Thứ sáu, 29/03/2024 16:41 (GMT+7)

Nhật Bản: Đầu tư 100% chi phí làm sạch sông Tô Lịch?

MTĐT -  Thứ ba, 03/12/2019 17:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây. Sau khi thành công sẽ cho Hà Nội thuê rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý.

Theo Dân trí đưa tin, thông cáo báo chí phát đi chiều 3/12 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản (JEBO), giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống trước khi xả thải ra sông để xử lý cả sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản được thực hiện như sau: Khi thí điểm thành công về việc chứng minh mô phỏng xử lý trong 24 giờ lượng nước thải chảy liên tục vào khu quây theo tỉ lệ thực tế trên sông Tô Lịch được xử lý bằng công nghệ Nhật Bản, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn hiện hành của Việt Nam (QCVN 08-MT:2015/BTNMT), JEBO đưa ra giải pháp xử lý cho cả dòng sông Tô Lịch: 

Nhóm 1: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý nước thải tại chỗ trong ngày (24 giờ), rồi mới xả vào sông nước đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN), là nguồn cấp nước bổ cập tại chỗ cho sông Tô Lịch.

Nhóm 2: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.

TS.Tadashi Yamamura - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản.

Như vậy, giải pháp này sẽ đảm bảo nước thải từ các cống sẽ được xử lý tại chỗ tại bể ngầm dưới đất bằng hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 2 tạo ra nước đạt QCVN rồi mới chảy vào sông Tô Lịch. Trong trường hợp phát sinh nước thải tràn vào lòng sông thì vẫn có hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 2 đặt ở giữa sông (có tính toán hợp lý, khoa học theo công thức tính toán của phát minh tại Nhật Bản) để xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.

"Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, có điều khiển đáp ứng cả khi có mưa bão lớn. Chi tiết về hệ thống xử lý nước thải tại chỗ bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản, chúng tôi sẽ công bố trong buổi Hội thảo khoa học tại Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sắp tới" - JEBO cho biết.

JEBO đưa ra đánh giá 12 ưu điểm của công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản giải quyết đồng thời được các vấn đề hiện tại của Việt Nam trong xử lý nước thải (XLNT) sông Tô Lịch và các “dòng sông chết, ao hồ ô nhiễm” khác, như chi phí đầu tư ban đầu thấp; xử lý triệt để tận gốc mùi hôi thối; xử lý tận gốc tại chỗ tạo ra nước đạt QCVN, dùng làm nguồn cấp bổ cập tại chỗ cho các “dòng sông chết, ao hồ ô nhiễm”...;

Bảo tồn hệ sinh thái, cá, thủy sinh phát triển tốt; hệ thống xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp; không cần tốn chi phí xây dựng hàng chục, hàng trăm km cống bao thu gom, chi phí giải phóng mặt bằng; góp phần làm giảm ô nhiễm không khí hiện đang ở mức cao, do cũng có một phần ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm từ sông Tô Lịch bay lên..

"Như trong buổi họp đánh giá về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản do Chủ tịch UBND Hà Nội chủ trì ngày 29/10/2019, chúng tôi cũng đã báo cáo UBND thành phố về phương án phía Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây thành công thì cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý, vận hành" - JEBO khẳng định.

JEBO cho biết thêm, về lâu dài, khi Việt Nam có điều kiện về kinh tế vẫn nên hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị, xây dựng các hệ thống cống bao, thu gom tách nước thải từ nguồn đưa về các Nhà máy XLNT tập trung. Đồng thời Việt Nam cần ra quy định về bắt buộc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải từ các hộ gia đình (tiếng Nhật là Jokaso) để xử lý từ nguồn như tại Nhật Bản.

"Tuy nhiên, với thực trạng ô nhiễm hiện nay, đối người người dân Việt Nam, họ không biết và không quan tâm về các chỉ số kỹ thuật như COD, BOD5 ... là bao nhiêu mà điều người dân sống ở hai bên bờ dòng sông ô nhiễm họ mong mỏi nhất đó là cơ quan quản lý nhà nước xử lý được triệt để vấn đề mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông ô nhiễm đang hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ" - JEBO cho biết.

Trước đó, ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết thành phố đang nghiên cứu 3 phương án giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Về phương pháp của chuyên gia Nhật Bản, ông Dục cho rằng vẫn chưa thực sự hiệu quả và Hà Nội đang tìm phương án khác.

Ngày 12/11, lãnh đạo UBND Hà Nội đã có buổi làm việc với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản và Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Để đánh giá toàn diện quá trình thí điểm, UBND Hà Nội đề nghị JVE gửi Sở Xây dựng hồ sơ, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ Nano-Bioreactor; giấy chứng nhận công nghệ xử lý của Chính phủ Nhật Bản hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận...

Đơn vị cũng được yêu cầu trình danh sách các công trình, dự án đã được xử lý bằng công nghệ Nano-Bioreactor tại Nhật Bản và các nước khác và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và Hà Nội về tính chính xác, pháp lý đối với các hồ sơ cung cấp.

Ngoài ra, UBND Hà Nội giao Sở Xây dựng giới thiệu 1 hồ nước đọng trên địa bàn thành phố để JVE xử lý mùi và làm sạch nước, bùn hồ bằng công nghệ Nano-Bioreactor.

"Quá trình xử lý phải lấy mẫu không khí, nước, bùn tại các thời điểm trước, trong và sau xử lý để xét nghiệm các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn của Việt Nam. Mời các đơn vị khoa học độc lập có năng lực, kinh nghiệm để thẩm định đánh giá khách quan chính xác", văn bản kết luận buổi làm việc nêu.

Bạn đang đọc bài viết Nhật Bản: Đầu tư 100% chi phí làm sạch sông Tô Lịch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.