Thứ sáu, 26/04/2024 02:50 (GMT+7)

Nhấn mạnh 6 vấn đề trọng tâm trong Ngày Khí tượng Thế giới 2021

PV -  Thứ ba, 23/03/2021 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2021 là: “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta” tôn vinh trọng tâm của WMO trong việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong Hệ thống Trái đất.

Ngày 23/3/1950, Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization - WMO) với tiền thân là Tổ chức Khí tượng Quốc tế (International Meteorological Organization – IMO, được thành lập năm 1873) đã lấy ngày 23/3 hằng năm là Ngày Khí tượng thế giới.

Mỗi năm Liên Hợp Quốc chọn một chủ đề cho Ngày Khí tượng thế giới nhằm khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm của ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) trong việc chủ động giám sát thời tiết khí hậu: dự báo, cảnh báo sớm kịp thời về các loại hình thiên tai; kích hoạt sớm nhất hệ thống phòng, chống thiên tai ở các cấp, các ngành để đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống người dân các vùng miền trong cả nước.

Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2021 là: “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta” tôn vinh trọng tâm của WMO trong việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong Hệ thống Trái đất.

 Khoa học dự báo cảnh báo KTTV đặc biệt là quan trắc đại dương đã được nghiên cứu, ứng dụng và triển khai rất mạnh mẽ ở các quốc gia nhằm tăng cường bảo vệ tính mạng và tài sản trên biển cũng như quản lý vùng ven biển.

Để hiểu rõ hơn về Ngày Khí tượng Thế giới 2021 và chủ đề “Đại dương- thời tiết và khí hậu của chúng ta”, PV đã có buổi phỏng vấn Giáo sư-Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

PV: Thưa ông, nhân Ngày Khí tượng Thế giới năm 2021, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã đưa ra chủ đề: “Đại dương và khí hậu, thời tiết của chúng ta”. Theo ông chủ đề năm nay sẽ tập trung vào những nội dung chính gì và có ý nghĩa như thế nào?

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Thái: Như chúng ta đã biết, đại dương bao phủ 70% bề mặt trái đất và đây là nhân tố chính của sự thay đổi về thời tiết và khí hậu trên thế giới và đóng một vai trò trung tâm trong biến đổi khí hậu. Đại dương cũng là nhân tổ chính của nền kinh tế toàn cầu. Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2021: “Đại dương và khí hậu, thời tiết của chúng ta”, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) muốn nhấn mạnh việc kết nối đại dương, thời tiết và khí hậu trong hệ thống trái đất. Đồng thời, nó cũng đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (2021-2030). Thập kỷ khuyến khích nỗ lực thu thập khoa học đại dương - thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi - làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

Có 6 vấn đề trọng tâm đã được đề cập đến trong chủ đề của ngày Khí tượng thế giới năm nay đó là:

 Thứ nhất, đại dương tác động thế nào đến Khí hâụ và Thời tiết: Theo các báo cáo, hơn 90% nhiệt lượng bị giữ lại trên Trái đất do phát thải khí nhà kính do  con người gây ra được lưu trữ trong đại dương, chỉ có khoảng 2,3% nhiệt lượng có tác dụng làm ấm bầu khí quyển, trong khi phần còn lại làm Trái đất ấm lên và làm gia tăng biến đổi khí hậu. Nguồn năng lượng khổng lồ mà đại dương hấp thụ được có thể tạo ra những cơn bão mạnh và có sức hủy diệt lớn cùng với các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy. Vì vây, các cơ quan dự báo thời tiết thường kết hợp các dữ liệu quan trắc đại dương và các kiến thức về quá trình tương tác giữa đại dương và khí quyển để dự báo sự thay đổi về thời tiết và khí hậu.

 Thứ hai, đảm bảo an toàn trên biển và đất liền: Nước biển dâng sẽ có thể tác động tới nguồn cung cấp nước ngọt, gây gia tăng các tác động của bão, ngập lụt, xâm nhập mặn tới các vùng ven biển. Những vấn đề này cần được quan tâm thỏa đáng trong thời gian tới nhằm tăng cường bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản trên biển cũng như quản lý vùng ven biển.

 Thứ ba, quan trắc đại dương: Để hiểu rõ hơn về đại dương và những ảnh hưởng của nó đối với khí hậu và thời tiết, chúng ta cần sử dung các công nghệ có khả năng giám sát đại dương một cách có hệ thống. Hiện tại, WMO đã và đang sử dụng Hệ thống Quan trắc Đại dương Toàn cầu (GOOS), là hệ thống bao gồm mạng lưới phao trôi, tàu và các quan trắc khác để theo dõi tình trạng hiện tại của đại dương, và theo dõi cách đại dương ấm lên và thay đổi như thế nào. Bên cạnh đó, WMO hợp tác với lĩnh vực hàng hải để đảm bảo quan trắc thời tiết và đại dương liên tục từ các Tàu Quan trắc Tự nguyện và các nền tảng quan trắc khác trên đại dương. Mặc dù, khoa học công nghệ đã phát triển và có nhiều tiến bộ nhưng phần lớn đại dương vẫn chưa được theo dõi, giám sát một cách sát sao. Do vậy, chúng ta cần có những quan trắc lâu dài và bền vững hơn để hiểu rõ hơn, qua đó dự đoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ những thay đổi do tự nhiên và con người gây ra trong môi trường toàn cầu.

 Thứ tư, dự báo thay đổi khí hậu: Với việc nâng cao chất lượng giám sát đại dương, bầu khí quyển và các hiểu biết khoa học, các nhà khoa học ngày càng có thể xác định và dự báo những sự thay đổi của khí hậu và thời tiết. Các Trung tâm Khí hậu Khu vực của WMO và Diễn đàn Nhận định Khí hậu Khu vực sử dụng kiến thức này để đưa ra các dự báo khí hậu theo mùa.

 Thứ năm, đại dương và biến đổi khí hậu: Nghiên cứu đại dương cũng rất cần thiết, giúp con người hiểu rõ hơn về sự thay đổi khí hậu do con người gây ra. Đại dương tích trữ phần lớn nhiệt đang bị giữ lại bởi hiệu ứng nhà kính và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra trên trái đất. Đại dương cũng hấp thụ CO2 do các hoạt động của con người thải ra, làm tính axit trong nước biển ngày một tăng (hay nói đúng hơn là ít kiềm hơn), gây tổn hại đến các rạn san hô và các sinh vật biển.

 Thứ sáu, mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và các sáng kiến khác: WMO cam kết đóng góp vào thập kỷ Khoa học Đại dương vì Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (2021 đến 2030), với nhiều hoạt động quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu vì một đại dương an toàn và minh bạch trong thông tin gửi đến các phương tiện truyền thông trong Thập kỷ tới. WMO cũng là Tổ chức đề cử được chỉ định cho Giải thưởng Sáng kiến Trái đất (2021 đến 2030), nhằm tìm kiếm giải pháp cho những thách thức môi trường cấp bách, bao gồm đại dương và khí hậu.

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV. (Ảnh:Internet).

PV: Đại dương khiến khí hậu thay đổi trong khoảng thời gian hàng tuần đến hàng thập kỷ thông qua các dao động thường xuyên. Việt Nam là đất nước có 28 tỉnh, thành có biển với hơn 3200km bờ biển, điều này ảnh hưởng thế nào với thời tiết, khí hậu Việt Nam, thưa ông?

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Thái: Chúng ta có bờ biển dài đến 3260 km với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ và nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới gió mùa với các đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và mưa theo mùa, hàng năm có khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình từ 1.500 đến 2.000mm. Độ ẩm không khí trên dưới 80%.

Do ảnh  hưởng gió mùa và sự phức tạp về địa hình nên Việt Nam thường gặp bất lợi về thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán. Miền Trung Việt Nam địa hình hẹp ngang, bên trong là dãy Trường Sơn chạy theo hướng Bắc Nam tạo thành nơi hứng các cơn mưa từ biển kéo vào khiến lượng mưa ở đây tương đối lớn, kết hợp địa hình độ dốc lớn từ Tây sang Đông thường dẫn đến lũ lớn, cường độ mạnh, nhanh và rất khó dự báo. Dãy Trường Sơn cũng là nơi chắn các đợt mưa từ Vịnh Bengan tạo ra những đợt không khí khô nóng. Bờ biển dài, lại là một trong những tâm bão lớn trên thế giới, thường là những cơn bão có cường độ tương đối mạnh vì đi thẳng từ biển vào không có gì che chắn, gây thiệt hại lớn cho khu vực chịu ảnh hưởng của bão.

Với một mạng lưới hơn 2000 con sông, suối đã và đang chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết khí hậu. Theo đặc điểm khí hậu, chế độ nước của sông ngòi cũng chia thành mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ chiếm tới 70-80% lượng nước cả năm và thường gây ra lũ lụt.

Cùng với đó, với những đặc điểm địa hình vô cùng phức tạp đối với công tác dự báo khí tượng thủy văn nhưng hệ thống khí tượng thủy văn trên toàn quốc  đã và đang từng phút, từng giờ, từng ngày quan trắc, đo đạc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phát báo, lưu trữ các yếu tố khí tượng thủy văn và môi trường phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai góp phần cho phát triển bền vững đối với các ngành kinh tế xã hội của Đất nước. Cung cấp số liệu khí tượng thủy văn cho các nước trong khu vực và trên thế giới theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với Tổ chức Khí tượng Thế giới, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc trên biên giới, hải đảo và biển Đông,..

PV: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, ngành Khí tượng Thủy văn cần phải “đi trước một bước”, “Đi nhanh hơn- tích cực hơn”. Vì vậy, ngành đã xác định những định hướng trọng tâm như thế nào nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới?

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Thái: Trong thời gian tới, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực khí tượng thủy văn; cảnh báo, dự báo sát, kịp thời mọi diễn biến các hiện tượng thời tiết, thủy văn, nhất là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; Chủ động xây dựng các phương pháp dự báo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ dự báo, tiến bộ kỹ thuật vào khai thác số liệu điều tra cơ bản và nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn; Xây dựng các phương án tổ chức quan trắc đo đạc và thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thu thập đầy đủ, chính xác, điện báo kịp thời số liệu khí tượng thủy văn và môi trường trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường năng lực dự báo phục vụ khí tượng thủy văn, nhất là dự báo bão, lũ; từng bước nâng cao chất lượng các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, đa dạng hóa các sản phẩm dự báo để phục vụ tốt đời sống xã hội, phát triển kinh tế đất nước. Đảm bảo duy trì hoạt động cho mạng máy chủ và các hệ thống thông tin chuyên ngành khí tượng thủy văn thông suốt trong mọi tình huống; Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin chuyên ngành; xây dựng hệ thống quản lý, điều hành, xử lý số liệu khí tượng thủy văn hiện đại phục vụ công tác dự báo; Quy hoạch lại các hệ thống truyền dẫn, luồng dữ liệu của các đơn vị trực thuộc nhằm khắc phục các tồn tại về hiện trạng hệ thống thông tin, tiết kiệm kinh phí và nhân lực duy trì hệ thống; Thiết lập kết nối mạng với Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm tăng cường trao đổi dữ liệu, tiếp thu công nghệ và ứng dụng.

Ngoài ra, ngành đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn; tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các nước và các tổ chức thế giới và khu vực, mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Italia, Mỹ, cơ quan Khí tượng Anh, Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa Châu Âu,... nhằm khai thác và phát huy tiềm năng công nghệ, kỹ thuật hiện có, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng có hiệu quả vào nghiệp vụ dự báo và quan trắc khí tượng thủy văn.  Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về khí tượng thủy văn, nhất là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm và cách phòng tránh như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lớn, lũ quét, dông, tố lốc nhằm nâng cao hiểu biết của người dân để chủ động phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại thiên tai./.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Thái

Bạn đang đọc bài viết Nhấn mạnh 6 vấn đề trọng tâm trong Ngày Khí tượng Thế giới 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.