Thứ sáu, 29/03/2024 01:44 (GMT+7)

Nguy hiểm rình rập hơn 130 hộ dân ở phường Đồng Tâm

MTĐT -  Thứ hai, 22/07/2013 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi công trình xây dựng TT Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân được khởi công xây dựng cũng là lúc cuộc sống của các hộ dân sống gần công trình bị ảnh hưởng: Ô nhiễm bụi, tiếng ồn, nước thải ứ đọng...

Đặc biệt nghiêm trọng là nhà ở công trình xây dựng của hơn 130 hộ dân (thuộc các tổ dân phố 9, 10, 11, 38, 39 phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) bị lún nứt, thấm dột, cong vênh nền nhà... Nhiều lần cơ quan chức năng khảo sát, ghi nhận hiện trạng song đã 7 năm nay, người dân khu vực vẫn đang "đỏ mắt" chờ đền bù.
Năm 2006, quá trình khoan nhồi móng, thi công xây dựng công trình Trung tâm Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội (KTQDHN) đã gây lún nứt các công trình, nhà cửa của các hộ xung quanh.

Công trình xây dựng Trung tâm Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân đã gây lún nứt nhiều nhà dân.

Biên bản giám định ngày 4-4-2007 do Công ty Giám định và tư vấn kỹ thuật (RACO) - đơn vị giám định độc lập được thuê thẩm định, ghi nhận nhiều trường hợp bị ảnh hưởng lún nứt là do thi công móng và tầng hầm tòa nhà Trung tâm Đào tạo Đại học KTQDHN. Cụ thể, nhà bà Trịnh Xuân Lan (số 49, ngõ 205, Giải Phóng), trần tầng 2 bị nứt dài 2m; tầng 3 bị rạn trần, nứt cổ trần xung quanh, tường sau và tường phải bị nứt, bong rộp.
Nhà bà Nguyễn Thị Hạnh (số nhà 25, ngõ 205, Giải Phóng) cũng ở tình trạng tường, trần (cả tầng 1 và tầng 2) bị rạn, nứt, gẫy đường nước. Trong đó, tầng 2 còn bị nứt cả cột tường phải, tường trái, rạn ngang trần... Thời gian xảy ra tổn thất được RACO xác định trước Tết Âm lịch 2007.
"Tại thời điểm đó, chúng tôi nhận được giải thích từ phía Đại học KTQDHN rằng các tổn thất do công trình xây dựng đã được mua bảo hiểm. Sau khi xây dựng xong tầng hầm, lúc đó các chấn động tương đối ổn định, Trường Đại học KTQDHN sẽ tiến hành điều tra, khảo sát thiệt hại và đền bù".
Tuy nhiên, trải qua 5 lần khảo sát (2 lần trong năm 2007 và 3 lần trong các năm 2008, 2009, 2011); thậm chí ngày 16-4-2012, Đại học KTQDHN còn ra văn bản số 389/ĐHKTQD-QTTB gửi UBND phường Đồng Tâm để thông báo cho các hộ dân bị ảnh hưởng với nội dung: "Tự kê khai thiệt hại và kinh phí sửa chữa, gửi về trường trước ngày 30-7-2012. Hộ nào không kê khai coi như không có nhu cầu và không được đền bù". Những tưởng được giải quyết đền bù đến nơi song tất cả các động thái trên chỉ là "động tác giả" nhằm dây dưa, kéo dài thời gian, còn người dân thì chờ đến "đỏ mắt"...
Ông Nguyễn Phúc Lộc - Tổ trưởng tổ dân phố 10 (phường Đồng Tâm) chua chát nói: "Chờ được vạ, má đã sưng", hiện các hộ dân đang phải sống trong cảnh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ do nhà lún nứt, nước thấm dột, bể phốt bị rò rỉ, bốc mùi hôi thối; có hộ không dám ở đây phải chuyển tạm đi nơi khác.

Theo Hợp đồng bảo hiểm số 370/DA06/CAR ngày 22-9-2006 ký giữa Đại học KTQDHN và Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt), đây là loại hình bảo hiểm rủi ro trong xây dựng, lắp đặt và trách nhiệm bên thứ ba, với tổng phí bảo hiểm gần 1,6 tỷ đồng. Số tiền bảo hiểm cho thiệt hại vật chất lên tới gần 600 tỷ đồng và số tiền bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba là 5 tỷ đồng (áp dụng chung cho cả tổn thất về người và tài sản đối với bên thứ ba trong một vụ tổn thất, không giới hạn số vụ trong thời gian bảo hiểm).

Trước những kiến nghị của người dân, nhiều cuộc họp đã được tổ chức, có sự tham gia của chủ đầu tư, Bảo Việt, đại diện các tổ dân phố. Cuộc họp nào, chủ đầu tư cũng hứa, sẽ có trách nhiệm giải quyết, thực hiện đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng... Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, "trách nhiệm" như đã hứa vẫn chưa được thực hiện.
Ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, cho biết: "Có nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng tới việc giải quyết đền bù thiệt hại cho các hộ dân có công trình bị ảnh hưởng: Đơn vị được thuê khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, đưa ra mức giá đền bù song người dân lại không chấp nhận với lý do giá đền bù thấp. Quá trình giải quyết hợp đồng bảo hiểm giữa Bảo Việt và Đại học KTQDHN dựa theo các điều khoản nêu trong hợp đồng còn nhiều vướng mắc; việc thay đổi lãnh đạo Đại học KTQDHN...".
Trong đó, theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ thực hiện đền bù chủ yếu đến từ quá trình giải quyết hợp đồng bảo hiểm giữa Bảo Việt và Đại học KTQDHN. Mặc dù những năm qua, hai bên đã có nhiều lần trực tiếp gặp mặt hay qua đường công văn, bàn hướng giải quyết song còn nhiều điều chưa ngã ngũ.
Tại công văn gửi Bảo Việt, Đại học KTQDHN nêu: Giữa năm 2010, Bảo Việt và RACO đã hứa sẽ triển khai lên phương án đền bù vào đầu tháng 8-2010. Tuy nhiên, đến nay Bảo Việt vẫn chưa có động thái gì và đưa ra rất nhiều lý do để trì hoãn việc bảo hiểm.
Trong khi đó, Bảo Việt cũng có những lý do dẫn đến việc trì hoãn của mình như: Cần sự giúp đỡ của Trường Đại học KTQDHN và các bên liên quan trong việc cung cấp các hồ sơ tài liệu và bằng chứng chứng minh trách nhiệm của trường đối với bên thứ ba như điều khoản, điều kiện trong hợp đồng. Đồng thời, đề nghị trường tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan đẩy nhanh việc thu thập và cung cấp các hồ sơ cần thiết theo yêu cầu của RACO trong thời gian sớm nhất để hoàn thiện cơ sở giải quyết khiếu nại. Đại diện Bảo Việt cho biết: Tiến độ giải quyết phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác, thiện chí của các hộ dân cũng như quá trình đàm phán giữa chủ đầu tư và bên thứ ba.
Trong khi đó, với trách nhiệm quản lý trên địa bàn, UBND phường Đồng Tâm cũng chỉ biết "đốc thúc", nhiều lần tổ chức các cuộc họp, mời chủ đầu tư, Bảo Việt cùng các đơn vị chức năng của thành phố, quận Hai Bà Trưng... họp với đại diện các tổ dân phố bị ảnh hưởng thống nhất phương án giải quyết. Mới đây nhất, phường tiếp tục mời lãnh đạo Đại học KTQDHN tới họp giải quyết đơn kiến nghị của các hộ dân nhưng trường từ chối với lý do bận tuyển sinh đại học và đề nghị lùi thời gian cuộc họp sau thời gian trên...
Suốt nhiều năm chờ đợi, điều mà hơn 130 hộ dân thuộc 5 tổ dân phố phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, mong mỏi nhất hiện nay là sớm được giải quyết đền bù thỏa đáng, nhanh chóng thoát khỏi những căn nhà nguy hiểm, ổn định cuộc sống. Song không biết họ còn "đỏ mắt" chờ đợi đến bao giờ?
Bạn đang đọc bài viết Nguy hiểm rình rập hơn 130 hộ dân ở phường Đồng Tâm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.