Thứ bảy, 20/04/2024 21:15 (GMT+7)

Nguyên nhân nào khiến giá vàng “tăng sốc” trong những ngày qua?

MTĐT -  Thứ ba, 25/02/2020 10:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ trong ngày 24/2, giá vàng đã tăng 4 triệu đồng/lượng gần chạm ngưỡng 50 triệu đồng/lượng, vượt xa mức đỉnh của năm 2011 và chính thức ghi nhận mức cao kỷ lục mới.

Giá vàng ngày 24/2 đã tăng tổng cộng gần 4 triệu đồng/lượng vượt mốc 49 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đã vượt mốc giá cao nhất thiết lập từ năm 2011 (48,5 triệu/lượng). Đây cũng là mức biến động mạnh nhất trong lịch sử giao dịch vàng từ trước tới nay.

Đâu là nguyên nhân?

Lý giải mức tăng này với Trí thức trẻ, theo một lãnh đạo của Tập đoàn DOJI, vàng tăng mạnh thể hiện sự lo ngại đối với việc dịch bệnh Covid-19 đang lây lan sang nhiều nước khác ngoài Trung Quốc.

"Tại Hàn Quốc, trong tuần qua đã phát hiện các ổ dịch mới, hiện tại số người bị nhiễm bệnh gia tăng khá nhanh, kể cả Nhật hay thậm chí Ý ở châu Âu cũng đang rơi vào tình trạng người nhiễm bệnh tăng chưa dừng lại. Nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh sẽ làm kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã nâng mức cảnh báo đối với dịch bệnh này lên mức cao nhất - báo động đỏ" - vị này nói.

Còn theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng, có hai nguyên nhân khiến giá vàng tăng sốc trong ngày 24/2.

Thứ nhất là do dịch bệnh Covid-19 đang lây lan với tốc độ nhanh trên toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, đã tác động tiêu cực lên thị trường hàng hóa, chứng khoán và hoạt động của các doanh nghiệp, qua đó làm tăng nhu cầu đầu tư trú ẩn an toàn như vàng.

Giá vàng tăng đột biến gần 4 triệu đồng/lượng trong ngày 24/2.

Nhưng nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn, đó là người ta lo ngại tác động của dịch bệnh lên kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn dự kiến trước đây. "Nếu chỉ xét riêng covid-19 ở Trung Quốc ảnh hưởng đến các nước, khu vực thì nhiều nhà nghiên cứu, nhiều quốc gia đã tìm ra hướng khắc phục và chuẩn bị các kịch bản đối phó. Nhưng giờ đây mức lây lan đến các nền kinh tế lớn khác mà nhiều người không đoán định được, nên sức ảnh hưởng của nó, những tác động nguy hại của nó sẽ lớn hơn nhiều"– ông nói.

Theo TS. Tín, những ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài, không còn ở quý 1, quý 2 nữa mà có thể lan sang quý 3, quý 4, thậm chí đà lây lan không chặn được, các nước không tìm ra phương án phục hồi kinh tế thì sẽ ảnh hưởng đến tận năm 2021. Thậm chí ngay cả khi các nước tìm ra biện pháp hồi phục kinh tế thì điều đó cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà phải có thời gian dài. Đó chính là nguyên nhân đẩy giá vàng lên cao.

Đề cập đến câu chuyện giá vàng trong nước đang niêm yết cao hơn tới 2 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới – điều hiếm hoi xảy ra, cũng là lần đầu tiên tái diễn tình trạng này kể từ cơn sốt vàng cách đây hơn 8 năm, theo TS. Bùi Quang Tín, nguyên nhân là bởi lực cầu quá lớn trong khi nguồn cung lại hạn hẹp. Hiện nay việc nhập khẩu chính thức vàng ở Việt Nam chỉ nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số ít các ngân hàng thương mại được ủy quyền.

"Khi giá vàng thế giới tăng cao, các nhà đầu tư lớn, thường là các quỹ đầu tư hoặc ngân hàng thương mại, họ có vốn lớn để tham gia trên thị trường sẽ rất dễ tạo sóng. Không chỉ là giá vàng thế giới tăng, một khi nhà đầu tư đã quyết đánh lên thì vàng sẽ lên cao. Nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung hạn chế thì giá bị đẩy lên cũng là tất yếu".

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Bên cạnh đó, TS. Bùi Quang Tín cũng khuyến cáo, trong bối cảnh giá vàng tăng sốc như hiện nay, nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư lớn lẫn người dân đều cần hết sức cẩn trọng. Vì trong thực tế thời gian qua có tới hơn 95% nhà đầu tư, kể cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, chịu thua lỗ, như giai đoạn 2011 – 2012 lỗ tới hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng.

"Đầu tư vàng luôn là vấn đề lớn, đòi hỏi chỉ các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có nguồn lực, kinh nghiệm, có đủ chiến lược để trụ được khi giá lên, giá xuống. Trong danh mục của họ có nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau để san sẻ rủi ro, thậm chí chờ 6 tháng đến 1 năm trong chiến lược kinh doanh của mình, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ thì khi giá lên xuống 1-2 triệu đồng là đã bị khủng khoảng tinh thần muốn mua bán ngay nên thường nắm phần thua thiệt", ông lưu ý thêm.

Cũng trao đổi với báo NLĐ, chuyên gia vàng Trần Thanh Hải phân tích nếu tính từ thời điểm bắt đầu dịch bệnh Covid-19 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng một mạch từ ngưỡng 1.480 USD/ounce lên mức cao nhất 1.688 USD/ounce trong ngày 24/2, tương đương mức tăng 14%. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng tới 18%. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, đà đi lên của giá vàng thế giới đã bằng tốc độ tăng của cả năm 2019; trong khi giá vàng trong nước cũng tăng gần 16% từ mức trên 42 triệu đồng lên vượt 49 triệu đồng/lượng...

Theo ông Hải, dịch xuất phát từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2, là công xưởng của thế giới nên đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, tới thị trường tiêu thụ, tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Để ứng phó, một số quốc gia đã tính tới gói kích cầu và vàng được hưởng lợi. Những ngày qua, thị trường chứng khoán nhiều nước cũng đỏ rực... càng khiến nhà đầu tư tìm đến kênh vàng. Thậm chí, giá vàng thế giới còn được dự báo hướng tới ngưỡng 1.700 USD/ounce hoặc xa hơn là 2.000 USD/ounce.

Tuy nhiên chuyên gia cũng cảnh báo, giá vàng tăng nhanh cũng có thể giảm nhanh. Trong trường hợp tìm được vắc-xin phòng dịch Covid-19, giá vàng sẽ đảo chiều giảm mạnh. Do đó, nếu chỉ nhìn vào giá vàng có thể thấy thị trường vàng trong nước đang có "sóng" nhưng cuộc chơi này không dành cho người tay ngang, nên người dân lao vào mua bán vàng lúc này sẽ rất rủi ro.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân nào khiến giá vàng “tăng sốc” trong những ngày qua?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất