phường Phương Mai, Kim Liên, các ca F0, các điểm cách ly bệnh nhân Covid-19 liên tục phát sinh. Đặc biệt, khi Bệnh viện Bạch Mai phải phong tỏa để phòng dịch dẫn đến phát sinh một lượng lớn rác thải sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Trong lúc ấy, với trách nhiệm công việc, chị và Tổ môi trường số 4 sẵn sàng vào tâm dịch thu dọn, không để rác thải tồn đọng. Chị Phương hướng dẫn và trực tiếp cùng công nhân mặc đồ bảo hộ, phun hóa chất khử khuẩn khi thu rác thải sinh hoạt trong các khu vực cách ly, phong tỏa, tại các bệnh viện. “Trong đợt cao điểm bùng phát dịch Covid-19, toàn bộ công nhân của tổ đều bảo đảm an toàn tuyệt đối, không có trường hợp nào bị nhiễm bệnh” - chị Phương cho biết.

Trải lòng về công việc, chị Phương chia sẻ, vệ sinh môi trường vất vả, nặng nhọc và độc hại. Một công nhân phải thu gom rác cho cả tuyến phố hoặc cả một khu tập thể. Đã vất vả là thế vậy mà nhiều lúc bản thân chị cũng như nhiều đồng nghiệp vẫn gặp tình huống trớ trêu, như có người cố tình vứt rác thải bừa bãi, không đúng giờ, song đòi hỏi phục vụ vô lý. Khi công nhân môi trường tuyên truyền, nhắc nhở thì họ có lời nói xúc phạm, coi thường nghề công nhân môi trường... “Những lúc như vậy cũng tủi thân. Nhưng nghĩ tới công việc của mình và mọi người đang làm góp phần làm đẹp thành phố, bảo đảm đường phố luôn sạch sẽ, phong quang; nghĩ tới sự ghi nhận của các cấp chính quyền, của xã hội, chúng tôi lại vượt qua khó khăn, thêm gắn bó và yêu nghề hơn” - chị Phương kể.

May mắn chồng chị Phương cũng là công nhân lái xe môi trường đô thị đã về nghỉ chế độ nên hiểu rõ sự vất vả, tính chất thời gian, công việc. Chồng chị luôn động viên, hỗ trợ trong công việc gia đình, chăm sóc con cái, giúp chị yên tâm công tác.

Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn URENCO - Chi nhánh Đống Đa Mai Thanh Hằng đánh giá, Tổ môi trường số 4 do chị Nguyễn Thị Minh Phương phụ trách có địa bàn rộng, nhiều chợ dân sinh, bệnh viện... song chị Phương đã quản lý, điều hành rất tốt công việc, bảo đảm công tác duy trì vệ sinh môi trường tại địa bàn, được UBND các phường đánh giá cao. Bản thân chị Phương liên tục đạt danh hiệu “Lao động giỏi”; Tổ môi trường số 4 liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động giỏi”. Trong tổ môi trường số 4 có nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn được chị Phương luôn quan tâm, giúp đỡ, san sẻ công việc. Vì vậy, chị càng được mọi người quý mến, trân trọng.../.

Bạn đang đọc bài viết Người tổ trưởng tận tâm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".

Tin mới