Thứ sáu, 19/04/2024 21:20 (GMT+7)

Nhà vệ sinh bệnh viện trong mùa dịch bệnh Covid-19

MTĐT -  Thứ hai, 13/04/2020 10:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cách đây mấy năm, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và môi trường (SKNN&MT) công bố khảo sát nhanh 13 bệnh viện tuyến trung ương cho thấy, chỉ 6/13 bệnh viện đáp ứng đủ số lượng nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân.

Tình hình càng tồi tệ hơn với các bệnh viện tuyến huyện khi qua khảo sát không có bệnh nào đáp ứng được đủ nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh của nhân viên và bệnh nhân. Đặc biệt, chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện hiện vẫn là nỗi ám ảnh với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mỗi khi phải nằm viện. Khảo sát của Viện SKNN&MT cho thấy, mùi hôi tại các nhà vệ sinh là vấn đề rất phổ biến, thậm chí ở các bệnh viện tuyến trung ương tỉ lệ nhà vệ sinh có mùi hôi chiếm tới 83%.

Nhiều bệnh nhận đã "nhịn" tiểu khi đến khám bệnh tại bệnh viện chỉ vì NVS BV rất bẩn

Ngoài ra, có tới 9/13 bệnh viện tuyến trung ương được khảo sát tồn tại các nhà vệ sinh bị ẩm ướt, đọng nước, trơn trượt. Ở khu vệ sinh của bệnh nhân vẫn xảy ra nhiều tình trạng đi vệ sinh không dội nước, vứt rác bừa bãi không cho vào sọt rác, tắc, hỏng cần gạt nước của hố tiêu, hệ thống thông gió, hút mùi không có, tường nhà vệ sinh ẩm mốc, tróc lở... khiến người bệnh rất e ngại. 


Chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện nước ta hiện nay còn tồn tại rất nhiều bất cập. Sự xuống cấp của nhà vệ sinh bệnh viện không những gây khó chịu cho người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và hình ảnh chung của mỗi bệnh viện.

Nguyên nhân chính dẫn đến nỗi ám ảnh ở các nhà vệ sinh bệnh viện là tình trạng quá tải bệnh nhân trong khi nguồn lực của các bệnh viện có hạn, cùng đó là sự quản lý yếu kém trong công tác vệ sinh bệnh viện.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng thẳng thắn chỉ rõ: Nhiều khi tôi đi kiểm tra các bệnh viện, vào các nhà vệ sinh của nhân viên, tôi cũng không thấy có xà phòng rửa tay. Chỗ rửa tay của nhân viên còn thế thì nói gì đến nhà vệ sinh của người bệnh/ người nhà bệnh nhân có xà phòng rửa tay. Do đó, từ nay đi kiểm tra bệnh viện nếu đi kiểm tra bệnh viện mà Trưởng khoa và Giám đốc Bệnh viện để nhà vệ sinh bẩn, không có xà phòng rửa tay... thì khi chấm điểm kết luận là lãnh đạo bệnh viện “ở bẩn”.

Như chúng ta đã biết, nhà vệ sinh trong bệnh viện đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga , Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, nhà vệ sinh không đảm bảo sẽ kéo theo những hệ lụy như:

1. Góp phần làm lây lan bệnh tật: Các nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân, các bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện có thể bị các bệnh lây nhiễm truyền qua đường phân, đặc biệt các dịch đường ruột như tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng. Phân người cũng có thể là con đường lan truyền các bệnh dịch nguy hiểm như dịch Ebola, SARS, dịch Covid-19 đang bùng phát hiện nay.

2. Hạ thấp phẩm giá của người sử dụng dịch vụ y tế khi vào bệnh viện do phải tiếp xúc với sự bẩn thỉu, hôi hám mùi xú uế, đặc biệt là đối với người già, trẻ em và người khuyết tật.

3. Việc nhịn đại tiểu tiện do sợ vào nhà vệ sinh bẩn có thể kéo theo những hậu quả nguy hại cho cơ quan tiêu hóa, bàng quang, đường tiết niệu.

4. Đi tiểu và đại tiện bừa bãi ra môi trường bệnh viện do thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh bẩn.

5. Không có điều kiện, thiết bị để thực hiện rửa tay với xà phòng.

6. Gây mất mỹ quan cho quang cảnh bệnh viện.

7.Người bệnh không muốn đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện có nhà vệ sinh bẩn và các bệnh viện vì vậy mà mất khách hàng.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh: Những vấn đề gây bức xúc của nhà vệ sinh trong bệnh viện hiện nay là mùi hôi thối, nhà vệ sinh bị tắc nên chất thải không thoát được, tràn ra ngoài, nền nhà ướt nước, bẩn thỉu, giấy vệ sinh thiếu hoặc vứt lung tung, không có nước dội, không có xà phòng rửa tay, cửa nhà vệ sinh bị gãy, mục nát, tường bị bôi bẩn, ruồi nhặng nhiều... Nguyên nhân của tình trạng trên là thiếu về số lượng do quá tải bệnh nhân so với thiết kế ban đầu; Kém về chất lượng do xây dựng, kiểu nhà vệ sinh không phù hợp với điều kiện, phong tục địa phương, do chất lượng sản phẩm vệ sinh; Bị hư hỏng do người sử dụng chưa có ý thức hoặc cố tình phá hoại; Không có người dọn vệ sinh hoặc dọn không sạch, không chuyên nghiệp; Xây nhà vệ sinh tự hoại nhưng không cấp đủ nước dội; Ý thức người sử dụng...

Chính vì tầm quan trọng của chất lượng nhà vệ sinh trong các bệnh viện mà Bộ Y tế đã liên tục chỉ đạo công tác này. Các văn bản quỵ định về nhà vệ sinh bệnh viện cũng đã được soạn thảo và ban hành. Có thể liệt kê một số văn bản gần đây nhất:

– Về tiêu chuẩn xây dựng nhà vệ sinh trong bệnh viện chúng ta có Bộ tiêu chuẩn TCXDVN 365: 2007. Trong bộ tiêu chuẩn TCXDVN 365: 2007 quy định cụ thể các thiết bị vệ sinh cần có như chậu rửa, bệ xí, bệ tiểu đối với phòng khám và các khoa phòng chuyên môn điều trị. Phòng khám được quy định theo số lần đến khám trong ngày còn các khoa phòng điều trị quy định chung là cứ 2 phòng có 1 bệ xí, một bệ tiểu và bệ 1 giặt hoặc cứ 15 người có 1 chỗ tắm, 1 bệ xí, 1 bệ tiểu và 1 bệ giặt. Nhà vệ sinh phải bố trí nam riêng, nữ riêng. Diện tích trung bình của nhà vệ sinh quy định 9-12 mét vuông. Tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO là ít nhất 20 người có 1 nhà vệ sinh. Trong nhà vệ sinh phải bố trí thiết bị hỗ trợ riêng cho người tàn tật và có bệ xí giành cho trẻ em tại khoa nhi. Nhà vệ sinh cho cán bộ, nhân viên y tế cần được bố trí riêng với của người bệnh.

– Trong Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện (Ban hành kèm theo Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 03 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế) có Quy định 5 mức đánh giá chất lượng với 23 tiểu mục như sau:

Mức 1

1. Nhà vệ sinh không sạch sẽ: có nước đọng, rác bẩn, mùi khó chịu, hôi thối. 

  1. Khoa lâm sàng, cận lâm sàng không có khu vệ sinh riêng. 
  2. Không đạt một trong các tiểu mục từ 4 đến 5.

Mức 2

4. Mỗi khoa lâm sàng và cận lâm sàng có ít nhất 1 khu vệ sinh. 

  1. Tỷ số giường bệnh/buồng vệ sinh: có ít nhất 1 buồng vệ sinh cho 30 giường bệnh (tính riêng theo từng khoa).

    Mức 3


    6. Đạt các tiểu mục 4, 5. 
  2. Mỗi khu vệ sinh có ít nhất 2 buồng vệ sinh riêng cho nam và nữ. 
  3. Có nhân viên làm vệ sinh theo quy trình do bệnh viện quy định. 
  4. Buồng vệ sinh cung cấp đủ nước rửa tay thường xuyên. 
  5. Tỷ số giường bệnh/buồng vệ sinh: có ít nhất 1 buồng vệ sinh cho 12 đến 29 giường bệnh. 
  6. Buồng vệ sinh bảo đảm sạch sẽ, không có nước đọng, không có côn trùng trong buồng vệ sinh.

    Mức 4

    12. Đạt toàn bộ các tiểu mục từ 6 đến 11. 
  7. Buồng vệ sinh có sẵn giấy vệ sinh. 
  8. Buồng vệ sinh có bồn rửa tay và cung cấp đủ nước rửa tay thường xuyên.
  9. Buồng vệ sinh có xà-phòng, dung dịch sát khuẩn rửa tay. 
  10. Buồng vệ sinh có gương. 
  11. Buồng vệ sinh có móc treo quần áo và trong tình trạng sử dụng được. 
  12. Buồng vệ sinh luôn khô ráo, có quạt/hút mùi bảo đảm thông gió hoặc có thiết kế thông gió tự nhiên. 
  13. Tỷ số giường bệnh/buồng vệ sinh: có ít nhất 1 buồng vệ sinh cho 7 đến 11 giường bệnh. 
  14. Có nhân viên làm vệ sinh thường xuyên theo quy định của bệnh viện, có ghi nhật ký các giờ làm vệ sinh. 
  15. Buồng vệ sinh bảo đảm sạch sẽ không có mùi hôi.

    Mức 5

    22. Đạt toàn bộ các tiểu mục từ 12 đến 21. 
  16. Mỗi buồng bệnh có buồng vệ sinh riêng khép kín; bảo đảm tỷ số giường bệnh/buồng vệ sinh: có ít nhất một buồng vệ sinh cho 6 giường bệnh.

    Bộ Y tế đã từng phát động phong trào bệnh viện vệ sinh với các nội dung cơ bản như tăng cường tuân thủ vệ sinh tay; tăng cường cải tạo, xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh để bảo đảm người bệnh được chăm sóc an toàn, tiện nghi thoải mái khi tới khám và điều trị tại bệnh viện. Cụ thể:


+ Xây dựng kế hoạch và phát động phong trào “Bệnh viện vệ sinh” tại đơn vị;

+ Triển khai đánh giá “Bệnh viện vệ sinh” theo các tiêu chí gửi kèm Công văn;
Trong bảng Nội dung tiêu chí “Bệnh viện vệ sinh” kèm theo công văn 288/KCB-ĐD khi đánh giá nhà vệ sinh có các tiêu chí đánh giá cụ thể: Có nhân viên làm vệ sinh theo quy trình và lịch do bệnh viện quy định, ghi nhật ký thời gian làm vệ sinh và ký tên theo quy định của bệnh viện. Buồng vệ sinh có sẵn giấy vệ sinh cho người bệnh sử dụng. Buồng vệ sinh có bồn rửa tay có nước sạch thường xuyên có xà phòng, khăn lau tay. Buồng vệ sinh có đủ ánh sáng (có đèn điện chiếu sáng). Buồng vệ sinh có quạt hút mùi hoặc thông khí tự nhiên. Nền nhà buồng vệ sinh luôn khô, sạch và không có mùi hôi. Điểm thưởng cho: Có nhà vệ sinh cho người tàn tật ở nơi cần thiết. Điểm trừ cho: Thực hiện thu phí vệ sinh tại bệnh viện.

Như vậy chúng ta thấy rằng về mặt văn bản tiêu chuẩn và văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về chất lượng nhà vệ sinh trong bệnh viện về cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện các tiêu chí và quy định của Bộ Y tế ở nhiều bệnh viện chưa đạt yêu cầu. Điều này gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ y tế và dư luận không tốt về chất lượng bệnh viện.

Vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện càng được dư luận quan tâm khi người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện ưu tiên số một cho phong trào vệ sinh bệnh viện. Đặc biệt vào ngày 6/6/2016 các báo đều đồng loạt đưa tin Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “tuyên chiến” với nhà vệ sinh bệnh viện tại cuộc hội nghị “Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện” các tỉnh phía Bắc.

Những vấn đề của nhà vệ sinh trong bệnh viện gây bức xúc có thể tóm tắt như sau: Mùi hôi thối, nhà vệ sinh bị tắc nên phân không thoát được, phân và nước tiểu tràn ra ngoài, nền nhà ướt nước, bẩn thỉu, giấy vệ sinh thiếu hoặc vất lung tung, không có nước dội, không có xà phòng rửa tay, cửa nhà vệ sinh bị gẫy, mục nát, tường bị bôi bẩn, ruồi nhặng nhiều vvv.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do:

– Thiếu về số lượng do quá tải bệnh nhân so với thiết kế ban đầu;
– Kém về chất lượng do xây dựng, kiểu nhà vệ sinh không phù hợp với điều kiện, phong tục địa phương, do chất lượng sản phẩm vệ sinh;
– Bị hư hỏng do người sử dụng chưa có ý thức hoặc cố tình phá hoại;
– Không có người dọn vệ sinh hoặc dọn không sạch, không chuyên nghiệp;
– Xây nhà vệ sinh tự hoại nhưng không cấp đủ nước dội;
– Người quản lý cố tình khóa nhà vệ sinh để khỏi phải lau dọn.:
– Lãnh đạo đơn vị chưa quan tâm đến công tác quản lý chất lượng nhà vệ sinh mà chỉ tập trung vào công tác khám chữa bệnh.
– Không kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lau dọn nhà vệ sinh kết hợp với khen thưởng kỷ luật,
– Thiếu kinh phí để xây dựng, sữa chữa và bảo dưỡng nhà vệ sinh, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa.
Để xây dựng một Bệnh viện Xanh-Sạch-Đẹp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế thì chúng ta cần có một chiến lược bao gồm các biện pháp ngắn hạn và dài hạn.

– Cần có một kế hoạch cụ thể để triển khai công tác tăng cường chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện. Kế hoạch này phải do lãnh đạo Bộ Y tế ban hành, có cử đơn vị chuyên trách theo dõi. Bộ phận chuyên trách có thể lồng ghép vào Văn phòng Phong trào Vệ sinh yêu nước đặt tại Cục Quản lý môi trường y tế.

– Có sự phối hợp các đơn vị quản lý, thực hiện và giám sát. Có thể giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra vệ sinh bệnh viện cho các Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Viện Pasteur Nha trang phụ trách các tỉnh duyên hải miền Trung từ Ninh Thuận đến Quảng Bình, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phụ trách các tỉnh Tây Nguyên và Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chính Minh phụ trách các tỉnh phía Nam. Các Viện sẽ cùng nhau thiết kế một thang điểm cụ thể để hướng dẫn các bệnh viện tự chấm điểm và cho Viện đi kiểm tra. Thang điểm phải được thông qua Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế và phổ biến đến tất cả các bệnh viện.

– Tăng cường công tác thi đua, khen thưởng và kỷ luật. Công tác vệ sinh bệnh viện định kỳ cần được tổ chức kiểm điểm đánh giá. Các bệnh viện làm tốt cần nêu gương điển hình. Cấu phần vệ sinh trong bảng đánh giá chất lượng bệnh viện cần tăng lên mức điểm cao hơn. Các bệnh viện có nhà vệ sinh bẩn, kém chất lượng cũng cần được phê bình.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KHCN và MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Nhà vệ sinh bệnh viện trong mùa dịch bệnh Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...