Thứ bảy, 20/04/2024 02:24 (GMT+7)

Nhà máy bột cá ngang nhiên xả thải ra môi trường

MTĐT -  Thứ tư, 03/06/2015 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hai năm qua, kể từ khi Nhà máy bột cá Hồng Đức Vượng (KCN Quán Ngang) đi vào hoạt động, người dân sống xung quanh phải hứng chịu trăm bề cảnh khổ từ việc ô nhiễm nguồn nước và không khí.

Ô nhiễm cả một vùng

Khu công nghiệp Quán Ngang nằm ở địa bàn 2 xã Gio Châu và Gio Quang, huyện Gio Linh, với tổng diện tích 205 ha được quy hoạch xây dựng từ năm 2008, trong đó giai đoạn 1 gần 140 ha, giai đoạn 2 là 66 ha. Hiện, tại đây có 7 dự án đi vào hoạt động.

Với sự đầu tư sơ sài, chưa tới nơi tới chốn đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, khói bụi và tiếng ồn là điều ám ảnh đối với người dân ở KCN Quán Ngang. Trong nhiều đơn vị sản xuất tại đây, cứng đầu bị điểm mặt nhiều nhất trong việc gây ô nhiễm môi trường là Nhà máy bột cá Hồng Đức Vượng.

Ngay từ khi nhà máy này đi vào thử nghiệm và hoạt động chính thức, nước thải chưa xử lý đã được xả thẳng ra kênh rạch, đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Anh Phan Ngọc H. (một người dân sống cạnh nhà máy) cho biết: "Nước thải trong quá trình sản xuất bột cá có mùi hôi rất khủng khiếp. Mùi thúi bao phủ một vùng khắp ngày đêm khiến cho già trẻ lớn bé đều không tài nào chịu nổi".

Hệ thống cống xả thẳng nước thải ra môi trường của Nhà máy bột cá Hồng Đức Vượng

Không dừng lại ở đó, kết cấu đất xung quanh KCN Quán Ngang là đất pha cát, nước thải thẩm thấu xuống đất làm ô nhiễm sạch trơn các giếng uống nước. "Nước ở đây ngày xưa dùng rất trong, sạch nhưng bữa nay thì nổi váng và có mùi thum thủm rất khó chịu"- anh H. than phiền.

Tình trạng ô nhiễm từ nhà máy bột cá có công suất 24.000 tấn/năm còn khiến cho miếng cơm của cả một vùng mà người dân chủ yếu sống bằng nghề nông mất trắng. "Nhiều hồ cá của dân chúng tôi không còn nuôi được cá; ruộng lúa cũng bị tác động từ nguồn nước thải, cây lúa không lên được. Mất trắng", lão nông Nguyễn Đình S. (56 tuổi, thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang) bức xúc.

Đã gần hai năm nay, những người dân chịu tác động trực tiếp từ ô nhiễm như ông S., anh H. phải khắp nơi mua nước uống. Thời tiết nắng nóng khiến cho không khí càng ngột ngạt, hôi hám. Trẻ con mỗi khi đến giờ học bài đều phải di tản sang các nhà bà con ở xa, chứ ở nhà không thể học nổi vì mùi hôi. Cứ cái đà này, người dân chúng tôi chắc phải bỏ xứ mà đi", ông S. nói.

Không đầu tư hệ thống xử lý nước thải

Được biết, Nhà máy bột cá Hồng Đức Vượng có khuôn viên hơn 30.100m2, trong đó diện tích xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ giai đoạn I là 4.100m2. Đây là dự án có 100% vốn từ Trung Quốc, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 102 tỉ đồng. Sản phẩm chủ yếu của Nhà máy là bột cá cung cấp cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này chưa được đầu tư, hệ thống còn thiếu 3 công đoạn trước khi đưa vào bể sinh học kỵ khí; gồm bể keo tụ tạo bông, bể lắng 1, bể tuyển nổi. Bên cạnh đó, tổng thể tích của toàn bộ hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo như cam kết ban đầu. Việc giám sát khí thải tại miệng ống khói nhà máy cũng không có.

Theo phản ánh của người dân, trước ngày hoạt động chính thức (ngày 15/8/2014) đơn vị này đã vận hành "thử nghiệm" trong một thời gian dài, xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm và bị xử phạt.

Theo quan sát tại hiện trường, cống xả thải của nhà máy xả thẳng ra kênh rạch, nước có màu xanh đen, nổi bọt, bốc mùi hôi thối nồng nặc, những ai đến gần đều không tài nào chịu đựng nổi. Sau khi có nhiều phản ánh của người dân, doanh nghiệp này đã chuyển đổi phương thức sản xuất từ ban ngày sang ban đêm và xả trộm ra môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Sáng - Phó Chủ tịch UBND xã Gio Quang khẳng định việc Nhà máy bột cá hoạt động gây ảnh hưởng đến đời sống người dân là có. "Trên địa bàn, không chỉ riêng các thôn Kỳ Lâm, Trúc Lâm mà cả các xã lân cận như Gio Mai, Gio Thành cũng bị ảnh hưởng do ô nhiễm mùi hôi"- ông Sáng nói.

Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy bột cá được đầu tư sơ sài, chưa đồng bộ.

Sẽ xử lý?!

Ông Trần Văn Hóa - Phó Ban quản lý khu kinh tế Quảng Trị cho biết, BQL đã nhiều lần phối hợp với Sở TN&MT Quảng Trị kiểm tra và xử lý vào cuối năm 2014 và đã có văn bản yêu cầu nhà máy này tạm dừng hoạt động, hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường.

Tuy nhiên, điều này lại trái với phản ánh của người dân và thực tế là nhà máy bột cá vẫn ngang nghiên xả thải ra môi trường. Giải thích về điều này, ông Hóa cho rằng: "Mới đây, họ mới cho vận hành thử nhà máy để kiểm tra hệ thống xử lý nước thải. Nhưng do chưa có kho lạnh và mắc lỗi vận hành nên hệ thống này một lần nữa chưa đảm bảo, gây hậu quả khi xả thải ra môi trường... Chúng tôi sẽ tiếp tục lập đoàn kiểm tra, nếu xác định những thiệt hại mà dân chịu là do cái này, sẽ yêu cầu nhà máy bồi thường cho dân".

Nhiều diện tích lúa, hồ cá của người dân không thể sản xuất do ô nhiễm.

Theo biên bản kiểm tra của Ban quản lý các khu kinh tế phối hợp với Sở TN&NM tỉnh Quảng Trị cho thấy, đến thời điểm hiện tại hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chế biến bột cá Hồng Đức Vượng còn thiếu 3 công đoạn. Bên cạnh đó, hệ thống nước thải của nhà máy này vượt mức cho phép 70m3/ngày đêm.

Biên bản kiểm tra trên cũng đã chỉ rõ nhà máy này thải chất thải ra môi trường không đạt yêu cầu về môi trường do chưa đầu tư đúng quy mô cam kết. Theo đó, phía cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đề nghị phải thực hiện đầy đủ các cam kết có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh này thẩm định cho phép mới được vận hành.

Theo Hải Tân

Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy bột cá ngang nhiên xả thải ra môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...