Thứ năm, 28/03/2024 15:58 (GMT+7)

Nhà máy đào hồ đổ nước thải, dân lấp giếng khát nước ăn ở Đồng Nai

MTĐT -  Thứ sáu, 07/06/2019 12:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người dân ấp Bầu May, xã Phú Thanh, huyện Tân Phú, Đồng Nai phải lấp giếng do ô nhiễm. 10 năm nay, họ bị hủy hoại nguồn nước sạch.

Người dân xã Bầu May tố cáo với PV VietNamNet về tình trạng nguồn nước ăn của họ bị “cướp trắng” suốt 10 năm nay. Họ rơi vào bế tắc trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch cho nhu cầu tối thiểu hàng ngày.

10 năm khát nước sạch

Đơn thư đã gửi đi nhiều, chính quyền cũng đã ghé lấy mẫu nước, nhưng 10 năm nay chưa có ai giải quyết gốc rễ vấn đề, tìm lại nguồn nước sạch cho dân.

UBND xã Phú Thanh xác nhận: Nhà máy rác Đa Lộc là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dẫn đến việc chính quyền buộc yêu cầu đóng cửa.

Sau khi ngưng hoạt động, đơn vị này không chủ động khắc phục hậu quả về môi trường mà im lặng biến mất.

Một giếng nước mới được đào lại nhưng vẫn không sử dụng được.

Nhà máy bỏ hoang, để lại những hồ nước thải màu đen bốc mùi “đày đọa” cuộc sống người dân ấp Bầu May.

Hiện xung quanh nhà máy rác Đa Lộc, nguồn nước ăn của người dân đã bị hủy hoại. Họ phải lấp bỏ giếng nước, mất nguồn nước sạch để sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Yến chỉ vị trí giếng bị lấp. 

Dân nghèo chung tiền, đấu nối đường dây điện, máy bơm quay  lại dùng nguồn nước của giếng khoan ngay trong nhà máy rác đã phải đóng cửa vì ô nhiễm.

Bà Bùi Thị Lược, 44 tuổi, trú tại ấp Bầu May kể: “Sống cạnh nhà máy Đa Lộc, hàng ngày tôi chứng kiến họ chở nước, bã rác từ bên La Ngà về đổ xuống cái hồ to sau công ty. Họ chỉ đào hố rồi lót bạt nilon đen xuống chứ có làm bể xử lý gì đâu. Mưa thì tràn ra ngoài, nắng thì bốc mùi chua hăng hăng khó chịu lắm. Nước cứ ngấm dần xuống đất lây sang cả giếng nước nhà tôi. Tôi buộc phải lấp giếng, vì có để cũng chẳng dùng được”.

Dân góp tiền mắc điện, bơm nước về ăn.

Cùng hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Yến cho hay: “10 năm nay nhà tôi không được ăn nước sạch. Giếng gia đình đã lấp. Nước hôi tanh, nổi váng và chuyển màu chả ai dám dùng dù là rửa tay. Trước nhà máy rác chưa về đây, chúng tôi chỉ cần đào 5 đến 6 mét là nước ngầm trong veo tràn về”.

Hồ nước đen trong nhà máy, dân tố là nguồn cơn của ô nhiễm.

Ai là thủ phạm chính làm đứt nguồn nước của người dân?

Dân ấp Bầu May tố cáo, khi công an bắt xe bồn chở nước rác từ nhà máy bên La Ngà thì hành vi vi phạm pháp luật của công ty Đa Lộc mới lộ ra. Người ta tận mắt thấy những chiếc bồn chở đầy nước hôi thối, đen xì. Họ giật mình hiểu ra vì sao giếng nước ăn của mình không dùng được.

Dân Bầu May "khát nước", ô nhiễm vẫn bao vây.

Dân tập trung chặn xe từ đầu đường, không cho công ty rác Đa Lộc mang tiếp chất thải về gieo rắc ô nhiễm lên ấp của họ nữa. Những lá đơn kêu cứu được gửi lên cơ quan chức năng. Kết quả, nhà máy rác đã phải đóng cửa.

Dân mất nguồn nước vì ngả màu, bốc mùi.

Bà Yến khẳng định: "Nhà máy rác Đa Lộc xây dựng rất sơ sài, chỉ có 2 cái ống đốt rác khô là quy mô nhất. Không hiểu tại sao tỉnh lại cho họ đưa nước thải về đây để xử lý. Hệ thống xử lý rác thải lỏng không có thì họ phải đổ xuống đất là đương nhiên. Vì nước thì làm sao mà đốt được".

Nước có mùi bơm về bể để ăn uống hàng ngày.

“Hai năm trước, nhà máy ngưng làm, họ có để lại cho cái máy bơm và đường dây điện để chúng tôi vô lấy nước về ăn. Trong nhà máy có cái giếng khoan sâu 120m nên nước không bị đen. Tuy nhiên gần đây họ cắt điện, thu máy bơm nên dân chúng tôi phải chung tiền nhau đấu nối lại để dùng tạm”, bà Yến nói.

Người dân kể nhà máy chở những xe bồn nước thải đồ xuống đất cạnh nơi họ sống.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, nước múc ở nhà máy rác Đa Lộc dù không ngả màu nhưng vẫn bốc lên mùi tanh.

Việc các hộ dân quanh nhà máy rác lấp giếng nước vì ô nhiễm được chính quyền xã Phú Thanh thừa nhận. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhà chức trách cũng chỉ mới dừng lại ở việc buộc nhà máy đóng cửa, “gật đầu” định cho san lấp hồ chứa nước thải lộ thiên. Về trách nhiệm hành vi phát tán, mang chất thải từ La Ngà về gây ô nhiễm môi trường của những kẻ mang danh doanh nghiệp vẫn chưa hề được đề cập đến.

Bà Bùi Thị Lược: Nhà máy bỏ đi rồi, ai đền bù nước lại cho dân?

“Dân hàng ngày phải uống nước từ giếng trong chính nhà máy bị bỏ hoang do ô nhiễm. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Giấc mơ về một nồi cơm, ấm nước được nấu từ nguồn nước an toàn đã bị chôn vùi trong cái gọi là lợi nhuận của doanh nghiệp. Chúng tôi yêu cầu điều tra kẻ đứng đằng sau các xe bồn chở thứ nước hôi thối về đây là ai, yêu cầu kẻ đó phải bồi thường thiệt hại, đền bù nguồn nước lại cho dân phải chịu đựng 10 năm nay”, một người dân nêu ý kiến.

Theo VietnamNet

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy đào hồ đổ nước thải, dân lấp giếng khát nước ăn ở Đồng Nai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.