Thứ năm, 28/03/2024 15:30 (GMT+7)

Nguyễn Văn Phú- Tác giả cuốn sách 'Bạn sinh ra để sống'

MTĐT -  Thứ hai, 12/07/2021 17:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tôi tình cờ biết Phú qua cuốn sách đầu tay của cậu viết về những tháng ngày "chung sống" với căn bệnh ung thư xương, cuốn "Bạn sinh ra để sống".

Nguyễn Văn Phú sinh năm 1999, quê ở Tân Biên (Tây Ninh). Hiện cậu đang là sinh viên năm thứ tư của Trường Sĩ quan Lục quân 2 – Đại học Nguyễn Huệ (Đồng Nai). Với chàng trai 22 tuổi này, quãng đời sinh viên tươi đẹp nhất cũng gắn với hành trình hơn 3 năm chung sống với căn bệnh ung thư xương quái ác. Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, giữa 6 lần hóa trị, 35 tia xạ và 3 lần đục xương chân, Phú đã xuất bản được 2 cuốn sách và chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách thứ 3 về… tình yêu đối với căn bệnh ung thư của mình.

Tôi tình cờ biết Phú qua cuốn sách đầu tay của cậu viết về những tháng ngày "chung sống" với căn bệnh ung thư xương, cuốn "Bạn sinh ra để sống". Ngay khi đọc xong trang cuối cùng của cuốn sách đó, tôi liên hệ với Phú để xin cậu cái hẹn phỏng vấn. Bởi đến thời điểm này, Phú là bệnh nhân ung thư "đặc biệt" nhất mà tôi từng gặp.

Phú nói với tôi: "Ngày mai được không chị?".

Câu trả lời của cậu khiến tôi hơi bất ngờ, bởi tôi không nghĩ, Phú gấp và vội đến vậy. Nhưng ngay sau đó, tôi cũng tự có câu trả lời. Với bệnh nhân ung thư, "ngày mai" luôn là một hẹn ước tuyệt vời. Nó giống cảm giác trước ngày tôi lên bàn mổ, một người anh của tôi đã nói: "Nhớ là có hẹn ngày mai nhé!". Anh tôi nói thế, vì anh luôn nghĩ rằng, nếu có cuộc hẹn ngày mai, chắc chắn tôi sẽ tỉnh lại…

Và ngày tôi thực hiện cuộc trò chuyện này, rất tình cờ là ngày sinh nhật lần thứ 22 của Phú. Cậu viết trên trang Facebook cá nhân "Vậy là Phú đã sống được 22 năm rồi!".

Bạn biết mình mắc căn bệnh ung thư xương khi nào và cảm giác lúc đó ra sao?

- Tôi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương khi tôi tròn 19 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ). Ngày 1/10/2018, tôi nhận được kết luận của bác sĩ: Có một khối bướu ác mô bào sợi Sarcoma ở cẳng chân phải – một dạng ung thư xương. Tôi tựa như bị kết án tử. Tôi đã nghĩ "Mình không khác gì một tên tội phạm", có khi còn tệ hơn thế. Tội phạm còn được kháng án, còn án của tôi thì cứ thế mà thi hành.

Hôm nhận kết quả xét nghiệm, tôi không ngủ được. Nỗi lo sợ ken đặc trong suy nghĩ của tôi. Tôi tìm hiểu tất cả các phương pháp chữa trị ung thư và câu trả lời cho tôi chỉ là "thật kinh khủng".

Và từ đó, tôi bắt đầu những chuỗi ngày "lênh đênh" ở bệnh viện.

Những tháng ngày ở Trung tâm Ung bướu A20.1 của Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), tôi đã thấy những người bạn mới quen của mình lần lượt được đưa vào nhà tang lễ - điểm đến cuối cùng sau một hành trình dài đau đớn của bệnh nhân ung thư. Họ được đưa vào đó, và chẳng bao giờ bước ra nữa.

Lúc đó, tôi thực sự cảm nhận sâu sắc câu nói của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm "Chết chóc ở nơi này còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm".

Thực sự khi đó, tôi căm hận sự bất công mà cuộc đời mang đến cho tôi. Tôi mới chưa đầy 20 tuổi, còn nhiều nơi tôi chưa được đi, nhiều việc tôi chưa từng được làm. Tôi quá trẻ để chết. Tôi căm ghét cuộc sống yếu ớt trên cái giường bệnh "chết tiệt".

Những ngày tháng đầu tiên đó, không biết bao nhiêu lần, tôi thầm ước, đây chỉ là một cơn ác mộng và chỉ cần mình mở mắt dậy, mọi chuyện sẽ trở lại bình thường. Rất tiếc, đó không phải là một giấc mơ. Cuộc sống ngoài kia vẫn tiếp diễn, chỉ có cuộc đời của tôi là dừng lại. Tôi sắp chết. Tôi nghĩ những cảm xúc này, bất kỳ một người bệnh nào khi nhận kết luận mình bị mắc ung thư cũng đều trải qua ít nhiều.

Được biết khi các bác sĩ cho bạn 2 giải pháp để lựa chọn: Phẫu thuật cắt chân phải và hóa trị, xạ trị, bạn đã chấp nhận rủi ro để giữ lại chân của mình?

- Các bác sĩ bảo tôi: Phẫu thuật cắt bỏ chân phải với tỷ lệ thành công 80% và hóa trị, xạ trị với tỷ lệ chỉ 20%. Tôi đã chọn giữ lại chân, vì tôi yêu cái chân của mình và tôi nghĩ mình xứng đáng có được một thân thể trọn vẹn. Mặt khác, cũng bởi khi đó, tôi đã phát hiện ra một cách nhìn mới về bệnh tật: Đó là giải phóng bản thân và muốn có một sức khỏe tốt thì trước tiên bản thân phải vui vẻ.

Đến giờ phút này, khi bệnh ung thư xương của tôi tái phát giai đoạn cuối, di căn phổi, tôi vẫn không hề hối hận về lựa chọn của mình lúc đó.

Trong cuốn sách "Bạn sinh ra để sống", bạn đã tổng kết: Người bệnh ung thư có 6 nỗi sợ và 5 giai đoạn diễn biến tâm lý. Bạn đã làm gì để vượt qua những nỗi sợ đó?

- Tất cả những người bệnh ung thư mà tôi biết, trong giai đoạn đầu đối diện với bệnh đều rất hoảng loạn và thường trải qua 5 giai đoạn diễn biến tâm lý: Phủ nhận, tức giận, đàm phán, trầm cảm và chấp nhận.

Bạn phủ nhận để cố gắng trốn tránh thực tại của mình. Bạn tức giận và căm phẫn những điều không may mắn xảy ra với mình. Bạn cố thuyết phục bản thân rằng mọi chuyện không tệ đến thế bằng niềm tin vào bác sĩ, vào y học và các loại cây, con thuốc có thể chữa ung thư. Bạn trầm cảm vì những áp lực, mệt mỏi trong quá trình chữa trị, với niềm tin cứ rơi rụng dần. Và cuối cùng là bạn chấp nhận sống chung với căn bệnh đó, rằng dù bị bệnh, bạn vẫn có thể làm cho những năm tháng còn lại có ý nghĩa đối với mình và xã hội.

Diễn biến tâm lý của mỗi người khác nhau tùy vào nhận thức và hoàn cảnh, tuy nhiên, có 6 nỗi sợ thường thấy bủa vây lấy chúng tôi. Đó là: Sợ chết. Sợ bị phụ thuộc vào gia đình, con cái, bạn đời. Sợ hình dạng cơ thể mình xấu xí, bị người khác ghê sợ. Sợ bị khuyết tật. Sợ bị đổ vỡ các mối quan hệ và sợ bị đau đớn.

Qua hết những tháng ngày quay cuồng trong sợ hãi đó, tôi phát hiện ra rằng, cuộc sống của chúng ta, tất cả đều được chi phối bởi 2 điều là "Tình yêu" và "Nỗi sợ". Trên đời này chẳng có chuyện gì là may mắn hay xui xẻo, tốt hay không tốt, nó chỉ đơn giản là như vậy.

Quan trọng là cách bạn nhìn, thái độ của bạn trước vấn đề đó. Và tôi lựa chọn, thay vì tập trung vào nỗi sợ về chữa bệnh, kiểm soát cơ thể, tôi bắt đầu một cuộc sống tự do, yêu bản thân mình hơn và làm những điều khiến tôi vui vẻ, thoải mái.

Trong quá trình điều trị bệnh, Phú đã trải qua 6 đợt hóa trị. Từ ngữ nào có thể miêu tả chính xác cảm giác trong những tháng ngày đó?

- Khủng khiếp! Hiểu một cách nôm na, hóa trị là thuốc chống ung thư sẽ được truyền vào cơ thể người bệnh nhằm tiêu diệt các tế bào ác tính, nhưng cũng đồng nghĩa là "quét sạch" những tế bào khỏe mạnh.

Tôi nhớ khi lần đầu tiên được đưa vào phòng truyền, mùi hóa chất nồng nặc, bản năng được đào tạo của một người lính, tiếng nói vô thức bật lên: "Chết rồi, chất độc. Mặt nạ phòng độc của mình để quên ở đơn vị mất rồi".

Những ngày truyền hóa chất, tôi ói không trượt phát nào. Thậm chí, ngay khi chị y tá vừa chích thuốc chống nôn, "van xả" ở miệng tôi đã tự động mở. Những ngày đó, tôi không ăn nổi cơm, chỉ húp cháo trắng và nằm thở khó nhọc.

--

Trải qua những cảm giác kinh khủng đến thế, tại sao bạn vẫn gọi những tháng ngày đó là "khiêu vũ với hóa trị"?

- Khi tôi bết bát nhất trong lần hóa trị đầu tiên, bác bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối nằm giường bên cạnh đã nói với tôi rằng:"Hóa chất đâu phải trò đùa. Khi con truyền là con đang "khiêu vũ" với tử thần đấy nhóc ạ!".

Những ngày tháng mệt nhọc, nặng nề, tôi đã rất muốn chấm dứt cuộc đời bệnh tật của mình. Tôi đã có cảm giác, chân tay, rồi đến người mình không còn một giọt máu. Cảm giác run run, tê tái khó tả, tôi đã nghĩ đó là thời điểm tôi kết thúc cuộc đời này.

Nhưng tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi khóc: "Phú ơi, đừng bỏ mẹ! Mẹ xin con, đừng bỏ mẹ Phú ơi!". Khi đó, tôi như bị giật ngược lại. "Mẹ ơi, con ở đây, mẹ đừng khóc", tôi muốn nói ngàn lần như thế, nhưng không được. Chẳng có ai có thể nói giúp tôi với mẹ rằng "Tôi đang ổn" để mẹ tôi đừng khóc.

Khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận sâu sắc nỗi đau của mẹ. Tôi nghĩ, không có nỗi đau nào lớn hơn việc người mẹ bất lực nhìn thân xác con mình quằn quại trong những cơn đau. Nếu không có mẹ, và không vì mẹ, tôi chắc chắn không còn lý do để sống tiếp.

Những ngày sau đó và những đợt hóa trị sau đó, tôi vẫn ói không trượt phát nào (cười). Nhưng tôi chấp nhận để cơ thể quen với "cuộc chơi" đó. Tôi đã hình dung những chai hóa chất như những chai nước ngọt. Chai màu đỏ là Xì – tin dâu, màu trắng là "7 - up", màu đen là Cô ca cô la. Tất nhiên, kể từ đó, dù nói thế nào, chú lính nhỏ không "thèm" nước ngọt nữa (cười).

Trong suốt cuộc trò chuyện kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ qua màn hình máy tính, dẫu không thể nhìn tận mặt, hay đơn giản là thực hiện một cái nắm tay, tôi vẫn cảm nhận được trọn vẹn sự hồn hậu, ấm áp của Phú. Không biết vì Phú cởi mở và đầy cảm xúc yêu thương hay bởi tôi và cậu cùng cảnh ngộ bệnh tật mà tôi thấy Phú gần gũi lạ thường.

Vì hôm đó đúng ngày sinh nhật của Phú, nên tôi đã chuẩn bị một chiếc bánh kem tặng Phú và thổi nến giúp cậu sau khi cậu thầm ước. Đó có lẽ là phút giây hiếm hoi, tôi thấy Phú trầm lại trong cuộc chuyện trò rôm rả, đầy tiếng cười giữa chúng tôi. Phú nói cậu rất bất ngờ vì lần đầu tiên được tặng bánh sinh nhật… "từ một nơi xa như thế" và Phú cảm ơn tôi!

Còn tôi, tôi đã biết ơn Phú ngay từ câu đầu tiên, khi cậu bắt đầu cuộc chuyện trò này:

"Chị cứ thoải mái nghe! Đừng áp lực! Cứ coi em như em trai chị ấy!"

"Chiến binh K" - đó là cách nhiều người gọi những bệnh nhân bị ung thư. Trong thực tế, đã có rất nhiều người chiến thắng kẻ thù - bệnh ung thư. Điều làm nên chiến thắng đó của họ là niềm tin và sự kiên trì chiến đấu hàng ngày với kẻ thù đáng sợ mang tên ung thư. Nhưng dường như với Phú, ung thư dường như không phải là kẻ thù?

- Bệnh nhân ung thư thường nhận được rất nhiều sự quan tâm của người thân, bạn bè. Đôi khi mọi người hay dùng từ "cố gắng lên","mạnh mẽ lên","kiên trì nhé" để động viên tinh thần những bệnh nhân ung thư. Biết là mọi người rất thương mình, động viên mình, nhưng thực sự, đôi khi "cố gắng" cũng là một loại áp lực, nó cũng khiến bệnh nhân ung thư mệt mỏi.

Với tôi, tôi lựa chọn việc cho phép mình nghỉ ngơi, thư giãn, không làm gì cả, không áp lực bản thân, khi cảm thấy quá mệt mỏi. Tôi nghĩ rằng, đừng quá khắc nghiệt với bản thân bạn khi bạn đang ở trong hoàn cảnh khó khăn với bệnh tật. Thay vì cố gắng để hướng tới một sức khỏe tốt hơn thì tôi luôn tin rằng mình đang có sức khỏe và tận hưởng từng ngày khỏe khoắn của mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Vậy chính xác, cho đến giờ phút này, ung thư đối bạn là gì?

- Với tôi, ung thư thực sự là một món quà.

Nó chính là thông điệp gửi đến cho mình, để mình biết yêu thương và quý trọng bản thân mình hơn. Ung thư khiến mình nhận ra rằng mình không hoàn hảo và mình đã quá vô tâm với bản thân mình. Mình nhận ra mình đã lãng quên rất nhiều vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Mình đã quá phức tạp nhiều chuyện mà lẽ ra đã có thể rất đơn giản.

Ung thư khiến mình bớt khó khăn với chính mình hơn và bớt khó khăn với người khác hơn. Thay vì phán xét một người nào đó, mình sẽ luôn hiểu rằng, khi họ phản ứng như vậy với mình, bản thân họ cũng đang phải đối diện với một sự khó khăn nào đó.

Ung thư cũng chính là tín hiệu để bạn biết rằng bạn đã kìm nén những suy nghĩ, những cảm xúc tiêu cực của mình, kìm nén không cho nguồn năng lượng trong bạn được thể hiện chính con người thật của bạn. Ung thư hay bất kỳ nghịch cảnh nào đến trong cuộc đời của bạn, cũng đều nhằm mục đích cho bạn 1 cái cớ để dừng lại, giúp bạn kết nối lại với tâm trí – với cái "vũ trụ" bên trong của bạn.

Thay vì sốc vì bị bệnh thì hãy xem lại xem, mình đã thực sự yêu thương bản thân mình đúng nghĩa hay chưa?

Cũng như tất cả các bệnh nhân ung thư khác, tôi từng phẫn nộ, cay nghiệt với căn bệnh ung thư. Cho đến một ngày, tôi chợt nhận ra rằng: Ung thư là biểu hiện của cơ thể đang chữa lành cho tôi.

Tôi nhớ Wayne Dyer, nhà văn, nhà tâm lý học người Mỹ đã từng viết: "Tình yêu có khả năng làm tan biến mọi tiêu cực, không phải bằng cách tấn công nó, mà bằng cách tắm nó ở tần số cao hơn, giống như ánh sáng làm tan biến bóng tối bởi sự hiện diện đơn thuần của nó". Tôi không biết từ khi nào, tôi đã yêu thương chính những tổn thương trong cơ thể mình và cả chính tế bào ác tính đang tồn tại trong đó.

Mark Twain từng nói: "Hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời của bạn là ngày bạn được sinh ra và ngày bạn biết được lý do tại sao bạn có mặt trên đời này". Ung thư đã cho tôi câu trả lời quan trọng thứ 2 đó.

Tôi hiểu ra rằng, tôi sinh ra để sống, để nhận ra ý nghĩa sự sống, dám hạnh phúc và tự tin tỏa sáng theo cách riêng của mình. Tôi yêu thương tôi, yêu thương người khác, yêu thương cuộc đời một cách vô điều kiện. Tôi trân quý thời gian, trân quý mỗi ngày mình được sống và lựa chọn làm những điều tôi thích… Tôi đang viết một cái kết đẹp cho cuốn sách cuộc đời mình, như tôi mong muốn.

Đó là món quà tuyệt vời mà căn bệnh ung thư mang đến cho tôi.


Trong 3 cuốn sách mà bạn viết: "Bạn sinh ra để sống" (phần 1, phần 2) và "Hạnh phúc xanh", bạn đã dành rất nhiều trang để viết về những bệnh nhân ung thư và cuộc sống của "dân ung thư". Và bạn đã gọi họ là "những người thầy". Bạn học gì được từ những người mà cuộc sống của họ bao phủ bởi gam màu xám đen và nỗi đau đớn?

- Tôi cảm thấy mình thực sự may mắn khi đã được gặp những bệnh nhân ung thư nói chung ở cái "xóm ung thư" của tôi, và đặc biệt là 3 người thầy tôi trân quý.

Có thể nói, mỗi gia đình tôi quen ở bệnh viện, mỗi hoàn cảnh mà tôi tiếp xúc đều đã tặng cho tôi những bài học vô giá. Họ dạy cho tôi bài học về tình nghĩa thủy chung, luôn đi bên cạnh nhau qua những thăng trầm, đớn đau của cuộc sống; họ dạy cho tôi biết thế nào là "vui sống" dù trong hoàn cảnh tối tăm nhất.

Tuy thương tâm đấy, nhưng làm sao bạn biết được mình còn có ngày mai để mà buồn, vậy nên, hãy vui lên vì mình còn sống và còn sống thì đừng lãng phí thời gian cho muộn phiền. Họ cũng dạy cho tôi biết, tận cùng của đau khổ sẽ là tình yêu…

Cuộc sống của chúng tôi là triền miên những đau đớn thể xác và tinh thần, những thiếu thốn về vật chất khi ung thư có lẽ phải liệt vào dạng bệnh dành cho những người "siêu giàu" – một căn bệnh "không đáy" với thời gian sống được "đếm bằng tiền".

Chúng tôi ở trong những căn phòng đầy những tiếng thở mệt nhọc và u ám, chúng tôi ăn cơm và cháo từ thiện, nhưng bạn có tin không, "xóm ung thư" ấy luôn đầy ắp tiếng cười. Cũng tranh giành, chí chóe, cũng hờn giận yêu thương…

Tôi nhớ, khoa có 1 cái tivi và thường tôi sẽ bật để phục vụ các cô chú bệnh nhân. Các cô chú hay giành nhau lắm. Có cô kêu: "Tôi ung thư giai đoạn cuối rồi. Phú, con ưu tiên bật phim cho cô xem đi!", thì có bác nói lại: "Ung thư giai đoạn 5 như tôi còn chưa sợ, huống chi giai đoạn 4. Bật đá banh cho bác coi đi Phú"…

Thật ra, không phải họ xảy ra mâu thuẫn gì, vì ở "xóm ung thư" của tôi, mọi người rất nhường nhịn và chia sẻ với nhau. Chỉ là họ đùa vui một chút, cho qua đi những tháng ngày khổ đau của kiếp người mà thôi.

Trong số các bệnh nhân ở Trung tâm ung bướu, tôi đã gặp 3 người thầy của mình. Đó là cô Quế dạy tôi vẽ, thầy Năm dạy tôi tập quyền và một người dạy tôi về nhân sinh mà tôi luôn gọi bằng "ông".

Vào những ngày họ biết là "ngày cuối cùng", dường như họ đều dồn hết tình yêu thương và nhiệt huyết vào chú lính nhỏ khờ khạo là tôi.

Cô Quế dạy tôi vẽ. Khi bức vẽ của hai cô trò mang tên là "Hoàng hôn hay bình minh" vừa hoàn thành nét cuối cùng thì cô rời cõi tạm. Cô nói tới tôi trong những ngày cuối, khi cái tay gầy tong teo run run cầm bút vẽ "Hoàng hôn hay bình minh, cũng như sự sống hay cái chết đều là một. Vì khởi đầu ắt sẽ có kết thúc và ngược lại".

Thầy Năm đã nói với tôi "Ung thư không đáng sợ chỉ có nỗi sợ về bệnh tật mới là thứ đáng sợ". Còn ông của tôi đã nói với tôi rằng: "Con sinh ra để sống, để đón nhận mọi thứ bước vào đời con, chứ không phải để kiểm soát cuộc sống". Đó cũng là lý do, cuốn sách đầu tay của tôi mang tên "Bạn sinh ra để sống".

Những người thầy của tôi đều đã ra đi khi tôi trong quá trình trị bệnh. Tôi rất buồn vì cuộc du hành của họ ở thế giới này đã kết thúc nhưng cũng mừng vì tin họ sẽ có một khởi đầu. Tôi tự nói với mình: "Tại sao mình lại buồn về hành trình khám phá khi một lữ khách cập bến nơi họ muốn đến".

Bệnh nhân ung thư là những người thầy trân quý. Và bạn cũng đã từng coi "bệnh tật là chiếc kính lúp"?

- Đúng, tôi coi bệnh tật là một chiếc kính lúp. Nó giúp phóng to những điều quan trọng trong cuộc đời bạn mà bạn đã vô tình để nó lẫn trong cả mớ những điều vô nghĩa.

Bệnh tật, cũng phóng to tình yêu thương thuần khiết giữa con người với con người. Những tháng ngày sống cùng với các bệnh nhân ung thư khác, tôi luôn tự hỏi, phải chăng, khi đã và đang cận kề với cái chết, người ta chẳng việc gì phải giấu đi lòng tốt và sự tử tế của mình nữa. Họ không còn nỗi sợ bị người khác lừa dối hay làm gì đó hại mình. Cũng như tôi, dù ai có làm điều gì không tốt hay nghĩ xấu về tôi, cũng không hề ảnh hưởng đến tình yêu thương tôi dành cho họ.

Bạn từng chiêm nghiệm ra rằng, cuộc sống của con người bị điều khiển bởi 2 thứ là "Tình yêu" và "Nỗi sợ". Nỗi sợ hãi khiến cho hành trình chữa trị của các bệnh nhân ung thư trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vậy tình yêu có làm cho việc đó dễ dàng hơn không?

- Như tôi đã nói, chúng ta đều là nạn nhân của nỗi sợ hãi. Vì cảm giác lo lắng, sợ hãi, bạn đã vô tình hoặc cố ý làm tổn thương người khác và tổn thương chính mình. Sợ hãi khiến chúng ta bó chặt bản thân mình trong những quan niệm, mà đến một lúc nào đó, khi sự hiểu biết của bạn mở rộng hơn một chút, chưa chắc bạn còn thấy nó đúng đắn.

Còn tình yêu tôi nói đến ở đây, là tình yêu với chính bản thân mình. Tình yêu trọn vẹn và thuần khiết với cơ thể, với cuộc đời của mình, dù nó đang có bất cứ khiếm khuyết nào. Trong cuốn sách "Chết để được sống", tác giả Anita Moorjani, người đã trải qua trải nghiệm cận chết, đã đúc kết rằng: "Bạn được yêu thương vô điều kiện chỉ vì bạn tồn tại".

Khi tôi cảm ơn căn bệnh ung thư của mình, khi tôi yêu cái chân bệnh tật của mình, khi tôi yêu từng tế bào lành lẫn ác tính của mình, tôi nhận ra rằng cuộc sống của mình, hành trình của mình không còn gian nan nữa.

Tình yêu không bao giờ muốn tiêu diệt nỗi sợ của bạn vì ngay cả nỗi sợ, nó cũng yêu thương vô điều kiện. Cuộc sống của tôi không còn mệt mỏi với những nỗi buồn khổ, với những cuộc "chiến đấu" nữa. Tôi chỉ đơn giản thở, cảm nhận, tận hưởng cuộc sống hàng ngày trong ngập tràn tình yêu thương với chính mình. Và tôi tin, khi tôi bình yên, mọi thứ xung quanh tôi sẽ bình yên.

Bạn có thể chia sẻ thêm vì sao đã đúc kết 9 điều quan trọng trong hành trình chữa lành đối với bệnh nhân ung thư?

- Phần cuối cuốn sách của mình, tôi có đúc kết ra 9 điều "ghi nhớ" trong hành trình chữa lành của mình. Đó là những đúc kết của cá nhân tôi. Và tôi không có ý định khuyên hay khuyến cáo ai làm theo những điều đó. Các bạn hãy lựa chọn và làm những gì mình thấy thoải mái và vui nhất.

Không ai có thể đưa cho bạn một phương thức chữa lành cho cơ thể bạn ngoài chính bạn. Nên tôi nghĩ, nếu bạn đọc muốn tìm hiểu về kinh nghiệm, liệu pháp chữa ung thư ở trong những cuốn sách của tôi thì không có câu trả lời. Bản thân tôi, hiện giờ vẫn đang điều trị ung thư tái phát mà (cười).

Vậy nên, 9 điều ghi nhớ đó như một trải nghiệm của riêng tôi và một sự tham khảo với ai đó thấy phù hợp. Đó là:

1. Yêu thương bản thân vô điều kiện

2. Hãy là chính mình

3. Dành thời gian đầu tư cho sức khỏe

4. Xác định lại cuộc sống của bạn ở trạng thái tồn tại hay hoạt động

5. Sống ở phút giây hiện tại

6. Khơi dậy nguồn năng lượng mạnh mẽ của bạn

7. Lựa chọn thái độ đón nhận

8. Hiểu rằng cơ thể bạn là một nơi kỳ diệu

9. Xác định rõ bạn tồn tại để làm gì?

Niềm hạnh phúc mỗi ngày khi thức dậy của bạn là gì?

- Thấy mình còn thở! (cười)

Nếu có một lời dành tặng cho những bệnh nhân ung thư, bạn sẽ nói gì?

- Hãy hài hước. Tôi nghĩ, cuộc đời là để sống, không phải để kiểm soát nên hãy vui vẻ trải nghiệm. Làm sao bạn có thể sống khỏe mạnh khi suốt ngày cứ ở trong cái vòng luẩn quẩn lo lắng, sợ hãi với suy nghĩ mặc định ung thư là án tử, ung thư là phải chết.

Chữa lành về thể xác phải được bắt đầu từ việc chữa lành tinh thần trước. Một cơ thể khỏe mạnh chỉ có thể có trên nền tảng một tinh thần khỏe mạnh. Và chỉ có mình bạn, có thể làm được điều đó thôi.

Người bệnh ung thư rất cần các điểm tựa niềm tin. Nhưng tôi muốn nói với các bệnh nhân ung thư rằng: Nếu niềm tin nào đó khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đau khổ, áp lực hay sợ hãi thì hãy từ bỏ niềm tin đó. Bởi khi không còn niềm tin tiêu cực, bạn sẽ không còn sợ hãi.

Bạn không cần ép buộc bản thân mình bằng những niềm tin núp dưới danh nghĩa "lạc quan", "nỗ lực" như: Bạn phải tin rằng mình sẽ khỏe mạnh thì bạn mới khỏe mạnh; bạn phải làm như thế này, như thế kia… bạn mới khỏi bệnh… Điều bạn có thể làm là an nhiên tự tại mà sống và không cố gắng kiểm soát cuộc sống của mình nữa. Nghĩa là, bạn sẵn sàng đón nhận mọi thứ bước vào cuộc đời của mình với thái độ trân trọng và biết ơn.

Khi bạn mệt mỏi với cuộc sống thường nhật, hãy gạt sang một bên tất cả những thứ làm bạn không vui. Thay vào đó, hãy tự hỏi bản thân "Điều gì làm mình vui" và thực hiện điều đó.

Tôi cũng luôn muốn nói với những bạn đồng cảnh ngộ với mình rằng "Bạn hãy là người đón nhận cừ khôi". Như với bản thân tôi bây giờ, tôi không quan trọng cơ thể mình có được hoàn toàn mất hết các tế bào ung thư hay không. Tôi chỉ biết rằng cuộc sống của tôi rất có giá trị và tôi không muốn lãng phí nó cho những suy nghĩ tiêu cực hơn là tập trung vào tận hưởng từng ngày sống, suy nghĩ và làm những việc khiến cho tôi thấy vui vẻ và khỏe mạnh. Tôi sẵn sàng đón nhận những "thử thách" mà cuộc đời ban tặng cho tôi và chấp nhận nó như những bài học tuyệt vời thay vì phán xét chúng.

Thay vì lo lắng, khi nào đến lượt mình thì tôi cảm ơn rằng mình còn cơ hội để nhìn thấy ánh mặt trời ngày hôm nay. Và như cuốn sách tôi viết, tôi mong các bạn luôn nhớ rằng: "Bạn sinh để sống và để làm nên những điều tuyệt diệu".

- Xin cảm ơn Phú và chúc cho những mơ ước của bạn sớm thành hiện thực

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Nguyễn Văn Phú- Tác giả cuốn sách 'Bạn sinh ra để sống'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.