Thứ năm, 25/04/2024 14:18 (GMT+7)

Nguy cơ gia tăng bạo lực gia đình do biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ năm, 12/01/2023 16:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một nghiên cứu mới công bố cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều nơi trên thế giới.

Một nghiên cứu mới công bố cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều nơi trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, nỗ lực giảm suy thoái môi trường và hành động ngăn chặn bạo lực giới là hai vấn đề cần được giải quyết đồng thời.

Từ Kenya đến Ấn Ðộ và Philippines, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên và dữ dội hơn đang dẫn đến mối đe dọa ngày càng leo thang đối với phụ nữ và bé gái.

Bạo lực vì khủng hoảng khí hậu

Khi trò chuyện với phóng viên tờ Bưu điện Washington (WP, Mỹ), Pilot Lenaigwanai che miệng để cố giấu đi chiếc răng bị gãy của chị. Ðây được xem như là lời nhắc nhở đầy cay đắng về tất cả những gì chị phải chịu đựng trước khi tìm đến trại tị nạn Umoja ở miền Bắc Kenya. Theo WP, bà mẹ 3 con này đến đây vào tháng 7 năm ngoái sau khi tình trạng bạo lực gia đình leo thang buộc phải rời khỏi quê nhà. Trước khi hạn hán tàn phá khu vực miền Bắc khô cằn của Kenya, chồng chị đã bắt đầu ngược đãi chị. Và khi 68 con gia súc, phương tiện sinh tồn duy nhất của gia đình, chết, tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Lenaigwanai buồn bã nói: “Anh ấy luôn tỏ ra bực bội và hay nổi nóng với tôi và các con. Tôi nghĩ rằng anh ấy muốn chúng tôi rời khỏi nhà, bởi anh không thể lo cho chúng tôi được nữa”.

Lenaigwanai chỉ là một trong số hàng chục phụ nữ tìm đến trại tị nạn Umoja trong những tháng gần đây để chạy trốn khỏi vấn nạn bạo lực gia đình vốn ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi lượng mưa mỗi năm ngày càng ít hơn, khiến gia đình họ chìm sâu vào cảnh nghèo đói.

Jane Meriwas, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Samburu Women Trust chuyên hỗ trợ những người phụ nữ bỏ nhà ra đi vì bạo hành, cho biết số phụ nữ đến Umoja tăng gấp đôi, lên con số 51 người trong năm ngoái.

Bà Meriwas cho hay: “Khi các cộng đồng và gia đình mất đi sinh kế và bị đói thì cấu trúc gia đình sẽ yếu đi hoặc tan vỡ. Ðể kiếm ăn, nhiều người phải tham gia vào các hoạt động nguy hiểm, chẳng hạn như mại dâm hay buôn lậu”. Theo bà Meriwas, do có rất ít hoặc không có quyền tiếp cận với các cơ sở y tế, các dịch vụ hỗ trợ hoặc nhận được sự bảo vệ của cảnh sát, những phụ nữ bị bạo hành khó báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về việc họ bị ngược đãi, do đó họ phải “cắn răng chịu đựng”.

Không riêng gì phụ nữ tại Kenya, nhiều phụ nữ khác trên khắp thế giới đang phải hứng chịu mối đe dọa bạo lực ngày càng phổ biến hơn khi biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trở nên khốc liệt và thường xuyên hơn. Ðơn cử như ở miền Ðông Ấn Ðộ, những trận mưa như trút nước thường xuyên và những trận lũ tàn khốc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình. Chính tình trạng nghèo đói do căng thẳng kinh tế và bất bình đẳng xã hội khiến người phụ nữ bị chính người bạn đời hoặc các thành viên khác trong gia đình bạo hành vì họ không còn nơi nào để đi và không thể tìm kiếm sự trợ giúp của chính quyền địa phương.

Trong khi đó tại Philippines, căng thẳng sau các trận động đất và bão lũ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Theo một cuộc khảo sát nhân khẩu học do Cơ quan Thống kê Philippines thực hiện hồi năm 2017, cứ 4 phụ nữ Philippines tuổi từ 15-49 thì có một người từng bị chồng hoặc bạn tình hành hạ thể xác, tinh thần.

Tình trạng báo động trên toàn thế giới

Thật ra, các nhà khoa học từ lâu cảnh báo rằng biến đổi khí hậu tác động mạnh đến những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Do đó, các nhà đàm phán từ các nước giàu tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái ở Ai Cập cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ các nước nghèo hơn đang phải vật lộn với những tác động tàn phá của sự ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, người ta vẫn còn ít chú ý đến tác động của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của LHQ mới đây đã xác định mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bạo lực, đưa ra các bằng chứng cho thấy rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang thúc đẩy bạo lực gia đình, gây ra tác động toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng và tình trạng bình đẳng giới.

Trước đó, một nghiên cứu hồi năm 2021 về các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở Kenya của các chuyên gia tại Ðại học St. Catherine (Mỹ) phát hiện ra rằng căng thẳng kinh tế do lũ lụt và hạn hán hoặc nắng nóng khắc nghiệt đã làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Nghiên cứu cho thấy bạo lực gia đình tăng 60% ở những khu vực có thời tiết khắc nghiệt. Nghiên cứu này cùng với 40 nghiên cứu khác được công bố gần đây trên tạp chí The Lancet còn phát hiện, vấn nạn bạo lực trên cơ sở giới cũng gia tăng trong hoặc sau các hiện tượng thời tiết cực đoan.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Các đợt nắng nóng, lũ lụt, thảm họa do khí hậu gây ra làm gia tăng vấn nạn quấy rối tình dục, ngược đãi về tinh thần và thể chất, sát hại phụ nữ, giảm cơ hội kinh tế và giáo dục cũng như gia tăng nguy cơ buôn người do di cư bắt buộc.

Nỗ lực hành động nâng cao nhận thức về giới

Giới và khí hậu là một trong những vấn đề được đề cập tại các hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc kể từ năm 2012 trở lại đây. Vấn đề này nhận được sự quan tâm rất lớn của các quốc gia trên thế giới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất tổ chức ở Madrid vào tháng 12 năm ngoái, các quốc gia tham gia đã nhất trí về Kế hoạch hành động về giới lần thứ hai, với mục tiêu đưa phụ nữ ngang hàng với nam giới trong tất cả các vấn đề có liên quan đến khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Ngoài các biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề đang đặt ra, các tổ chức viện trợ cũng kêu gọi thay đổi vai trò giới theo quan niệm truyền thống. "Một điều rất quan trọng là các cô gái và phụ nữ cần nhận thức rõ về vị trí, vai trò của mình với xã hội. Họ cần biết phải liên lạc với ai nếu bị tấn công và cần phải khuyến khích họ làm như vậy”, Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân đạo Plan International - Juliane Schmucker nói thêm.

Theo ông Schmucker, đa dạng hóa các nguồn thu nhập là cách quan trọng nhất để bảo vệ phụ nữ. “Thực tế cho thấy, nếu chúng tôi giúp phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện tình hình thu nhập thì mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả trẻ em và nam giới", ông Schmucker nhận định.

Vĩnh Hải (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ gia tăng bạo lực gia đình do biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới