Thứ năm, 18/04/2024 08:21 (GMT+7)

Hà Nội: Nhà máy 'bỏ hoang', doanh nghiệp vô tư xả thải

ĐÀO SƠN -  Thứ tư, 13/09/2017 20:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước thải cụm CN Bình Phú A (Thạch Thất, TP Hà Nội) chưa được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường, gây thiệt hại về cây trồng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Nước thải làm ruộng bỏ hoang

Theo thông tin người dân xã Bình Phú (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) phản ánh tới Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, từ nhiều năm nay, nước thải của từ các nhà máy ở Cụm CN Bình Phú A đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và cây trồng của các hộ dân ở gần khu vực này.

Để nắm rõ hơn về vấn đề này, PV đã có buổi tìm hiểu thực tế ở địa phương, tại đây chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến bức xúc của người dân nơi đây. 

Hàng chục hộ dân thôn Phú Ổ (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội) có ruộng bỏ hoang vì nước thải cụm CN Bình Phú A gây ô nhiễm.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Thảo (55 tuổi, thôn Phú Ổ, xã Bình Phú) cho biết: “Cụm công nghiệp này đã có từ năm 2000, cho đến nay tất cả nhà máy trong cụm đều chưa được xử lý nước thải mà vẫn thải ra mương chảy ra hệ thống cánh đồng lúa ở thôn chúng tôi.

Gia đình tôi có khoảng 300 m2 đất cấy lúa sát cạnh mương nước thải của cụm công nghiệp, từ nhiều năm nay phải bỏ hoang vì nước ô nhiễm nên lúa không thể sinh trưởng được nên ruộng đã bỏ hoang hàng chục năm qua”.

Lý do không thể tiếp tục trồng lúa ở khu ruộng sau Cụm CN Bình Phú A của gia đình anh Thảo là nước thải độc hại từ các nhà máy trong khu công nghiệp này đã khiến cây trông không thể sinh trưởng, cây lúa bị táp, hạt lép.

Hiện tượng này bắt đầu từ năm 2004, suốt từ đó cho đến nay, cây lúa bị ảnh hưởng nước thải nên đã giảm năng suất. Trước đó, chưa bị ảnh hưởng nước thải, một sào lúa ở khu vực này cũng đạt khoảng 200kg – 250kg/1 sào thì khi bị ảnh hưởng đã giảm năng suất xuống còn khoảng 30 kg/1 sào. 

Thửa ruộng gia đình anh Thảo ở thôn Phú Ổ ngay cạnh cụm CN Bình Phú A bỏ hoang từ 10 năm nay vì cứ cấy lúa là bị thất thu vì nước ô nhiễm

Không những làm giảm năng suất trầm trọng cây lúa, mà nó còn làm ảnh hưởng đến chất lượng của hạt gạo.

“Năng suất đã giảm tệ hại, nhưng hạt gạo từ những cây lúa ở đó cũng bị ảnh hưởng của chất độc từ nước thải. Hạt gạo có màu đen, có mùi lạ nó không có mùi thơm như bình thường, thế nên chúng tôi không giám ăn mà làm thức ăn chăn nuôi”, anh Thảo cho biết.

Để chứng minh cho lời nói của mình anh Thảo đã trực tiếp dẫn phóng viên trực tiếp xuống thửa ruộng của gia đình. Khu vực Cụm CN Bình Phú A nằm sát với cánh đồng của thôn Phú Ổ, phía sau có một mương đất thoát nước từ các nhà máy trong cụm, hàng chục thửa ruộng bỏ hoang không cấy trồng cỏ mọc um tùm.

Theo lời của anh Thảo, những thửa ruộng bị bỏ hoang đó đều do nước thải gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng nên không mới vậy. 

Không thể cấy lúa ruộng của người dân đành bỏ hoang để cỏ mọc 

Tại thời điểm phóng viên có mặt, nước dưới mương hệ thống thoát nước cụm công nghiệp bốc lên mùi hôi, tanh nồng nặc. Một số khu ruộng trũng bị loại nước này tràn vào đọng lại lâu ngày còn bốc lên mùi nồng nặc hơn nữa khiến người hít phải có cảm giác đầu óc choáng váng.

Theo chia sẻ của người dân thôn Phú Ổ, nước thải Cụm CN Bình Phú A cũng gây ra một số bệnh ngoài da và một số căn bệnh khác.

“Gia đình có khoảng hơn 100 m2 đất cấy ở sát cạnh mương thoát nước thải của cụm công nghiệp. Vì ruộng chũng nên nước thải từ các nhà máy theo mương tràn vào, cấy lúa lúa hỏng, bỏ hoang thì tiếc nên đành trồng rau muống để chăn nuôi.

Nhưng loại nước đó độc lắm nếu chân tay không mà đụng vào là bị ngứa ghẻ ngay. Trước kia vì không đi ủng, đeo gang tay cứ lội xuống ruộng lần nào về là bị mẩn ngứa hết cả chân, tay”, chị N.T.H người dân thôn Phú Ổ chia sẻ.

Nhà máy xử lý nước thải “bỏ hoang”

Hơn 10 năm qua Cụm CN Bình Phú A vẫn xả trực tiếp nước thải ra môi trường, gây thiệt hại về cây trồng cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh khu vực này.

Bức xúc về việc này, người dân thôn Phú Ổ đã nhiều năm liền kiến nghị lên chính quyền địa phương, đến đầu năm 2016, UBND huyện Thạch và cơ quan quản lý đã cho xây dựng nhà máy xử lý nước thải.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại nhà máy đã xây dựng xong nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động vẫn còn bị “bỏ hoang”.

“Trong rất nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử chi ở thôn, tôi cùng với bà con trong thôn đã có ý kiến về việc này, nhưng hết lần này đến lần khác, nước thải trực tiếp từ cụm công nghiệp Bình Phú A vẫn không được xử lý.

Cho đến đầu năm ngoái, thì thấy họ xây nhà máy xử lý nước thải của cụm. Thế nhưng khi xây xong cách đây khoảng hơn một năm rồi vẫn không thấy đi vào hoạt động”, anh Thảo cho biết. 

Mặc dù cụm CN Bình Phú A đã có nhà máy xử lý nước thải hơn năm qua nhưng vẫn "bỏ hoang" doanh nghiệp vẫn vô tư xả thải

Để rõ thực hư về việc này, phóng viên có mặt trực tiếp nhà máy xử lý nước thải của cụm công nghiệp Bình Phú A. Vì không có người trông nom, hay bảo vệ nên mọi người rất dễ dàng ra vào nhà máy.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhà máy xử lý nước thải đặt ngay cạnh phía Tây của cụm CN, ngay sát đường vào thôn Phú Ổ, có diện tích khoảng hơn 200 m2. Hệ thống máy móc đã được, đường ống, bể xử lý đã làm xong nhưng vẫn chưa được vận hành.

Dù nhà máy đã được xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị, nhưng vẫn không thấy có hệ thống dẫn nước thải từ cụm công nghiệp vào để xử lý.

Bên trong nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp Bình Phú không một bóng người.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phúc – Trưởng thôn Phú Ổ (xã Bình Phú) cho biết: “Cụm công nghiệp Bình Phú A đã có từ năm 2000, nhưng đến nay nước thải vẫn chưa được xử lý.

Việc nước thải từ cụm công nghiệp gây thiệt hại về cây trồng là có thật! Không chỉ người dân phản ánh mà ngay cả chính tôi cũng đã có ý kiến trong các buổi tiếp xúc cử chi nhưng vẫn thế. Tháng 4/2016 cụm cũng đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nhưng không hiểu tại sao đến nay vẫn chưa hoạt động”.

Cũng theo lời vị trưởng thôn, thôn Phú Ổ, có khoảng hơn chục hộ có ruộng ở khu vực cạnh Cụm CN Bình Phú A đã bỏ không cấy lúa, vì nước ô nhiễm. Trong số những hộ này có hộ bỏ hoang, có hộ tận dụng trồng rau muống để chăn nuôi.

Một số ý kiến của người dân lo ngại cho rằng, nước thải từ cụm CN Bình Phú A có thể còn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Môi trường và Đô thi Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nhà máy 'bỏ hoang', doanh nghiệp vô tư xả thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải tại phần lớn các CCN còn nhiều tồn tại; công tác phối hợp quản lý các CCN ở một số địa phương còn nhiều yếu kém.
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Tin mới