Thứ sáu, 19/04/2024 22:26 (GMT+7)

Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè: Tranh cãi về công nghệ

MTĐT -  Thứ hai, 03/08/2020 08:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TPHCM sẽ ứng dụng công nghệ xử lý nước thải MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor) cho nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc gói thầu XL-02 Dự án Vệ sinh môi trường.

Thi công hệ thống thu gom nước thải lớn nhất TP tại giai đoạn 2.

Thắng thầu bằng công nghệ sinh học, trúng thầu đổi sang công nghệ MBBR

Gói thầu XL-02 được Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TPHCM phê duyệt. Đây là kết quả lựa chọn nhà thầu từ tháng 3/2019 với đơn vị trúng thầu là liên danh Acciona Agua S.A.U (Tây Ban Nha) và Vinci Construction Grands projects (Pháp). Khi đó, đơn vị trúng thầu đề xuất công nghệ MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor) cho nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Tuy nhiên, đến nay những tranh cãi trong công tác đấu thầu vẫn chưa dứt. Bởi khi nộp hồ sơ xét thầu, liên danh Acciona - Vinci đề xuất sử dụng công nghệ sinh học để vượt qua vòng sơ tuyển. Nhưng trong quá trình dự thầu, liên danh này lại đề xuất thay đổi sang công nghệ xử lý nước thải MBBR.

Theo liên danh nhà thầu SUEZ - POSCO (đơn vị bỏ thầu giá 215 triệu USD), việc TPHCM chọn công nghệ MBBR là không phù hợp với điều kiện khí hậu và nước thải đối với việc xử lý nước thải tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Công nghệ này cũng chưa được áp dụng trên thế giới đối với những nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn hơn hoặc bằng 240.000 m3/ngày đêm như yêu cầu trong hồ sơ mời thầu. Việc TP cho phép bổ sung công nghệ MBBR để cho nhà thầu Acciona - Vinci trúng thầu với lựa chọn công nghệ này là không đúng nguyên tắc mời thầu.

"Qua nghiên cứu tài liệu, chúng tôi thấy rằng điều đáng lo ngại nhất của dự án này là việc lựa chọn công nghệ xử lý bùn. Trong hồ sơ mời thầu tháng 6/2017 (phần 1, mục 3 trang 36) chỉ có 3 công nghệ và các biến thể của 3 công nghệ này được chấp nhận gồm: CAS (bùn hoạt tính truyền thống); SBR (phản ứng sinh học theo mẻ); BF (lọc sinh học). Ba công nghệ này được hiểu là đã được thiết kế trước, được đánh giá và chứng minh là khả thi về mặt kỹ thuật. Việc công nghệ MBBR không phù hợp với hồ sơ mời thầu ban đầu mà vẫn được trúng thầu cần phải được xem lại" - đại diện nhà thầu SUEZ – POSCO phản ánh.

Về việc này, Bộ Xây dựng vừa có ý kiến phản hồi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM. Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là thuộc thẩm quyền của UBND TP. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lưu ý chủ đầu tư và nhà thầu khi lựa chọn công nghệ áp dụng cho dự án cần tuân thủ luật pháp.

Tiến độ giai đoạn 2 chậm 3 năm so với kế hoạch

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có diện tích hơn 33km2. Lưu vực trải dài trên địa phận của 7 quận TPHCM. Trong đó có các quận trung tâm Quận 1 và 3. Năm 1993, UBND TPHCM giao Sở Giao thông Vận tải TPHCM triển khai dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 với số tiền là 8.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) là 5.252 tỷ đồng. Vốn đối ứng từ ngân sách TP là 3.348 tỷ đồng và phải di dời tới 7.000 hộ dân.

Toàn bộ dự án giai đoạn 1 có 33 gói thầu. Gói thầu đầu tiên được khởi công vào tháng 3/2003 lắp tuyến cống bao (có đường kính 2,5 - 3m) dài 8,9km nằm dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tiếp đó là 11 gói thầu đào đường lắp đặt 70km tuyến cống thoát nước các loại nhằm thu gom nước thải từ hộ dân đưa vào tuyến cống bao. Gói thầu xây dựng trạm bơm nước lớn nhất nước có công suất 64.000m3/giờ. Gói thầu số 10 có quy mô lớn nhất nạo vét hơn 1,1 triệu tấn bùn, đóng hơn 16.000m cừ bê tông kè hai bên bờ kênh.

Giai đoạn 2 của Dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè có ba hạng mục xây dựng quan trọng là hạng mục xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhà máy đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, có công suất xử lý nước thải tới 480.000m3/ngày, đêm. Khi nhà máy hoàn thành, nước thải thu gom trong toàn lưu vực sẽ được đưa về đây xử lý thay vì đổ ra sông Sài Gòn như hiện nay.

Hai hạng mục quan trọng khác của dự án là xây dựng tuyến cống bao đường kính 3,2m, dài 8km dẫn nước thải về nhà máy và xây dựng khoảng 50km đường cống thu gom nước thải cho Quận 2. Tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn 2 là 524 triệu USD, trong đó vay Ngân hàng Thế giới 450 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án sẽ khởi công vào năm 2017, hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, do vướng mắc tại nhiều gói thầu, điển hình là gói thầu XL-02 (xây dựng nhà máy nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè) đã khiến kế hoạch dự án phải lùi đến năm 2024. Dù TP đã chọn nhà thầu là liên danh Acciona Agua S.A.U (Tây Ban Nha) và Vinci Construction Grands projects (Pháp) trúng thầu từ tháng 3/2019.

Theo Bộ Xây dựng, công nghệ MBBR kết hợp giữa dây chuyền xử lý nước thải bằng phương pháp bùn hoạt tính truyền thống với các giá thể sinh học nhằm tăng hiệu suất phản ứng tại các bể phản ứng trong quá trình xử lý. Do đó, chủ đầu tư và nhà thầu cần nghiên cứu, đánh giá và báo cáo UBND TPHCM để xem xét, quyết định lựa chọn công nghệ áp dụng bảo đảm phù hợp với điều kiện của TP nhằm tối ưu hóa quá trình xử lý.

Bộ Xây dựng cũng lưu ý, trong quá trình thiết kế, thẩm định, cần lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn của địa phương nhằm có thêm cơ sở để đánh giá công nghệ được lựa chọn.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, Ngân hàng Thế giới đã có thư chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 36 tháng, tức đến 30/6/2024. UBND TPHCM cũng đã trình nội dung về gia hạn thời gian thực hiện dự án lên HĐND TPHCM và đã được HĐND TPHCM bỏ phiếu thông qua tờ trình tại Kỳ họp thứ 20, khóa IX của HĐND TP.


Theo GD&TĐ

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè: Tranh cãi về công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...