Nhật Bản: Biến 20.000 tấn rác thải nhựa thành dầu thô
Công nghệ mới mang tên HICOP (viết tắt là sản xuất dầu hiệu quả cao) của Nhật Bản hứa hẹn biến hàng triệu tấn rác thải nhựa thành nguồn dầu thô với hiệu quả và độ linh hoạt cao.
Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), nhân loại đang đối mặt cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng với hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hằng năm, khoảng phân nửa số này là nhựa dùng một lần và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế
Đa số rác nhựa bị quẳng vào các bãi rác hoặc thậm chí tệ hơn là xả ra biển, mang đến mối đe dọa nghiêm trọng cho các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.
Tại Nhật Bản tạo ra gần 40 kg rác nhựa dùng 1 lần trên mỗi đầu người hằng năm, thuộc nhóm có tỷ lệ cao nhất thế giới. Sự trái ngược đến từ văn hóa chú trọng vệ sinh và trình bày, dẫn đến tình trạng bao bì quá mức.
Công ty Năng lượng Môi trường của Nhật Bản đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thương mại vào năm 2025, hứa hẹn có thể mang đến thay đổi trong lĩnh vực tái chế nhựa. Nhà máy sẽ áp dụng biện pháp xử lý mang tên HICOP (viết tắt là Sản xuất dầu hiệu quả cao), với mục đích chuyển đổi rác nhựa thành dầu thô. Chai nhựa, túi nilon, giấy gói - được tạo ra từ dầu mỏ. Phương pháp này sẽ đưa các sản phẩm đó quay lại nguồn gốc ban đầu của chúng.
Quy trình HICOP áp dụng cái gọi là bẻ gãy xúc tác, biện pháp được sử dụng trong hóa lọc dầu để phân rã phân tử nhựa ở nhiệt độ tối đa 450 độ C. Cách tiếp cận mới mang đến một số lợi thế so với những biện pháp tái chế truyền thống. Phương pháp mới được cho an toàn hơn kỹ thuật nhiệt phân, theo đó cũng bẻ gãy nhựa ở nhiệt độ cực cao.
HICOP cho ra thành phẩm là dầu thô chất lượng cao, bao gồm 50% gasoline và 50% diesel, có thể xử lý khoảng 120 tấn rác nhựa mỗi tháng với thời gian ngừng hoạt động tối thiểu. Kết quả là dầu được ra có thể sử dụng làm xăng cho xe cộ, nhiên liệu sưởi ở nhà, hoặc vật liệu thô cho vòng sản xuất nhựa mới.
Một trong những khía cạnh hứa hẹn nhất của HICOP là tính linh hoạt rất cao. Hệ thống mới có thể xử lý rác nhựa hỗn hợp và thậm chí có tính năng khử clo, cho phép tái chế nhựa PVC với nguy cơ ô nhiễm thấp.
Công nghệ mới mang đến hy vọng không chỉ cho Nhật Bản và có thể áp dụng khắp toàn cầu. Trong lúc các nước chưa có biện pháp xử lý rác nhựa hiện quả, những sáng kiến như HICOP mang đến hy vọng thực sự.
Năng lực chuyển đổi rác nhựa sang nhiên liệu sử dụng được hoặc vật liệu thô cho nhựa mới có thể giảm mạnh ảnh hưởng môi trường trong lúc con người ngày càng phụ thuộc vào đồ nhựa.
Thiên Bảo (T/h)