Thứ năm, 25/04/2024 15:38 (GMT+7)

Nhân ngày báo chí CMVN 21/6: Nhớ một thời làm báo Quân khu Một

Nhà văn Đặng Vương Hưng -  Thứ tư, 22/06/2022 09:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hôm qua, một đồng nghiệp trẻ điện thoại cho mình bảo: Em muốn phỏng vấn tiền bối Đặng Vương Hưng về nghề báo, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 !

Chợt tự hỏi: Sao lại là "tiền bối"? Mình còn chưa đầu hói tóc bạc cơ mà? À, nhưng mà đã nhận lương hưu bằng nghề "nhặt chữ" thì đúng là "tiền bối" thật rồi chứ còn nữa !


Bỗng nhớ lại: Mình viết những bài báo đầu tiên từ năm 1976, khi còn là một anh lính trẻ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Bắc. Rồi cũng vì ngưỡng mộ mấy nhà báo ở tỉnh hồi đó, mà làm đơn nằng nặc xin được điều động đi làm lính cơ sở của Trung đoàn 196, đóng quân tại Xa Lý (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang ngày nay). 


Năm 1979, khi chiến tranh Biên giới phía Bắc xảy ra, đang là Trung đội phó huấn luyện Trinh sát, mình lại làm đơn xin về Trung đoàn 751 đơn vị mới thành lập để sớm được lên Lạng Sơn trực tiếp tham gia chiến đấu...


Những năm tháng đó, dù còn ở đơn vị cơ sở, nhưng hầu như tuần nào mình cũng có bài được đăng trên báo Quân đội, Nhân dân, Tiền phong... Đặc biệt là với chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, mình là một trong những cộng tác viên tích cực của chuyên mục Dành cho chiến sĩ trẻ, Chuyện kể ở Đại đội. Tiếp đó, mình còn có cả thơ và truyện ngắn được đăng đều đặn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội...


Hồi ấy, trong hàng trăm ngàn quân của Biên giới phía Bắc, chỉ nổi lên vài anh lính trẻ đam mê viết lách và sáng tác như mình. Có lẽ nhờ vậy mà năm 1981, khi mới có quân hàm Chuẩn uý, mình đã được bổ nhiệm làm Trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn. Bất ngờ hơn, cuối năm 1982, Tư lệnh Quân khu 1 đã ra Quyết định điều Chuẩn uý Đặng Vương Hưng, Trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn 347 - Quân đoàn 14 về làm Trợ lý Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Quân khu. Và mình cũng bắt đầu chính thức vào Nghề báo chuyên nghiệp từ đây.

tm-img-alt
Quyết định của Tư lệnh Quân khu 1 điều Chuẩn uý Đặng Vương Hưng, Trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn 347 - Quân đoàn 14 về làm Trợ lý Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Quân khu, năm 1982


Tháng 8/1983, mình được nhận Thẻ Nhà báo và được công nhận là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Báo Quân khu Một, tiền thân là tờ "Chiến Khu" có từ năm 1946 và qua rất nhiều tên gọi gắn liền với các sự kiện lịch sử của dân tộc như: "Việt Bắc quyết chiến", "Bắc Sơn", "Giữ nước", "Quân Việt Bắc", "Chiến sĩ Quân khu Một"...

tm-img-alt
Nghị quyết về việc kết nạp Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam do Tổng thư ký Đào Tùng ký xác nhận Đặng Vương Hưng là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam từ ngày 8/8/1983.


Làm việc tại Toà soạn này, từng có những tên tuổi nổi tiếng: Phạm Viên, Hàn Thế Long, Cao Nhị, Nhị Ca, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, Tô Ân, Lê Kim, Triệu Bôn... sau này đã là những cây bút chủ lực của Báo Quân đội nhân dân và trở thành các nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ được nhiều người biết đến.

tm-img-alt
Chân dung Thiếu uý, Nhà báo Đặng Vương Hưng, thời làm Báo Quân khu Một, đầu năm 1983.

Thời mình làm ở Báo Quân khu một: Có các anh Nguyễn Duy Quyền (sau từng làm Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng), Nguyễn Văn Tông (tức Hà Phương Thiện, sau từng làm Tổng biên tập Báo điện tử Tầm nhìn), Nguyễn Đức Khang (sau về Báo Quân đội Nhân dân), Nguyễn Hồng Phong...

tm-img-alt
Năm cây bút chính của Báo Quân khu Một năm 1983, từ trái qua: Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Duy Quyền, Nguyễn Tông, Đức Khang và Đặng Vương Hưng (ảnh chụp tại Bảo tàng Việt Bắc).

Chặng sau còn bổ sung thêm Ma Đình Việt (sau là Giám đốc - Tổng biên tập Đài PTTH Bắc Kạn), Hoàng Thiềng (sau về làm lãnh đạo Ban Tuyên giáo Hải Phòng), Ngô Văn Học...

Báo Quân khu Một hồi đó còn in tipo bằng cách sắp chữ chì, minh hoạ toàn dùng bản khắc gỗ. Cả Toà soạn chỉ có 5 anh em. Một nửa được cử đi công tác cơ sở. Ở nhà chỉ 2 - 3 người trực, khi ra báo là phải làm tất mọi việc: từ biên tập, xếp trang, đi nhà in sửa bài trực tiếp và phát hành...

tm-img-alt
Nhà báo Đặng Vương Hưng trong một chuyến đi tác nghiệp tại Điểm cao 820, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, 1984.
tm-img-alt
Nhà báo Đặng Vương Hưng (ngoài cùng bên phải) cùng các phóng viên báo chí trong một sự kiện tại Quân khu Một, năm 1983.


Sau mỗi lần báo ra, mình rất thích xung phong xuống đơn vị cơ sở lấy tin bài. Hồi đó, có chưa có điện thoại di động như bây giờ. Cứ khoác ba lô lên vai là đi cả tháng trời, lăn lộn cùng ăn ở và tham gia chiến đấu với anh em chiến sĩ các đơn vị từ Thái Nguyên, đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Bắc. Vất vả nhất là lên các điểm chốt và các đồn Biên phòng giáp biên giới, thường phải đi bộ cả mấy ngày đêm mới đến nơi. Năm 1984, khi mặt trận Lạng Sơn liên tiếp diễn ra những trận pháo kích ác liệt của quân Trung Quốc ở Điểm cao 636, 820 Tràng Định, hoặc Bản Chắt huyện Đình Lập... mình có mặt ngay và lăn lộn cùng chiến hào với bộ đội, để kịp thời gửi về Toà soạn những hình ảnh nóng hổi của từng trận đánh...

tm-img-alt
Đặng Vương Hưng (cầm ốm nhòm, ngồi hàng đầu) cùng một Tiểu đội bộ binh trên Điểm cao 636 Tràng Định (Lạng Sơn) sau một trận pháo kích của quân Trung Quốc. Quân phục của những người lính còn đầy bụi đất và khét lẹt mùi thuốc súng...


Chính thực tế làm báo sống chết trong thời chiến ấy, đã cho mình rất nhiều kinh nghiệm quý, để chặng sau này, chuyển về Hà Nội làm Báo An ninh Thế giới (1995 - 2005) và hiện nay là Tạp chí điện tử Mội trường và Đô thị Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều...


Và đây cũng chính là lý do để mình tổ chức Diễn đàn và Câu lạc bộ cùng tên "Trái tim người lính", với tôn chỉ mục đích "Kết nối và Chia sẻ - Tôn vinh và Tri ân" thông qua những buổi "Gặp mặt đồng đội"; đồng thời, sưu tầm thêm tư liệu cho tủ sách "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam"./.

Bạn đang đọc bài viết Nhân ngày báo chí CMVN 21/6: Nhớ một thời làm báo Quân khu Một. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.