Thứ tư, 24/04/2024 17:27 (GMT+7)

Nguy cơ hoả hoạn trong 'tháng cô hồn'

MTĐT -  Thứ sáu, 04/09/2020 08:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo văn hóa và tín ngưỡng dân gian, tháng 7 âm lịch được gọi là “tháng cô hồn”. Vì vậy, người dân tiến hành rất nhiều hoạt động thờ cúng, tâm linh để mong cầu sự bình an, tránh xui xẻo.

Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều người dân tốn không ít tiền của để mua đồ vàng mã đốt cúng thần Phật, tổ tiên mong được phù hộ, làm ăn phát đạt. Trước đây người dân chỉ đốt một ít tiền giấy thì nay đốt cả hình nhân, nhà lầu, xe hơi, xe máy, ngựa, voi… bằng giấy. Thế nhưng ít ai nghĩ rằng, đốt nhiều vàng mã, nhiều đồ dùng đắt tiền, thậm chí sắm mâm cao, lễ đầy thì người “cõi âm” chắc gì đã nhận được, mà chỉ gây lãng phí, tốn kém, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…

Dọc các tuyến phố cổ Hà Nội như: Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Đường, Hàng Bè, Mã Mây, Hàng Cá, Hàng Ngang… vào những ngày này, có thể thấy cảnh người dân sắm sửa nhiều vàng mã theo quan niệm tỏ lòng thành kính, báo hiếu cha mẹ. (Ảnh: baotintuc.vn)

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trên cả nước hàng năm có đến hàng trăm vụ cháy xảy ra do thói quen người dân, rất nhiều vụ cháy lớn, nhỏ được cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu xuất phát từ việc vô ý, thiếu hiểu biết của người dân khi đốt vàng mã.

Những vụ cháy, nổ xảy ra do thắp hương, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân như bố trí nơi thắp hương thờ cúng chật chội không đảm bảo khoảng cách phòng cháy chữa cháy, để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương dẫn đến việc khi xảy ra sự cố, rất dễ bắt cháy gây ra hỏa hoạn. Hệ thống các thiết bị điện sử dụng trên bàn thờ không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, tiết diện dây dẫn điện không đảm bảo về cường độ dòng điện, hệ thống điện không có át tô mát đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, dẫn đến dễ xảy ra chập điện.

Đối với việc đốt vàng mã, người dân thường đốt vàng mã ở vị trí không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy dễ tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, đốt trong các vật liệu dễ cháy, trong quá trình đốt không có người trông coi, tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh.

Đốt vàng mã trong tháng 7 dễ tạo nguy cơ gây cháy nổ nếu không cẩn thận (Ảnh: laodongthudo.vn)
Việc đốt vàng mã thực hiện ngay trên nền đất, để mặc cho gió thổi tàn tro còn đỏ rực bay tứ tung (Ảnh: baotintuc.vn)
Những "lò" đốt vàng mã bốc khói mù mịt, làm ô nhiễm không khí, toả hơi nóng, gây khó chịu cho người xung quanh. (Ảnh: baotintuc.vn)
Có rất nhiều người đốt vàng mã ngay trên đường đi khi các phương tiện giao thông vẫn đang qua lại. (Ảnh: baotintuc.vn)
Nhiều người chủ quan trong quá trình hóa vàng không trông coi, tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh. (Ảnh: laodongthudo.vn)

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về hỏa hoạn từ hoạt động thờ cúng như thế, song trên thực tế không ít người dân vẫn còn tỏ ra thờ ơ, mất cảnh giác, thậm chí là cố tình xem nhẹ. Bằng chứng là những sự việc như đốt vàng mã không đúng nơi quy định, bất chấp quy định phòng cháy chữa cháy vẫn còn là thực trạng khá phổ biến.

Trong những ngày tháng 7 âm lịch, một hình ảnh rất dễ bắt gặp trên khắp các con phố tại Hà Nội là người lập bàn thờ cúng với nhang đèn nghi ngút khói trước cửa nhà, trước đầu ô tô, xe máy và sau đó kết thúc nghi lễ bằng việc đốt vàng mã ngay trên nền đất, để mặc cho gió thổi tàn tro còn đỏ rực bay tứ tung./.

PV (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ hoả hoạn trong 'tháng cô hồn'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.