Thứ năm, 25/04/2024 13:49 (GMT+7)

Nhận diện các bất cập và đề xuất giải pháp quản lý quy hoạch-kiến trúc

MTĐT -  Thứ ba, 04/01/2022 16:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Xây dựng đã làm rõ một số vấn đề, nhận diện các bất cập và đề xuất giải pháp trong quản lý quy hoạch-kiến trúc tại địa phương.

Các tồn tại, hạn chế

Bà Trần Thu Hằng-Vụ trưởng Vụ Quy hoạch-Kiến trúc cho biết, qua báo cáo của các địa phương cùng kết quả kiểm tra của đoàn công tác Bộ Xây dựng cho thấy những tồn tại trong lĩnh vực quy hoạch-kiến trúc.

Thứ nhất, thời gian vừa qua là giai đoạn lập các quy hoạch đồng thời: như quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Chính vì vậy, các tiền đề/căn cứ lập quy hoạch còn hạn chế, việc xây dựng các phương án quy hoạch trên cơ sở các quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt bộc lộ những bất cập nhất định như phản ánh của các sở Xây dựng địa phương, cho thấy tính đồng bộ, sự khác biệt, giữa các loại quy hoạch không được bảo đảm, ví dụ như giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;

Thứ hai, việc thực hiện đồng bộ các cấp độ quy hoạch đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu quy hoạch chi tiết) chưa được bảo đảm đầy đủ. Các đô thị lớn có nguồn vốn lập quy hoạch khá tốt có tỷ lệ phân khu cao; nhưng ở các đô thị nhỏ thì tỷ lệ phân khu rất thấp, do đó cơ sở để triển khai lập quy hoạch chi tiết, thu hút đầu tư rất hạn chế;

Thứ ba, điều chỉnh cục bộ quy hoạch gặp vấn đề, chưa đánh giá toàn diện các tác động cũng như ảnh hưởng của vấn đề môi trường và dân cư;

Thứ tư, vấn đề thực hiện các kế hoạch sau quy hoạch chưa được quan tâm phù hợp với nguồn vốn và triển khai hệ thống cắm mốc;

Thứ năm, về kiến trúc, chưa định hình được bản sắc và những giá trị kiến trúc phù hợp với từng đô thị và vùng miền.

Hướng giải quyết, khắc phục

Trên cơ sở nhận định các tồn tại, hạn chế như nêu trên, bà Trần Thu Hằng-Vụ trưởng Vụ Quy hoạch-Kiến trúc đề xuất tham mưu và kiến nghị các hướng giải quyết, khắc phục.

Theo đó, năm 2022 là năm ngành Xây dựng thực hiện đồng bộ, hoàn thiện và bổ sung các thể chế, đặc biệt là triển khai chính sách thực hiện Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trong giai đoạn tới, các vấn đề vướng mắc của địa phương đã nêu, như sự khác biệt giữa quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch đô thị và yêu cầu tích hợp các quy hoạch với quy hoạch cấp trên, Vụ Quy hoạch-Kiến trúc sẽ tiếp thu ý kiến của các Sở Xây dựng để tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa cấp độ quy hoạch cũng như các loại quy hoạch.

Từ hệ thống thể chế, Vụ Quy hoạch-Kiến trúc sẽ hoàn thiện hệ thống hồ sơ bản vẽ để khi triển khai các dự án không có sự hiểu nhầm hay áp dụng khác nhau trong quá trình thực hiện quy hoạch;

Nhận diện các bất cập và đề xuất giải pháp quản lý quy hoạch-kiến trúc
Những quy hoạch đáp ứng được thực tế và dự báo tương lai sẽ được đánh giá cao.

Việc đổi mới hay tăng cường chất lượng quy hoạch rất quan trọng. Trong thời gian vừa qua, những quy hoạch được đánh giá cao là quy hoạch đáp ứng thực tế, dự báo trong tương lai nhưng số lượng các quy hoạch dạng này còn rất hạn chế, nhiều quy hoạch chưa tính được nguồn lực và sự khả thi của đồ án. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc giám sát chất lượng các đồ án quy hoạch;

Xây dựng hệ thống cổng thông tin quy hoạch quốc gia công khai minh bạch là nội dung rất quan trọng, nhiều địa phương đã rất nỗ lực và công bố được 1.500 đồ án quy hoạch trên cổng thông tin quốc gia. Nhưng cũng có tới 50% địa phương chưa thực hiện việc này. Trong năm 2022, các địa phương cần thực hiện công bố thông tin quy hoạch trên cổng thông tin quốc gia;

Đây là giai đoạn phải xây dựng quy hoạch tỉnh là nền tảng quan trọng để lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch khu chức năng. Do đó, các Sở Xây dựng cần phối hợp với các đơn vị của Vụ Quy hoạch-Kiến trúc để đưa ra các phương án, hệ thống đô thị, hệ thống phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh phù hợp với định hướng phát triển tương lai, với khả năng nguồn lực thực hiện trong thời gian tới;

Khẩn trương đồng bộ thực hiện các cấp độ quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phân khu, xây dựng các công cụ hỗ trợ như: thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc, để có công cụ kiểm soát xây dựng, cấp Giấy phép xây dựng cũng như quản lý đầu tư theo quy hoạch;

Tăng cường lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội, các cá nhân có liên quan, để chất lượng đồ án bảo đảm và khả thi trong quá trình thực hiện. Tăng cường quản lý kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc nông thôn, thực hiện yêu cầu kiểm soát khu vực vùng ven đô thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa;

Để thực hiện quy hoạch lồng ghép, Vụ Quy hoạch-Kiến trúc nhận thấy, việc hoàn thiện thể chế tạo công cụ pháp lý đồng bộ không chỉ liên quan đến riêng ngành Xây dựng mà có liên quan đến ngành Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch sử dụng đất, ngành Kế hoạch và đầu tư về quản lý tổng thể các quy hoạch. Tuy nhiên, việc triển khai Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 cũng gây ra những vướng mắc trong thực tiễn. Vì vậy, ngành Xây dựng các địa phương cần có tiếng nói với các đoàn giám sát Quốc hội để cùng điều chỉnh, hoàn chỉnh thể chế liến quan đến công tác quy hoạch, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ phù hợp với sự phát triển bền vững.

Bạn đang đọc bài viết Nhận diện các bất cập và đề xuất giải pháp quản lý quy hoạch-kiến trúc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới