Thứ bảy, 20/04/2024 11:05 (GMT+7)

Nguy cơ xuất hiện biến thể mới từ Triều Tiên

MTĐT -  Thứ năm, 19/05/2022 09:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Mike Ryan, giám đốc phụ trách xử lý tình huống khẩn cấp của WHO, cho rằng nếu Triều Tiên không kiểm soát được sự lây lan thì có nguy cơ cao hơn về việc sẽ xuất hiện các biến thể mới.

Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự lây lan hơn nữa của dịch COVID-19 tại Triều Tiên.

"WHO quan ngại sâu sắc về nguy cơ lây lan hơn nữa của COVID-19 tại nước này, đặc biệt là vì dân số chưa được tiêm chủng và nhiều người có bệnh nền khiến họ có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong", ông Tedros nói.

"WHO đã yêu cầu Triều Tiên chia sẻ dữ liệu và thông tin", người đứng đầu WHO cho biết thêm.

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc trước đó cho biết Bình Nhưỡng vẫn chưa thông báo chính thức về đợt bùng phát. Việc này vi phạm các quy định về nghĩa vụ pháp lý của Triều Tiên với tư cách là thành viên WHO.

Khi được hỏi về cách WHO sẽ phản ứng, ông Ryan nói rằng cơ quan này sẵn sàng giúp đỡ Bình Nhưỡng nhưng không thể can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền.

tm-img-alt
Tin tức về tình hình dịch COVID-19 tại Triều Tiên

Ngày 17/5, Triều Tiên ghi nhận thêm 232.880 người có triệu chứng sốt và thêm 6 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 62 người và tổng số người bị sốt lên 1,7 triệu người. Trong đó hơn 1 triệu người đã hồi phục hoàn toàn và ít nhất 691.170 người đang được điều trị.

Bình Nhưỡng tuyên bố số ca bệnh mới đã giảm trong tuần này sau khi đạt mức cao nhất là hơn 390.000 ca vào Chủ nhật, 15/5.

Trước đó, Triều Tiên báo cáo trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 12/5, khi một công dân Bình Nhưỡng được xác nhận nhiễm biến thể Omicron BA.2.

Cùng lúc đó, hãng thông tấn KCNA đưa tin về một đợt sốt “không rõ nguồn gốc” đã lan rộng ở nước này từ cuối tháng 4.

Báo giới Triều Tiên chủ yếu sử dụng cụm từ "người bị sốt", thay vì "bệnh nhân COVID-19" hoặc "ca bệnh được xác nhận". Theo các nhà quan sát, nguyên nhân có thể là do Triều Tiên còn thiếu bộ xét nghiệm và các thiết bị khác để xác định ca bệnh.

Cùng với Eritrea ở Đông Phi, Triều Tiên là một trong hai quốc gia hiếm hoi trên toàn cầu chưa triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19. 

Cũng trong ngày 17/5, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã khiển trách các quan chức cấp dưới vì không kịp thời đối phó với đợt bùng phát COVID-19 từ giai đoạn đầu.

Ông Kim nói rằng "sự non nớt" trong việc đương đầu với khủng hoảng từ giai đoạn đầu, và phản ứng chậm chạp của các quan chức đã bộc lộ "những điểm yếu”.

Chủ tịch Triều Tiên kêu gọi "nỗ lực gấp đôi" để ổn định cuộc sống của người dân, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải "đảm bảo điều kiện sống cho người dân và cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày”.

tm-img-alt
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Lao động hôm 17/5. 

Triều Tiên đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lớn tại nước này do thiếu vắc xin và cơ sở hạ tầng y tế còn hạn chế.

Theo KCNA, các cơ quan phòng, chống dịch khẩn cấp trên cả nước đã tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc kiểm tra và ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp khử khuẩn tại các khu vực làm việc và sinh sống.

Các nhà máy dược phẩm trên khắp Triều Tiên đã tăng cường sản xuất. Khoảng 11.000 cán bộ, giảng viên và sinh viên của các cơ sở y tế trên khắp nước này đã được huy động để khám và điều trị cho những người bị sốt.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ xuất hiện biến thể mới từ Triều Tiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ