Thứ sáu, 19/04/2024 19:25 (GMT+7)

Nhà máy xử lý rác trăm tỉ ở Hà Nội dừng hoạt động 3 năm: Lãng phí quá lớn

MTĐT -  Thứ hai, 05/12/2022 21:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo nhiều người dân sống xung quanh Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội), dự án nhà máy rác quá gần dân, đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng liên tục xảy ra sự cố, đã dừng hoạt động đến 3 năm, gây lãng phí vô cùng lớn.

Theo nhiều người dân sống xung quanh Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội), dự án này xây dựng nhưng không nghiên cứu kỹ - nhà máy rác quá gần dân, đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng liên tục xảy ra sự cố, đã dừng hoạt động đến 3 năm, gây lãng phí vô cùng lớn.

"Quá sai, sai ngay từ ban đầu"

Chỉ tay về phía tường rào ngay trước nhà, ông Lê Văn Sơn (Thọ An, Đan Phượng) thở dài: "Quá lãng phí, quá phí phạm, quá sai, sai ngay từ ban đầu". Nói rồi, ông Sơn bức xúc kể về "lịch sử" của Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình.

"Công trình này được xây dựng vào khoảng năm 2013, lúc bấy giờ tôi không rõ là họ xây dựng gì, sau này thì nghe loáng thoáng là nhà máy đốt rác áp dụng quy trình khép kín và sẽ không ảnh hưởng đến người dân.

Nhưng đến năm 2015, khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động thì không thể chịu nổi. Ống khói của nhà máy nhả liên tục không ngừng nghỉ, tiếng ồn từ lò hơi kêu như xay lúa khiến người dân không ngủ được. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần thì nhà máy có nâng ống khói lên cao nhưng không ăn thua" - ông Sơn kể.

 
Ông Sơn rất bức xúc với nhà máy rác trăm tỉ cạnh nhà. Ảnh: Tuấn Anh

Không gian yên bình năm ấy bỗng chốc bị phá tan bởi nhà máy xử lý rác. Từ vị trí tường bao phía sau của nhà máy đến khu dân cư chỉ cách nhau một đoạn đường ngắn chưa đầy 200m. Không khí ô nhiễm nghiêm trọng, đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, họ phải sống chung với mùi rác đến mức ám ảnh.

"Nhà máy xả khói suốt ngày, hôm nào gió thổi xuôi về phía khu dân cư là không thể nào thở nổi. Đốt được 1 năm thì mùi khét nồng nặc, trẻ con người già không thể thở, ho rồi tức ngực, đóng cửa kín mít cũng không chịu nổi" - ông Sơn nhớ lại.

Nhà máy rác sát khu dân cư. Ảnh: Phương Anh
Nhà máy rác sát khu dân cư. Ảnh: Tuấn Anh

"Lạch cạch đốt rác được 2-3 hôm lại hỏng"

Không dừng lại ở việc nằm quá gần khu dân cư, Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình còn khiến người dân đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả khi nhiều lần phải tạm dừng để sửa chữa.

Ông Trần Văn Cử (Thọ Xuân, Đan Phượng) cho biết, có thời điểm rác của chính xã Phương Đình cũng không được xử lý tại nhà máy mà phải chở lên bãi Xuân Sơn (Sơn Tây) vì liên tục hỏng hóc phải sửa chữa.

Hiện nhiều hạng mục của dự án bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hoen gỉ. Ảnh: Phương Anh
Hiện nhiều hạng mục của dự án bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hoen gỉ. Ảnh: Tuấn Anh

"Mùi rác thì cháy khét, tiếng ồn thì vang vọng, lạch cạch đốt rác được 2-3 hôm lại hỏng, nhà máy không ít lần phải dừng lại để bảo trì, sửa chữa. Đến nay đã dừng đốt được hơn 3 năm. Tôi không thể hiểu một nhà máy có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng, được giới thiệu là công nghệ hiện đại, tại sao lại liên tục hỏng hóc và dừng hoạt động đến tận bây giờ?

Dự án này sai ngay từ ban đầu vì xây dựng nhưng không nghiên cứu kỹ - nhà máy rác quá gần dân, gây ô nhiễm môi trường, đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng liên tục xảy ra sự cố, đã dừng hoạt động đến 3 năm, gây lãng phí vô cùng lớn. Cần truy ngay trách nhiệm để xảy ra sự lãng phí này" - ông Cử bức xúc.

Thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa phù hợp với đặc tính rác thải của Hà Nội

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ khi hoạt động chính thức, Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình thường xuyên phải xin ngừng tiếp nhận rác do sự cố hỏng hóc thiết bị. Cụ thể, từ thời điểm hoạt động đến năm 2018, nhà máy đã ngừng tiếp nhận rác 5 lần với tổng số 777 ngày.

Từ tháng 4.2018 đến nay, Nhà máy đã dừng sửa chữa kết hợp nâng cấp hệ thống khí thải theo Quy chuẩn mới (QCVN 61-MT:2016/BTNMT). Tuy nhiên, do chưa đạt yêu cầu nên nhà máy không vận hành xử lý rác từ thời điểm đó đến nay.

Nguyên nhân theo đánh giá là do thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa phù hợp với đặc tính rác thải của Hà Nội (chưa qua phân loại), nhiệt trị thấp nên việc vận hành thường xuyên gặp các sự cố. Cụ thể, không đạt nhiệt độ cần thiết (600 - 800 độ C), tắc hệ thống cấp khí đốt và thoát khí thải, tuy đã sửa chữa nhiều lần nhưng chưa khắc phục được.

Nhà máy rác bỏ hoang phí phạm. Ảnh: Tuấn Anh
Nhà máy rác bỏ hoang phí phạm. Ảnh: Tuấn Anh

Liên quan đến vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội cho biết, đã ban hành các văn bản số 7758/VP-TNMT ngày 8.8.2022, văn bản số 6068/VP-TNMT ngày 24.6.2022, văn bản số 6069/VP-TNMT ngày 24.6.2022 về việc kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh, Dự án Nhà máy xử lý và chế biến rác thải Phương Đình của Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang.

UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan (Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi tường, UBND huyện huyện Đan Phượng, Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang...) kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án của nhà đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm báo cáo đề xuất xử lý theo quy định.

Trước đó, dự án Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình được quy hoạch xây dựng trên diện tích hơn 4,7 ha, với tổng mức đầu tư hơn 270 tỉ đồng.

Dự án có công suất giai đoạn 1 đạt 300 tấn/ngày đêm, đảm nhiệm xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng, các khu vực lân cận Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai và rác thải công nghiệp không nguy hại của các làng nghề, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy xử lý rác trăm tỉ ở Hà Nội dừng hoạt động 3 năm: Lãng phí quá lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Trang Thiều - Tuấn Anh/Lao động

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...